Nhiệm vụ điều tra, đánh giá tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2025 và có tính đến năm 2030 do liên danh Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Khoáng sản DICO (Công ty DICO) thực hiện đã có báo cáo kết quả ban đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định: “Nhiệm vụ điều tra, đánh giá tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 và có tính đến năm 2030 là một nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải bám sát các cơ sở khoa học, tính pháp lý cũng như những nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đặt ra.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá phải trả lời được những câu hỏi quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió tác động như thế nào đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội; những giải pháp khắc phục, hạn chế các tác động tiêu cực, định hướng phát triển bền vững lĩnh vực điện gió trong thời gian tới”...
Đối tượng của nhiệm vụ điều tra, đánh giá là các hoạt động đầu tư phát triển các dự án điện gió đã được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 với 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư, tổng công suất 1.177,2 MW, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động và 12 dự án đang triển khai xây dựng.
Các khu vực được lựa chọn để điều tra, khảo sát gồm khu vực dự án đã hoạt động: Hướng Linh 1&2, huyện Hướng Hóa; khu vực dự án đang thi công gồm Hướng Phùng 2&3, Hướng Tân, Tân Linh, Hướng Hiệp 1, giáp Hướng Linh, Amacao& Hoàng Hải, Hướng Hiệp 2,3&4 thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa; khu vực dự án chưa thi công ở Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa.
Kết quả điều tra về các dự án điện gió tác động môi trường không khí là không đáng kể đến các yếu tố vi khí hậu và cường độ điện trường ở các khu vực dự án điện gió và vùng dân cư lân cận (cách các trụ turbine điện gió ≥ 300 m).
Điện từ trường ở các khu vực đó đều đạt yêu cầu so với quy định của QCVN hiện hành. Nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí xung quanh như TSP, O3, SO2 và NO2 đều thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép của QCVN 05- MT:2013/BTNMT (quy định về chất lượng không khí xung quanh). Về độ ồn, hoạt động của các dự án điện gió tác động không đáng kể đến độ ồn trong khu vực và vùng dân cư lân cận.
Theo tính toán của Cục Biến đổi khí hậu-Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ số phát thải của việc tiêu thụ điện lưới quốc gia (năng lượng không tái tạo) là 0,8041 tấn CO2eq/MWh. Sử dụng hệ số đó để tính toán cho 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động đã giúp giảm mức phát thải CO2eq/năm lên đến 115 lần. Rõ ràng, việc phát triển điện gió (nguồn năng lượng tái tạo) sẽ đóng góp tích cực vào chương trình giảm phát thải carbon của quốc gia.Hoạt động của các dự án điện gió không phải là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng nước của các nguồn nước mặt và trầm tích mà chỉ đóng góp vào làm tăng nồng độ một số tác nhân ô nhiễm nước như các chất rắn lơ lửng (TSS), tổng sắt tan (Fe) và các chất hữu cơ (COD) trong một số nguồn nước như hồ Rào Quán, hồ Vĩnh Tân, suối La La, sông Sê Pôn.
Hoạt động của các dự án điện gió ảnh hưởng không đáng kể đến chất lượng trầm tích của các nguồn nước cũng như môi trường đất trong khu vực. Tuy vậy, vào mùa mưa lũ, sự xói mòn và rửa trôi đã lôi cuốn các chất rắn lơ lửng vào nước, đóng góp vào làm tăng nồng độ TSS và tổng sắt tan (Fe).
Tại các khu vực dự án điện gió đã đi vào hoạt động, ghi nhận diện tích rừng trồng tăng lên như ở các dự án Hướng Linh, Phong Nguyên, Phong Huy, góp phần làm tăng độ che phủ rừng. Tuy nhiên, hoạt động của các dự án điện gió ảnh hưởng phần nào đến chim và dơi. Mặt khác, việc xây dựng các đường đi nội bộ ở các khu vực dự án điện gió đã ảnh hưởng phần nào đến di chuyển và môi trường sống của một số loài động vật hoang dã.
Kết quả phân vùng nguy cơ sạt lở đất sau khi có các dự án điện gió cho thấy, diện tích các vùng có nguy cơ sạt lở đất theo các mức độ khác nhau có thay đổi nhưng không nhiều. Phần lớn diện tích khu vực huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở đất ở cấp trung bình, thấp và rất thấp (khoảng 80,4%); cấp nguy cơ sạt lở đất cao và rất cao chiếm 19,6% diện tích.
Vùng có nguy cơ sạt lở rất cao chiếm 22,9 km2 (khoảng 3% diện tích khu vực), tập trung chủ yếu ở phía Nam xã Hướng Sơn, phía Bắc xã Hướng Phùng, dọc thung lũng sông Rào Quán. Vùng có nguy cơ trượt lở đất cao chiếm diện tích khá lớn (127,9 km2 , chiếm 16,8 % diện tích khu vực); phân bố khá rộng trên địa bàn các xã có các dự án điện gió, tập trung ở các xã phía Tây Bắc như Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng, Tân Thành thuộc lưu vực thượng lưu sông Rào Quán; phía Đông Bắc như xã Hướng Việt.
Về tăng trưởng kinh tế địa phương, theo số liệu thống kê, hoạt động của các dự án điện gió đã góp phần tăng ngân sách huyện Hướng Hóa. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng nên có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Về sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp, cho đến nay diện tích đất phân bổ cho 19 dự án đã đi vào hoạt động chiếm 465 ha và 12 dự án đang xây dựng là 217 ha. diện tích đất sản xuất mất đi chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 0,14% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện.
Tuy nhiên, do tập trung ở một số dự án như Amacao QT1, Gelex 1, Gelex 2, Hướng Linh 7, LIG-Hướng Hóa 1 và LIG- Hướng Hóa 2 nên đã gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất cục bộ của cộng đồng. Ngoài ra, một số dự án gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp do nước chảy tràn làm bồi lắng bùn đất lên ruộng như tại một số địa điểm ở các xã Hướng Linh, Húc, Tân Liên.
Đối với hạ tầng cơ sở và giao thông thì có tác động tích cực. Hơn 80 km đường giao thông được làm mới và nâng cấp với tổng giá trị khoảng 800 tỉ đồng (do các chủ dự án đầu tư). Các tuyến đường nội bộ dự án góp phần hỗ trợ đi lại thuận tiện cho cộng đồng.
Về sinh hoạt, văn hóa và an ninh trật tự ở giai đoạn triển khai các dự án điện gió có một số ảnh hưởng do vấn đề bồi thường, di dời, thay đổi thói quen của cộng đồng. Tuy nhiên, những tác động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Các kết quả điều tra (247 hộ gia đình đang sinh sống tại 31 điểm dự án điện gió và 31 cán bộ quản lý liên quan ở huyện Hướng Hóa) cho thấy các tác động tiêu cực của các dự án điện gió đến kinh tế-xã hội là không đáng kể, chủ yếu xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị và thi công dự án.
Từ các kết quả điều tra, đánh giá tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị là cơ sở quan trọng để triển khai công tác quản lý và quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Từ đó, cần tiếp tục đầu tư các nghiên cứu đánh giá chi tiết hơn về tiềm năng gió cho phát triển điện gió và đánh giá lợi ích đối với phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho quy hoạch phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)