Quảng Trị sẽ thịnh vượng trên EWEC?

Lâm Chí Công |

Với những tâm huyết dành cho tỉnh Quảng Trị, PGS-TS Lâm Chí Dũng (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) đã có rất nhiều suy tư, trăn trở xung quanh câu chuyện làm gì và bao giờ Quảng Trị sẽ trở nên thịnh vượng. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu nội dung trò chuyện giữa Nhà báo Lâm Chí Công với PGT-TS Lâm Chí Dũng.

Nhà báo Lâm Chí Công: Chúng ta đã nói nhiều, và trên thực tế chúng ta cũng đã tích cực hành động để cho Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) sớm trở thành hiện thực, mang lại sự thịnh vượng cho cư dân các địa phương trên hành lang kinh tế giàu tiềm năng này. Là người nghiên cứu - giảng dạy về kinh tế ở ngay một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội lớn của miền Trung, Đà Nẵng là điểm cuối của EWEC, xin anh phác thảo đôi nét về bức tranh EWEC mà không phải người cầu toàn và ít lạc quan nào cũng có thể dễ dàng... “thấu cảm”. 

PGS-TS Lâm Chí Dũng: Để trả lời câu hỏi này, cần bắt đầu từ một khái quát ngắn về điểm xuất phát của (đại) dự án EWEC. Đây là một sáng kiến được ADB và JICA Nhật Bản khởi xướng (một trong ba sáng kiến về hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mekông mở rộng). Mục tiêu cốt lõi của EWEC mà những chủ thể khởi xướng mong muốn là hình thành một khu vực nhằm tạo thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, tài chính, con người và thông tin xuyên quốc gia, hình thành một cơ chế thúc đẩy thương mại, đầu tư qua biên giới và sản xuất định hướng xuất khẩu. Chính trên cơ sở đó, các nước ASEAN đã hiện thực hoá khái niệm EWEC vào năm 1998 với việc cụ thể hoá thành các mục tiêu sau:

- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương của bốn nước dọc theo EWEC. Tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế.

- Giảm chi phí vận tải tại các địa phương dọc theo EWEC, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách đạt hiệu quả cao hơn.

- Góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương dọc theo EWEC.

Như vậy, có thể tạm coi năm 1998 là thời điểm để khởi động EWEC. Từ đó đến này đã trên dưới 20 năm. Điểm lại, có thể thấy được những thành quả ở những mức độ khác nhau trong lộ trình tiến đến mục tiêu, bao gồm những điểm nhấn sau:

- Hệ thống hạ tầng giao thông đã kết nối được toàn tuyến với sự đầu tư khá lớn.

- Đã hình thành được các cơ chế phối hợp có tính quốc tế.

- EWEC đã thu hút được sự quan tâm của công luận và các đối tác quốc tế. Cũng đã có khá nhiều các diễn đàn trao đổi, thảo luận về các chủ đề liên quan ở tầm địa phương, quốc gia và quốc tế.

- Đã hình thành các khu công nghiệp và các khu thương mại tự do trên tuyến.

- Chính phủ các nước trên toàn tuyến cũng đã có những cải cách về chính sách và thủ tục quan trọng nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho EWEC.

- Bước đầu các giao điểm với trục kinh tế Bắc - Nam, một trục kinh tế phát triển, gắn liền với những trung tâm kinh tế lớn - đã được kết nối tương đối tốt.

Tuy nhiên, người quan sát khách quan sẽ nhận thấy 2 vấn đề rất đáng quan tâm:

- Ngoài những cải thiện rõ rệt về hệ thống giao thông giúp giảm chi phí vận tải, chính sách và thủ tục giúp tạo ra sự thông thoáng, gỡ bỏ các rào cản... các mục tiêu khác mà thấy rõ nhất là mục tiêu thúc đẩy thương mại, đầu tư xuyên quốc gia và sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn chưa đạt được tiềm năng mong muốn.

- Điều đáng quan ngại nhất là EWEC sẽ có nguy cơ mất dần sự chú ý, lạc ra ngoài tiêu điểm khi các đối tác khởi xướng và “làm bà đỡ” bận rộn với quá nhiều những dự án có tính cạnh tranh khác và bản thân họ cũng phải đối phó với những áp lực từ chính những vấn đề nội tại. Mức độ chú ý giảm đi cũng có thể xuất hiện tại chính ngay trong các nước dọc tuyến hành lang này. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 sẽ làm cho các vấn đề nói trên trở nên nghiêm trọng hơn.

Dù vậy, chúng ta vẫn cần và có thể lạc quan. Lạc quan vì đã có những tiền đề tốt. Lạc quan vì chính những nhận thức về những điều chưa làm được và tại sao lại chưa làm được. Bởi vì điều này nói lên rằng tiềm năng vẫn còn rộng mở nếu các chủ thể của EWEC tăng tốc tiến trình bằng các giải pháp khắc phục những vấn đề đã, đang và sẽ được khám phá.

..
Phố núi Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị), tuyến đầu Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đang phát triển từng ngày.

Nhà báo Lâm Chí Công: Dĩ nhiên là, vì nhiều nguyên nhân, trong đó thường được đề cập nhất vẫn là nguồn lực tài chính, nên tốc độ triển khai, phát triển EWEC chưa đạt được các mục tiêu kỳ vọng cũng như các kế hoạch năm, giai đoạn. Nhưng, với tư cách nhà báo, có tham gia và hiểu biết nhất định về EWEC, chúng tôi nghĩ rằng, nguồn lực tài chính chưa phải là nguyên nhân chính. Các lực cản, rào cản khác như ngôn ngữ, thủ tục hành chính, sự cát cứ, cục bộ, năng lực lãnh đạo và quản trị, sự hạn chế về tầm nhìn... mới là những nguyên nhân quan trọng khiến cho EWEC chưa trở thành thịnh vượng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nó. Anh có nghĩ như vậy không?

PGS- TS Lâm Chí Dũng: Từ góc nhìn cá nhân, tôi hoàn toàn đồng ý tài chính không phải là trở ngại đầu tiên và lớn nhất. Cần thấy một vấn đề thuộc về bản chất của EWEC. Đó là, từ điểm khởi đầu, EWEC không thể hình thành tự phát dưới tác động của thị trường mà phải là kết quả của những cam kết hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ của các định chế quốc tế cũng như chính phủ 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù những cam kết hỗ trợ là rất mạnh mẽ, EWEC cũng không thể thoát ly những nguyên tắc căn bản của cơ chế thị trường. Thực tế cho thấy những dự án như vậy không có tương lai và sẽ là sự lãng phí lớn các nguồn lực. Theo cách tiếp cận như vậy, yếu tố địa lý kinh tế chưa phải là quyết định. Nó chỉ là tiền đề cho việc hình thành một hành lang kinh tế. Yếu tố bền vững phải đến từ cơ hội và hiện thực hóa cơ hội hợp tác giữa các địa phương trên hành lang.

Vậy, cơ hội ở đây là gì? Một cách khái quát nhất, các cơ hội đến từ 2 phương diện: (1) Trao đổi lợi thế khác biệt giữa các địa phương trên hành lang và (2) Khai thác lợi thế quy mô lớn thông qua hợp tác.

Những phân tích từ những nguồn đáng tin cậy cho thấy mặc dù các địa phương trong EWEC có một sự tương đồng khá lớn về các phương diện: xa các trung tâm phát triển; mức độ kém phát triển; tình trạng nghèo đói;  mức độ phụ thuộc vào nông nghiệp... (là những điểm bất lợi cho trao đổi lợi thế khác biệt) nhưng chúng vẫn có thể bổ sung cho nhau trong một số lĩnh vực như: cung ứng tài nguyên bao gồm đất đai sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu thô; sự khác biệt về: cách tiếp cận vốn và công nghệ; về mức độ tiếp cận thị trường - đặc biệt là qua các cảng biển; về chi phí nhân công và kỹ năng của nguồn nhân lực; về sản phẩm và tài nguyên du lịch; về kết cấu hạ tầng và phương tiện vật chất... Tuy nhiên, ngay cả ở những điểm không có khác biệt vẫn có thể khai thác hiệu quả hợp tác nhờ tăng quy mô, chẳng hạn, quy mô vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hoặc quy mô thị trường tiêu thụ đối với sản xuất năng lượng...

Phân tích như vậy để thấy vấn đề thực sự nằm ở đâu. Nó nằm ở tiến trình hiện thực hóa cơ hội hợp tác bằng các dự án cụ thể. Có dự án tốt sẽ thuyết phục được các đối tác tài trợ, tức vấn đề “tiền đâu”. Mặt khác, bản chất của hợp tác trong trường hợp này là hợp tác theo chiều ngang, tức giữa các đối tác bình đẳng. Theo đó, đòi hỏi những năng lực khác biệt, phi truyền thống của đội ngũ quản lý nhà nước ở tất cả các nước. Chẳng hạn, năng lực phát hiện cơ hội hợp tác, thuyết phục đối tác, tìm điểm cân bằng và chia sẻ lợi ích, vận động doanh nghiệp, tổ chức phối hợp, quảng bá, truyền thông... Nhìn chung, đối với các nước Đông Nam Á, kinh nghiệm lịch sử không cung cấp những bằng chứng thuyết phục về năng lực cao trong hợp tác theo chiều ngang như thế này. Ngay trong nước, liên kết vùng là một vấn đề được nói đến rất nhiều nhưng tiến bộ thực chất đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.    

Nhà báo Lâm Chí Công: Trong các địa phương của Việt Nam có tên trên bản đồ EWEC, Quảng Trị được đánh giá là tỉnh có nhiều lợi thế hơn cả. Phải làm gì, làm như thế nào để biến các lợi thế, tiềm năng trên EWEC mang lại công ăn việc làm, phát triển du lịch, góp phần tạo ra các giá trị vật chất và phi vật chất (như thương hiệu địa phương, khu vực, quốc gia; phổ biến, truyền bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, mỹ tục Việt Nam;...) vẫn luôn là câu hỏi đầy trăn trở của các nhiệm kỳ lãnh đạo của tỉnh. Xin anh vui lòng chia sẻ những trăn trở, suy nghĩ của anh.

PGS-TS Lâm Chí Dũng: Trước hết, phải ghi nhận một dữ kiện thực tế, Quảng Trị là địa phương có nhiều nỗ lực tích cực và chủ động nhằm nâng cao hiệu quả của EWEC. Không tiện trình bày dài dòng trong khuôn khổ bài phỏng vấn, chỉ xin đề cập vắn tắt một số điểm - mà cá nhân tôi cho là quan trọng - nhằm thúc đẩy hơn nữa “tiến trình EWEC”, dựa trên những dữ kiện chưa đầy đủ mà tôi có được.

Ngoài những vấn đề đã được đề cập khá nhiều liên quan đến kết cấu hạ tầng nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho luồng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính, con người như cảng biển Mỹ Thủy; nâng cấp Quốc lộ 9 và xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà - Lao Bảo - Savanakhet - Mukdahan,... tôi cho rằng có một số vấn đề cần được quan tâm cao:

(1) Vấn đề đầu tiên vẫn luôn là tổ chức. Theo đó, cần hình thành một cơ cấu tổ chức nhằm tập trung hóa các nỗ lực của các bộ phận chức năng khác nhau, kết nối, điều phối các hoạt động này cho một mục tiêu thống nhất là thúc đẩy EWEC trong phạm vi thẩm quyền của địa phương. Tên gọi của cơ cấu này không quan trọng bằng việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ngân sách hoạt động, cơ cấu nhân sự... (Nếu cơ cấu này đã có (?) thì chỉ cần hoàn thiện nó)

(2) Các công việc cần triển khai tiếp theo liên quan đến việc nghiên cứu, bao gồm điều tra, khảo sát, đánh giá cơ hội hợp tác; xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác;  tham mưu, đề xuất các kiến nghị trong việc xây dựng thể chế và kế hoạch hành động cụ thể... Cơ cấu nói ở trên sẽ đảm nhiệm chủ yếu các hoạt động này.

(3) Một đặc điểm rất lớn cần chú ý là các tỉnh miền Trung (bao gồm cả Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ) đều có bờ biển dài và cơ bản là thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Các tỉnh này lại ở liền kề nhau, cự ly không xa lắm. Điều này dẫn đến hai hệ quả:

- Các sản phẩm du lịch biển sẽ rất dễ có tính trạng tương đồng, khó tạo sự khác biệt.

- Sự cạnh tranh chia sẻ nguồn khách hàng, làm cho hiệu quả kinh tế về quy mô giảm sút. Điều này đến lượt nó lại làm cho việc đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ và đa dạng hoá sản phẩm gặp bế tắc.

Do đó, điều cần quan tâm nhất là hoạch định một chiến lược phát triển du lịch thích ứng với tình hình trên. Một chiến lược như vậy phải là sự đầu tư công phu xứng tầm nhưng nhất thiết phải tính đến các yếu tố: Tận dụng lợi thế là tỉnh đầu cầu ở phía Việt Nam; định vị thị trường từ đó xác định sản phẩm lợi thế.

(4) Phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến trên cơ sở liên kết xuyên biên giới là một cơ hội hợp tác ưu tiên của EWEC. Đối với trường hợp Quảng Trị, cơ hội này là có tính khả thi cao. Có hai nguyên nhân chủ yếu - thị trường và nguồn cung - làm cho công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh hầu như không phát triển một cách phù hợp. Cả hai vấn đề đều có thể tìm được lời giải ở EWEC. Nhưng căn bản vẫn là câu chuyện về nguồn cung: quy mô nguồn cung không đủ ngưỡng để đạt lợi thế quy mô lớn và chi phí không có tính cạnh tranh. Bài toán này có thể giải được bằng việc liên kết giữa vùng phía Tây Quảng Trị với tiềm năng vùng nguyên liệu rộng lớn của nước bạn Lào.

(5) Ý tưởng về việc thành lập một Khu kinh tế chung có sự quản lý của hai phía Việt Nam - Lào với những cơ chế đặc thù nhằm tạo thuận lợi tối đa, gỡ bỏ các rào cản của hợp tác, nhất là hợp tác trong sản xuất kết hợp giữa công nghiệp chế biến - vùng nguyên liệu nông sản và thị trường có lẽ là một ý tưởng cần được nghiên cứu nghiêm túc để có những kiến nghị chính sách phù hợp. Ở đây cần cả sự táo bạo khi đứng trước một mô hình chưa có/có ít tiền lệ.

Góc nhỏ tại thị trấn Khe Sanh ở huyện  miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị)
Góc nhỏ ở thị trấn Khe Sanh nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). 

Nhà báo Lâm Chí Công:  Đã có dịp đi - về trên EWEC qua ngả Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan... xin anh nói đôi chút về sự khác biệt đáng ngưỡng mộ, học tập từ văn hóa “sống chậm” của người dân nơi những vùng đất mà anh đã từng đến...

PGS-TS Lâm Chí Dũng: Những ai đã từng qua Lào, Thái Lan và ngay cả Myanmar sẽ thấy một nét văn hóa khá tương đồng ấy là sự từ tốn trong nhịp sống cộng đồng, mà người ta hay gọi là văn hóa “sống chậm”. Đó có thể coi là một thứ “đặc sản văn hóa” của những vùng đất này. Biểu hiện thấy rõ nhất là giao thông đường phố mà tôi không muốn dùng từ to tát là “văn hóa giao thông”. Nhưng quả thực có nét văn hóa ở đây. Tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối không nghe tiếng còi xe ngay cả ở chốn phồn hoa đô hội, ngay cả khi phải chịu đựng nạn kẹt xe hàng cây số. Cũng như thế, tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối không nghe tiếng cãi vã, tranh chấp, xô xát ngay cả ở những bãi đỗ xe mà xe cộ vào ra tấp nập, đậu ken dày... mà lái xe, phụ xe phải vất vả vô cùng để điều khiển. Trong những tình huống như vậy, sự từ tốn phải là một phản xạ có điều kiện, là một bản năng được truyền thừa, là thái độ và cách nghĩ về tha nhân đầy cảm thông và chia sẻ vậy.

Tại Singapore, tại Đài Loan, tại Châu Âu… chúng ta cũng thấy sự tuân thủ những quy tắc giao thông nói riêng và văn minh đô thị nói chung rất nghiêm túc. Nhưng đó là kết quả của một quá trình lâu dài xây dựng ý thức kỷ luật thông qua các chế tài nghiêm ngặt của các chính quyền. Ban đầu mọi sự không được như bây giờ đâu. Đó là một sự thật. Một sự thật nữa là ý thức thị dân cũng tương quan thuận với sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, tại Lào, Thái..., nó là hệ quả đương nhiên của những nền tảng văn hóa được tích lũy qua nhiều thế hệ. Sự khác biệt cốt lõi chính là ở chỗ đó.

Cần nói thêm, dưới góc nhìn thuần kinh tế, điều này có gây ra những hậu quả tiêu cực không? Về mặt thực chứng, ta cần nhiều bằng chứng hơn nữa để xác quyết. Nhưng có thể thấy “đặc sản văn hóa” này tạo nên điều quan trọng nhất cho phát triển kinh tế ấy là lòng tin xã hội. Lòng tin làm cho chi phí giao dịch giảm, làm sự gắn kết con người - giữa chủ với người làm công, giữa các đồng nghiệp, giữa các đối tác... bền chặt là những nhân tố khá quyết định với sự bền vững của phát triển. Có điều, nó sẽ phải chống chịu với những áp lực ngoại lai, với chính những nhu cầu của tăng tốc phát triển kinh tế để có thể bảo tồn được những giá trị có tính bản sắc. Bảo tồn được hay không, không phải chỉ dựa vào hô khẩu hiệu, mà dĩ nhiên, phải dựa vào chính chiều sâu của nội lực văn hóa, vào tài năng của quản lý nhà nước, nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển và khai thác tốt nhất những hiệu ứng tích cực từ những giá trị bản sắc đó. Đó là một câu chuyện dài và hơn nữa, khó. Đó không chỉ là khoa học mà còn là một nghệ thuật của quản lý nhà nước.

Nhà báo Lâm Chí Công: Nhiều người quê Quảng Trị sinh sống nhiều năm và làm ăn (sản xuất, kinh doanh) thành công ở các tỉnh, thành phố phía Nam khi có dịp về thăm quê đã rất dũng cảm khi góp ý rằng, không thể nói là dân mình cần cù, chăm chỉ và có khát vọng làm giàu; tâm lý làm đủ ăn, ngại khó, ngại khổ đi cùng với “khao khát” thụ hưởng sang chảnh, đua đòi hơn mức làm ra vẫn còn “khá phổ biến”, nhất là các làng quê. Anh có thuộc nhóm “dũng cảm” này không? 

PGS-TS Lâm Chí Dũng: Thực ra, có nhiều trải nghiệm ở các vùng quê giúp chúng ta đối chiếu, so sánh nhưng cũng để thấu hiểu và cảm thông hơn. Có lẽ do những điều kiện về lịch sử, địa lý, tự nhiên,... người Quảng Trị có những ưu điểm khó thể phủ nhận, chẳng hạn, hiếu học, chuộng - thậm chí quá tha thiết với - học vấn và thành công về học vấn, đôi khi là thành công nổi bật; giàu nghị lực; trọng tình nghĩa, sâu sắc... Nhưng có khi ưu điểm quá đi một tí lại là nhược điểm vậy.

Xét riêng, về khía cạnh kinh tế, có một vài vấn đề dễ thu thập bằng chứng để kết luận tuy không phải lúc nào cũng tuyệt đối. Chẳng hạn, ở những nơi có điều kiện khá tương đồng với vùng Tây Nguyên, mức độ sử dụng tín dụng ngân hàng bình quân thấp hơn rất nhiều. Điều này liên quan đến phẩm chất mạo hiểm cộng với tính năng động của cư dân. Rõ ràng, so với một số vùng nông nghiệp phát triển khác của Việt Nam, nông thôn chúng ta vẫn còn rất ít những mô hình kinh doanh dựa trên việc sử dụng nhiều vốn và hàm lượng công nghệ cao như ở nông thôn miền Bắc, miền Nam hoặc Tây Nguyên. Và do đó, cũng có thể bộc lộ ra một khía cạnh khác, đấy là năng lực tiếp cận và thích ứng với công nghệ cần được nâng cao hơn nữa, nếu không muốn tụt hậu. Ngoài ra, nhìn rộng ra, chúng ta cũng có thể thấy, về tố chất con người, đôi khi có những điểm chưa thuận lợi lắm cho phát triển những ngành dịch vụ... Chúng ta cũng cần thay đổi khuynh hướng tâm lý coi trọng “danh” hơn “thực” của một bộ phận cư dân. Chữ  “thực” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Trọng thực có thể hiểu là coi trọng thực chất hơn là danh nghĩa, phô trương hình thức; coi trọng những giá trị vật chất song hành với những giá trị khác, chứ không chỉ tự hào quá đáng dẫn đến tự mãn, tự tôn vô lối với những điều mà mình nghĩ là quan trọng nhưng có thể lạc điệu với cuộc sống, hoặc thậm chí không cần nỗ lực phấn đấu để có một đời sống vật chất ngày căng tăng tiến. Từ đó dễ dẫn đến xu hướng bất mãn, bất cần. Và đó là một kiểu tâm lý rất bất lợi cho phát triển kinh tế cả ở góc độ cá nhân lẫn cộng đồng.

Phân tích những điều này thì dài dòng nhưng cá nhân tôi tin rằng đó không phải là những vấn đề quá lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, những thứ mà chúng ta coi là quan trọng, thậm chí nghiêm trọng sẽ dần trở thành thứ yếu và nhất định sẽ được cải thiện trong một tương lai gần.

Nhà báo Lâm Chí Công: Xin cảm ơn PGS-TS Lâm Chí Dũng đã dành cho Cửa Việt cuộc đối thoại đầy tâm huyết, trách nhiệm và với rất nhiều cảm xúc trí tuệ, lòng tin.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Hợp tác liên tỉnh, liên vùng để khai thác lợi thế EWEC

Thanh Hải |

EWEC là một dự án hợp tác phát triển của một số nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. EWEC đi vào hoạt động mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên và các địa phương dọc hành lang đi qua.

Liên kết phát triển du lịch trên EWEC

Trần Tuyền |

Là địa phương nằm đầu cầu EWEC về phía Việt Nam, từ năm 1998 Quảng Trị đã tham gia các chương trình hợp tác phát triển EWEC, đây là lợi thế để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với các tỉnh trong khu vực miền Trung và với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

“Cơ hội vàng” sẽ đến nếu dồn sức khai thông EWEC

Quang Hiệp |

Sự hình thành, phát triển của Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) trong những năm qua có sự đóng góp thầm lặng nhưng đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị LÊ HỮU THĂNG, một trong những người đã góp sức khai thông hành lang kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Hơn 2 ngàn tỷ đồng đầu tư dự án Đường ven biển kết nối EWEC

Lê Minh |

Ngày 29/6/2021, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp trực tuyến với đơn vị tư vấn TEDI để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) giai đoạn I và ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương.