Hướng Hóa, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió

Lê Trường |

Thực hiện chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa phương có nhiều dự án điện gió được triển khai thực hiện. Đây chính là bước đột phá góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường. Qua đó, thúc đẩy KT-XH của địa phương ngày càng phát triển.

Khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Theo khảo sát về vận tốc gió là hơn 7 m/s, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Để khai thác tiềm năng một cách hiệu quả, Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo công tác lập, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, trong đó chú trọng phát triển điện gió.

Các dự án điện gió ở Hướng Hóa trở thành những điểm đến thu hút khách du lịch đến tham quan - Ảnh: L. T
Các dự án điện gió ở Hướng Hóa trở thành những điểm đến thu hút khách du lịch đến tham quan - Ảnh: L. T

Hướng Hóa có lợi thế địa hình núi rừng đa dạng, có dư địa và thế mạnh để phát triển các dự án năng lượng, nhất là thủy điện, điện gió. Trong quá trình triển khai, địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là tích cực phối hợp tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp thực hiện các dự án.

Đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất đặt là 714 MW, đã vận hành thương mại 671,1 MW; 10 dự án với tổng công suất lắp máy 400 MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.

Bên cạnh những tác động nhất định đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên và KT-XH khu vực dự án và vùng lân cận, nhìn chung, các dự án điện gió đã góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.

Trong đó, nhiều lao động nông thôn có việc làm, lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nhà hàng, khách sạn phát triển; các tuyến đường giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp để phục vụ thi công dự án vừa tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho Nhân dân; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo kinh phí cho người dân tạo sinh kế và đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hàng năm, các dự án điện gió đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách của địa phương.

Sau khi các nhà máy điện gió đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Sau khi các nhà máy điện gió đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương - Ảnh: LÊ TRƯỜNG


Chủ tịch UBND xã Hướng Tân Nguyễn Văn Thủy cho biết, sau khi các dự án điện gió hoàn thành đi vào vận hành đã góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương; nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng các điểm du lịch bên cạnh các dự án điện gió và hiện thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ cũng phát triển theo. Thời gian qua, các nhà máy điện gió đóng trên địa bàn cũng tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội đối với địa phương.

Tuy nhiên, để cuộc sống của người dân thực sự ổn định và an toàn, chúng tôi mong muốn các đơn vị chủ đầu tư tăng cường công tác phòng chống sạt lở tại các bãi thải điện gió; tiếp tục phối hợp làm tốt và thường xuyên hơn nữa công tác an sinh xã hội cho người dân, chung tay cùng với chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển hơn...

Chỉ tính từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, tổng thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp năng lượng trên địa bàn huyện Hướng Hóa đạt trên 25,1 tỉ đồng, trong đó địa phương hưởng hơn 7,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 80 km đường giao thông nông thôn nhằm sử dụng trong quá trình thi công dự án vừa kết hợp làm đường dân sinh cho các địa phương. Sau khi các dự án hoàn thành, huyện đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khắc phục, sửa chữa hư hỏng đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân được thuận tiện.

Ngoài ra, trong thời gian các dự án điện gió triển khai thi công đã thu hút khoảng hơn 2.000 lao động phổ thông, trong đó, số lao động địa phương chiếm khoảng 80%; khi các nhà máy điện gió đi vào hoạt động, mỗi một dự án sử dụng khoảng 17 cán bộ, công nhân kỹ thuật và nhân viên bảo vệ, số lao động địa phương chiếm 70%. Ngoài ra, các ngành dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải của địa phương phát triển mạnh mẽ; các chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện các chương trình an sinh, hỗ trợ Nhân dân các địa bàn khó khăn.

Du lịch sinh thái ở Hướng Hóa ngày càng phát triển -Ảnh: N.K
Du lịch sinh thái ở Hướng Hóa ngày càng phát triển -Ảnh: N.K


Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng khẳng định, việc thu hút đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn huyện là chủ trương đúng, tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh nhà, phù hợp với xu thế phát triển bền vững theo hướng năng lượng xanh cho tương lai. Riêng đối với địa phương, việc các dự án năng lượng điện gió đi vào vận hành đã đưa lại nhiều kết quả tích cực.

Thời gian qua, địa phương cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của điện gió gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong đó, quan tâm, chú trọng xử lý các vấn đề sau đầu tư dự án, như: gia cố các bãi thải đất đào đặt trụ tua bin, chống sạt lở đất, trồng cây xanh; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão; lên phương án đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án…

Để hiện thực hóa mục tiêu “Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung” theo định hướng của tỉnh, Hướng Hóa đã và đang nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cùng chung tay, đồng lòng vào cuộc để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo ra những giá trị để đưa Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị có thêm 25,5MW điện gió của Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 được đưa vào vận hành thương mại

Thanh Trúc |

Thông tin từ Công ty Mua bán điện (EPTC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, công ty đã thống nhất ngày vận hành vận hành thương mại (COD) các tuabin WT1, WT2, WT3, WT5, WT6, WT7 của Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 (Quảng Trị) từ thời điểm 12h00 ngày 31/5/2023. Theo đó, Quảng Trị có thêm 25,5MW điện gió của Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 được đưa vào COD.

Mô hình SWOT khẳng định sự phù hợp của quy hoạch phát triển điện gió ở Quảng Trị

Tân Nguyên |

Để có căn cứ đề xuất chiến lược và giải pháp phát triển bền vững điện gió đến năm 2030 ở tỉnh Quảng Trị, trước hết cần phân tích tiềm năng thực tế về phát triển điện gió dựa trên mô hình SWOT (điểm mạnh/S-điểm yếu/W-cơ hội/O- thách thức/T). Đây là phương pháp đánh giá, phân tích một cách khách quan làm cơ sở cho việc hiện thực hóa chủ trương đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Tạo cơ sở để triển khai công tác quản lý, quy hoạch điện gió hiệu quả, bền vững

Tân Nguyên |

Nhiệm vụ điều tra, đánh giá tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2025 và có tính đến năm 2030 do liên danh Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Khoáng sản DICO (Công ty DICO) thực hiện đã có báo cáo kết quả ban đầu.

Check in trên “cánh đồng” điện gió

Lê Trường |

Không chỉ đóng góp vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương, từ khi đưa vào vận hành, các dự án điện gió ở Quảng Trị đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch từ nhiều địa phương đến tham quan, trải nghiệm.