Dưa chuối là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc, dân dã của người dân quê tôi từ thời còn nghèo đói. Đến nay, món ăn này đã trở thành “đặc sản” gắn liền với nhiều thế hệ người dân trên cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Những ngày đông giá hay trời chuyển lạnh, các món ăn được chế biến từ dưa chuối dân dã, “quê mùa” này đã làm say đắm, ấm lòng người thưởng thức bằng những hương vị đặc trưng...
Quê tôi ở cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong-một vùng đất từng trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thời còn nghèo đói, người dân quê tôi đã biết chế biến ra nhiều món ăn ngon từ các loại cây, rau, củ, quả mọc hoang dại hay được trồng trong vườn nhà, ngoài đồng ruộng, trong đó có món dưa chuối.
Dưa chuối cũng như các loại dưa măng, dưa cải được muối lên. Để làm dưa chuối ngon, người dân quê tôi chỉ dùng thân cây chuối đá (chuối hột) non còn tươi, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài để lộ ra lõi non trắng nõn. Sau đó, chuẩn bị một chậu nước muối pha loãng rồi thái thân cây chuối non thành lát nhỏ, khá mỏng vào chậu nước, tránh cho lát chuối không bị thâm đen. Khi đã thái xong, vớt chuối ra rổ lưới để khô ráo nước rồi tiếp đến mới trộn vào đó một lượng muối hạt vừa đủ tỉ lệ, dùng tay bóp cho muối và chuối đã thái thành lát mỏng thấm đều. Tiếp đến cho chuối vào lu hoặc chum sứ, đổ hỗn hợp nước vo gạo vào, dùng mo cau đậy kín miệng lu. Muối dưa chuối theo cách này sẽ làm dưa trong, thơm, dai và ngọt bùi hơn muối bằng các cách khác. Sau 2 - 3 ngày ủ chua là dưa chuối có thể dùng được.
Theo những người có kinh nghiệm làm dưa chuối ở quê tôi, hầu như thân của các loại chuối đều có thể làm dưa nhưng ngon nhất vẫn là dưa chuối làm từ thân cây chuối đá. Loại chuối này có giá trị kinh tế thấp, quả nhiều hạt và cứng như đá, được trồng chủ yếu phục vụ chăn nuôi nhưng muối dưa thì lại rất ngon, có vị ngọt bùi, thơm hơn các loại chuối khác.
Dưa chuối có thể chế biến thành nhiều món ngon như: Canh chua dưa chuối, dưa chuối xào lăn, dưa chuối bóp thấu, dưa chuối chấm nước kho cá ... Dưa chuối có thể ăn quanh năm nhưng ngon và hợp nhất là vào cuối thu, đầu mùa đông năm trước kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau. Khoảng thời gian này, trời trở lạnh và ngoài đồng có nhiều cua, tôm, cá để nấu cùng dưa chuối. Thêm vào đó, các món được chế biến từ dưa chuối dễ ăn và rất hợp với tiết trời lạnh giá.
Dưa chuối nấu canh chua và xào lăn là ngon nhất. Khi nấu canh chua dưa chuối, người dân quê tôi thường kết hợp với ít măng chua, dưa sắn và các loài cá nước lợ, cua đồng ở vùng quê này như cá ông, nâu, móm bạc, ngạnh. Dưa chuối sau khi vớt ra khỏi chum, đem rửa sạch, vắt nhẹ cho khô ráo nước. Cá hay cua đồng được ướp gia vị vừa đủ rồi có thể xào sơ chế qua cho thấm, có một số loại cá nấu kèm chỉ cần ướp mà không cần xào qua. Tiếp đến, phi hành, ném, ớt cho dậy mùi thơm rồi đổ dưa chuối vào xào sơ qua và nêm gia vị vừa đủ. Sau đó đổ nước vào đến khi nước sôi mới cho phần cá đã xào hoặc cá đã ướp sẵn trước đó vào. Khi nồi canh chua dưa chuối vừa chín tới là tắt bếp, nêm nếm lại gia vị vừa dùng, thêm hành lá, ngò, ớt tươi ... rồi dùng khi canh còn nóng.
Đối với món xào lăn, người dân quê tôi thường xào dưa chuối với thịt lợn ba chỉ hoặc thịt lợn nhiều mỡ kết hợp ném, hành lá. Cách xào dưa chuối cũng giống như xào các loại rau, củ, quả thông thường.
Dưa chuối dù đem nấu canh chua hay xào lăn, bóp gỏi, chấm nước kho cá thì đều giữ được vị thơm đặc trưng từ thân cây chuối lên men, dưa vừa dai, vừa bùi, có vị ngọt thanh khiến ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi....
(Nguồn: Báo Quảng Trị)