Aar veh cân đưh-món ăn của người Pa Kô

Kăn Sương - Lê Trường |

Một mùa xuân nữa lại về, để tổng kết một năm cũ qua đi, đón chào năm mới hứa hẹn nhiều niềm tin và hy vọng về những gì tốt đẹp nhất, người Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn thường tập trung tổ chức những bữa ăn thân mật giữa các gia đình trong thôn bản. Trong các món ăn ngon được bày dọn giữa nền nhà sàn, món aar veh cân đưh - một món cháo của người Pa Kô. Món ăn này có ý nghĩa củng cố, tăng cường tình đoàn kết, giáo dục con cháu giữ gìn, phát huy những đặc trưng văn hóa của dân tộc Pa Kô.

Hôm ấy, chúng tôi có dịp tham gia với bà con Pa Kô ở thôn A Liêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) chuẩn bị nguyên liệu và nấu món aar veh cân đưh. Không khí lên rừng, xuống suối lấy nguyên liệu và chế biến món ăn này thật rộn ràng. Gạo được vo sạch, vút ráo nước; thịt lợn, cá, những đọt măng, đọt mây, tu vêng, rau rớn được chọn tươi, non từ rừng, suối đem về chế biến sạch sẽ, thái nhỏ; các gia vị để nêm cháo cũng được chuẩn bị đầy đủ. Bên bếp lửa hồng, già, trẻ, gái, trai cùng nhau chế biến món ngon, trò chuyện vui vẻ.

Món aar veh cân đưh - Ảnh: K.S
Món aar veh cân đưh - Ảnh: K.S

Cụ bà Hồ Thị Hoa (90 tuổi) ở thôn A Liêng cho biết: “Để tạo ra món aar veh cân đưh thơm ngon thì cần ít nhất 10 loại lương thực, thực phẩm như: Gạo, củ sắn, quả bí đỏ, quả cà trắng, đọt măng, đọt mây, tu-vêng, rau rớn, cá mát, thịt lợn và các loại gia vị như sả, muối, bột ngọt, tiêu, ớt… Sau khi làm sạch các loại trên, chế biến, nấu thành món hỗn hợp, đặc sệt sẽ tạo nên các vị chua, ngọt, mặn, cay và thơm. Những hương vị này thể hiện dưới nước có cá, trên khô thì có thịt, có rau, củ, quả hòa hợp tạo sự no ấm, đặc biệt là toát lên được tình cảm gắn kết, không thể tách rời của người Pa Kô”.

Aar veh cân đưh là đặc sản ngàn năm của người Pa Kô. Ngày xưa khi còn những ngôi nhà dài có nhiều thế hệ cùng chung sống, sau những ngày lao động vất vả, các gia đình người Pa Kô thường tập trung lại nấu cháo. Họ phân công nhau mỗi người mỗi việc, từ chuẩn bị nguyên liệu, chế biến đến cùng ngồi bên bếp lửa nhà sàn để nấu, đợi đến khi cháo chín và dọn ăn. Cháo lúc bấy giờ thường dùng thay cho cơm, được nấu trong ống tre to. Do đó, cháo không được nấu loãng mà phải rất đặc.

Bên mâm cháo ấm cúng, người Pa Kô có dịp đánh giá những việc làm được, chưa làm được và đề ra mục tiêu phấn đấu làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ không được quên văn hóa đặc trưng, trong đó có cách chế biến các món ăn truyền thống. Em Hồ Thị Xum ở thôn A Liêng chia sẻ: “Em rất vui khi mỗi lần được tham gia nấu, thưởng thức cháo cùng mọi người trong thôn. Qua ý nghĩa của món cháo, em cảm thấy tự hào, yêu gia đình, yêu quê hương hơn và tự nhủ phải luôn nỗ lực chung sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Sum vầy bên mâm cháo, người Pa Kô thường mượn lời ca, tiếng hát để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình với ông bà, bố mẹ, con cháu như các làn điệu tăng i, klơi, xiêng, atec…thể hiện sự gắn kết khó có thể tách rời nhau trong mọi hoàn cảnh. Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết: “Aar veh cân đưh là loại cháo dễ nấu, ăn ngon, bổ dưỡng, các nguyên liệu nấu cháo cũng đơn giản và rất sẵn ở các bản làng, đặc biệt là cháo thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, bố mẹ; sự đoàn kết trong mọi việc giữa gia đình, dòng họ và người dân ở các bản làng. Trong chiến tranh, người Pa Kô ở A Liêng thường nấu cơm, khoai, sắn và aar veh cân đưh tiếp tế cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Chúng tôi sẵn sàng tham gia xây dựng thôn A Liêng thành làng du lịch cộng đồng, đón chào du khách gần xa để giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, trong đó có những món ăn ngon như: Aar veh cân đưh, cheo, kingzom, kăn-chék, Ayỡh, beng…; các làn điệu dân ca, nhạc cụ, dụng cụ truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của người Pa Kô”.

Người Pa Kô cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo - Ảnh: K.S
Người Pa Kô cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo - Ảnh: K.S

Trong bữa trưa ấm cúng hôm ấy, aar veh cân đưh được đựng trong các a điên (mâm cơm) tỏa hương khắp gian nhà sàn. Vị cháo thơm nhẹ hòa quyện giữa các vị ngọt, mặn, chua, cay khiến chúng tôi ăn rất ngon miệng. Người Pa Kô còn đem rượu cần ra mời khách, cùng trò chuyện, hỏi thăm nhau, hòa vào làn điệu lâllin (dân ca của người Pa Kô) của bài hát “Đoàn kết” do Nghệ nhân ưu tú KraySức sáng tác với những ca từ mộc mạc, gần gũi mà ý nghĩa vô cùng: “Đoàn kết Kinh, Thượng đoàn kết/Bắc với Nam là một gia đình/Không phân biệt, luôn gắn kết anh em…/Chúng ta quyết theo lời dạy Bác Hồ…/ Một lòng làm theo ý của Đảng/Xây dựng bản làng ấm no/Rộn ràng hát ca vui từng ngày…/Đoàn kết cộng đồng đoàn kết/Bản làng rực sáng trong ngày mới”’.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nhớ những món ngon của mẹ

Hồ Sĩ Bình |

Trước ngày giỗ mẹ, M. hỏi tôi: Mai giỗ mẹ, hỏi anh lúc sinh thời mẹ thích ăn món chi để em nấu cúng cho mẹ. Tôi ngớ người một lúc để nhớ, nhưng chẳng nhớ được gì. Thôi, để anh gọi Lan (em gái) cho chắc ăn vì cứ nghĩ em gái có thời gian dài sống gần gũi với mẹ mà là con gái nên chắc biết về sở thích của mẹ. Ai ngờ, em cũng lớ ngớ trả lời: Mẹ thích món chi hè? Không, có thấy mẹ thích chi mô anh...!

Tỏa sáng trên nền móng tốt

Tú Linh |

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin luôn có vai trò dẫn dắt các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Thật tự hào khi tỉnh Quảng Trị có nhiều học sinh giỏi công nghệ thông tin đang học tập, làm việc tại các trường đại học, doanh nghiệp lớn. Nguồn lực này được bắt đầu từ nền móng Tổ Tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), nơi được xem là “lò đào tạo” các học sinh đạt giải cao trong nước và khu vực, quốc tế.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ với những món ăn truyền thống

Thanh Mai |

Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch hay còn được gọi theo tên dân gian là Tết giết sâu bọ.

Đặc sản Quảng Trị lọt top 100 món ăn ngon nhất Việt Nam

Mai Linh- Minh Dương |

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố Quyết định về xác lập Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam ( 2020 - 2021) và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam ( 2020 - 2021) trong hành trình tìm kiếm quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam.