Người đam mê máy bay mô hình

Tuệ Linh |

Nghe nhiều người kể cho nhau câu chuyện hấp dẫn về máy bay mô hình của anh Dư Quang Huy bay lượn như máy bay thật, tôi quyết định một lần mục sở thị vì mình cũng rất thích được xem máy bay trình diễn. Chứng kiến chiếc Su 27 4s của anh Huy uốn lượn trên bầu trời một cách ngoạn mục, phần nào tôi cảm nhận được nỗi đam mê của không ít người dành cho bộ môn thể thao này.

Bộ sưu tập máy bay mô hình của anh Huy. Ảnh: T.T.L
Bộ sưu tập máy bay mô hình của anh Huy. Ảnh: T.T.L

Sở thích chế tạo

Anh Dư Quang Huy, công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị đã lên lịch sẵn cho mọi người biết sẽ ra ngoại ô thành phố Đông Hà trình diễn máy bay mô hình vào chiều cuối tuần giữa tháng hai, nắng đẹp. Hôm ấy, mặc dù biết trước lịch bay còn hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến nhưng chúng tôi vô cùng háo hức, đợi chờ.

Trên khoảng đất trống, rộng hơn 500 m2 , với thao tác thuần thục, anh Huy cho máy bay mô hình Su 27 4s chạy trên “đường băng” một đoạn dài rồi cất cánh uyển chuyển. Nói là đường băng nhưng đó chỉ là một phần đất bằng, đủ cho máy bay lấy đà cất cánh. Tiếng động cơ gầm rú, tiếng vỗ tay reo hò cỗ vũ của khán giả có mặt như khích lệ thêm tinh thần người chơi. Anh Huy điều khiển máy bay nhào lượn nhiều vòng, từ bay đơn giản đến trình diễn nghệ thuật bay phức tạp rồi tiếp đất rất êm.

Anh Huy kể, máy bay mô hình này được điều khiển sử dụng bởi sóng radio, thường có tần số là 2.4 Ghz. Vốn đam mê môn Vật lý, từ nhỏ anh có sở thích mày mò, lắp ráp các dụng cụ điện tử và đã từng chế tạo ra máy chiếu phim thô sơ kèm thuyết minh để chiếu cho các bạn trong xóm cùng xem. Hồi đó, những lúc đứng ở sân nhà, ngắm nhìn máy bay bay trên bầu trời, anh lại ao ước có những phiên bản nhỏ xíu để tha hồ tự điều khiển theo ý thích. Rồi tình cờ, hơn mười năm trước trong một lần xem chương trình Người đương thời trên VTV3 về nhóm nhạc AC&M, trong đó có ca sĩ Thụy Vũ. Hôm đó anh Thụy Vũ đã biểu diễn trước khán giả về môn giải trí của mình, đó là điều khiển chiếc máy bay mô hình trực thăng Lama V3 dài 15 cm trong trường quay S9. Phấn khích với những gì đã chứng kiến, anh Huy dò hỏi, rồi tìm mua bằng được một chiếc trực thăng Lama V3 ở phố Lương Văn Can, Hà Nội, tương tự như của anh Thụy Vũ. Kể từ đó, anh Huy có cơ hội để thể hiện sự đam mê với thú vui chinh phục bầu trời của mình.

Như người học lái máy bay thật, ban đầu anh tự mày mò học điều khiển bay và hạ cánh qua phần mềm máy tính. Khi học xong lý thuyết anh mới dám đưa máy bay ra thực hành. Để chinh phục được kỹ thuật bay, khó nhất là công đoạn xử lý tiếp đất. Những lần tiếp đất ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật bay chưa chuẩn nên nhiều máy bay của anh bị hư hỏng nặng, gần như vỡ tan. Chưa tự sửa chữa được, anh phải gửi “xác máy bay” ra Hà Nội, vào TP. Hồ Chí Minh nhờ sửa, tốn rất nhiều tiền và còn mất thời gian. Đến khi mày mò sửa được thì linh kiện thay thế ở địa phương không có, phải tìm mua ở các thành phố lớn.

Anh chia sẻ với môn thể thao này đã trót đam mê thì tốn kém mấy cũng phải gắng chịu, nhưng thú thật nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì máy bay hỏng liên tục. Chưa kịp có phụ tùng thay thế nên phải đợi, mà đợi thì quên mất kỹ thuật bay, đường bay của mỗi loại máy bay mà anh mới kỳ công học được nên cần phải thực hành ngay. Khó khăn hơn nữa là có những chiếc máy bay mô hình sau khi lắp ráp xong, test thử không đúng kỹ thuật hoặc sơ suất rơi tan tành. Không chịu bó tay, anh đã tự mày mò tìm hiểu để sữa chữa các “bệnh” nhẹ của máy bay, đỡ phải gửi xa, rồi gia công những linh kiện đơn giản ở các tiệm cơ khí. Đúng là chỉ có đam mê mới đủ kiên nhẫn chinh phục được mô hình máy bay thể thao như anh Huy.

Toàn bộ tầng 3 với diện tích hơn 130 m2 trong ngôi nhà ở đường Lê Quý Đôn,TP. Đông Hà được anh Huy dành làm nơi trưng bày và sửa chữa những chiếc máy bay mô hình của mình. Hằng ngày, sau giờ làm việc hay đi “bay” về, phần lớn anh đều dành thời gian ở trong phòng, ngắm nghía, chăm sóc “gia tài” của mình gồm chín chiếc máy bay lớn nhỏ với đủ màu sắc ấn tượng được đặt ngay ngắn trên giá. Chiếc nhiều tiền nhất có giá hơn 30 triệu đồng, chiếc thấp nhất 5 triệu đồng. Máy bay lớn là Tomhaw dài 1,4 m, sải cánh 1,8 m; nhỏ nhất là Su 27 4s dài 0,95 m, sải cánh 0,7 m. Trong đó có nhiều chiếc chạy bằng pin, một chiếc chạy bằng xăng và một chiếc thủy phi cơ. La liệt giữa sàn nhà là phụ tùng, linh kiện và dụng cụ sửa chữa máy bay.

Máy bay mô hình của anh Huy luôn được các em nhỏ ngưỡng mộ. Ảnh: T.T.L
Máy bay mô hình của anh Huy luôn được các em nhỏ ngưỡng mộ. Ảnh: T.T.L

Những đường bay đẹp và an toàn

Anh Huy luôn quyết tâm đã bay thì bay cho đẹp nên khó mấy cũng phải mày mò, học hỏi để điều khiển máy bay tạo ra những đường bay ngoạn mục. Muốn có đường bay đẹp thì yếu tố chất lượng máy bay và trình độ bay phải đi đôi với nhau. Có kỹ thuật bay giỏi nhưng chất lượng máy bay chưa tốt thì không thể nào có những đường bay ngoạn mục. Tương tự, máy bay rất xịn nhưng kỹ thuật bay chưa tốt thì cũng không có hiệu quả. Khái niệm bay an toàn và đẹp được anh Huy đưa ra đó là luôn được điều khiển trong tầm kiểm soát của sóng radio để nhìn thấy rõ đầu, đuôi, lưng, bụng của máy bay. Anh Huy nhớ mãi cảm giác vui mừng, sảng khoái, lâng lâng khi lần đầu tiên đặt chiếc máy bay vào “đường băng”, điều khiển cho nó chạy bon bon với tiếng nổ giòn giã của động cơ, rồi bấm nút cất cánh giống như một chiếc máy bay thật.

Ai cũng biết chơi máy bay mô hình là một môn thể thao giải trí hấp dẫn, làm cho người chơi và người chiêm ngưỡng rất hứng thú. Nhất là bộ môn này luôn tạo thêm động lực hứng khởi trong công việc, cuộc sống cũng như khích lệ cho những lần bay tiếp theo nên đã bay được rồi thì người chơi càng muốn luyện tập để bay ngày càng đẹp hơn. Gắn bó, đam mê với trò chơi đã lâu nhưng mỗi lúc mới sửa chữa xong máy bay mang về kiểm tra, hoặc khi mua thêm được một chiếc máy bay mới, đem ra chạy thử, anh Huy luôn thấy háo hức trong lòng. Trong xe ô tô của anh lúc nào cũng mang sẵn một chiếc máy bay mô hình, nếu có thời gian và địa điểm đẹp là anh có thể bay liệng biểu diễn cho thỏa đam mê. Mùa hè nóng bức anh thường tìm đến sông hồ chơi thủy phi cơ, ra ngoại ô vắng người anh dùng máy bay sử dụng nhiên liệu xăng, còn tại công viên Fidel và Lê Duẩn trong thành phố anh dùng máy bay chạy bằng pin. Đi đến đâu anh cũng được khán giả đón nhận với những tràng pháo tay reo hò cổ vũ. Anh luôn mong ước một lúc nào đó có thể đạt đến mức độ điêu luyện hơn nữa trong trò chơi này, đó là điều khiển chiếc trực thăng lộn nhào để chong chóng có thể cắt cỏ trên mặt đất.

Kết thúc một buổi chiều bay, anh Huy chia sẻ rất muốn có thêm nhiều người cùng tham gia môn thể thao này. Thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, việc tham gia chơi máy bay mô hình rất thuận lợi. Các loại máy bay phản lực, máy bay chiến đấu thu nhỏ, máy bay thể thao…với kiểu dáng đa dạng, màu sắc phong phú trên thị trường cho người chơi lựa chọn. Những người mới tập có thể bắt đầu với những chiếc mô hình có giá khoảng hai đến ba triệu đồng, với những người chơi càng lâu, có thể đầu tư mua mỗi chiếc lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Càng khó khăn tốn kém, người chơi máy bay mô hình lại càng đam mê. Ngoài việc nắm vững kỹ thuật và thiết kế sáng tạo, thì chinh phục bầu trời mới là mục đích cuối cùng, làm sao để máy bay có thể cất cánh, lượn vòng và hạ cánh ngoạn mục. Anh Huy cho biết với chút ít kinh nghiệm có được của mình, anh sẽ giúp những ai có cùng đam mê chơi máy bay mô hình. Anh mong muốn ngày càng có thêm nhiều thành viên để lập ra hội, câu lạc bộ những người chơi máy bay mô hình, nhằm học hỏi kinh nghiệm và giao lưu với những người có cùng đam mê khắp cả nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Non thiêng Tá Linh Sơn qua góc nhìn Phan Tân Lâm

BTV |

Đứng ở vùng biển hay đồng bằng, khi trời nắng đẹp nhìn lên hướng tây Quảng Trị sẽ thấy đỉnh Voi Mẹp. Núi Voi Mẹp hay còn gọi là Tá Linh Sơn là “nóc nhà” của Quảng Trị. Tá Linh Sơn cùng với nguồn Hiếu Giang là cặp sơn thuỷ hữu tình của xứ này.

Trung tâm Dịch vụ và du lịch đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động

Thế An – Hồng Quân |

Theo tin từ huyện đảo Cồn Cỏ, Trung tâm Dịch vụ và Du lịch đảo Cồn Cỏ được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh ngày 31/3/2020 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/4.

Khám phá Cửa Tùng - bãi biển cát trắng tuyệt đẹp ở Quảng Trị

PV |

Bãi biển Cửa Tùng cách thành phố Đông Hà khoảng 30km về phía Đông Bắc, thuộc thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Trên bàn tiệc, tại sao không là chuối Tân Long?

Yên Mã Sơn |

Ngang qua “kinh đô” chuối Tân Long (Hướng Hoá, Quảng Trị) trong những ngày đầu tháng Tư, dịch COVID- 19 đã làm bớt đi phần nào nhộn nhịp vốn có ở nơi này khi đầu ra ở thị trường Trung Quốc, Thái Lan bị thắt chặt đi lại.