Thời gian qua, ngành du lịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ năm 2020, những diễn biến phức tạp của COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn. Để từng bước khôi phục ngành du lịch sau đại dịch, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Để kích cầu khôi phục hoạt động du lịch sau COVID-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về kích cầu du lịch khắc phục hậu quả COVID-19, đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch; triển khai các chương trình kích cầu; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; đồng thời, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Đặc biệt, Sở VH, TT&DL đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch và chương trình Famtrip ra đảo Cồn Cỏ thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch, các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh. Tại hội nghị, nhiều DN ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới. Đã thành lập Liên minh hợp tác du lịch “Quảng Trị Xanh” gồm có 8 đơn vị trong và ngoài tỉnh với mục đích chung tay hợp tác, thúc đẩy xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, tạo một môi trường du lịch lành mạnh nhằm phát triển du lịch Quảng Trị bền vững, nâng cao hình ảnh và uy tín du lịch Quảng Trị.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua có nhiều đổi mới, đa dạng về phương thức và nội dung thực hiện. Hằng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư du lịch; triển khai thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam. Tổ chức quảng bá du lịch thông qua các pa nô, tập gấp, trên trang thông tin điện tử của các huyện, thị xã, thành phố và trên 2 trang thông tin điện tử Du lịch Quảng Trị... Đồng thời, tỉnh cũng tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, hội nghị, triển lãm ở trong nước và ngoài nước. Phối hợp, hỗ trợ các đoàn làm phim thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu về mảnh đất, con người, đặc sản, ẩm thực Quảng Trị, từ đó thu hút được một số lượng khá lớn du khách đến tham quan, du lịch và nhiều DN đến khảo sát, xây dựng kế hoạch đầu tư.
Để khôi phục và phát triển du lịch, công tác hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được tỉnh quan tâm. Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn nghiệp vụ buồng, bàn - bar, lễ tân cho các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức định kỳ hướng dẫn viên du lịch đến hạn đổi thẻ và tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ, thủy nội địa… Hiện nay, Sở VH,TT&DL và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các địa phương, DN để điều tra, xây dựng kế hoạch đào tạo nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân, hướng dẫn viên cho các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh.
Thời gian tới, nhiều giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 sẽ được tỉnh triển khai. Hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết, hợp tác và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường được tăng cường. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức chiến dịch truyền thông khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch với thông điệp “Người Quảng Trị đi du lịch Quảng Trị”; “Du lịch Quảng Trị an toàn, thân thiện, hấp dẫn”; “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đồng thời, tổ chức chuẩn bị tốt nội dung, chương trình, kịch bản và tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch, Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch biển, đảo; lễ hội cầu ngư và ẩm thực biển…
Thông qua các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa lớn của tỉnh để kích cầu phát triển du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Phối hợp với 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế nghiên cứu kết nối xây dựng chuỗi du lịch: Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình)…
Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn làm mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhất là tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo để xúc tiến, quảng bá và kích cầu phát triển du lịch. Tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá ở đảo Cồn Cỏ. Tiếp tục khảo sát, xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm tour du lịch “Hệ thống khai thác nước cổ Gio An - lịch sử và huyền thoại”. Rà soát, điều chỉnh các nội dung, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các tỉnh trong khu vực và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây cho phù hợp với điều kiện bình thường mới.
Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ DN, người lao động đẩy nhanh khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch như: Tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động, người lao động trong ngành du lịch do bị ảnh hưởng của COVID-19; hỗ trợ các DN du lịch tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm du lịch, tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua các sự kiện, lễ hội, các kênh truyền thông, các hệ thống website, fanpage của ngành du lịch; triển khai một số lớp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch về nghiệp vụ, kỹ năng khai thác thị trường, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số và các kiến thức khác…
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch như khuyến khích và hướng dẫn các DN đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động lĩnh vực du lịch và cung cấp thông tin góp phần tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch… Thực hiện tốt công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)