Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch ở Hướng Linh

Kô Kăn Sương |

Hướng Linh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa Quảng Trị), 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp nhưng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp không cao do vùng đất này quanh năm có gió lớn. 

Để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo thu nhập cho người dân vươn lên giảm nghèo, thời gian qua xã đã thực hiện chủ trương khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, trong đó chú trọng phát triển du lịch.
 
 Mô hình trồng sim rừng ở Hướng Linh thu hút khách đến tham quan. Ảnh: KKS

Được ví là “cửa gió” ở miền Tây Quảng Trị, Hướng Linh là nơi có thể khai thác làm được điện gió. Vì thế, năm 2015 dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư của 2 dự án hơn 3.000 tỉ đồng. Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung. Đây cũng là điều kiện để Hướng Linh khai thác thúc đẩy phát triển du lịch. Từ khi đi vào hoạt động năm 2017 đến nay, các dự án điện gió đã trở thành “sản phẩm du lịch” mới lạ ở Hướng Linh, là địa điểm tham quan của đông đảo du khách gần xa. Hướng Linh còn được thiên nhiên ban phú những đồi sim bạt ngàn tươi tốt. Nhu cầu ngâm rượu sim hoặc làm nước trái cây từ sim rừng ngày một nhiều nên nhờ loại cây này, người dân ở xã đã có thêm thu nhập từ việc hái sim bán cho thương lái đến thu mua. Người dân còn biết khai thác tiềm năng vùng đồi núi để nhân rộng diện tích cây sim tạo thêm thu nhập. Xã đã khuyến khích người dân sử dụng trái sim để làm rượu sim, hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vì thế, những đồi sim ở đây trở thành “đặc sản” và là điểm đến của nhiều du khách ngắm hoa, quay phim, chụp ảnh lưu niệm... Lòng hồ thủy điện tại địa bàn xã là nơi có cảnh quan thơ mộng với hồ nước trong xanh, cùng với các khối đá tự nhiên được sắp xếp theo từng lớp, xung quanh là cây rừng tươi tốt nên rất mát mẻ, tạo cảm giác thoải mái, thư giãn cho những ai đến đây trải nghiệm du lịch. Đặc biệt, Hướng Linh có 100% dân số là đồng bào Vân Kiều, có đời sống văn hóa phong phú, nhiều phong tục tập quán độc đáo, tạo ấn tượng khó phai với khách du lịch khi đến với miền đất đầy gió này.

Với những lợi thế nói trên, ngay từ đầu năm 2020 chỉ tiêu “tập trung phát triển du lịch” đã được Đảng ủy xã Hướng Linh đưa vào nội dung cam kết thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ Đảng ủy và người đứng đầu cấp ủy, phân công trách nhiệm cho các tổ chức, đoàn thể từng phần việc cụ thể. Theo đó, quy hoạch, trồng sim rừng tập trung để phục vụ cho phát triển du lịch đã được triển khai. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền vận động hội viên quy hoạch đất gò đồi, đất bạc màu để chuyển đổi sang trồng sim rừng. Ban đầu sẽ thí điểm 1 mô hình với 1.000 cây trên tổng diện tích 1.000 m2 . Chính quyền xã sẽ hỗ trợ ban đầu gần 17 triệu đồng cho mô hình này. Kết quả mô hình sẽ được đánh giá và nhân rộng. Mục tiêu là xây dựng đồi sim phục vụ nhu cầu ngắm hoa, quay phim, chụp ảnh, đồng thời sản xuất sản phẩm rượu sim rừng phục vụ khách du lịch.

Chị Hồ Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Linh cho biết: “Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tận dụng vùng đồi núi ở địa phương và diện tích nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng mô hình trồng sim rừng tăng thu nhập cho gia đình kết hợp làm du lịch cộng đồng. Đa số chị em hưởng ứng rất cao chủ trương này. Hiện nay chúng tôi vừa kết hợp tuyên truyền vừa bắt tay vào khâu khảo sát đất, chuẩn bị điều kiện cần thiết để đợi thời tiết thuận lợi sẽ triển khai trồng sim. Bước đầu hội sẽ chọn 1 hộ làm điểm, sau đó nhân rộng”.

Thông qua kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “dân vận khéo”, xã Hướng Linh cũng đã đưa vào các nội dung trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Tiêu biểu như mô hình “Tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn” và “Phát triển du lịch văn hóa cộng đồng”. Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân về trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, phát động phong trào trồng hoa, cây cảnh gắn với nhiệm vụ xây dựng tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch về thực hiện Chương trình hành động của BCH Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW, ngày 6/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng xây dựng các giải pháp mang tính khả thi, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào Vân Kiều. Trong đó văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống…được xã đặc biệt quan tâm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng, miền. Chính quyền xã cũng đã thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa ở địa phương như ngày truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô mang họ Hồ của Bác, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội văn hóa các dân tộc, lễ hội mừng lúa mới…Qua đó tạo môi trường để người dân thường xuyên mang trang phục truyền thống, chơi nhạc cụ và hát dân ca, thực hiện các món ăn truyền thống của dân tộc mình; khơi dậy niềm tự hào, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi người dân. Đây cũng là dịp để bà con tập duyệt các hoạt động phục vụ lễ hội, tạo cơ sở xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch sau này.

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Linh Nguyễn Phú Sơn cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về tham gia phát triển du lịch, giữ gìn, phát huy và quảng bá có hiệu quả bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch. Quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.”

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cheo cá - thứ nước chấm đặc trưng của đồng bào Pa Cô

Hoạ My |

Nhắc đến ẩm thực của người miền núi miền tây Quảng Trị không thể không nhắc đến những món nước chấm lạ, hấp dẫn và mang nét đặc trưng rất riêng.

Nhà vườn An Hiên - nơi bình yên giữa lòng phố Huế

Thúy Trinh |

Nhà vườn An Hiên là một trong những ngôi nhà vườn tiêu biểu nhất ở Huế. Nhà vườn này không những có lối kiến trúc độc đáo mà cây cối nơi đây bốn mùa xanh tươi mang đậm nét quý tộc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn thời xưa. 

Xụm Lào trên đất Lao Bảo

Nguyễn Thùy |

Có lẽ, nhắc đến cái tên xụm đu đủ hẳn ai cũng biết đến khi đặt chân lên Lao Bảo, miền tây của Quảng Trị. Đến đây bạn sẽ thưởng thức trọn vẹn nắng gió và món ăn Lào ngay trên đất Việt.

Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô sẵn sàng đón sóng đầu tư mới

Đỗ Trưởng |

Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô hiện thu hút đầu tư được 47 dự án, với vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 79.300 tỷ đồng và đã sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu dịch COVID-19.