Những tiết học ý nghĩa ở bảo tàng

Tú Linh |

Đưa học sinh tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Quảng Trị (Bảo tàng tỉnh) tại đường Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Đông Hà là một trong những hình thức dạy học mang lại hiệu quả cao được nhiều trường trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thời gian qua. Khác với sách giáo khoa phản ánh thành tựu bảo vệ và xây dựng đất nước của cha, ông bằng câu chữ, số liệu, hiện vật ở bảo tàng có sức thuyết phục rất ấn tượng trong nhận thức của học sinh.

Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà là một trong những trường đưa học sinh đến Bảo tàng tỉnh tham quan, học tập sớm nhất. Các cô giáo Hồ Thị Thanh, Nguyễn Thị Hoài Thắm, Phan Thị Hà cho biết ngoài giờ dạy trên lớp, nhà trường luôn xác định cần đưa học sinh đến bảo tàng để tăng kiến thức thực tế cho các em. Việc làm ý nghĩa này nhằm khơi gợi hứng thú về môn học lịch sử, văn hóa của dân tộc; tìm hiểu nhân vật, sự kiện lịch sử thông qua viếng thăm bảo tàng, giúp các em có nhận thức đúng về giá trị của bảo tàng cũng như lòng mong muốn đến bảo tàng để tận mắt ngắm nhìn hiện vật lịch sử, chân dung bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ...

Học sinh Trường Tiểu học Hàm Nghi cùng các cô giáo tham quan Bảo tàng tỉnh (chụp trước tháng 4/2021) - Ảnh: T.L
Học sinh Trường Tiểu học Hàm Nghi cùng các cô giáo tham quan Bảo tàng tỉnh (chụp trước tháng 4/2021) - Ảnh: T.L

Với Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, Hiệu trưởng Ngô Thị Khuyên cho biết, nhà trường đưa học sinh đến Bảo tàng tỉnh để các em hiểu thêm về những nhân vật lịch sử đã được học. Khi các em được hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử quê hương, các vùng văn hóa nơi các em sinh sống, trên khuôn mặt các em đầy tự hào và ngưỡng mộ, nhiều em nói với cô giáo đến bảo tàng giúp chúng em mở mang đầu óc thêm rất nhiều.

Trưởng Ban quản lý Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Lệ Hiền cho biết, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị là một trong những bảo tàng lịch sử, văn hóa, chiến tranh cách mạng có quy mô lớn nhất miền Trung, đáp ứng cơ bản nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của học sinh và Nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Thực tế đã chứng minh rằng việc lồng ghép cho học sinh đến học tập và tham quan đã mang lại hiệu quả vô cùng hữu ích. Bởi vì bảo tàng chính là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, là nơi khơi dậy truyền thống yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc cho mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với diện tích trưng bày gần 2.400 m2 , Bảo tàng tỉnh chia thành 3 nội dung trưng bày lớn được cơ cấu theo 16 chuyên đề và thể hiện thông qua gần 5.000 tài liệu, hiện vật gốc, gần 1.000 tài liệu hình ảnh, hàng chục tổ hợp không gian hình tượng, tác phẩm nghệ thuật và nhiều tài liệu khoa học khác. Mỗi hiện vật, tài liệu, hình ảnh đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa và đều gắn liền với những câu chuyện liên quan. Đặc biệt, phần trưng bày ngoài trời có các hiện vật thể khối lớn về chiến tranh cách mạng như tên lửa, máy bay, xe tăng, các loại bom đạn, súng pháo… Qua thống kê cho thấy, hơn mười năm nay có gần 2.000 đoàn với hơn 40.000 lượt trẻ em, học sinh ở các huyện, thị xã, thành phố đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Có những trường tổ chức đến tham quan và học tập rất nhiều lần. Mỗi chuyến tham quan thường tổ chức khoảng 30 - 50 em học sinh cùng 2 - 3 thầy cô giáo và 1 - 2 cán bộ đoàn cơ sở cùng tham quan, học tập.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hiền đánh giá hoạt động tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại bảo tàng của các nhà trường là những tiết học ý nghĩa. Mỗi lần đến tham quan, các em lắng nghe nghiêm túc toàn bộ nội dung thuyết minh của Nhà trưng bày Bảo tàng. Nhiều em ghi chép cẩn thận những điều mình yêu thích vào sổ tay cá nhân rất trang trọng. Bảo tàng tỉnh là dạng bảo tàng khảo cứu địa phương, trưng bày toàn bộ các nội dung về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của địa phương, vì vậy hầu hết nội dung trưng bày đều liên quan đến các địa danh nơi các em đang sống và học tập. Ví dụ học sinh huyện Cam Lộ đến bảo tàng sẽ nhìn thấy hình ảnh Hang Dơi được trưng bày; học sinh huyện Vĩnh Linh sẽ thấy cầu Hiền Lương nơi các em đã đi qua; học sinh huyện Đakrông, Hướng Hóa sẽ được nhìn thấy văn hóa của đồng bào dân tộc mình như: Nhà sàn nơi các em đang ở, trang phục, trang sức... rất gần gũi với cuộc sống. Tùy vào độ tuổi, cán bộ thuyết minh đặt ra những câu hỏi phù hợp, nhiều em trả lời khá tốt. Các học sinh đã tạo cho cán bộ bảo tàng niềm vui và động lực để làm tốt hơn vai trò trách nhiệm tuyên truyền những giá trị của di sản văn hóa đến với khách tham quan.

Từ khi COVID-19 xảy ra, vì lý do an toàn, du khách, đặc biệt là học sinh chưa thể đến Bảo tàng tỉnh như trước đây, để tiếp tục cho các em có được những trải nghiệm ý nghĩa tại bảo tàng, nhiều cá nhân đến để livestream (phát trực tiếp) thuyết minh của cán bộ bảo tàng cho nhóm, tổ xem trực tuyến như một cách tham quan, học tập. Nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả với COVID-19, cùng với phát triển của công nghệ số, Bảo tàng tỉnh có kế hoạch áp dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục, đồng thời, sẽ nghiên cứu và phát triển không gian trưng bày đặc thù dành cho đối tượng mục tiêu theo hướng tương tác và trải nghiệm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Nói về tác dụng của việc đưa học sinh đến tham quan, học tập ở bảo tàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương cho biết, để góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước cho học sinh qua việc tham quan, học tập ở bảo tàng, sở luôn ủng hộ việc dạy học theo hình thức này cho dù thời lượng và số học sinh tham gia thời gian qua còn khiêm tốn. Vì vậy, cần có thêm những hỗ trợ để đưa học sinh đến với bảo tàng nhiều hơn vì giáo dục thông qua những hiện vật bảo tàng luôn có sức thuyết phục lớn với các em. Nhất là dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay, việc tăng cường cho học sinh tiếp xúc với các tư liệu lịch sử ở bảo tàng có ý nghĩa nhiều mặt. Tư liệu của bảo tàng vừa là nguồn sử liệu quan trọng, vừa là phương tiện dạy học có hiệu quả, góp phần cung cấp cho học sinh những biểu tượng lịch sử cụ thể, chân thực, chính xác về các sự kiện lịch sử, bổ sung các kiến thức lịch sử mà sách giáo khoa không có điều kiện trình bày. Mong rằng Bảo tàng tỉnh luôn được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để hấp dẫn khách tham quan và hỗ trợ tốt hoạt động giáo dục.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thừa Thiên Huế: 100% di tích, bảo tàng cung cấp dịch vụ thực tế ảo vào năm 2030

LC |

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 339/KH-UBND triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành văn hóa và thể thao (VHTT) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mới được UBND tỉnh ban hành.

Bức thư của liệt sĩ Hồ Kã tại Bảo tàng Quảng Trị

Tuỳ Phong |

Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã có biết bao lớp người vĩnh viễn ra đi không ngày trở lại. 

Bảo tàng bằng chữ của người Vân Kiều và Pa Kô

Hoàng Hải Lâm |

Sau tất cả, con người buộc trở về cội nguồn văn hóa. Với những giá trị của nó để phát triển. Và để chứng thực cho sự tồn tại của dân tộc mình không gì hơn văn hóa.

Văn hóa, lịch sử và “Bảo tàng sông Hương” của Huế

Tường Minh |

Huế sẽ có thêm một bảo tàng tư nhân mang tên là “Bảo tàng sông Hương”, với hơn 7.000 hiện vật gốm được trục vớt từ dưới lòng sông Hương trong hơn 30 năm qua. Chủ nhân của bảo tàng là một phụ nữ Huế đã và đang giảng dạy Triết học ở Đức: GS.TS Thái Kim Lan.