Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đau lòng, tình huống bạo lực học đường đã xảy ra với học sinh trên địa bàn tỉnh mà đa phần do cách ứng xử, kỹ năng quản lý cảm xúc và kỹ năng tự bảo vệ của các em chưa tốt. Để góp phần hạn chế bạo lực học đường, một trong những giải pháp là cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường và kỹ năng sống cho học sinh.
Cuối tháng 3/2022, thông tin và hình ảnh về việc 2 nữ sinh Trường TH&THCS Triệu Vân (huyện Triệu Phong) đánh 1 nữ sinh khác dã man kèm những lời hăm dọa được phát tán trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói là clip ghi lại hình ảnh trên do chính học sinh quay, ngoài 3 nữ sinh trên thì có rất nhiều em chứng kiến vụ việc nhưng thản nhiên đứng cổ vũ và không có phản ứng, ngăn cản. Đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống đáng buồn về cách cư xử giữa bạn bè với nhau của học sinh. Gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ va chạm, vô lễ với thầy cô giáo, lăng mạ, đe dọa bạn bè bằng tin nhắn, thư tay. Các vụ học sinh bị tai nạn đuối nước cũng xảy ra thường xuyên...
Tại một trường THCS trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, chúng tôi ghi nhận có nhiều học sinh là nữ viết thư dằn mặt bạn vì mâu thuẫn “tình cảm”, nhiều trường học vùng nông thôn nhưng các em sử dụng thành thạo thuốc lá điện tử, sử dụng các chất kích thích gây ảo giác… Trên không gian mạng, những lá thư “tuyệt mệnh” của các học sinh mới chỉ lớp 8, lớp 10 liên tục được đăng tải. Nhiều vụ tự tử tuổi học sinh khiến người thân, xã hội rất đau lòng. Điều đó cũng chứng tỏ thế hệ học sinh hiện nay đang thiếu trầm trọng kỹ năng quản lý cảm xúc, điều chỉnh hành vi.
Các em đều có xu hướng tìm cách giải quyết tiêu cực cho bản thân khi gặp mâu thuẫn, khó khăn. Việc sử dụng bạo lực tinh thần hay thể xác để giải quyết vấn đề dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều bị lên án. Đây là hồi chuông báo động cho người lớn, thầy cô và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về việc cần tăng cường hơn nữa giáo dục văn hóa ứng xử, xây dựng kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.
Hiện nay, các nhà trường cơ bản tập trung vào nâng cao thành tích học tập, xem trọng việc dạy chữ; công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm nhưng chưa đúng mức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các mục tiêu giáo dục toàn diện. Ở lứa tuổi học sinh, nhất là bậc THPT, với những chuyển biến mạnh về tâm sinh lý thì các em đang hình thành những giá trị nhân cách, thích tìm tòi khám phá song còn rất thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sống. Lứa tuổi học sinh, vị thành niên là lứa tuổi dễ bị lôi kéo, kích động.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc học của các em thường xuyên diễn ra qua mạng internet do dịch bệnh khiến thời gian đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô bị hạn chế. Việc tiếp xúc quá nhiều kênh thông tin trên mạng xã hội, ít giao tiếp thực tế làm nhiều học sinh thiếu kỹ năng sống cần thiết, dẫn đến dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực tạo nên lối sống ích kỷ, thực dụng, phát triển lệch lạc về nhân cách.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện cho biết, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng nền nếp học tập tích cực, văn hóa học đường. Hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường, giáo viên tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng về giáo dục pháp luật; giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước, ma túy... Trong thời gian qua, đã có một số nơi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật, hút thuốc lá…, ngành GD&ĐT đã chủ động nắm tình hình để có sự chỉ đạo xử lý kịp thời. Qua đó, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống bạo lực học đường; tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh phát triển toàn diện.
Ngành cũng chỉ đạo tổ chức đánh giá công tác giáo dục học sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến ứng xử thiếu văn hóa của học sinh từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay để có phương pháp giải quyết trong thời gian tới; đồng thời, từ đây đến cuối năm học, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống; phòng, chống bạo lực học đường thông qua nhiều cách làm hay, hiệu quả mà các trường đã làm được trước đó như: Tổ chức tư vấn tâm lý học đường nhằm trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho các em về phòng, chống bạo lực; đẩy mạnh công tác giáo dục cách sống và suy nghĩ tích cực cho học sinh; chỉ đạo các trường học, giáo viên thường xuyên theo dõi, nắm rõ tâm lý học sinh, nhất là những học sinh cá biệt để giúp các em có nhận thức đúng đắn, thay đổi hành vi tiêu cực.
Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra; đánh giá công tác tổ chức giáo dục pháp luật; phòng, chống bạo lực học đường; có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả đối với những trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ngô Viết Hưng, sinh năm 1998, ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ chia sẻ: “Tôi là một huấn luyện viên dạy võ cổ truyền, đang hằng ngày rèn luyện thể chất và kỹ năng tự vệ, rèn đức tính kiên nhẫn cho các em. Tôi thấy hiện nay nhiều em chưa thực sự đam mê và hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống. Phụ huynh thì đa phần hào hứng cho con đi học nhưng lại không có nhiều thời gian để kiểm tra xem con mình học được gì, ứng dụng như thế nào vào cuộc sống để xử lý tình huống khi gặp khó khăn. Mặt khác, trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động giáo dục kỹ năng như: Bơi lội, võ thuật, kỹ năng làm MC, lớp năng khiếu… bị hạn chế. Nên điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự học, tự giác của các em và sự quan tâm của bố mẹ.”
Hiểu biết và thực hành tốt những kỹ năng sống sẽ giúp học sinh chủ động xử lý các tình huống, ứng phó với sự đổi thay không ngừng của môi trường bên ngoài sách vở. Hy vọng rằng, với sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có những tác động tốt hơn vào năng lực hành động, thái độ và kỹ năng cơ bản, giúp cho học sinh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình để tận dụng nhiều hơn những cơ hội, cởi mở và tự tin hơn trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)