Ngày 10/11, Trường TH&THCS A Xing (Hướng Hoá, Quảng Trị) đã tổ chức buổi ngoại khoá cho các em học sinh tìm hiểu về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của nhân dân A Xing, đồng thời giới thiệu chiếc áo Vua ban “Vân Phụng Tiên Y”.
Chiếc áo này là sự ghi nhận của nhà vua với cả dòng họ, người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều anh dũng chiến đấu, chống giặc ở miền biên viễn.
Những năm 30 của thế kỷ trước, khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, người A Xớp đã giết quan Tây, sau đó lui vào rừng sâu Quảng Trị để lẩn trốn. Thực dân Pháp tìm đến bản tàn sát nhiều người của họ tộc, đốt nhà… Dòng họ A Xớp đã đứng dậy kiên cường, bảo vệ biên ải đến ngày hôm nay.
Theo Thạc sỹ cổ học Lê Đức thọ - Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Quảng Trị, chiếc áo trên được nhà vua Nguyễn dùng để ban thưởng cho mô số Tri châu ở miền núi Quảng Trị, sự ban tặng Vân Phụng Tiên Y thể hiện chính sách “Nhu Việt” (chính sách cai trị mềm dẻo đối với người đồng bào dân tộc thiểu số miền biên viễn) của Triều đình nhà Nguyễn với mục đích khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện công việc quản lí thu thuế.
“Vân Phụng Tiên Y” được hiểu một cách nôm na là Áo Tiên Vân Phụng, đây là một chiếc áo choàng, có ba thân, hai thân trước và một thân sau, mỗi thân dài 120 cm, rộng 64cm; cổ áo tròn, ống tay áo rộng; được may thủ công bằng hai lớp vải, bên trong là lớp vải màu đà, bên ngoài là lớp vải lụa màu xanh da trời; trang trí hoa văn trên áo là hình chim Phụng ẩn trong mây cùng với hàng chục dải lụa đai ngũ sắc.
Theo thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Xing, việc tổ chức ngoại khóa cho các em học sinh là một hoạt động hết sức quan trọng bởi thông qua hoạt động này các em sẽ hiểu và biết rõ hơn những công lao to lớn của thế hệ trước, lấy đó làm động lực cho chính bản thân để học tập tốt.