Theo sử sách để lại, cách đây khoảng 500 năm về trước, các bậc tiền nhân đã đến vùng đất Long Hưng ngày nay để khai khẩn, sinh sống và lập nên làng Long Đôi. Dần về sau, các bậc hậu thế đã đổi tên làng Long Đôi thành Long Hưng và cái tên đó tồn tại cho đến tận bây giờ. Qua bao biến thiên dâu bể, thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ngày càng phát triển, mang dáng dấp của một vùng quê hiện đại...
Dọc theo tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn huyện Hải Lăng có rất nhiều vùng quê trù phú nhưng có lẽ thôn Long Hưng, để lại nhiều ấn tượng nhất bởi diện mạo khang trang như một “khu đô thị” thu nhỏ.
Dẫu là miền quê nhưng cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, khang trang. Nhiều tuyến đường hoa, vườn mẫu, cây xanh, thiết chế văn hóa trong khu dân cư tạo nên một không gian rất đáng sống. Cùng với đó là những ngôi nhà hiện đại, bề thế và cao tầng mọc lên san sát.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Long Hưng Trần Kim Vinh cho biết: “Hiện tại thôn Long Hưng có 711 hộ dân với khoảng 2.760 nhân khẩu. Tuy là vùng nông thôn nhưng thu nhập chủ yếu của người dân là ở lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ và làm nông nghiệp chỉ là phụ.
Hiện nay, lĩnh vực thương mại dịch vụ ở thôn Long Hưng chiếm tỉ trọng khoảng 67%. Khoảng 5 năm trở lại đây, diện mạo thôn Long Hưng đã thay đổi nhanh chóng, tốc độ đô thị hóa cũng khá nhanh, đường nông thôn có nhiều nơi rộng đến 6,5m, các thiết chế văn hóa, đời sống người dân không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 77 triệu đồng/người/năm”.
Ở Long Hưng, kinh tế hợp tác xã (HTX) phát triển rất mạnh, chủ yếu là các dịch vụ như: đấu khoán ao cá để sản xuất, kinh doanh cá giống cung ứng cho thị trường; cho thuê ki ốt, mặt bằng để phát triển ngành nghề kinh doanh; thu gom rác; thủy nông, thủy lợi; điều hành sản xuất...
Trong đó, nổi bật là dịch vụ cho thuê khoán tài sản. HTX Long Hưng đã duy trì các lô quầy ki ốt, cơ sở sản xuất kinh doanh để các hộ thành viên tham gia thuê khoán giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Đồng thời, HTX Long Hưng còn tổ chức đấu khoán đất ruộng, đất màu, cho thuê mặt bằng nhằm giúp tăng thêm nguồn thu cho HTX.
Tuy sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng thấp hơn nhiều so với thương mại dịch vụ nhưng người dân và các thành viên HTX Long Hưng vẫn chú trọng đến sản xuất lúa 2 vụ/năm với diện tích gieo cấy mỗi vụ khoảng 108 ha, năng suất bình quân đạt từ 50-52 tạ/ha, sản lượng từ 540-560 tấn/vụ. Người dân đã đưa vào trồng các giống lúa như: ST25, Đài Thơm 08, HN6, Khang Dân, RVT... cho chất lượng gạo tốt, được thị trường đánh giá, tiêu thụ mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Bên cạnh sản xuất lúa, người dân Long Hưng còn trồng thêm sắn, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế.
Ở Long Hưng, diện tích nuôi thủy sản chỉ có 35 ha nhưng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích mang lại rất cao. Bình quân mỗi năm sản lượng cá thịt thương phẩm khoảng 125 tấn và cung ứng ra thị trường 90 vạn con giống, 200 vạn con cá bột.
Người dân nơi đây còn mạnh dạn kết hợp giữa nuôi cá có giá trị kinh tế cao với phát triển dịch vụ câu cá giải trí. Mô hình kết hợp này đã đem đến thu nhập khá cao, ổn định cho người nuôi cá, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người dân và các dịch vụ đi kèm.
Nhiều năm qua, người dân Long Hưng đã mạnh dạn đầu tư trồng cam K4 - Hải Phú. Hiện nay toàn thôn có 14 hộ trồng cam quy mô với tổng diện tích 25 ha, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.
Song song với đó, Tổ hợp tác trồng cam đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào trồng để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, người dân Long Hưng đã phát triển trồng rừng sản xuất lên tới 139 ha. Việc trồng rừng sản xuất theo chứng chỉ FSC và rừng thâm canh, gắn sản xuất với thị trường đã đem đến nguồn thu lớn cho người dân, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong năm 2023, tổng thu nhập xã hội của HTX Long Hưng đạt 205 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/người/năm. Tiếp nối những thành công đó, năm 2024, HTX Long Hưng đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với mục tiêu đặt ra là tổng thu nhập xã hội đạt trên 210 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 80 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được kết quả đó, chi bộ, ban cán sự thôn, HTX Long Hưng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, thành viên tích cực khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Nhận xét về sự phát triển của thôn Long Hưng trong thời gian qua, Chủ tịch UBND xã Hải Phú Nguyễn Nhạc cho biết: “Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, đến nay thôn Long Hưng đã phát triển nhanh, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Là một thôn có vị trí địa lý nằm tiếp giáp với thị xã Quảng Trị nên tốc độ đô thị hóa ở Long Hưng khá nhanh. Bên cạnh đó, các ngành nghề thương mại, dịch vụ ở Long Hưng phát triển mạnh, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung các nguồn lực để hỗ trợ các thôn, trong đó có thôn Long Hưng, tiếp tục phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường giao thông kiểu mẫu, vườn mẫu, xóm kiểu mẫu cùng các thiết chế văn hóa khác”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)