Hợp tác, liên kết để hoàn thiện hành trình “Con đường di sản miền Trung - Miền di sản diệu kỳ”

Lâm Thanh |

Từ ngày 30/3 - 4/4/2022, ngành Du lịch Quảng Trị tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 với nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó đáng chú ý là chuỗi chương trình xúc tiến, quảng bá giới thiệu điểm đến của 5 tỉnh, thành phố: Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Đây là hoạt động đầu tiên khởi động chương trình liên kết du lịch 5 tỉnh miền Trung. Qua đó kích cầu phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn ông HỒ VĂN HOAN, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - người trực tiếp dẫn đoàn du lịch Quảng Trị tham gia các hoạt động.


-Thưa ông! Với vai trò Trưởng đoàn Du lịch Quảng Trị tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, đề nghị ông cho biết một số hoạt động nổi bật của đoàn Quảng Trị trong chuỗi sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch vừa qua?

-Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 từ ngày 30/3 - 4/4, tham gia đoàn Quảng Trị có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Hiệp hội Du lịch và một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Tham gia hội chợ, 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có một gian hàng chung giới thiệu sản phẩm du lịch 5 địa phương với thông điệp Miền di sản diệu kỳ (Amazing Central Heritage). So với những lần tham gia hội chợ du lịch trước đây, mỗi địa phương có một gian hàng riêng nên đơn lẻ, khó tạo được dấu ấn thì lần này 5 tỉnh cùng xây dựng một gian hàng chung, dựa trên cơ sở tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, tạo nên chuỗi liên kết độc đáo, hấp dẫn là con đường di sản miền Trung đi qua 5 địa phương, gồm: Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); hệ thống di tích cách mạng đồ sộ với không gian linh thiêng tại Quảng Trị; di sản văn hóa thế giới gồm quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế... (Thừa Thiên Huế); phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và trải nghiệm miền nghỉ dưỡng, giải trí hấp dẫn tại Đà Nẵng... Ngoài các lợi thế về di sản, hệ thống giao thông kết nối thuận lợi không chỉ 5 địa phương miền Trung mà với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước thông qua hệ thống các cảng hàng không, cảng biển có thể đón cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Khu vực này còn là một trong những con đường ngắn nhất sang Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây.

Đại diện lãnh đạo ngành du lịch 5 tỉnh miền Trung hợp tác, liên kết du lịch với tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: M.L
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch 5 tỉnh miền Trung hợp tác, liên kết du lịch với tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: M.L

Bên cạnh tham gia các hoạt động nổi bật của hội chợ như hội thảo về nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi du lịch Việt Nam; chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển loại hình du lịch golf, du lịch thể thao, các cuộc thi ứng dụng du lịch trực tuyến... Tận dụng cơ hội này, 5 tỉnh đã tổ chức các hội nghị xúc tiến, kích cầu du lịch để cung cấp thông tin chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các chương trình kích cầu và phương án đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới của cả 5 tỉnh với các đơn vị lữ hành miền Bắc. Tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá, các doanh nghiệp du lịch Quảng Trị không chỉ quảng bá những tour du lịch truyền thống độc đáo như “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, tour du lịch vùng phi quân sự DMZ mà còn giới thiệu những điểm đến mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Quảng Trị, trong đó điểm nhấn là đảo Cồn Cỏ với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: khám phá cung đường rừng nguyên sinh giữa biển; tham gia một số dịch vụ giải trí, các hoạt động thể thao dưới nước như bơi lặn, chèo thuyền, du lịch ẩm thực thưởng thức các đặc sản biển đảo... Hay khám phá vùng Tây Quảng Trị với một miền “ôn đới” ngay giữa vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt với đặc sản nắng và gió. Trong các hoạt động quảng bá, đoàn cũng chú trọng giới thiệu những sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước sẽ diễn ra ở Quảng Trị trong thời gian tới như: Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; các hoạt động hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7...

-Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 địa phương: Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với du lịch Quảng Trị, thưa ông?

-Tháng 2/2022, cơ quan quản lý du lịch 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký biên bản liên kết, hợp tác về du lịch. Và chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự liên kết hợp tác phát triển du lịch 5 địa phương.

Việc phối hợp liên kết du lịch của 5 địa phương không chỉ xoay quanh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ du lịch, mà dựa trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, 5 tỉnh sẽ kết nối hình thành chuỗi du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm... góp phần tối ưu hóa dịch vụ, chi phí để hoàn thiện sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” đi qua 5 địa phương. So với 5 địa phương trong khu vực, trong những năm qua, du lịch Quảng Trị phát triển chưa tương xứng, vì thế đây là cơ hội để ngành du lịch tỉnh (cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ điểm đến...) học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

-Liên kết, hợp tác là xu hướng phát triển du lịch phù hợp trong bối cảnh hiện nay, sau khi ký cam kết hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh: Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, ngành du lịch các tỉnh sẽ triển khai những hoạt động chung và riêng gì trong thời gian tới để quảng bá, xúc tiến?

-Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, việc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 là cơ hội lớn cho ngành du lịch phục hồi. Bên cạnh đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương là vô cùng cần thiết để kết nối và mở rộng thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng cho việc khôi phục và phát triển ngành du lịch.

Theo kế hoạch, ngành du lịch 5 tỉnh sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ và tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến của cả 5 địa phương tới thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Phối hợp quảng bá, cung cấp thông tin về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn giữa 5 địa phương nhằm tránh trùng lặp. Phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch chung căn cứ trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa các địa phương như: du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm... Dự kiến, trong năm 2022 sẽ tập trung một số hoạt động chính: tổ chức chương trình kích cầu du lịch của 5 địa phương tại các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên; tham gia các hội chợ du dịch, tổ chức các chương trình famtrip/ presstrip… Bên cạnh đó, ngành du lịch 5 tỉnh sẽ thiết kế postcard (bưu thiếp) in logo du lịch, mỗi postcard in hình về đặc trưng du lịch của từng địa phương bao gồm điểm đến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội để trưng bày, làm quà tặng cho du khách, đại biểu khi tham gia hội chợ, hội thảo. Xây dựng các clip chung giới thiệu điểm đến của 5 địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trao đổi, giao lưu, hợp tác đầu tư kinh doanh với các đối tác trong nước và quốc tế.

Một trong những sự kiện điểm nhấn để thu hút khách đến với 5 tỉnh miền Trung trong năm 2022 là Năm du lịch Quốc gia 2022 diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, các hoạt động hướng đến Lễ hội Vì Hoà Bình tại tỉnh Quảng Trị, Asian Routers 2022 tại Đà Nẵng, Festival Huế 2022… Năm nay hứa hẹn sẽ là một năm đầy hy vọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và 5 địa phương miền Trung nói riêng, trong đó có Quảng Trị.

-Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xây dựng, kết nối điểm đến an toàn để phục hồi, phát triển du lịch bền vững

Lâm Thanh |

Năm 2022 tỉnh Quảng Trị phấn đấu đón 780.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội đạt 580 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành du lịch đạt 185 tỉ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động

Mai Lâm |

Để hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ du lịch phục hồi, thời gian qua tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện các chính sách đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.

Thêm cơ hội để ngành du lịch tiếp tục phát triển

Thanh Lê |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Đề án về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, đề án hướng tới mục tiêu nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn, nâng tỉ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, sớm đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Xử lý vướng mắc tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm

BBT |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan về việc xử lý vướng mắc khi thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh của Công ty Cổ phần DoBF.