“Chia thịt” là một nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Pa Cô và được duy trì cho tới nay.
Ở huyện Hướng Hóa, lễ chia thịt thường xuyên được diễn ra tại thôn A Mor, xã Lìa, (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Anh Hồ Ngởi, một người bản địa cho biết, mỗi lần chia thịt đều rất vui, vì người dân trong bản làng tập trung làm với nhau từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Nhưng vui nhất là nhìn thấy cảnh người đi lấy phần của mình, nhìn mặt ai cũng hớn hở, vui tươi hơn những ngày thường.
“Trước đây, người đồng bào dân tộc Pa Cô làm nhà theo kiểu vòng tròn. Có hàng rào bảo vệ trước thú rừng, do đó người với người trong cùng một làng sẽ sống đoàn kết và san sẻ cùng nhau. Thông thường trong làng, một gia đình, dòng họ nào đó săn bắt được nhiều thú rừng thì sẽ chia đều cho cả làng nhằn san sẻ cho nhau và giữ tình đoàn kết trong buôn làng. Từ đó nét văn hóa “chia thịt” ra đời và được lưu truyền cho đến sau này”, anh Ngởi chia sẻ.
Ngoài những lần săn bắt được nhiều thú rừng, thì nét văn hóa “chia thịt” vẫn diễn ra trong những trường hợp khác như lúc trong làng có cúng tế (có thể là cúng tế cả làng hoặc trong dòng họ); Hoặc trong những ngày lễ lúa mới, gia đình nào được mùa, thu nhập khá hơn thì họ cũng có thể mổ bò, mổ lợn để san sẻ cho cả làng. Để một phần nào đó thể hiện tình đoàn kết, vừa thể hiện gia thế, bên cạnh đó cũng nhằm tạ ơn với bản làng, với thần linh.
Ngày nay, người đồng bào dân tộc Pa Cô đã đủ cái ăn cái mặc, nhưng nét văn hóa “Chia thịt” vẫn thường xuyên được diễn ra. Vì với đồng bào dân tộc Pa Cô đó là một nét văn hóa thiêng liêng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng.