Tết Nguyên đán Nhâm Dần-2022 đến gần, trên thị trường, bên cạnh nhóm hàng thiết yếu, nhiều loại đặc sản của Quảng Trị được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đặt mua để sử dụng và gửi cho người thân ở xa. Hương vị quê nhà cứ thế theo chân người đi khắp muôn nơi.
Bà Lê Lan Phương ở quận Bắc Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội, lấy chồng là người Quảng Trị. Năm nay, do COVID-19 nên gia đình bà không thể về quê ăn tết như thường lệ. Vì thế, từ đầu tháng Chạp, bà đã gọi điện thoại về quê đặt mua nhiều món đặc sản để bày cỗ đón Tết, gồm bánh tét mặt trăng của làng Đại An Khê, nem chả chợ Sải, măng khô Hướng Hóa, cá lóc nướng, mứt gừng Mỹ Chánh… Bà Phương cho biết, bên cạnh các món của miền Bắc thì món ăn Quảng Trị luôn được bà lựa chọn trong các dịp cúng giỗ, lễ, tết. Bà muốn con cháu trong gia đình cảm nhận được hương vị món ăn quê nội, như là cách để nhắc nhớ về nguồn cội của mình.
Trong nhiều món dân dã của mâm cỗ ngày tết dâng cúng tổ tiên hay đãi khách của người Quảng Trị luôn có món cá lóc khoanh nướng kho với ớt và gừng đậm đà. Chị Phạm Thị Liên ở Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh chuyên chế biến cá lóc nướng bán cho khách hàng vào mỗi dịp Tết. Chị cho biết, gắn bó với nghề này đã gần 20 năm nay, nhiều lúc muốn nghỉ ngơi, nhưng cứ trước Tết khoảng 1 tháng, khách quen gọi điện đặt cá nướng để ăn tết và gửi đi các tỉnh làm quà cho người xa quê, vậy là chị phải gắng chiều lòng khách. Để có những mẻ cá nướng thơm ngon thì cá cần phải sống. Chị Liên tận tay chọn mua cá tại các đầu mối, giám sát các công đoạn làm sạch cá rồi khoanh cá sao cho tròn, đẹp. Nướng 1 mẻ cá phải mất đến gần 5 giờ. Khi bếp than đỏ rực, lửa ổn định mới đặt cá lên nướng. Cá phải để cách xa lửa để chín, khô dần mà không bị háp hoặc cháy.
Những năm gần đây, ngoài nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, chị Liên còn đóng hàng cho khách gửi đi các thành phố lớn. Năm nay, chị Liên dự định làm khoảng 1 tấn cá lóc tươi để chế biến thành cá nướng. Thành phẩm bán ra với giá từ 190.000-210.000 đồng/kg, không tăng so với năm trước. Cá kho với ớt tươi, gừng cắt sợi và đặc biệt là kho rim với nước chè xanh đặc thì món ăn dù để lâu vẫn giữ được vị ngọt, thơm và cay nồng.
Những ngày này, chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (có cửa hàng tại 125 Hùng Vương, TP.Đông Hà) đã chuẩn bị khoảng 7 tấn gạo sạch, nhiều gấp 3 lần ngày thường, để lên các giỏ quà tặng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Giỏ quà gồm 5 kg gạo sạch Triệu Phong và các sản phẩm OCOP của tỉnh mang đậm hương vị quê nhà. Giá gạo ổn định với 28.000 đồng/kg gạo thường và 35.000 đồng/kg với gạo ST25. Đặt trước đơn hàng tết, khách hàng sẽ được giảm giá. Những năm gần đây, đặc biệt vào dịp Tết, có nhiều khách hàng mua gạo gửi đi ngoại tỉnh và các thành phố lớn làm quà biếu đặc sản cho người thân và bạn bè. Nem, chả cũng là món ăn không thể thiếu của mâm cơm truyền thống hay hiện đại trong 3 ngày Tết, vì vậy, các bà nội trợ luôn đặt mua ở những cơ sở sản xuất uy tín để mâm cỗ ngày tết thêm tươm tất.
Nem, chả chợ Sãi ở xã Triệu Thành ngon nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Anh Lê Thanh Tuấn, chủ cơ sở sản xuất nem, chả Tuấn Sáu ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong cho biết, cơ sở anh đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng. Hằng năm, cao điểm nhất từ ngày 10 - 30 tháng Chạp, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất 100 kg nem, chả heo, bò gói theo đòn với trọng lượng 0,5 đến 1 kg với giá cao nhất khoảng 250.000 đồng/chả bò. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, theo anh Tuấn, năm nay do tình hình dịch bệnh khiến giá cả tăng nhưng đơn hàng đi ngoại tỉnh của cơ sở vẫn ổn định.
Một cái Tết nữa lại đến gần, những món ăn đậm đà hương vị của quê nhà chắc chắn sẽ góp phần đem đến những bữa cơm sum vầy, ấm cúng trong ngày xuân. Lòng người xa quê vì thế cũng trở nên ấm áp hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)