Kỳ thú không gian văn hóa - du lịch - từ thiện Hồ Phương

Hoàng Tiến |

Sở hữu hơn 200 hiện vật hiếm có của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị và một số tỉnh, thành phố lân cận, “Phương gia viên” của anh Hồ Phương tại Km40 - thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là địa chỉ văn hóa thường nhật của du khách gần xa, của các nhà dân tộc học và thực tập sinh nghiên cứu về văn hóa.

20 năm sưu tầm hiện vật

Tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa Hà Nội năm 1999, anh Hồ Phương về nhận công tác tại huyện miền núi Đakrông, nơi có hơn 80% đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống. Đakrông với động Khe Ngài, nơi được xem là cội nguồn của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, là chốn linh thiêng bất khả xâm phạm. Những ngày đầu mới đi làm nhưng đã có sẵn đam mê khám phá về mảnh đất, con người miền núi, anh Hồ Phương lang thang khắp các bản làng. “Càng đi càng thấy mê sự huyền bí trong đời sống, trong tập tục của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị, tôi không thể rời mắt được. Nhất là nhìn những công cụ, vật dụng... của đồng bào. Cách đây 20 năm, mọi thứ còn khá hoang sơ, bản làng Vân Kiều, Pa Cô có rất nhiều điều thúc giục tôi khám phá, sưu tầm…”, anh Hồ Phương chia sẻ về cơ duyên khiến anh trở thành người sưu tầm hiện vật.

Anh Hồ Phương trong không gian văn hóa Vân Kiều, Pa Cô.
Anh Hồ Phương trong không gian văn hóa Vân Kiều, Pa Cô.

Năm 2011, tôi bắt đầu mang những hiện vật gửi ở bản làng về nhà mình, anh Phương nhớ lại. Trong suốt thời gian đó, việc sưu tầm chiếc áo A Mưng chiếm rất nhiều thời gian và công sức của anh và một số người dân ở A Vao. “Ba tháng tròn chúng tôi đi tìm cây A Mưng, chúng tôi chọn thời điểm thích hợp để tách vỏ cây rồi cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng để hình thành nên chiếc áo. A Mưng là chiếc áo đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị, nó là thước đo đầu tiên trong văn hóa ăn mặc của đồng bào”, anh Phương cho biết.

Những hiện vật mà anh Hồ Phương sưu tầm, phần lớn được đồng bào Vân Kiều, Pa Cô hiến tặng, số khác anh mua với đồng lương tích cóp được. Tâm sự về công việc sưu tầm hiện vật, anh cho hay: sưu tầm hiện vật cần sự tâm huyết và thời gian mới thực hiện được. Đời sống văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô rất đa dạng và phong phú, do có sự giao thoa văn hóa giữa đồng bào dân tộc thiểu số ở đây với người Việt, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc thiểu số các tỉnh lân cận và nước bạn Lào. Nhờ thế, văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vừa đặc sắc nhưng vẫn có sự tương đồng với văn hóa các dân tộc thiểu số khác. Văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô có những “điểm sáng”, nhất là các lễ hội như: Aza (lúa mới), Arieuping (bốc mộ)… có thể xem là nền tảng xây dựng đời sống văn hóa, là chất liệu cho những sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ và xây dựng đời sống, bồi đắp con người...”.

Ăn, ở cùng để hiểu bà con

Nghệ nhân Mai Hoa Sen, dân tộc Pa Cô (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) từng nói rằng: thế giới của Hồ Phương là thế giới của người Vân Kiều, Pa Cô. Mặc dù Hồ Phương (tên khai sinh là Hồ Văn Phương) là người Việt nhưng chúng tôi vẫn gọi Hồ Phương theo cách gọi thân thương của người Vân Kiều, Pa Cô. Hồ Phương không chỉ sưu tầm hiện vật mà thế giới trong anh là cả một “bảo tàng sống” về văn hóa, phong tục tập quán… của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.

Am hiểu về phong tục tập quán, rành mạch nghi lễ thờ cúng, ma chay, cưới hỏi… của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô khiến anh Hồ Phương trở thành một địa chỉ văn hóa cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người các dân tộc thiểu số Quảng Trị. Rất nhiều du khách, học sinh, sinh viên… thường ghé “Phương gia viên” trước khi về với bản làng. Anh Phương chia sẻ với chúng tôi: “Làm công tác trong ngành văn hóa 20 năm là thời gian gắn bó với bản làng Vân Kiều, Pa Cô nhiều nhất. Khi ăn ở với đồng bào mình dần dần cảm nhận được lối sống của họ, cách sinh hoạt thường ngày, nó mang những dấu ấn văn hóa nhất định. Đặc biệt là lễ hội, các nghi thức trong hoạt động tâm linh, cúng tế… Đó là một kho tàng văn hóa vô giá cần phải gìn giữ cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc”.

Đến với văn hóa để gần hơn đồng bào

Ước mơ biến “Phương gia viên” thành một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng văn hóa Vân Kiều, Pa Cô là khát vọng của anh Hồ Phương cũng như rất nhiều người làm công tác văn hóa, những người sưu tầm hiện vật về đồng bào. Anh Phương cho hay, hiện tại điều kiện kinh tế chưa cho phép, anh vẫn mong tương lai xây dựng được một bảo tàng nhỏ để những hiện vật của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được trưng bày bài bản, có không gian tốt để đón tiếp được nhiều du khách tham quan và những ai muốn nghiên cứu sâu về văn hóa bản địa.

Hằng năm, “Phương gia viên” đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, học tập nghiên cứu miễn phí. Gần đây, anh Phương đã thực hiện một bước chuyển đổi mới trong kết hợp văn hóa-du lịch-từ thiện. Khách tham quan miễn phí ở “Phương gia viên” được thỏa mãn với không gian văn hóa ở đây, sau đó đến với bản làng để tham quan kết hợp giúp đỡ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trong việc hỗ trợ các hộ nghèo để giúp họ xóa đói, giảm nghèo. Đó là một cách làm mới, hay và có tính thiết thực giúp ích cho cộng đồng người yếu thế trên địa bàn miền núi Quảng Trị. Anh Phương chia sẻ: “Đa số du khách đều có khả năng về tài chính, ngoài nhu cầu tham quan du lịch, họ cũng muốn giúp đỡ người nghèo. Đây là việc làm ý nghĩa lưu giữ chuyến tham quan đầy ý nghĩa nên được nhiều du khách hưởng ứng”.

Rất tâm huyết với nghề, với công tác văn hóa nên dường như không gì ngăn cản được anh Hồ Phương trên con đường lưu giữ văn hóa của mình. Từ vai trò Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Đakrông chuyển sang vị trí Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, anh Hồ Phương vẫn có thể làm công tác văn hóa, đó chính là “du lịch thiện nguyện”. Trao đổi với chúng tôi về công việc sưu tầm hiện vật, về công tác văn hóa, anh Phương cho hay “vấn đề văn hóa cần được chú trọng, đặc biệt nó chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế. Nếu cho rằng địa phương đang còn khó khăn mà không xem việc phát triển văn hóa là tất yếu cho sự phát triển kinh tế là sai lầm. Văn hóa phát triển kinh tế mới phát triển”.

TAGS

“Chia thịt” - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô

Phan Bảo Phú |

“Chia thịt” là một nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Pa Cô và được duy trì cho tới nay.

Hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngày càng đi vào chiều sâu. Hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã góp phần ổn định an ninh chính trị, tạo bầu không khí dân chủ trong Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, huy động nguồn lực, thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển.

Cần tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử và kỹ năng sống cho học sinh

Minh Đức |

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đau lòng, tình huống bạo lực học đường đã xảy ra với học sinh trên địa bàn tỉnh mà đa phần do cách ứng xử, kỹ năng quản lý cảm xúc và kỹ năng tự bảo vệ của các em chưa tốt. Để góp phần hạn chế bạo lực học đường, một trong những giải pháp là cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường và kỹ năng sống cho học sinh.

Văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay

Trần Văn Dũng |

Từ xưa, xã hội phong kiến Việt Nam đã lấy việc đọc sách thánh hiền làm thước đo cho trình độ học vấn của mỗi cá nhân và là thước đo cho sự phát triển của xã hội.