Mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu

Tuyết Lê |

Hoạt động gần 2 năm nay, mô hình du lịch cộng đồng của ông Đinh Văn Như (dân tộc Cơ Tu) ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.

Khuôn viên homestay của ông Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang rộng gần 1.000m2, với khe suối và mênh mông đồi núi bao bọc. Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng, tầng 1 là sảnh đón khách, khu ăn uống và sinh hoạt chung; tầng 2 là phòng nghỉ có sức chứa chừng 30 khách. Cách trang trí cũng đơn giản với tre gỗ, đá và các đồ dùng truyền thống của người Cơ Tu.

Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng.
Homestay được thiết kế đơn giản với nhà sàn 2 tầng.

Khi mô hình du lịch homestay ra đời, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, ở xã Hoà Bắc thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng với 45 thành viên, do ông Đinh Văn Như làm tổ trưởng. Trong tổ có các nhóm ngành nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, cồng chiêng.

Bà Bùi Thị Lươi - tổ dệt thổ cẩm ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cho biết: Trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Từ khi có mô hình du lịch homestay, bà con dệt thêm thổ cẩm, may các sản phẩm như ví, áo, túi xách v.v. bán cho du khách, vừa gìn giữ văn hóa của mình, vừa cải thiện cuộc sống.

"Ví dụ ngày lễ khách tới homestay có nhu cầu, mình đi dệt được họ hỗ trợ 50.000 đến 200.000 đồng cũng thêm đồng ra, đồng vào. Homestay có khách thì mấy chị em đi dệt, đi múa để trang trải trong gia đình; cũng nhờ homestay nên đã khôi phục lại truyền thống ngày xưa" - bà Bùi Thị Lươi nói.

Tầng 2 của khu nhà là phòng nghỉ có thể phục vụ 30 khách.
Tầng 2 của khu nhà là phòng nghỉ có thể phục vụ 30 khách.

Năm 2009, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đã chọn 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí, xã Hòa Bắc thí điểm làm du lịch cộng đồng. Ông Đinh Văn Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng cho biết, ban đầu được địa phương hỗ trợ vay vốn 400 triệu đồng, ông vay mượn thêm để thành lập mô hình du lịch này.

Du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ Tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng sông Cu Đê, đan gùi, bắt cá suối, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, đan lát… Buổi tối, khách tham gia đốt lửa trại, múa cồng chiêng, hát lý, hát giao duyên. Đến nay, mô hình du lịch homestay đã thu hút hơn 1.000 lượt khách đến tham quan. Ông Đinh Văn Như cho biết, mô hình này đã góp phần tạo sinh kế cho những thành viên của tổ du lịch.

Du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ Tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng sông Cu Đê.
Du khách đến đây được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Cơ Tu như tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng sông Cu Đê.

Ông Đinh Văn Như nói: "Mình thấy hiệu quả vì có thêm thu nhập. Đội văn nghệ phục vụ khách buổi tối thu nhập 100.000 đồng/người. Mỗi lần khách đặt ăn uống, đội nấu ăn, phục vụ được 200.000 đồng/người. Do dịch Covid-19 nên khách cũng hạn chế. Sắp tới mình tiếp tục làm giai đoạn 2, tạo công ăn việc làm cho thành viên trong tổ”.

Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các Tổ hợp tác du lịch cộng đồng của người dân miền núi Hòa Vang. Cụ thể là tập huấn công tác phục vụ khách, mở lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát, đưa bà con tham quan, học hỏi các mô hình ở địa phương khác.

Mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu.
Mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách đến gần hơn với đồng bào Cơ Tu.

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, mô hình du lịch cộng đồng homestay là một trong những sản phẩm mới, góp phần làm đa dạng ngành du lịch Đà Nẵng; không chỉ thuần túy là làm kinh tế mà còn gắn phát triển du lịch với văn hóa.

“Trong thời gian tới, Sở Du lịch, UBND huyện Hòa Vang đẩy mạnh đầu tư, hình thành các dịch vụ du lịch để phục vụ du khách và tăng cường xúc tiến quảng bá; tổ chức các đơn vị lữ hành đến khảo sát, hình thành tour, tuyến để thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng này do người dân đầu tư quản lý và tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân” - ông Tán Văn Vương cho biết.

(Nguồn: VOV-Miền Trung)

TAGS

Đà Nẵng: Du lịch ế ẩm, nhiều khách sạn bán tháo để trả nợ

Hữu Long |

Do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động du lịch tại Đà Nẵng trở nên ảm đạm. Hàng loạt khách sạn phân khúc ba sao trở lên phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có lượng lớn khách sạn bắt đầu rao bán để trả nợ.

Làm sạch bãi tắm Nhật Tân trước mùa du lịch biển

Nguyễn Vinh |

Bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có diện tích 5 ha được Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở như đường giao thông, điện chiếu sáng, mặt bằng với số vốn giai đoạn 1 là 20 tỉ đồng.

Triển vọng từ mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp

Ngọc Trang |

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều loại hình du lịch mới thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, nghỉ dưỡng, chụp ảnh lưu niệm, trong đó mô hình du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hợp được đánh giá có nhiều triển vọng.

Savannakhet mở khu du lịch sinh thái mới

Tổng hợp |

Khu bảo tồn tự nhiên rừng khộp khô Ong Mang (khu bảo tồn nai cà tông quốc gia) ở tỉnh Savannakhet vừa mở cửa cho du khách tham quan, đây là một phần của dự án du lịch sinh thái có đóng góp cộng đồng, với các loại hình khám phá tự nhiên và tham quan hệ động vật hoang dã.