Cung đường EWEC là tài nguyên vô giá để liên kết phát triển du lịch giữa Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều tour xuyên á trên cung đường này đang dần nối lại, thắp tín hiệu “hồi sinh” sau đại dịch…
“Kho báu” với nhiều lợi thế
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng lần thứ 8, tổ chức tại Manila (Philippines) tháng 10/1998, có 5 dự án hành lang được đưa ra thảo luận. Hội nghị đã thống nhất ưu tiên thực hiện Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC). EWEC chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006.
EWEC đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, chạy từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng.
Tuyến hành lang 1.450km này là cung đường mở ra nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, xã hội giữa các nước; trong đó, du lịch được xem là “kho báu” cho các nước trên tuyến khai phá.
Ngay từ khi thiết lập, du lịch bằng đường bộ qua tuyến EWEC đã được các nước chú ý bởi giá trị đồ sộ của hệ thống danh thắng, di tích lịch sử; kết nối những không gian văn hóa đa dạng và đa sắc tộc… Lợi thế về địa lý vẫn thường được người làm du lịch trên cung đường này nói gần gũi, rằng: “Ngày ăn cơm ba nước” (buổi sáng ở Quảng Trị, trưa ở Lào và tối ở Thái Lan).
Tại Việt Nam, Quảng Trị là cửa ngõ của EWEC. Từ Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đến cực Đông - biển Cửa Việt chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Với hệ thống di tích lịch sử văn hoá, danh thắng đồ sộ, cùng những bãi biển nổi tiếng, Quảng Trị là địa phương đầu tiên tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách từ Myanmar, Thái Lan và Lào. Từ cửa ngõ đầu tiên này, giá trị lan tỏa và kết nối cho các đơn vị lữ hành trong khu vực EWEC, với các chương trình du lịch đã được xác lập như EWEC - Con đường di sản miền Trung - Con đường huyền thoại, lễ hội Vì Hoà bình…
Hay cụ thể và gần gũi như nhu cầu của những du khách “khát biển” từ Đông Bắc Thái Lan và Lào, các bãi biển đẹp nổi tiếng như Nữ hoàng bãi tắm Cửa Tùng, biển Cửa Việt, biển Mỹ Thuỷ và hàng chục bãi biển mới nổi khác là lợi thế đặc biệt, cả về mặt khoảng cách địa lý. Chỉ tính riêng những địa phương ở gần cửa khẩu Densavan (đối diện cửa khẩu Lao Bảo), buổi sáng du khách có thể tự lái xe nhập cảnh đến Quảng Trị tắm biển, tham quan các danh thắng; chiều tối có thể quay về, vì khoảng cách di chuyển chưa đầy 200 cây số…
Những cánh cửa dần mở lại
Từ giai đoạn đầu thông tuyến EWEC, phát triển du lịch đã được các quốc gia quan tâm, bởi đây là cung đường kết nối những tài nguyên vô giá. Mỗi nước có những cách làm khác nhau, với những thế mạnh riêng. Như cách làm du lịch của người Thái vẫn thường nổi trội, từ lâu đã có chiến dịch maketing rất tốt: tại Mukdahan, một trung tâm thương mại lớn của thành phố này đã được đặt tên Đà Nẵng. Và xa hơn tại miền Nam, “thủ phủ” du lịch Phu Khet cũng đã có những quán ăn, cửa hàng mang tên Đà Nẵng và các địa danh khác của Việt Nam…
Trong khi đó, tại Việt Nam, Quảng Trị ở giữa miền Trung nên có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối du lịch EWEC với “Con đường di sản miền Trung”, nhất là với các tỉnh láng giềng như Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Nếu Thừa Thiên Huế được biết đến với hệ thống di tích Cố đô xưa, Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng hệ hang động độc đáo, thì Quảng Trị có những đặc điểm rất riêng để liên kết phát triển du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm và du lịch khám phá mạo hiểm, nghỉ dưỡng. Đó là một không gian lợi thế và hấp dẫn trong kết nối du lịch EWEC.
Thế nhưng, đại dịch COVID-19 xảy ra hai năm qua gần như làm “đóng băng” hoạt động du lịch quốc tế; các tour kết nối qua cung đường EWEC cũng không là ngoại lệ. Song, tín hiệu “hồi sinh” đã nhanh chóng được thắp lên. Từ cuối năm 2021, Việt Nam chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch, từng bước thích ứng linh hoạt với “bình thường mới”. Cho đến nay, đại dịch từng bước được kiểm soát, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và những cánh cửa giao thương, du lịch đã và đang dần mở ra.
Trong kết nối với EWEC, từ sau ngày 09/5/2022, Chính phủ Lào cho phép mở cửa các cửa khẩu quốc tế, những tín hiệu “hồi sinh” của du lịch trên tuyến EWEC có thêm dấu hiệu rõ rệt, được hiện thực hoá bằng nhiều tour xuyên Á trên cung đường này.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Du lịch Việt Hà (Vietha Travel) cho biết, các kênh du lịch nội địa và quốc tế đã bắt đầu kết nối, khởi động lại sau khi Thái Lan, Lào và Việt Nam thông thương. “Hiện tại chúng tôi đã đưa khách Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Trong khi đó, các tour nội địa đi Thái Lan cũng đang lên đơn và chuẩn bị khởi động. Tất cả sẽ được “hồi sinh” và phát triển theo quỹ đạo của nó. Vấn đề chúng ta chuẩn bị được những gì để đón nhận làn sóng du lịch hậu COVID này”, ông Hà chia sẻ.
Đón làn sóng du lịch hậu COVID-19, 2022 cũng là một năm đặc biệt của du lịch Việt Nam. Tại cửa ngõ với EWEC, ông Hồ Văn Hoan - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh đã có chương trình khôi phục du lịch sau đại dịch. Tháng 02/2022, cơ quan quản lý du lịch 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký biên bản liên kết, hợp tác để tăng cường triển khai nhiệm vụ này.
Năm 2022 đặc biệt hơn khi là Năm Du lịch Quốc gia diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, các hoạt động hướng đến Lễ hội Vì Hoà Bình tại tỉnh Quảng Trị, Asian Routers 2022 tại Đà Nẵng, Festival Huế 2022… Theo đó 2022 là một năm đầy hy vọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và 5 địa phương miền Trung nói riêng, trong đó hứa hẹn có thêm động lực từ những cánh cửa dần mở lại với EWEC.
“Đối với du lịch trên EWEC, phía Lào đã thông đường, bắc cầu với Thái Lan, từ đó mở ra cánh cửa lớn để hướng tới nhiều kỳ vọng. Với lợi thế về vị trí địa lý, Quảng Trị sẽ khai thác triệt để du lịch trên tuyến này. Cũng như Đà Nẵng và Huế, Quảng Trị là cực Đông ngắn nhất của hành lang EWEC, nó như là một ban công hướng ra biển Thái Bình Dương, chắc chắn là nơi hưởng lợi nhiều nhất”, ông Hoan tin tưởng.