Trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân thì hợp tác phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu, tạo động lực lan tỏa và thúc đẩy hội nhập khu vực.
EWEC là hành lang dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Với những chuyển động mạnh mẽ trên EWEC, “hạ tầng cứng” về giao thông thời gian qua đã được đầu tư kết nối thông suốt toàn tuyến và bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, “hạ tầng mềm” như đơn giản hóa thủ tục hải quan, triển khai hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) có những bước chuyển quan trọng.
Về giao thông đường bộ, hằng năm, mỗi nước cấp phép cho 500 xe vận tải chạy qua các nước dọc EWEC. Đối với xe du lịch, hiện tại Việt Nam, Lào và Thái Lan đã ký hiệp định 3 bên về phương tiện vận tải qua lại. Mặc dù mới chỉ kết nối cơ bản, song hiệu quả mà EWEC mang lại cho các nước, các địa phương trên hành lang rất lớn. Điển hình năm 2021, trong điều kiện COVID-19 diễn biến rất phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Trị vẫn tăng cao, đạt 981 triệu USD, tăng 132,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 1.399 tỉ đồng, bằng 291% và tăng 285% so với dự toán địa phương. Hoạt động quá cảnh hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay trị giá hơn 11 tỉ USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2020. Quý I/2022, doanh thu vận tải ước tính đạt 489 tỉ đồng, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa 345,5 tỉ đồng, tăng 2,6%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải 61,8 tỉ đồng, tăng 5,2%; doanh thu vận tải hành khách 82,6 tỉ đồng, giảm 6,2%).
Điều quan trọng là vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đa dạng hơn trước gồm nguyên liệu, hàng hóa từ các nước Canada, Mỹ, Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong nước vận chuyển đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo làm thủ tục để qua Lào, Thái Lan; những nguyên liệu, mặt hàng tiêu dùng từ Thái Lan, Lào về các tỉnh, thành phố khác trong nước và ra nước ngoài cũng qua cửa khẩu này. Trong đó có nhiều mặt hàng đem lại thu ngân sách cao như xuất khẩu gỗ dăm và nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, nước tăng lực, cao su tự nhiên, máy điều hòa nhiệt độ…Đây là tín hiệu vui cho thấy cần có các giải pháp mạnh hơn nữa để phát triển vận tải xuyên biên giới với các nước trong khu vực. Nếu EWEC phát triển thực chất thì các địa phương như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ được hưởng lợi lớn từ việc thu hút sự các nhà đầu tư vào khu vực.
Về phía tỉnh Quảng Trị, cùng với EWEC, tỉnh đang xúc tiến thúc đẩy hình thành hành lang đường bộ Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển nước sâu Mỹ Thủy; đồng thời xúc tiến xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, kho tàng, bến bãi, xây dựng cảng trung chuyển hàng hóa container, kết nối với EWEC, phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước trong khu vực GMS. Phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực GMS vào năm 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, từ khi COVID-19 bùng phát, khâu vận tải ở phía các nước Lào, Campuchia vẫn tồn tại các chính sách chưa phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, làm tăng chi phí vận tải. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Võ Thái Hiệp, doanh nghiệp Việt Nam phải dùng phương tiện của nước sở tại vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, sau đó sang xe, đổi tài xế mới vào lãnh thổ nước ta, phát sinh chi phí gấp 2-3 lần bình thường. Đây là khó khăn cho hoạt động vận tải nói riêng và thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác giữa các tỉnh dọc EWEC nói chung.
Để tháo gỡ vướng mắc trong vận tải hàng hóa, thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư, trung tuần tháng 2/2022 vừa qua, Đoàn lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng dẫn đầu đã có chuyến thăm hữu nghị các tỉnh Savannakhet, Salavan nhằm thống nhất cơ chế thông thoáng nhất thúc đẩy hợp tác ở cấp địa phương và đề xuất cơ chế hợp tác cấp Chính phủ hai nước Việt NamLào, khai thác hiệu quả lợi thế Hành lang kinh tế Đông-Tây. Các tỉnh nước bạn Lào cũng đã thống nhất với tỉnh Quảng Trị các giải pháp đề nghị chính phủ hai nước có cơ chế thông thoáng cho hàng hóa qua lại ở hai cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị)-Densavanh (Savannakhet), LaLay (Quảng Trị)-La Lay (Salavan).
Đồng thời, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet thống nhất nội dung đề xuất cơ chế hoạt động “hạ tầng cứng” và “hạ tầng mềm” trong khu thương mại, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Densavanh để trình chính phủ mỗi nước. Việc tạo cơ chế thông thoáng cho vận tải xuyên biên giới thời kỳ thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 còn nhằm kích cầu phát triển du lịch, dịch vụ logistics, xây dựng EWEC ở Quảng Trị thành hệ sinh thái đa ngành, đa lĩnh vực, tạo nguồn hàng thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong thời gian tới.
Có thể thấy, việc tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông Hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển dịch vụ vận tải, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế của các nước dọc hành lang đi qua mở ra cơ hội biến EWEC thành hành lang kinh tế phát triển năng động trong khu vực GMS. Từ hành lang kết nối giao thông đến hành lang phát triển kinh tế với hoạt động thương mại xuyên biên giới nhộn nhịp, thúc đẩy kết nối các di sản văn hóa để phát triển du lịch, EWEC tạo điều kiện cho các vùng và các địa phương liên kết, hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của thế giới vào EWEC nói riêng và các nước ASEAN nói chung. Không chỉ gắn kết các nền kinh tế của các quốc gia GMS, EWEC còn là cầu nối hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển, hội nhập sâu rộng với các nước bên bờ Thái Bình Dương với các nước bên bờ Ấn Độ Dương, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2025.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)