Đâu đó trong các khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP. Đông Hà, có những người phụ nữ suốt mười mấy năm qua vẫn mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm được đánh bắt từ ruộng đồng lên phố. Ngày mưa cũng như ngày nắng, họ ngược xuôi muôn nẻo sông hồ để gom hàng, rồi tất bật đưa lên phố thị những con cá, con tôm tươi roi rói. Khó khăn, vất vả là thế nhưng những người phụ nữ này chấp nhận gắn bó với công việc, bởi sau lưng họ là cả gia đình với bao nỗi lo toan.
Gom hàng từ nhiều mối
Một ngày mới của chị Lê Thị Tuyền, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng, khi gà chỉ mới cất tiếng gáy đầu tiên. Chị cẩn thận kiểm tra một lần nữa mấy món đồ nghề lỉnh kỉnh như: thau lớn nhỏ, rổ rá, mâm, dao, kéo, dụng cụ đánh vảy cá... đã sắp xếp gọn gàng, chất lên xe từ hôm trước. Tiếng động cơ từ chiếc xe máy cũ vang lên cũng là lúc người phụ nữ ấy hòa mình vào hành trình mưu sinh.
Chị Tuyền làm nghề bán cá đồng ở Chợ Phiên Cam Lộ. Tôi biết đến chị nhờ sự “mách nước” của mẹ tôi, người có sở trường nấu rất nhiều món ăn ngon, trong đó có món cá bống kho nghệ đậm đà.
Theo mẹ, món ăn này chỉ ngon khi sử dụng cá bống đồng mà mẹ vẫn thường mua của chị Tuyền. Không chỉ mẹ tôi, sạp cá của chị còn là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều khách hàng khác trên địa bàn. Có dịp ngồi bán hàng cùng chị vào một buổi sáng cuối tuần, tôi “toát” hết cả mồ hôi vì giúp chị liên tục cân cá cho khách. Tranh thủ lúc khách đã vãn, chị Tuyền chia sẻ: “Trong nghề này, tôi có “thâm niên” hơn 17 năm.
Lúc đầu mới làm, tôi nhập đủ loại thủy, hải sản từ tự nhiên, nuôi trồng đến đánh bắt ở biển về bán nhưng không có lượng khách hàng ổn định. Sau này, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng ưa chuộng các loại cá đồng, dù giá cao hơn chút vẫn đắt hàng nên tôi chỉ nhập mặt hàng này về bán”. Sinh ra và lớn lên ở ven sông, chuyện phân biệt cá ruộng, cá nuôi với chị “dễ như trở bàn tay”.
Tuy nhiên, muốn duy trì lượng khách thường xuyên thì phải có đủ hàng. Trong khi đó, cá đồng tự nhiên ngày càng khan hiếm do khu vực sống của chúng bị thu hẹp, chất lượng môi trường nước ô nhiễm.
Chị Tuyền kể, để có đủ số lượng cá, tôm đồng tự nhiên bán trong buổi sáng, chị phải tìm đến các mối quen, chuyên đánh bắt thủy sản tự nhiên trong khu vực sông hồ quanh xã Gio Mai đặt hàng trước. Những ngày hàng khan hiếm, chị tìm ra các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy để gom đủ cá.
Tại TP. Đông Hà, nhu cầu sử dụng thủy sản đánh bắt tự nhiên của người tiêu dùng ngày càng cao. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều năm nay chị Trần Thị Duyên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, gom hàng từ quê lên bán ở chợ Phường 5. Sạp hàng của chị đặt ở một góc nhỏ trong chợ, trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người nội trợ vì lúc nào cũng có đa dạng các loại cá như: dìa, đối, nâu, kình và tôm bạc sông...
“Cá đồng tôi bán chủ yếu do chồng đánh bắt được, không đủ thì gom thêm hàng từ các mối ở chợ An Lợi, Triệu Độ, Bắc Phước...Thực ra không phải ngày nào cũng có nhiều cá, tôm đồng để bán. Sản lượng của mặt hàng này phải phụ thuộc nhiều vào từng ngày, từng mùa và con nước. Thời điểm đánh bắt cá bội thu nhất là khi những cơn mưa lớn xuất hiện.
Có nhiều khoảng thời gian trong ngày để thả lưới bắt cá đồng nhưng thường dân chuyên đánh bắt thường chọn thời gian từ giữa khuya đến rạng sáng, vì cá vừa đánh bắt lên không mất công bảo quản, giữ được độ tươi ngon để kịp mang ra chợ bán”, chị Duyên bộc bạch.
“... tôm cá theo buổi chợ”
Khi được hỏi về giá bán của các loại cá, tôm đồng trên thị trường hiện nay, chị Duyên cho biết, giá cả có sự thay đổi theo từng ngày, tuy nhiên, so với các loại thủy sản nuôi, giá nhập vào của các loại tự nhiên thường cao gấp đôi. Thời điểm cá đồng còn ở mức giá bình dân, chị thường bán theo rổ, một rổ nửa ký gồm tép và các loại cá đồng nhỏ với giá 20-30 nghìn đồng. Còn giờ, khi các loại cá đồng khan hiếm thì tép đồng được bán riêng; cá nhỏ, vụn cũng có giá vài chục nghìn đồng/kg.
Theo chia sẻ của một số người chuyên đánh bắt cá đồng tại vùng Gia Độ, xã Triệu Độ, trước đây, sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân là tha hồ bội thu các loại cá như lóc, trê, chạch...Thời gian gần đây, cá, tôm đồng ngày càng trở nên khan hiếm.
Nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên ít dần đi, làm cho giá cá đồng ngày một tăng cao. Tại các chợ từ trung tâm huyện, thành phố đến các chợ dân sinh vùng nông thôn, mặt hàng tôm, cá đồng được bày bán với giá khá cao. Giá cá diếc tại chợ là 150 - 200 nghìn đồng/kg, cá leo 250 - 270 nghìn đồng/kg, tôm đất 200 - 250 nghìn đồng/kg, lươn đồng 200 - 250 nghìn đồng/kg...
Gắn bó với công việc bán cá đồng 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Ái Liên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, chọn chợ Lê Lợi, TP. Đông Hà, làm nơi buôn bán. Bà Liên thừa nhận sự khan hiếm, đắt đỏ của cá, tôm đồng trên thị trường hiện nay. Để có đủ hàng cho các buổi chợ, bà thường phải thức dậy sớm, đánh xe đi khắp các chợ quê trên địa bàn Triệu Độ và các xã lân cận đợi lấy hàng.
Chỉ cho tôi cách phân biệt thủy sản tự nhiên với thủy sản được nuôi, bà cho hay: “Chúng tôi gắn bó với nghề này nhiều năm nên chỉ cần nhìn vào là biết loại nào được đánh bắt trong tự nhiên, loại nào được nuôi.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng phân biệt được. Ví dụ như cá trê, cá tràu đồng thường có đầu nhọn hơn cá nuôi do thường hoạt động, chui rúc dưới bùn đất. Bụng lươn đồng thường có màu vàng nghệ, đuôi dài nhọn, trong khá ốm.
Cá rô đồng thì đen trùi trụi, ốm và rất khỏe, hiếm khi chịu nằm yên trong mâm người bán. Cá dìa đồng có thân tròn hơn cá nuôi, màu vàng đậm hơn, chấm trên cơ thể to hơn; tôm bạc đất sông có vỏ rất dày và cứng, dùng tay bóp vào thân tôm khó bị móp vỏ; tôm trong tự nhiên có dáng dài, thịt ngọt, dai hơn tôm nuôi”.
Vừa nói, người phụ nữ ấy nhanh tay làm sạch ruột cá trê: “Cá tự nhiên chủ yếu ăn rong rêu nên trong ruột thường có màu đen, không có mỡ. Đây cũng là một trong những cách phân biệt”, bà Liên bật mí.
Trước tình trạng thực phẩm hàng hóa không có nguồn gốc tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Do đó, dù giá cả mặt hàng này trở nên đắt đỏ, nhiều bà nội trợ vẫn sẵn sàng chi tiền để mua thực phẩm này.
Chị Lê Thị Phương Hà, thị trấn Cam Lộ, bộc bạch: “Vì có con nhỏ nên tôi luôn tìm mua tôm, cá đồng về chế biến món ăn cho con. Một con cá dìa đồng từ 27 - 30 nghìn đồng/lạng, nhưng tôi vẫn mua. Đồ cho con ăn phải tự nhiên, an toàn mới yên tâm”. Giá đắt nhưng một số người phải đặt hàng trước mới mua được, nếu không chỉ cần ra chợ chậm một chút là không còn gì. “Mỗi lần muốn ăn cá bống đồng, tôi phải đặt hàng chỗ người quen 1 - 2 ngày”, chị Hà cho biết thêm.
Gồng gánh mưu sinh
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ đến những người phụ nữ bán cá ở chợ có tính cách hung hăng, sẵn sàng “xắn tay áo” gây chiến với bất kỳ ai dám kỳ kèo, chê bai rổ cá của họ. Tuy nhiên với những người phụ nữ mà tôi có duyên gặp gỡ như chị Tuyền, chị Liên hay chị Duyên, họ rất gần gũi, thân thiện. Gặp ai các chị cũng đon đả mời mọc mua cá, tôm. “Là phụ nữ, ai chẳng muốn làm nghề nhàn nhã, người lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho.
Tuy nhiên vì cuộc sống, tôi chọn làm nghề luôn ám mùi tanh nồng tôm cá này. Vậy nhưng tôi luôn động viên bản thân miễn làm ra đồng tiền lương thiện là được”, chị Tuyền tâm sự. Bán cá là nghề vất vả, chuyên bán cá đồng lại còn nhọc nhằn hơn bởi phải săn lùng hàng khắp nơi.
Trên con ngựa sắt của mình, người phụ nữ ấy xuôi ngược muôn nẻo để có hàng bán, duy trì công việc mỗi ngày; luôn ra khỏi nhà khi mặt trời chưa ló dạng và trở về khi cá, tôm đã vơi gần hết. Chị không dám nghỉ buổi chợ nào dù mưa nắng hay ốm đau vì sợ mất khách, mất mối và bởi sau sạp cá của chị còn có một gia đình cần phải chăm sóc, lo toan.
Làm nghề lâu năm, đôi tay của chị Duyên trở nên thô ráp, chằng chịt vết thương để lại sau những lần làm cá, tôm.“Nhớ hồi mới đi làm, ngửi mùi cá cả ngày, về nhà ăn cơm không nổi dù mua cả nửa ký chanh để rửa vẫn không hết mùi.
Nhưng không đi làm thì lấy tiền đâu lo cho gia đình. Cứ thế làm riết thành quen, thời gian trôi qua 20 năm lúc nào không hay.
Thu nhập từ công việc không ổn định, phụ thuộc vào lượng khách và hàng hóa bán ra. Trung bình một ngày chúng tôi kiếm được chừng 200 nghìn đồng, ngày nào trúng thì 300 - 400 nghìn đồng. Hôm nào bán hết cá thì được về sớm với các con; hôm nào ế thì phải tằn tiện chút”, chị Duyên kể.
Ngoài thời gian bán cá ở chợ, chị tranh thủ nuôi một trại lợn khoảng 200 con; kinh doanh thêm nghề cho thuê rạp cưới.
Chị tâm sự: “Làm nhiều thì mới có tiền lo cho ba con nhỏ ăn học. May mắn là con tôi đều ngoan ngoãn, không chỉ chăm học mà còn bảo ban nhau, giúp ba mẹ làm việc nhà. Đây là động lực để vợ chồng tôi cố gắng nhiều hơn”. Giống như chị Duyên, ngoài bán cá đồng ở chợ, bà Liên còn phải tất bật với công việc đồng áng để có tiền trang trải chi phí trong gia đình.
Trên vai những người phụ nữ này gánh bao nỗi lo toan cho gia đình, người thân. Họ như con ong chăm chỉ từ ngày này qua tháng nọ để gom góp, chắt chiu từng đồng lo cho gia đình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)