Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip ghi lại cảnh giáo viên nổi nóng, la mắng, xúc phạm người học hoặc sinh viên chửi tục, thách thức giáo viên gây xôn xao dư luận.
Một trong nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nói trên về phía giáo viên là vì áp lực dạy trực tuyến quá lớn. Khi giải trình sự việc, giáo viên cho rằng do chịu áp lực nên khi gặp vấn đề bức xúc đối với học sinh đã không kiềm chế được thái độ giận dữ của mình. Cách lý giải đó không sai.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều quan điểm cho rằng, người giáo viên khi đứng lớp phải kiểm soát được lớp học, dù đó là lớp học offline hay online. Vấn đề kiểm soát lớp học được xem là kỹ năng xử lý tình huống sư phạm của mỗi giáo viên, bên cạnh chức năng giảng dạy, truyền tải kiến thức đến với học sinh.
Tôi nhớ đã từng đọc một cuốn cẩm nang về các tình huống sư phạm và cách giải quyết. Cẩm nang đưa ra rất nhiều tình huống như: Học sinh không chịu nghe giảng; học sinh xé bài kiểm tra trước mặt giáo viên; tranh cãi gay gắt với giáo viên; nói xấu thầy cô nhưng bị nghe được…Tuy không phản ánh được tất cả các tình huống sư phạm có thể xảy ra nhưng những tình huống trong cuốn cẩm nang này đều có thực, mà ít ra trong quá trình đứng lớp của mỗi giáo viên đều đã từng gặp phải.Tuy mỗi tình huống là một cách giải quyết khác nhau nhưng tựu trung, tất cả đều hướng đến cách giải quyết sự việc nhẹ nhàng, bình tĩnh, loại trừ các yếu tố chi phối bởi cảm xúc cá nhân. Tất nhiên, đạt được điều này đòi hỏi người giáo viên phải có kỹ năng mềm, được rèn dũa không chỉ bằng kinh nghiệm, bản lĩnh trong suốt quá trình giảng dạy mà còn được trang bị kiến thức qua các lớp tập huấn, đào tạo.
Trong bất cứ tình huống nào, nếu giáo viên làm chủ được cảm xúc thì sẽ giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, khôn khéo và không đẩy sự việc đi quá xa. Điều này được chứng minh bằng các vụ việc sau: Một clip dài gần 3 phút ghi lại màn đối thoại của một nam sinh với giảng viên trong lớp học online của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic.
Trong đoạn clip này, nam sinh viên đã có lời lẽ, thái độ hỗn xược khi giảng viên hỏi lý do không thuộc bài. Trước lời lẽ văng tục, thậm chí là thách thức giáo viên của sinh viên đó, giảng viên vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng hỏi lý do. Xen kẽ lời lẽ của nam sinh là giọng nói của một số bạn cùng lớp như: “Bạn sai rồi”, “Thầy quá hiền”… Sau đó, nam sinh này chủ động rời khỏi lớp học.
Ở một clip dài 25 giây khác ghi lại cảnh giảng viên của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tức giận, lớn tiếng khi sinh viên làm bài chưa đúng: “Như là cái óc trâu vậy, nói hoài rồi cũng không làm, tôi giải cho thằng này, thằng kia không nghe rồi cũng y chang…”. Hay trong một clip xảy ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, giảng viên đã chất vấn gay gắt và đuổi một nam sinh viên ra khỏi lớp học online vì nam sinh này không nghe được lời thầy giáo giảng bài nên yêu cầu thầy giảng lại. Chưa dừng lại ở đó, giảng viên còn yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt, đồng thời yêu cầu sinh viên mở micro nói: “Tôi tên...., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường” khi gọi tên từng sinh viên.
Những câu chuyện trên cho thấy, cách giải quyết tình huống của giáo viên khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Thái độ điềm đạm, làm chủ lớp học của thầy giáo ở trường cao đẳng không chỉ nhận được sự đồng tình của nhiều học sinh mà còn được ban giám hiệu nhà trường khen ngợi. Còn với hai trường hợp sau, dù có giải thích với bất cứ lý do gì thì thái độ và những lời nói “cay nghiệt” của giáo viên đều khó có thể chấp nhận được. Trước sự việc đó, ban giám hiệu các trường đại học này đã tiến hành kiểm điểm đối với giảng viên có lời lẽ không đúng mực với học sinh.
Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ 2021
iSchool Quảng Trị -Thành tích đáng tự hào trong giáo dục mũi nhọn
Giải quyết tình huống sư phạm là một công việc diễn ra thường nhật của người giáo viên đứng lớp. Kỹ năng giải quyết các tình huống cũng được coi là một trong những tiêu chí đánh giá tay nghề của người giáo viên cũng như kinh nghiệm đứng lớp của họ. Do đó, các thầy cô giáo cần phải được trang bị kiến thức về kỹ năng xử lý tình huống để tránh những trường hợp tương tự như trên xảy ra. Vẫn biết rằng, cuộc sống ngày một phát triển kéo theo nhiều giá trị truyền thống bị mai một, áp lực của người giáo viên vì thế cũng trở nên nặng nề hơn.
Việc một số học sinh không tôn trọng giáo viên, xúc phạm giáo viên trong giờ lên lớp là hành vi đáng lên án. Tuy nhiên, giáo viên không thể vì một số ít học sinh cá biệt nào đó mà đánh mất hình ảnh cao đẹp của mình. Cũng không nên để khi sự việc xảy ra mới biện minh rằng, vì học sinh đó cá biệt, vì bị xúc phạm hay quấy rối…nên mới có thái độ, lời nói xúc phạm, miệt thị trở lại. “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hình ảnh người thầy, người cô dù ở bất cứ thời đại nào đều được xã hội tôn vinh. Là người truyền thụ kiến thức và giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp cho học sinh, nên bất luận trong trường hợp nào, những lời thầy cô giáo nói ra đều phải mang tính giáo dục cao nhất.
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo rất quan tâm đến vấn đề “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”. Tuy nhiên, để có thể giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì trước hết người giáo viên phải có kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm theo hướng linh hoạt, mềm dẻo. Đây chính là vấn đề cần được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm trong thời gian tới nhằm trang bị cho giáo viên những kỹ năng cần thiết, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)