Sau vài lần trò chuyện, họa sĩ Trương Đình Dung mới có thể tiếp tôi tại nhà riêng của anh ở Đông Hà (Quảng Trị). Đơn giản vì anh thường rất bận việc, ngày nào không vẽ là cảm thấy bứt rứt chân tay.
Với anh sống là lao động miệt mài. Và với một họa sĩ chuyên nghiệp đúng nghĩa thì cuộc sống chính là tranh vẽ.
Nhưng lối đến với hội họa đương đại cũng nhiều màu nhiều vẻ khác nhau, không ai giống ai, đặc biệt là khi người nghệ sĩ muốn in dấu cá tính sáng tạo của mình lên tác phẩm. Câu chuyện vẽ cái gì rất nhiều khi không còn là điều cốt yếu mà nhường chỗ cho việc vẽ như thế nào, tức ý nói đến phương thức biểu hiện, đến nỗ lực tìm kiếm trên con đường định hình phong cách nếu anh thực sự là nghệ sĩ có tài. Với Trương Đình Dung, anh tâm đắc với quan niệm vẽ cái mình cảm thấy chứ không phải cái mình nhìn thấy. Nói đúng hơn là cảm thấy sau khi đã nhìn thấy và lắng đọng, suy ngẫm để tạo nên những tâm tình bằng sắc màu và đường nét, kể một câu chuyện hay giản đơn là tâm sự đôi điều bằng ngôn ngữ hội họa theo cách diễn đạt của riêng mình.Như anh đã tâm sự là rất nhiều khi anh mang tâm trạng vẽ là để trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ cuộc đời, trả nợ nhân gian với muôn vạn ân tình khó lòng nói hết. Như motif (mô típ) sen trở thành một ấn tượng trong tranh của anh cũng là hiện thân cho quê nhà Quảng Trị, dù mỗi lần xuất hiện thì hoa sen lại có vẻ khác nhau qua cách nhìn và đặc biệt là cách cảm của người họa sĩ. Hay địa đạo Vịnh Mốc, một chứng tích lịch sử thật sự ấn tượng của người dân Vĩnh Linh đã thôi thúc anh sáng tạo để trả nợ nguồn cội sinh thành nơi quê cha đất tổ. Bức tranh "Lòng đất sinh tồn" cho thấy một cách nhìn mới mẻ về địa đạo này. Tác phẩm đã đạt giải thưởng mỹ thuật Bắc miền Trung và đạt giải cao trong cuộc thi ở tỉnh Quảng Trị là một minh chứng tâm nguyện trả nợ cuộc đời.
Họa sĩ là người năng động, khát khao làm việc và dễ thích nghi nên cũng không gò mình vào một bút pháp, chất liệu cụ thể nào mà thường là tùy cơ ứng biến, tùy theo đề tài và cảm xúc mà tìm cách thể hiện cho thích hợp. Bởi vậy tranh của anh cũng đa thanh, đa sắc, sinh động và mang hơi thở sự sống như chính cuộc đời này. Kể cả khi anh tái hiện địa đạo Vịnh Mốc như một thử thách khắc nghiệt thời chiến giữa lằn ranh sinh tử thì nụ cười trẻ thơ nhi nhiên vẫn hình tượng chủ đạo quán xuyến tinh thần của bức tranh, một cách nhìn tươi mới, lạc quan, tạo nên thần thái của một họa phẩm có vẻ sơ giản về đường nét nhưng mới lạ về bố cục và tư tưởng nghệ thuật. Trong nhiều bức tranh khác của họa sĩ Trương Đình Dung, có cảm giác chất uy-mua ẩn chứa trong tác phẩm, thấp thoáng nụ cười của người sáng tác, một nụ cười có chút gì hài hước như thể đang muốn chuyện trò với người thưởng lãm. Phải chăng đó là duyên riêng trong tranh Trương Đình Dung khiến nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tranh của anh được nhiều nhà sưu tập lựa chọn và anh là họa sĩ sống được bằng nghề, bằng tác phẩm, một điều không dễ trong thời buổi hiện nay kể cả với nhiều người hoạt động nghệ thuật ở các thành phố lớn.Họa sĩ Thế Hà là người thầy đầu tiên dìu dắt họa sĩ Trương Đình Dung vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong căn nhà của mình, ông vẫn nhắc lại những cảm nhận từ khoảng hai mươi năm về trước. Và sau này ông vẫn thường xuyên theo dõi con đường sáng tác của họa sĩ Trương Đình Dung để có những ghi nhận và ý kiến đóng góp xác đáng. Họa sĩ Thế Hà nói rằng, họa sĩ Trương Đình Dung đã biết lược bỏ những đường nét không cần thiết, để bức tranh vươn đến độ nghệ thuật tối giản, có một ý tứ riêng không trộn lẫn với ai và hiện đại đúng nghĩa, và trên con đường định hình phong cách.
Bức tranh về chuột nhân năm Canh Tý của họa sĩ Trương Đình Dung
Còn với nghệ sĩ Bùi Khánh Toàn cũng là người theo đuổi nhiếp ảnh nhưng quan tâm đến công việc sáng tác và giảng dạy của họa sĩ Trương Đình Dung đã kể với chúng tôi nhiều điều đáng nói. Đó không chỉ là lao động sáng tạo của người họa sĩ mà còn là những kết quả truyền thụ sau khi anh đứng trên bục giảng. Ông Bùi Khánh Toàn, Trưởng phòng Nghiệp vụ, công tác Đội - Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị tâm sự: mình là người rất tâm đắc khi thưởng lãm tranh của Trương Đình Dung và cho biết thêm, ngoài công việc sáng tác, họa sĩ Dung còn là người thầy tận tâm và chuyên nghiệp. Anh đã có những học trò bắt đầu thành danh, tạo được sự quan tâm của công chúng mỹ thuật.Ngoài việc giảng dạy ở Trường CĐSP Quảng Trị và sáng tác, họa sĩ Trương Đình Dung còn tình nguyện dạy vẽ cho các em học sinh ở nhiều trường học xa gần. Anh luôn muốn mang niềm vui đến cho tuổi thơ bằng tình yêu hội họa, tình yêu con người với những lứa tuổi măng non. Các em thường vui vẻ, hào hứng mỗi khi thầy Dung đến lớp. Bởi lứa tuổi các em thì quan trọng nhất là mỗi ngày đến trường phải là một niềm vui hứng khởi và bổ ích để học đường thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của con trẻ. Được biết họa sĩ Trương Đình Dung còn lặng thầm tham gia công việc thiện nguyện bán tranh hỗ trợ các nạn nhân TNGT và sắp tới sẽ làm thiện nguyện ở khoa Nhi-Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Mùa xuân đã chạm ngõ. Chúng ta cùng cầu chúc cho người họa sĩ năng động và miệt mài sáng tạo có thêm những tác phẩm và công việc có ích cho đời.
(Nguồn: QRTV)