Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

PV |

Ngày 10/10, tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), UBND huyện Điện Biên Đông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ.

Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống được trao truyền từ nhiều đời nay và đã trở thành di sản độc đáo của dân tộc Xinh Mun, chứa đựng, phản ánh những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh tế của đồng bào Xinh Mun qua các câu chuyện truyền thuyết, diễn xướng, dân ca, dân vũ, phong tục và tập quán, tín ngưỡng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là chỗ dựa tinh thần để mọi người hướng về tổ tiên, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng.

Mâm cỗ cúng Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở Chiềng Sơ.
Mâm cỗ cúng Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở Chiềng Sơ.

Theo ông Lò Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơ cho biết: Xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông có 6 dân tộc cùng chung sống với gần 1.200 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Xinh Mun ở Chiềng Sơ có 472 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu. Dân tộc Xinh Mun canh tác trên nương là chính và tin rằng kết quả sản xuất do quyết định của hồn lúa và thần nương, thần nước. Do vậy, họ thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cầu mong các thế lực siêu nhiên phù hộ cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu, trong đó Lễ mừng cơm mới (Trả pa me) là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của đồng bào Xinh Mun.

Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn và tưởng nhớ tới những người có công sinh thành, dưỡng dục con cháu và truyền đạt những tri thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật làm nương theo mùa vụ. Đây là dịp con cháu dâng lên các món ăn truyền thống, mời tổ tiên ăn cơm mới và cầu mong họ phù hộ cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu. Lễ mừng cơm mới còn nhằm bảo lưu các món ăn truyền thống của dân tộc, thể hiện tri thức dân gian về ẩm thực của người Xinh Mun trong việc khai thác thức ăn trong tự nhiên phục vụ đời sống hàng ngày. Đây là dịp để các thành viên gia đình, dòng họ quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả; là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đặc biệt là duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc Xinh Mun, là dịp giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun ở Chiềng Sơ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm, thời gian cụ thể tùy thuộc vào sự lựa chọn của các gia đình. Với giá trị tiêu biểu, Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022.

Trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ.
Trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là sự ghi nhận và động viên xứng đáng với các cấp, các ngành và chủ thể nắm giữ di sản. Qua đó nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác của các chủ thể, cộng đồng và những nhà nghiên cứu trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục quốc gia như: Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật Múa của người Khơ Mú, Nghệ thuật Khèn của người Mông, Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun…Qua đó, bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

(Nguồn: Ngày Nay)

Những điểm thu hút của Lễ hội hoa tam giác mạch 2022

PV |

Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 26/11/2022 tại huyện Đồng Văn với nhiều hoạt động đặc sắc. Tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh đang chuẩn bị trồng gần 400 ha hoa tam giác mạch để hoa nở kéo dài từ khoảng trung tuần tháng 10 cho đến hết tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ hội.

Khen thưởng 60 tập thể, cá nhân có thành tích trong tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Ngọc Trang |

Ngày 23/9, UBND thị xã Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (1972 – 2022). Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền Thông, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị cùng 20 tập thể và 40 cá nhân được khen thưởng tham dự hội nghị.

Khảo sát phục dựng lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô

Thanh Huyền |

Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa có buổi làm việc với xã Hướng Sơn và xã Lìa để xây dựng kế hoạch phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Kô và Vân Kiều trên địa bàn.

Những lễ hội tiêu biểu Việt Nam - Lào - Thái Lan

Thanh Hồ |

Giỗ Tổ Hùng Vương ở Việt Nam còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ. Đây được xem là ngày hội truyền thống của người Việt Nam trong và ngoài nước, diễn ra vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Đền Hùng (Phú Thọ) nhằm tưởng nhớ công lao lập nước của các vị vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn. Ở Việt Nam còn nhiều lễ hội như: Hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình), Hội chùa Hương (Hà Nội)...