Hợp tác liên tỉnh, liên vùng để khai thác lợi thế EWEC

Thanh Hải |

EWEC là một dự án hợp tác phát triển của một số nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) nhằm thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. EWEC đi vào hoạt động mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên và các địa phương dọc hành lang đi qua.

Hợp tác hữu nghị và phát triển

EWEC nằm trong liên vùng nghèo của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhưng lại giàu tiềm năng. Miền Trung Việt Nam có nhiều tài nguyên biển, điều kiện phong phú phát triển du lịch, là cửa ngõ EWEC hướng ra biển, có nhiều cảng biển gắn vào đường hàng hải quốc tế. Trung Lào và Hạ Lào giàu tiềm năng nông-lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản. Các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh Myanmar có tiềm năng lớn về nông nghiệp, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng. Các nghiên cứu chỉ ra, EWEC mở ra cơ hội kết nối giao thông, tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên, đất đai, nhân lực trong tiểu vùng GMS; tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực; tạo thuận lợi cho thương mại, vận chuyển người và hàng hóa xuyên biên giới các quốc gia ra bên ngoài và thúc đẩy phát triển du lịch cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Cửa khẩu Lào-Thái Lan - Ảnh: Đ.T.T
Cửa khẩu Lào-Thái Lan - Ảnh: Đ.T.T

Với sự quan tâm, đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Nhật Bản, “hạ tầng cứng” trên tuyến đường bộ EWEC đã từng bước được đầu tư, phát huy hiệu quả tốt. Phía Tây của EWEC, tuyến đường bộ từ cảng Mawlamyine đến biên giới Myanmar - Thái Lan được nâng cấp thuận lợi để EWEC tiến ra Ấn Độ Dương. Ở phía Đông EWEC, từ Quảng Trị đến Đà Nẵng đã có 3 dự án lớn được triển khai gồm dự án nâng cấp Quốc lộ 9 dài 83,5km và Trạm kiểm soát liên ngành Lao Bảo (Việt Nam)- Densavanh (Lào); dự án hầm đường bộ Hải Vân và dự án cảng Tiên Sa là điểm cuối thông ra Thái Bình Dương. Cuối năm 2006, cây cầu Hữu nghị qua sông Mê Kông đoạn Mukdahan nối Thái Lan và Lào hoàn thành với sự hỗ trợ của Nhật Bản, hạ tầng giao thông EWEC cơ bản thông suốt, tạo điều kiện đưa EWEC trở thành hành lang kinh tế đi vào hoạt động sớm nhất trong trong tiểu vùng GMS.

Bên cạnh đó, “hạ tầng mềm” trên EWEC cũng có nhiều chuyển biến đơn giản hóa thủ tục hải quan, triển khai hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng GMS như: Hiệp định ba bên Việt Nam-Lào-Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ giữa ba nước và hiệp định dần mở rộng với sự tham gia của Campuchia, Myanmar, Trung Quốc; Hiệp định GMS-CBTA tại cặp cửa khẩu Lao Bảo-Densavanh giữa Việt Nam và Lào quy định mô hình kiểm tra “một cửa -một lần dừng”; Thỏa thuận giữa ba nước Việt Nam-Lào-Thái Lan về hoạt động vận tải du lịch đường bộ; xây dựng cơ chế hợp tác thông qua Hội nghị cấp cao EWEC SOM và hoạt động của Ban Công tác Phát triển EWEC thuộc Ủy ban hợp tác Kinh tế và Công nghiệp ASEAN-METI để xử lý các vấn đề cụ thể. Đến nay, hàng hóa các nước GMS qua EWEC về Đà Nẵng xuất khẩu ra các nước Đông Bắc Á đạt khoảng 3%; đã hình thành được tuor du lịch một ngày ăn sáng ở Thái Lan, ăn trưa ở Lào và ăn tối tắm biển miền Trung Việt Nam.

Cùng với đó, hợp tác liên kết giữa các vùng, địa phương từ du lịch biển, du lịch sinh thái đến du lịch văn hóa, lịch sử...thực hiện sáng kiến “3 nước, một điểm đến” giữa Thái Lan-Lào-Việt Nam đã trở thành hiện thực.

Có thể nói, việc khai thác EWEC vẫn chưa đạt kết quả cao, chưa tương xứng với cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư do còn một số bất cập về “hạ tầng mềm” trên tuyến. Tuy nhiên, EWEC chính là cơ hội cho các quốc gia liên kết cùng tiếp cận hiệu quả các nguồn lực tài nguyên khoáng sản, năng lượng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và hình thành các khu vực kinh tế xuyên quốc gia, đẩy nhanh tốc độ phát triển các thành phố, thị trấn dọc hành lang đi qua.

Liên kết phát triển kinh tế trên EWEC

Để tăng cường nhịp cầu hợp tác hữu nghị và phát triển kinh tế trên EWEC, các địa phương dọc và xung quanh EWEC đã có sự hợp tác thường xuyên hơn trong việc khai thác hành lang này ở cả cấp tỉnh, quốc gia và liên quốc gia. Nằm đầu cầu về phía Việt Nam ở bờ Đông hành lang, trong những năm qua tỉnh Quảng Trị tích cực hợp tác liên tỉnh, liên vùng để khai thác lợi thế EWEC, biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo. Với vị trí là cửa ngõ ra biển thuận lợi không chỉ đối với EWEC mà cả tiểu vùng GMS, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách hợp tác vận tải quá cảnh, hỗ trợ các vùng, địa phương sâu trong nội địa mở đường ra biển; làm đầu mối cung cấp hàng hóa và nguyên nhiên vật liệu cho các địa phương sâu trong nội địa qua hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Kinh tế biển các địa phương của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan không có cũng là lợi thế tỉnh Quảng Trị thu hút du khách từ các tỉnh của các nước bạn.

Xác định tầm quan trọng của EWEC trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC đến năm 2020. Theo đó, EWEC gắn liền với Quốc lộ 9 là trục xương sống để tỉnh Quảng Trị phát triển 4 khu vực trọng điểm kinh tế gồm: Khu KTTMĐB Lao Bảo; thành phố Đông Hà; tam giác du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế La Lay và đường Quốc lộ 15D nối từ Cửa khẩu quốc tế Lay Lay về cảng biển nước sâu Mỹ Thủy thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tạo thành hành lang kinh tế thứ hai song song và kết nối với EWEC. Hai tuyến đường Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D qua hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay là hành lang giao thông quan trọng kết nối tỉnh Quảng Trị với cả vùng Trung Lào, Hạ Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan rộng lớn, đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển người và hàng hóa quan trọng trên EWEC qua biển Thái Bình Dương. Với sự quan tâm đầu tư, xây dựng các chính sách đồng bộ, đến nay Khu KTTMĐB Lao Bảo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với tổng số vốn hàng trăm tỉ đồng. Khu KTTMĐB Lao Bảo cũng vừa được Chính phủ Việt Nam chọn là một trong 8 khu kinh tế tiếp tục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó nghiên cứu phát triển theo hướng khu kinh tế thương mại xuyện biên giới Việt Nam-Lào.

Khu KTTMĐB Lao Bảo phát triển mạnh hướng đến mô hình khu kinh tế thương mại xuyên biên giới trên EWEC - Ảnh: N.T.H
Khu KTTMĐB Lao Bảo phát triển mạnh hướng đến mô hình khu kinh tế thương mại xuyên biên giới trên EWEC - Ảnh: N.T.H

Hiện nay tỉnh Quảng Trị đang hướng đến xây dựng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung Việt Nam. Quy hoạch một số cụm điểm du lịch, dịch vụ logistics và dịch vụ khác dọc EWEC đi qua. Phát triển đầu mối hạ tầng giao thông cấp vùng với trọng tâm là Cảng hàng không sân bay Quảng Trị, các dịch vụ nghỉ dưỡng đô thị biển cao cấp và Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, nhằm mở lối ra biển, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đặc biệt, với quyết định của Chính phủ Việt Nam thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã tạo cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, là “lực hút” quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là thời cơ để tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, hội nhập phát triển kinh tế -xã hội với các địa phương trong nước và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các quốc gia và địa phương trên EWEC.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Liên kết phát triển du lịch trên EWEC

Trần Tuyền |

Là địa phương nằm đầu cầu EWEC về phía Việt Nam, từ năm 1998 Quảng Trị đã tham gia các chương trình hợp tác phát triển EWEC, đây là lợi thế để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với các tỉnh trong khu vực miền Trung và với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

“Cơ hội vàng” sẽ đến nếu dồn sức khai thông EWEC

Quang Hiệp |

Sự hình thành, phát triển của Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) trong những năm qua có sự đóng góp thầm lặng nhưng đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị LÊ HỮU THĂNG, một trong những người đã góp sức khai thông hành lang kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Quảng Trị sẽ thịnh vượng trên EWEC?

Lâm Chí Công (thực hiện) |

LTS: Với những tâm huyết dành cho tỉnh Quảng Trị, PGS-TS Lâm Chí Dũng (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) đã có rất nhiều suy tư, trăn trở xung quanh câu chuyện làm gì và bao giờ Quảng Trị sẽ trở nên thịnh vượng. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu nội dung trò chuyện giữa Nhà báo Lâm Chí Công với PGT-TS Lâm Chí Dũng.

Cá kình kho sấp, món ngon của đất cù lao

Nguyễn Thùy |

Nhiều người vẫn thắc mắc với tôi rằng “cá kình ở mô không có, răng phải lặn lội về xứ cù lao Bắc Phước ăn món cá kình kho”. Bởi lẽ, nơi đây có một điều gì đặc biệt về hương vị của một loài cá nước lợ mà không phải ở đâu cũng thể có được.