Hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình

Tú Linh |

Lễ hội Vì Hòa bình ngoài mục đích tôn vinh giá trị hòa bình bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, kêu gọi mọi người cùng chung tay gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình còn là sản phẩm du lịch mới của Quảng Trị nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy KT-XH phát triển. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất để lễ hội được diễn ra một cách hoàn hảo nhất.

Thách thức không nhỏ về cơ sở lưu trú

Thực hiện Kế hoạch 233/KH-UBND ngày 10/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị về tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị lễ hội. Một vấn đề rất được nhiều người quan tâm đó là cơ sở lưu trú tại địa bàn Quảng Trị có đủ để phục vụ một lượng du khách lớn đến với lễ hội không?

Lễ hội Vì hòa bình có 5 chương trình chính với các hoạt động: Ngày đạp xe vì hòa bình diễn ra từ 29-30/6; khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình vào lúc 20 giờ ngày 6/7 tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” ngày 8/7 tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh; lễ hội Văn hóa-Ẩm thực từ 12-14/7 tại Khu Dịch vụ- du lịch Cửa Việt; chương trình “Ước nguyện hòa bình” vào lúc 20 giờ ngày 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Ước tính mỗi chương trình sẽ đón rất nhiều du khách đến thưởng thức và khám phá các di tích trên mảnh đất Quảng Trị.

Tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải sẽ diễn ra khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình vào đêm 6/7/2024 -Ảnh: TÚ LINH
Tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải sẽ diễn ra khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình vào đêm 6/7/2024 -Ảnh: TÚ LINH

Bà Trần Huyền My, cố vấn truyền thông của Công ty Cổ phần sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright, đơn vị hỗ trợ xây dựng kịch bản cho lễ hội Vì Hòa bình cho biết, vai trò của du lịch trong lễ hội ngày càng rõ nét đối với phát triển KT-XH hội khiến địa phương nào cũng ưu tiên và tập trung tổ chức lễ hội.

Điều đó sẽ tạo ra tính cạnh tranh trong việc thu hút khách và doanh thu của điểm đến. Lễ Hội Vì Hòa bình là một sản phẩm du lịch mới, rất độc đáo của Quảng Trị, thông điệp của lễ hội đã lay động lương tri con người, đây là một cơ hội lớn cho du lịch Quảng Trị phát triển. Nhiều dòng khách khác nhau sẽ có mối quan tâm khác nhau đến lễ hội này.

Du khách sẽ có thêm nhiều lý do để đến với Quảng Trị. Điều này đòi hỏi đơn vị tổ chức phải có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở lưu trú phục vụ du khách được tốt hơn. Nhưng cơ hội đón nhiều du khách luôn đi kèm thách thức với Quảng Trị.

Chia sẻ về cơ sở lưu trú phục vụ du khách cho lễ hội sắp đến, ông Phạm Công Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Đông Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 3 nghìn phòng khách sạn với khoảng 5 nghìn giường, trong đó khách sạn Sài GònĐông Hà hạng 4 sao có công suất 300 giường, khách sạn Mường Thanh hạng 4 sao công suất hơn 400 giường.

Ngoài ra, còn có một số khách sạn chất lượng 2,3 sao ở TP. Đông Hà cũng có số phòng tương đối để đón khách. Với khu Dịch vụ-du lịch ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, các đơn vị thi công đang cố gắng hoàn thành phần nội, ngoại thất cơ sở lưu trú để khánh thành giai đoạn 1 trước khi diễn ra lễ hội để kịp đón du khách.

Máy bay C-119 sẽ được đưa về sớm để trưng bày bên cạnh máy bay C-130 (trong ảnh) tại Di tích sân bay Tà Cơn nhằm tạo thêm điểm nhấn mới phục vụ du khách -Ảnh: TÚ LINH
Máy bay C-119 sẽ được đưa về sớm để trưng bày bên cạnh máy bay C-130 (trong ảnh) tại Di tích sân bay Tà Cơn nhằm tạo thêm điểm nhấn mới phục vụ du khách -Ảnh: TÚ LINH

Tuy nhiên, tổng số phòng này dự kiến cũng chỉ đủ phục vụ khách mời của tỉnh đến với lễ hội và một ít khách có kế hoạch đặt phòng từ trước. Vì vậy, khi diễn ra lễ hội chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở lưu trú du lịch sẽ chưa đáp ứng kịp cho du khách.

Trước tình trạng này, Hiệp hội Du lịch tỉnh có văn bản gửi các đơn vị đề nghị đánh giá lại tình trạng cơ sở vật chất lưu trú cũng như cần có sự đầu tư, tôn tạo, sửa chữa lại các phòng nghỉ được chất lượng hơn để sẵn sàng đón khách du lịch khi lễ hội vào thời gian cao điểm.

Để góp phần giải quyết khó khăn này, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Lê Minh Tuấn cho biết ngành đã sớm chủ động làm việc với liên ngành và các huyện, thị xã, thành phố như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị, Đông Hà đề nghị các đơn vị thông báo với các cơ sở du lịch, các chủ homestay đăng ký số lượng phòng, khả năng tiếp đón khách lưu trú để ngành nắm được con số cụ thể nhằm chủ động thông báo cho khách biết đặt chỗ lưu trú khi đến Quảng Trị.

Tu bổ, chỉnh trang một số di tích lịch sử

Ngoài sự chuẩn bị cơ sở lưu trú phục vụ du khách, Sở Văn hóa-Thể thể thao và Du lịch, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp bổ sung hiện vật, chỉnh trang, sửa chữa một di tích lịch sử, địa điểm tổ chức lễ hội. UBND tỉnh Quảng Trị vừa đồng ý tiếp nhận máy bay C-119 từ Bộ Quốc phòng để trưng bày tại Di tích sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa.

Tháng 5/2016, máy bay trên được Bộ Quốc phòng cấp cho tỉnh Quảng Trị làm hiện vật trưng bày. Hiện tỉnh đang khẩn trương để đưa máy bay về kịp trước lễ hội nhằm phục vụ du khách có thêm trải nghiệm khi đến thăm di tích này. Tiến hành tôn tạo một số hạng mục tại các di tích lịch sử, những địa điểm tổ chức lễ hội.

Cụ thể tại Di tích quốc gia địa đạo Vịnh Mốc, bao gồm cải tạo nội thất phòng chiếu phim; thay hệ thống điện, lắp đặt điều hòa; sơn trần sảnh đón; vệ sinh mái ngói...của nhà đón tiếp. Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải thực hiện chỉnh trang khuôn viên Nhà liên hợp, thay ảnh, sơn lại các mannequin, chống mối, gia cố một số la phông bị hỏng, cắt tỉa cây. Thay mới bản đồ giới tuyến, in lại ảnh trưng bày, sơn lại chân tường. Sơn lại cổng chào khu di tích. Cải tạo trồng hoa, cây cảnh, đổ bê tông bãi đỗ xe tại khuôn viên bờ Nam.

Đục bỏ, thay mới đá lát sân quảng trường; thay mới đá lát sảnh đón; thay đá ốp tường ở Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh. Tại nhà Bảo tàng tỉnh thực hiện chống thấm toàn bộ phần mái; sơn trần tiền sảnh, sơn mỹ thuật hệ thống phù điêu, họa tiết trang trí mặt đứng bảo tàng; sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng. Cùng với đó tôn tạo một số hạng mục tại 2 Bến thả hoa bờ Bắc, Nam sông Thạch Hãn và Tháp chuông ở Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, lễ hội Vì Hòa bình có quy mô, tầm cỡ, mong đợi lớn nhất từ trước đến nay. Do đó cần phải chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận từng nội dung công việc; kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội; đóng góp, vai trò, trách nhiệm của mọi người để lễ hội thực sự được lan tỏa tích cực trong đời sống KT-XH, đặc biệt phục vụ đắc lực phát triển du lịch.

Phác thảo bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình được Công ty Cổ phần sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bringht thực hiện -Ảnh: TÚ LINH
Phác thảo bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình được Công ty Cổ phần sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bringht thực hiện -Ảnh: TÚ LINH

Vì vậy, đề nghị Sở Văn hóaThể thao và Du lịch tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa cho lễ hội. Rà soát lại công việc của các tiểu ban; Ban tổ chức lễ hội tham mưu quy chế làm việc để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của lễ hội. Phân rõ lộ trình cụ thể của các hoạt động từ nay đến khi tổ chức lễ hội. Sở Tài chính chuẩn bị nguồn lực đầy đủ phục vụ cho sự kiện quan trọng này.

Lễ hội Vì Hòa bình diễn ra trong cao điểm mùa du lịch, trùng với tháng 7, là mùa tri ân nên dự báo lượng khách sẽ đến với lễ hội rất cao. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước về du lịch, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh lưu trú; chuẩn bị đầy đủ phòng lưu trú, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lễ Hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị năm 2024: Bộ Ngoại giao sẽ đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO truyền tải thông điệp “Vì Hòa bình”

Đình Thi |

Ngày 7/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội), đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao về công tác tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Vụ Thông tin báo chí; Cục Lễ tân nhà nước và một số đơn vị liên quan làm việc với đoàn.

Năm Du lịch Quốc gia 2024: Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Hoa Ban

Trung Kiên |

Từ ngày 13 - 18/3, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024.

Ấn tượng từ những lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đầu xuân ở Gio Linh

Hoài An |

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, trong toàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) diễn ra sôi nổi nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở lễ hội chợ đình Bích La trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn

Nguyễn Vinh |

Trưởng thôn Bích La Đông (Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) Lê Cảnh Phong cho biết, ngay từ giữa tháng 12/2023, thôn Bích La Đông đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chợ đình Bích La tết Nguyên đán Giáp Thìn -2024.