Nhớ một thời “Vì Cồn Cỏ thân yêu”

Hiếu Giang |

Được ví như những “dân công hỏa tuyến” trên biển, dân quân, du kích xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm xưa đã không ngại hiểm nguy vượt biển, vượt mưa bom bão đạn tiếp tế lương thực, vũ khí, nước ngọt, thuốc men, vật liệu xây dựng công sự và đưa bộ đội ra đảo Cồn Cỏ. Sự anh dũng hy sinh, hiến dâng xương máu của những dân quân, du kích một thời hào hùng ấy đã được ghi tạc đầy xúc động trong lòng dân và vào bia tưởng niệm tại xã miền cát anh hùng Vĩnh Thái…


“Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”

Trong ngày lễ khánh thành trùng tu Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (còn gọi là Bia tưởng niệm Đại đội C22) tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, nhiều người dân địa phương bày tỏ sự xúc động khi nhớ về một thời lửa đạn năm xưa.

Trong số đó, chúng tôi được gặp 2 cựu chiến binh của xã Vĩnh Thái từng vượt sóng gió, đạn bom tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đó là các ông Nguyễn Thế Công và Lê Hữu Hán. Họ là 2 trong số 13 thương binh, bệnh binh của xã Vĩnh Thái từng tham gia những chuyến tàu tiếp tế cho đảo tiền tiêu năm xưa vẫn còn sống cho đến nay (hầu hết đã trên 75 tuổi). Ông Công bắt đầu tham gia chuyến tàu vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ vào năm 1964.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ tại xã Vĩnh Thái vừa được trùng tu khang trang - Ảnh: Đ.V
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ tại xã Vĩnh Thái vừa được trùng tu khang trang - Ảnh: Đ.V

“Hồi đó tôi 19 tuổi, xung phong đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ với khí thế và quyết tâm sắt đá “đất liền còn, Cồn Cỏ còn”. Chuyến đầu tiên tôi đi cùng thuyền với 8 dân quân, du kích địa phương. Thời điểm ấy, chúng tôi vượt biển dưới mưa bom bão đạn. Địch bắn pháo sáng liên tục để truy lùng thuyền rồi cho máy bay bắn phá rất ác liệt. Cũng may, chuyến đó sau 1 ngày 1 đêm thì đã cập đảo an toàn. Nhớ lại những chuyến hải trình trong cận kề sinh tử, chúng tôi cảm thấy mình may mắn vì thời đó đi tiếp tế đảo cũng xác định là cảm tử quân. Sau này tôi còn đi thêm 2 chuyến nữa trước khi lên đường nhập ngũ rồi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tôi tự hào khi mình được kết nạp Đảng ngay trên chuyến chở hàng tiếp tế ra đảo. Đó là khoảnh khắc rất thiêng liêng và xúc động trong cuộc đời tôi”, ông Công kể.

Còn ông Hán cũng đã có 2 chuyến tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ thành công. Họ cùng rất nhiều thương binh, bệnh binh còn sống và những liệt sĩ của xã Vĩnh Thái đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ năm xưa đều được xem là những “dân công hỏa tuyến” trên biển anh dũng, kiên trung. Những chiến công của họ vẫn còn được khắc ghi mãi trong lòng bao thế hệ người dân nơi miền biển này.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái Trần Văn Việt ôn lại quá khứ hào hùng của một thời tiếp tế đảo Cồn Cỏ: Với quyết tâm giữ đảo đến cùng, từ cuối tháng 5/1965, Khu ủy Vĩnh Linh đã ra lời kêu gọi: “Tất cả vì đảo, quyết tâm giữ đảo trong mọi tình huống”. Phong trào phục vụ đảo Cồn Cỏ được phát động trong toàn Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Thái, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên…

Hàng trăm lá đơn, trong đó có những lá đơn của các cụ già 60- 70 tuổi, những đoàn viên, thanh niên mới 16-17 tuổi gửi lên Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã xin được đi phục vụ và chiến đấu vì đảo Cồn Cỏ. Quyết tâm sắt đá “Giữ đảo đến cùng, còn đất liền là còn đảo”, từ năm 1965 - 1972, với những chiếc thuyền nan, thuyền gỗ chèo tay và chạy buồm, xã Vĩnh Thái đã huy động hơn 110 lượt chiếc thuyền, vận chuyển 2.100 chuyến hàng với hơn một vạn ngày công tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu: Đó là 2 cha con ông Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Trái với 42 chuyến vượt biển; thuyền trưởng Nguyễn Quang Sóa có 36 chuyến ra đảo, trong đó có 12 lần gặp địch; tổ thuyền của ông Phùng 16 lần gặp địch đã anh dũng chiến đấu phá vòng vây tiếp cận đảo an toàn; ông Hồ Sỹ Nuôi bị địch bắn bị thương lênh đênh một ngày đêm trên biển… và còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác đã đi vào lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thái như bản hùng ca bất diệt.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Công ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, kể chuyện tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ năm xưa - Ảnh: Đ.V
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Công ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, kể chuyện tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ năm xưa - Ảnh: Đ.V

Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh đó, xã Vĩnh Thái có 27 liệt sĩ, trong đó có những đồng chí mãi mãi nằm lại giữa biển khơi; 7 đồng chí bị tù đày; 13 đồng chí bị thương. Đơn vị vận tải tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ của xã Vĩnh Thái vinh dự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chở chuyến hàng đặc biệt”: Đó là quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ năm 1966. Chiến công của quân và dân Vĩnh Thái đã góp phần cùng quân, dân Vĩnh Linh bảo vệ trọn vẹn hòn đảo tiền tiêu anh dũng của Tổ quốc. Vĩnh Thái vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996. 

Xã Vĩnh Thái nằm về phía Đông Bắc huyện Vĩnh Linh, cách đảo Cồn Cỏ 18 hải lý, là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ bao đời nay, đảo Cồn Cỏ đã gắn bó máu thịt với Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thái. Các Rạn Trà, Hòn Mới, Bãi Nghè, Mũi Si… là ngư trường khai thác nhiều loại hải sản phong phú, là nơi ghé quen thuộc của thuyền bè ngư dân Vĩnh Thái mỗi khi gặp giông bão. Trong tâm khảm, người dân Vĩnh Thái còn gọi đảo Cồn Cỏ bằng cái tên thân thương là “Hòn Mệ” (Hòn Bà), nên khi Cồn Cỏ bị đánh phá, lời kêu gọi tiếp tế cho đảo của Khu ủy Vĩnh Linh đã trở thành mệnh lệnh của hàng nghìn trái tim người dân Vĩnh Thái.​

Ấm tình nơi miền cát

Giữa những ngày tháng 7 năm nay, nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa được thực hiện tại xã Vĩnh Thái. Đó là việc trùng tu, tôn tạo Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Công trình bia tưởng niệm này được Đảng bộ, Nhân dân xã Vĩnh Thái phối hợp với Huyện đoàn Vĩnh Linh, các tập thể, cá nhân hảo tâm tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng vào năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh.

“Do kinh phí xây lắp còn khó khăn, 100% là xã hội hóa nên dù đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa trước đây nhưng công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Vui mừng thay, đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Đồn Biên phòng Hướng Lập; Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh và những tập thể, cá nhân đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện trùng tu công trình hoàn thiện, khang trang hơn. Đây là công trình tâm linh có ý nghĩa hết sức quan trọng với địa phương, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi sẽ giữ gìn tốt và phát huy hơn nữa giá trị của công trình tâm linh ý nghĩa này trong thời gian tới”, ông Việt chia sẻ.

Cũng trong dịp này, Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Đồn Biên phòng Hướng Lập; Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh cũng đã tổ chức khánh thành bàn giao ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Trần Trung tại xã Vĩnh Thái. Liệt sĩ Trần Trung hy sinh khi tham gia tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ năm xưa, hiện được gia đình cựu chiến binh Lê Hữu Hán - cháu gọi liệt sĩ bằng dượng thờ cúng.

Ông Lê Hữu Hán (thứ 2 từ phải qua) trong ngày được bàn giao nhà tình nghĩa - Ảnh: Đ.V
Ông Lê Hữu Hán (thứ 2 từ phải qua) trong ngày được bàn giao nhà tình nghĩa - Ảnh: Đ.V

Rưng rưng xúc động trong ngày được bàn giao căn nhà tình nghĩa khang trang cho gia đình, ông Hán bày tỏ: “Có căn nhà, chúng tôi sẽ có điều kiện thờ cúng cho dượng được ấm áp, tươm tất hơn. Đây thật sự là món quà có ý nghĩa thiết thực, động viên gia đình chúng tôi vươn lên trong cuộc sống. Gia đình tôi cũng sẽ sử dụng, bảo quản ngôi nhà thật tốt, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, sát cánh cùng địa phương và bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch trên huyện đảo Cồn Cỏ

Nam Phương |

Với hệ sinh thái phong phú, cùng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, Cồn Cỏ (Quảng Trị) được đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp của miền Trung với nhiều điểm tham quan hấp dẫn. Thời gian qua, chính quyền và người dân trên huyện đảo đã xây dựng nhiều dịch vụ du lịch mới, đa dạng nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với huyện đảo này.

Sức trẻ trên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ

Phú Quý |

Cồn Cỏ (Quảng Trị) là đảo tiền tiêu bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hơn 200 triệu đồng tổ chức các hoạt động an sinh xã hội tại đảo Cồn Cỏ

Tây Long |

Với mong muốn hỗ trợ cán bộ, người dân đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đoàn công tác của Trung ương Đoàn cùng đại diện các tỉnh đoàn cụm Bắc Trung Bộ vừa ra thăm và tổ chức chuỗi hoạt động an sinh xã hội trên đảo.

Công an huyện đảo Cồn Cỏ thụ lý điều tra vụ tàu cá Quảng Nam đâm chìm tàu Quảng Trị

Hoàng Táo |

Ngày 6/6, Công an huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho hay đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ vụ tàu cá Quảng Nam đâm chìm tàu Quảng Trị ở vùng biển đảo Cồn Cỏ từ Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và đang thụ lý điều tra.