Hội mùa ấm no của người Vân Kiều

Đức Việt |

Khi những hạt thóc khô khén được chất đầy một góc nhà sàn, nông cụ được làm sạch cất giữ cẩn thận; những ché rượu cần đã lan tỏa hương nồng; đàn dê, lợn, gà đến thì béo mẫm cũng là lúc dân bản Vân Kiều xúng xính trong bộ trang phục truyền thống tổ chức lễ hội cúng mừng lúa mới. 

“Mừng lúa mới” là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Vân Kiều, thường được tổ chức vào tháng 10, 11, 12 hằng năm. Năm nay, tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng nằm dưới chân đèo Sa Mù kỳ vĩ – lễ hội “Mừng lúa mới” được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức phục dựng trang trọng và đầy màu sắc văn hóa truyền thống…

Độc đáo lễ hội “Mừng lúa mới”

Hướng Hóa là huyện miền núi có hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm phần lớn, sống ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện. Người Vân Kiều gắn bó lâu đời với núi rừng, lối sống và môi trường sống đó đã dần hình thành nên những nét văn hóa hết sức độc đáo, gắn liền với người dân từ đời này sang đời khác. Trải qua chiều dài lịch sử với biết bao thăng trầm nhưng người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vĩ luôn biết cách gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa trên nương rẫy tại lễ hội - Ảnh: Đ.V
Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa trên nương rẫy tại lễ hội - Ảnh: Đ.V

Những ngày cuối tháng 10/2022, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa chủ trì tổ chức phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” với mong muốn bảo tồn và phát huy lễ hội độc đáo này. Giữa khoảng sân rộng lớn ở trung tâm thôn Chênh Vênh, ban tổ chức đã dựng nên không gian ngày hội mùa với những khóm lúa trĩu hạt, trưng bày những nông cụ cùng một không gian âm nhạc với đầy đủ nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Cùng với đó là những ché rượu cần thơm nồng, những món ẩm thực độc đáo, hấp dẫn được bày biện trang trọng. Trong không gian mang đậm màu sắc truyền thống hội mùa ấy, các nam thanh nữ tú người Vân Kiều say mê hát múa, khoan thai theo từng nhịp chày giã gạo... Từ ngàn xưa, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Sự ra đời của lễ hội “Mừng lúa mới” cũng bắt nguồn từ ý nghĩa đó.

Mừng lúa mới là lễ hội quan trọng nhất của người Vân Kiều, tuy nhiên với sự giao thoa văn hóa như hiện nay thì bản sắc văn hóa này đang bị mai một dần. Vì vậy, việc tổ chức phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới” trước hết là để nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy cũng như nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm kết nối di sản văn hóa phi vật thể với cộng đồng văn hóa tương đồng ở Quảng Bình, để tăng cường quảng bá, kết nối, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Tại buổi phục dựng lễ hội mừng lúa mới, mở màn biểu diễn là hình ảnh các chàng trai, cô gái Vân Kiều lên rẫy tuốt lúa từ sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn chưa kịp thức dậy, khi con chim trên rừng còn chưa cất tiếng hót. Dụng cụ mang theo của các chàng trai, cô gái lên nương rẫy là những chiếc A chói và A giăng, tức là gùi và giỏ. A chói và A giăng được thiết kế nhỏ gọn, buộc một bên hông để đựng lúa một cách thuận tiện nhất, hạn chế sự rơi vãi của hạt lúa. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế, tỉ mỉ, các chàng trai, cô gái thu hoạch những hạt lúa chắc mẩy, chín đượm đúng độ vàng ươm.

Sự song hành của các chàng trai mang dáng dấp mạnh mẽ cùng các cô gái lên nương, lên rẫy thu hoạch lúa là một hình ảnh đẹp, biểu hiện sự đoàn kết đồng hành với nhau của hai phái nam và nữ trong đời sống cũng như trong lao động sản xuất của người Vân Kiều. Những gùi lúa trĩu nặng sẽ được các chàng trai gùi về bản. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng, mừng vui đón một vụ mùa bội thu.

Lúa sau khi tuốt đưa về nhà sẽ được để ít nhất 3 ngày mới đem giã. Trong 3 ngày đó, lúa được bà con đem phơi khô, sảy sàng làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc mẩy nhất đem cất vào kho. Công đoạn giã gạo thường là công đoạn được người phụ nữ trong gia đình, bản làng đảm nhận. Sau khi lúa được phơi khô, làm sạch thì cho vào cối lớn bằng gỗ để giã.

Với đôi bàn tay khéo léo nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, các chị, các mẹ Vân Kiều đã tạo ra thành phẩm là những mẹt gạo trắng ngần, thơm ngon. Trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều chuẩn bị lễ vật rất chu đáo.

Các cô gái Vân Kiều sẽ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng, trên nương để chuẩn bị. Tiếp đó, những chàng trai Vân Kiều khôi ngô, khỏe mạnh cầm cung, nỏ, ná, đeo nơm lên rừng xuống suối để tìm kiếm những sản vật mà thiên nhiên ban tặng như: mật ong, sóc, cua, cá suối…

Khung cảnh lễ hội nhìn từ trên cao - Ảnh: Đ.V
Khung cảnh lễ hội nhìn từ trên cao - Ảnh: Đ.V

Sau khi các vật tế được chuẩn bị xong là tới công đoạn làm các món ăn để bày trong mâm cúng lễ. Nam giới thì làm gian nước, gian củi, gian bếp, gà, heo, cá rồi nướng cá, hấp cá, gùi ống cá; nướng thịt, luộc thịt, gùi ống thịt lợn; nướng gà, luộc gà, nướng đọt mây, thui cơm lam, rót rượu cần, rượu trắng. Nữ giới làm tất cả các loại gia vị, trộn gia vị cho các món ăn theo từng loại; ngâm gạo, ngâm nếp để nấu cơm, nấu xôi; luộc sắn, ngô, khoai... và chuẩn bị chu đáo lễ vật dâng cúng, làm sao đảm bảo yếu tố hấp dẫn, đẹp mắt và an toàn thực phẩm.

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, các lễ vật sẽ được đặt vào mâm và dâng lên nhà sàn chính để tiến hành lễ cúng. Khi lễ vật đã được bày biện xong cũng là lúc người lớn tuổi, người có uy tín trong dòng họ thực hiện nghi lễ cúng bái.

Theo nghi lễ truyền thống, chủ lễ sẽ khấn vái tổ tiên và mời các vị thần linh như: Thần lúa, Thần trời, Thần sông suối, Thần cây cối về dự lễ để báo cáo kết quả vụ mùa, đồng thời tạ ơn thần linh đã cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Cùng với các lễ vật gồm heo, gà, cua, cá, sóc, các loại nông sản thì phần dâng cúng không thể thiếu khăn, áo, váy và một số trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Với quan niệm Thần lúa là nữ giới nên trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều dâng kèm các trang phục của nữ giới…

Sau phần lễ là phần hội với sự hòa trộn âm thanh giữa tiếng khèn, tiếng đàn của các chàng trai và tiếng hát của các cô gái. Tiếng khèn, tiếng đàn cùng làn điệu dân ca Tà oải, Oát xa nớt vốn là di sản văn hóa quý báu và đặc sắc của người Vân Kiều. Lời hát là các làn điệu dân ca truyền thống mang ý nghĩa cầu chúc cho cuộc sống an bình, ấm êm.

Gìn giữ cho mai sau

Hòa chung trong không khí sôi nổi của ngày hội lớn, ông Hồ Thanh Xuân (80 tuổi) ở thôn Chênh Vênh, vui vẻ nói: “Từ xưa đến nay, lễ hội cúng mừng lúa mới luôn được dân bản tổ chức trang trọng. Vào ngày hội hằng năm, dân bản quây quần bên nhà sàn ở trung tâm bản ăn uống, hát hò, thổi khèn, thổi sáo suốt một ngày, một đêm.

Đó là ngày để dân bản mình bày tỏ sự biết ơn và cầu mong các đấng thần linh tiếp tục phù hộ cho những vụ mùa bội thu, cho đời sống của bản làng luôn đủ đầy. Năm nay được dự lễ hội cúng lúa mới lớn do huyện tổ chức nên dân bản rất phấn khởi và hứa sẽ cùng nhau gìn giữ lễ hội độc đáo của cha ông”.

Phụ nữ Vân Kiều sàng sảy thóc sau khi giã để cho ra những mẻ gạo trắng ngần - Ảnh: Đ.V
Phụ nữ Vân Kiều sàng sảy thóc sau khi giã để cho ra những mẻ gạo trắng ngần - Ảnh: Đ.V

Lễ hội “Mừng lúa mới” của người Vân Kiều được xem là bức tranh đa sắc màu, hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc trưng. Mừng lúa mới có truyền thống từ lâu đời, gắn với bản sắc văn hóa phi vật thể, là sự phản ánh trong sâu thẳm tâm hồn của người Vân Kiều luôn mong ước về một vụ mùa bội thu.

Lễ hội là dịp dân bản báo cáo với thần linh rằng đã thu hoạch xong vụ mùa và xin tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, cho bản làng yên ấm. Đây cũng là dịp kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng. Vì thế, chính quyền địa phương luôn vận động người dân giữ gìn, phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ trẻ về lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống này của người Vân Kiều.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương

Diệu Hương |

GS. TS Lê Toàn Thủy thực hiện 3 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân chủ động phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.

Chuyển đổi 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả

Lê An |

Nhằm hạn chế bỏ hoang đất, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được cơ cấu cây trồng trên diện tích 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Trong đó, 170 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cây hàng năm, 30 ha trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Việt Nam phát triển giống lúa thích nghi biến đổi khí hậu

Nguyễn Minh |

Dự án đã quy tụ các chuyên gia giỏi nhất của các cơ quan chính phủ, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp giỏi nhất của Việt Nam và Australia.

“Lễ hội Mừng lúa mới” của đồng bào Vân Kiều gây ấn tượng cho du khách

Xa Ry |

Ngày 28/10/2022 tại Khu du lịch sinh thái thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị), Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa đã tổ chức Lễ phục dựng “Lễ hội Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Vân Kiều.