Trước ngày giỗ mẹ, M. hỏi tôi: Mai giỗ mẹ, hỏi anh lúc sinh thời mẹ thích ăn món chi để em nấu cúng cho mẹ. Tôi ngớ người một lúc để nhớ, nhưng chẳng nhớ được gì. Thôi, để anh gọi Lan (em gái) cho chắc ăn vì cứ nghĩ em gái có thời gian dài sống gần gũi với mẹ mà là con gái nên chắc biết về sở thích của mẹ. Ai ngờ, em cũng lớ ngớ trả lời: Mẹ thích món chi hè? Không, có thấy mẹ thích chi mô anh...!
Trời ơi, hóa ra cả đời mẹ tôi chẳng thích món nào cả. Mẹ chỉ thích những món ăn mà chồng, con thích dẫu rằng mẹ là người nấu ăn cực ngon. Những món ăn mẹ nấu cho gia đình tuyệt vời đến nỗi tôi chưa bao giờ gặp lại cái cảm giác đúng với hương vị ngọt ngào dân dã thấm thía trong những món ăn do chính tay mẹ nấu, đã thấm đẫm tận nơi vị giác của mình. Không dễ gì thay thế.
Ôi mẹ tôi, đã tự nguyện đánh mất mình suốt đời giữa những bữa ăn của gia đình, món ngon chỉ dành cho chồng và các con, ai thích chi, mặn, ngọt, chua, cay... mẹ đều biết, đều chăm chút nấu nướng cho từng người theo từng khẩu vị. Vì cứ lo cho cả nhà lâu ngày riết rồi quên đi cả chính mình. Mẹ đã ẩn mình vào bóng tối lặng lẽ, đôi khi lầm lũi đứng nhìn, thu mình vào góc khuất bằng một tấm lòng hiến dâng, hy sinh tất cả cho gia đình. Mẹ thật sự đã không đủ thời gian để sống riêng cho mình, niềm vui và những phút giây hạnh phúc nhất của đời mẹ là đứng nhìn chồng và các con ăn ngon từ những bữa cơm do mình nấu.
Mẹ rất ít khi ngồi chung mâm cơm với cả nhà mà chỉ như một chiếc bóng thui thủi đứng nhìn, đợi chồng và các con ăn xong mẹ mới một mình ngồi vào “còn chi ăn nấy”. Nghĩ lại thương mà rưng rưng nước mắt, mẹ ơi...
Mẹ tôi đã dành cả đời để lo lắng chu toàn cho gia đình bằng một phẩm hạnh đúng nghĩa nhất của một phụ nữ nội trợ ra đi từ miền quê nơi cù lao cát bỏng giữa ngã ba sông Thạch Hãn tiếp giáp với biển. Từ cách chọn nguyên liệu thật tươi ròng, con cá, con tôm mẹ chọn khi nào cũng roi rói như mới vớt lên từ sông nước. Mùa nào thức nấy, món ăn luôn có tính âm, tính dương, có nóng, có lạnh... Không ai dạy mẹ nấu ăn cả, chính trái tim ngập tràn lòng yêu thương của mẹ dành cho con cái đã tâm truyền giá trị hơn gấp cả ngàn lần những cuốn sách hướng dẫn dạy nấu ăn bán tràn lan trên thị trường sách báo ngày nay.
Ngay cả vua đầu bếp Martin Yan “danh trấn giang hồ” mà tôi vô cùng ngưỡng mộ về tài năng, nghĩ đi nghĩ lại dù Yan có đầy đủ nguyên liệu, điều kiện để chế biến các món ăn nhưng không thể so bì với mẹ. Bởi vì nguồn nguyên liệu mà ông thắp đuốc cũng không bao giờ có, đó chính là sự toàn tâm toàn ý, vét cạn đời mình để nấu cho con ăn. Mẹ nấu không cần nếm xem mặn lạt, như một kỹ năng, lượng gia vị thêm vào vừa đủ, cả nhà ăn ít khi mà không vừa miệng. Mẹ kỳ công lắm, món ăn khi nào cũng hôi hổi nóng sốt. Mẹ canh giờ khi cha vừa đi làm về, mâm cơm đã soạn sẵn, riêng món canh phải đợi cả nhà ngồi vào mẹ mới bắc nồi canh lên bếp. Bát canh trong bữa cơm không bao giờ được để nguội.
Những ngày còn ở quê nhà không bao giờ quên được những món ăn mẹ nấu. Mùa mưa rét đến là món cá chuồn khô kho tiêu với thơm, món ruốc bột bằm nhuyễn thịt, sả với mở rán từng hạt nhỏ li ti luôn thơm lừng. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, con cá lúi đến mùa đẻ trứng từ trên nguồn đổ về, bụng nưng nức trứng, mẹ đem kho quẹo với tiêu hột, chỉ một lần thôi mà nhớ cả đời. Cá gáy thì nấu cháo thơm phức, chim dạt rô ti…Mùa hè thì chắt chắt (loại hến nhỏ) nấu canh rau muống, mẹ nấu sao mà ngọt sắc đến lạ lùng, chưa kể là con nuốt trộn với ruốc, trái quả bằm nhỏ với một chút rau thơm, rau xà lách xoong được mệnh danh là “nữ hoàng rau sạch” chỉ trộn với dầu dấm đã trở thành món ăn tuyệt vời. Mùa hè nắng lửa gió Lào, lùa vào miệng thấy mát cả người...
Mẹ rành rọt từng con cá, đến nỗi có khi một loại cá mẹ không nấu vì không đúng mùa, cá ấy mới qua mùa sinh sản thì không béo, không dai. Ếch, gà phải chọn mùa nào kiểu như “ếch tháng Ba, gà tháng Bảy”, mà gà thì không thể thiếu hương thơm vương vấn của lá chanh, bởi người xưa đã nói “con gà tục tác lá chanh”, bò thì phải nấu với khế vì “bò chết nhằm khi khế rụng”, hay nói như Chế Lan Viên “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/Khế trong vườn với một tí rau thơm/Ừ thế đó mà một đời xa cách mẹ/Hai mươi năm trở lại nhà nước mắt xuống mâm cơm” theo thói quen chế biến của người mẹ nghèo Quảng Trị thương khó nấu cho con ăn.
Cá ngạnh phải đúng mùa no trứng, theo đúng với cuộc hôn phối giữa những nguyên liệu “canh măng chua nấu với cá ngạnh nguồn”…Đặc biệt những ngày giáp Tết, mẹ một mình kiếm những gốc rễ thông lớn rất bén lửa đã chuẩn bị từ trước để nấu bánh tét. Nồi bánh tét mẹ nấu cả đêm nên thậm chí để ra Tết 10, 15 ngày vẫn còn đem chiên ăn rất ngon. Gần cả mươi ngày một mình mẹ lo đủ mọi thứ mứt, bánh trái, không thiếu một thứ gì…
Đồ gia vị như ruốc, nước mắm mẹ tôi đều tự tay làm vì không muốn ai nhúng tay vào cả. Tôi xa mẹ khi mới bước chân vào đại học cho đến ngày mẹ mất, chỉ thi thoảng về thăm mẹ. Mẹ tôi mù chữ mà ca dao hò vè “làu làu kinh sử” và tấm lòng thì bao la biển trời. Tôi nhớ những năm đầu sau tháng Tư năm 1975, gia đình gặp khó khăn, cơm khi nào cũng độn khoai sắn, tôi đi dạy học từ Tây Nguyên về thăm mẹ mấy ngày rồi đi nhưng bữa cơm nào mẹ cũng đều dành cho đứa con trai út một vài món ăn đặc biệt. Biết tôi thích món gà rô ti, mẹ mua cho được một đùi gà, chiên nấu riêng cho tôi ăn.
Mấy năm sau ngày mẹ mất, chị tôi mới nói: Cậu vô tâm lắm, để làm cho cậu một đùi gà chiên, mẹ không dám nói với chị vì sợ chị la, mẹ phải chạy vạy mượn hàng xóm để có tiền đi chợ... Chao ôi, mẹ ơi, con vô tình, vô tâm quá, mẹ mất rồi, biết cũng muộn màng. Trong đời mình, tôi viết nhiều bài thơ về mẹ, nhưng nhớ nhất là hai câu này: “Ngày mẹ mất mới biết rằng mất mẹ/Trần gian ơi côi cút một góc đời”.
Đó là tâm trạng của đứa con quá vô tình với mẹ. Mẹ mất rồi hối hận mà làm chi. Tôi cũng từng đi cùng trời cuối đất, cũng có cơ hội thưởng thức món ngon của lạ nhiều nơi nhưng thú thật vẫn luôn nhớ đến món ăn của mẹ, không gì so sánh nổi. Ngày giỗ mẹ mới phát hiện, mẹ chẳng bao giờ thích món ăn chi cả vì những món ngon nhất trên đời đã dành hết cho các con...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)