Một lần đến thăm nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn

Hồ Thanh Thoan |

Tháng 3 năm 1982, một sự kiện trọng đại sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất 7 năm, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại thủ đô Hà Nội. Không khí ngày hội lớn đó đã đem lại cho cán bộ và Nhân dân trong cả nước niềm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển và đổi mới của quê hương sau những năm chiến tranh tàn phá ác liệt.

Về phía ngành văn hóa thông tin, từ trung ương đến địa phương, đầu năm 1981 trở đi đã có những chỉ đạo về hoạt động trên mọi lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp được thành công mỹ mãn. Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên lúc đó do đạo diễn Xuân Đàm (sau này là Nghệ sĩ Nhân dân) làm trưởng đoàn đã tìm kiếm những kịch bản hay, mới, phù hợp, gần gũi với cuộc sống, có tính giáo dục cao và hướng đến tương lai của công cuộc đổi mới đất nước.

Nhà soạn kịch Lê Bá Sinh, quê làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong lúc đó đang công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên vừa cho ra đời tác phẩm Bão tố ngoài khơi, đề tài về ngư nghiệp, đề cập đến một cải tiến mới trong đánh bắt thủy, hải sản thời bấy giờ. Đạo diễn Xuân Đàm đã vận dụng mọi kỹ năng, kỹ xảo vào cách bài trí sân khấu, lối diễn xuất hiện đại của tập thể diễn viên kết hợp với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng kỳ công để dàn dựng cho đoàn. Gần hai tháng, vở diễn đã hoàn thiện với một phong cách độc đáo, thành công xuất sắc ngoài ý muốn. Sau khi trình duyệt với cấp trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chủ quản đã quyết định cho chương trình này đi phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội.

Một cảnh trong vở kịch nói Bão tố ngoài khơi của Lê Bá Sinh, Đoàn Kịch nói Bình Trị Thiên biểu diễn phục vụ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, năm 1982 tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Một cảnh trong vở kịch nói Bão tố ngoài khơi của Lê Bá Sinh, Đoàn Kịch nói Bình Trị Thiên biểu diễn phục vụ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, năm 1982 tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Trước đó một tuần, đoàn đã lên đường ra thủ đô để biểu diễn ở các rạp, các nhà hát lớn và một số nơi quan trọng trong thành phố. Đêm 23/3/1982, đoàn diễn tại rạp Hồng Hà, có mời gia đình đồng chí Lê Duẩn đến xem. Vào thời điểm này, đồng chí rất bận rộn chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội nên chỉ có bà Lê Thị Sương (vợ đồng chí Lê Duẩn) đến xem động viên và cổ vũ. Sau buổi diễn, bà lên sân khấu tặng hoa chúc mừng đoàn, thăm hỏi anh chị em cán bộ, diễn viên đồng thời ngỏ ý mời đoàn ngày mai về thăm gia đình.

Đúng hẹn, chiều hôm sau có cán bộ đến dẫn cả đoàn kịch về thăm nhà. Chúng tôi vô cùng vinh dự vì lần đầu tiên được đến nhà một lãnh đạo cấp cao mà lại là người con ưu tú của quê hương. Tôi còn nhớ rất rõ khuôn viên nhà số 06 đường Hoàng Diệu, TP. Hà Nội vào những ngày đó luôn được trang nghiêm và sống động, các đồng chí công an làm nhiệm vụ bảo vệ được tăng cường nhiều hơn ngày thường. Từ cổng vào nhà khoảng 200m, rất nhiều chiến sĩ công an hướng dẫn, đưa đón chúng tôi chu đáo. Khi vào thăm, bà Sương chuyện trò cởi mở, vui vẻ. Gia đình sống rất giản dị, vẫn ấm chè xanh và những dĩa trái cây như ở quê nhà, vẫn tính cách mộc mạc của con người Quảng Trị nên rất chân tình, gần gũi và cởi mở. Đồng chí Lê Duẩn đang bận rộn theo việc trọng đại nhưng vẫn điện về nhà thăm hỏi toàn thể cán bộ, diễn viên của đoàn và không quên nhắc nhở anh chị em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả được Đảng và Nhà nước giao phó.

Chúng tôi xin chụp ảnh lưu niệm với gia đình nhưng các đồng chí công an không cho phép. Một cán bộ chỉ huy là đại tá Nguyễn Trại kể cho chúng tôi nghe về việc bảo vệ Tổng Bí thư Lê Duẩn trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Ông nói: Kể cả khi anh Ba ở nhà hoặc đi công tác, lúc nào chúng tôi cũng bảo vệ anh một cách chu đáo. Trước mỗi chuyến đi công tác về các địa phương, chúng tôi đã phối hợp xây dựng các phương án rất phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn. Đặc biệt chúng tôi làm kỹ kế hoạch đi dọc đường, nắm chắc các vị trí hầm trú ẩn sẵn có, nơi nào thiếu thì yêu cầu làm hầm bổ sung. Cũng có lúc thực hiện kế hoạch đột xuất, anh Ba Duẩn bảo đi là đi. Tuy nhiên, chúng tôi đã dự kiến các tình huống, phối hợp chặt chẽ với bộ phận thư ký, lái xe, phục vụ… để thực hiện một cách nhanh chóng, an toàn.

Ông kể đã nhiều lần bảo vệ Tổng Bí thư đi thị sát thực tế. Thường ngày, nếu không bận việc, khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều, Bác Duẩn bảo lên xe đi dạo quanh Hà Nội hoặc nghe tin ở đâu có chuyện gì mới là đến kiểm tra. Những chuyến đi đó, Tổng Bí thư không báo trước, thường chỉ có hai xe đi thôi. Theo quy định thì phải có xe trước, xe sau, có đủ mọi người, nhưng bác bảo: “Chúng ta đi tham quan nắm tình hình, đi đông làm gì?”. Bác Duẩn không ưa hình thức, không thích làm rầm rộ.

Cũng cần phải nói trước đây quản lý cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ bằng một “kỷ luật thép”, quy định cán bộ, chiến sĩ đội gác không được ra ngoài, nếu ra thì phải báo rõ giờ đi, giờ về, đến đâu, gặp ai. Đi đâu cũng phải đủ tốp ba người. Kể cả bố mẹ ở quê lên thăm cũng không được đến nhà riêng của Bác, mà phải đến chờ ở trụ sở rồi đơn vị gọi điện ra tiếp. Ngay cả trong Cục Cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ giữa các bộ phận khác nhau cũng không được chuyện trò, bộ phận nào chỉ biết bộ phận ấy. 

Hôm nay, Đoàn kịch Bình Trị Thiên quá vinh dự mới được đến thăm nhà Bác một cách thoải mái, vui vẻ như vậy. Giá như có Bác ở nhà thì cuộc gặp này còn vui nhiều hơn nữa, được kéo dài hơn nữa. Ông nói rất vội: Trong cuộc sống hàng ngày, bác Duẩn rất quý những người chất phác, hiền lành, thật thà. Việc nào của ai là phải làm cho tốt, Tổng Bí thư không ưa kiểu bao biện làm thay hoặc tranh công của người khác.

Sau buổi trò chuyện, chúng tôi được tham quan khắp ngôi nhà cổ kính, được dạo quanh khu vườn một vòng, dùng trái cây và uống chè xanh thêm một lúc rồi phải chia tay để về chuẩn bị cho đêm diễn kế tiếp.

Tuy thời gian chỉ được hơn hai tiếng đồng hồ nhưng kỷ niệm đã để lại trong ký ức của đoàn một tình cảm sâu đậm với một vị lãnh đạo là người con quê hương, mặc dù sống và làm việc ở xa nhưng luôn luôn quý mến mọi người, nhất là đối với bà con từ quê nhà ra công tác và ghé thăm.

Đêm 26/3/1982, đoàn được vinh dự biểu diễn phục vụ Bộ Chính trị trước lúc khai mạc Đại hội tại hội trường Ba Đình. Chiều hôm đó, đoàn chúng tôi đến rất sớm, được lực lượng công an bảo vệ nghiêm ngặt. Bài trí sân khấu xong, chuẩn bị phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng cẩn thận, đoàn được bố trí ăn uống tại chỗ, xong nghỉ ngơi 30 phút và biểu diễn. Đồng chí Lê Duẩn cũng đến hội trường sớm hơn các đại biểu để động viên và thăm hỏi đoàn. Sau buổi diễn, đoàn đã được Bộ Chính trị chúc mừng và động viên khen ngợi hết lời.

Trong những ngày diễn ra Đại hội, có khoảng 20 đoàn nghệ thuật trên cả nước được điều động về thủ đô phục vụ, nhưng vinh dự nhất vẫn là đoàn kịch nói Bình Trị Thiên, đơn vị được biểu diễn khai mạc.

Khi Đại hội kết thúc, đoàn còn đi lưu diễn một số nơi ở ngoại thành Hà Nội, các tỉnh lân cận và tiếp tục một đợt dài ngày ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Đã 40 năm trôi qua, vật đổi sao dời, nhiều biến động của cuộc sống đi qua nhưng kỷ niệm vẫn mãi còn đó, đoàn kịch bây giờ không còn nữa, nhưng cán bộ diễn viên của đoàn phần lớn vẫn còn đang sinh sống trên mảnh đất Bình Trị Thiên nắng gió, vẫn thường gặp nhau nhắc lại những kỷ niệm đẹp về ngày ấy, thăm hỏi, động viên nhau như thuở nào cùng ở chung một đơn vị.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Sức trẻ trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn

Tây Long |

Tự hào khi sinh ra, lớn lên trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, tuổi trẻ huyện Triệu Phong (Quảng Trị) không ngừng bồi đắp lý tưởng cách mạng, năng nổ, tiên phong trên mọi mặt của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng xung kích, tình nguyện, miệt mài cống hiến để trưởng thành.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Minh Đức |

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2022), ngày 7/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ dâng hoa tại Tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn (Công viên Lê Duẩn, TP. Đông Hà); Lễ dâng hương, dâng hoa và khởi công tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo và Nhân dân địa phương tham dự lễ.

Đồng chí Lê Duẩn, nhà lý luận sáng tạo của Đảng

Nguyễn Ngọc Tuấn |

Gần 60 năm hoạt động cách mạng cũng là chừng ấy thời gian đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; say mê tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Thông qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Đề cương cách mạng miền Nam”; “Thư vào Nam”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm phong phú thêm tầm vóc trí tuệ của Đảng và dân tộc ta.

Đồng chí Lê Duẩn, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của của cách mạng Việt Nam

PV |

Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng.