Ông L.P.T. ở thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị nhiễm COVID-19 được công bố vào sáng 28/9/2021.
Trước khi phát hiện mắc bệnh, ông T. từng có mặt nhiều nơi nhưng lại khai báo gian dối, không thực hiện cách ly y tế nên được xác định liên quan gây ra việc 66 học sinh, giáo viên Trường TH&THCS Cam Thủy trở thành F1 phải đi cách ly tập trung và 59 người nhà đi theo để chăm sóc vì các cháu còn nhỏ; xã Cam Thủy phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, các xã, thị trấn còn lại của huyện thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, và nhiều hệ lụy khác nữa.
Ở thành phố Đông Hà, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về và nhập cảnh đều được cách ly tập trung trước khi về với cộng đồng.
Sau nhiều ngày không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, mọi sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang trong trạng thái bình thường thì phải chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch, do bắt đầu xuất hiện vài ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện trong cộng đồng.
Nguồn gốc được xác định lây nhiễm từ người trở về ở vùng có dịch ngoại tỉnh nhưng không khai báo, cách ly y tế như quy định. Sau đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Quảng Trị tăng nhanh (nhiều ca được xác định có liên quan đến 2 nguồn lây nhiễm nói trên) buộc chính quyền phải đưa ra các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khu dân cư, tuyến đường giao thông bị phong tỏa, chốt chặn; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng, giảm công suất hoạt động; thực hiện các biện pháp y tế trên diện rộng như khai báo y tế, truy vết dịch tễ, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19…
Tất cả các lực lượng trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đều phải vào cuộc và gần như trong khoảng thời gian này mọi hoạt động đều tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Không thể đưa ra con số cụ thể nhưng hình dung cũng thấy một tổn thất quá lớn cho xã hội. Đó là những chi phí trực tiếp bỏ ra để phòng chống dịch và khoản thất thu do đình trệ các hoạt động tạo ra của cải vật chất của doanh nghiệp, người dân- cái giá quá đắt mà xã hội phải gánh chịu. Hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng hoặc hơn nữa bị mất đi có thể bắt nguồn từ sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm, gian dối trong khai báo y tế của một người để rồi làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp nếu người trốn cách ly mang mầm bệnh, thì hành vi trốn cách ly y tế mà làm lây nhiễm cho người khác phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Quảng Trị trao tặng vật tư y tế phòng, chống dịch cho 3 huyện của Lào
Quân dân chung tay phòng chống dịch COVID-19 ở biên giới Việt- Lào
Doanh nghiệp địa phương sát cánh cùng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19
Trở lại câu chuyện của ông L.P.T., tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo huyện Cam Lộ và các xã, thị trấn về một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện vào ngày 28/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, làm rõ mục đích, tính không trung thực trong khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh, củng cố hồ sơ để khởi tố ông L.P.T. và những cá nhân liên quan nếu vi phạm pháp luật về phòng chống dịch.
Trước đó, khai báo y tế của ông L.P.T. không thống nhất với kết quả điều tra, truy vết của lực lượng chức năng. Qua hệ thống giám sát xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo xác nhận, ngày 15/6/2021, ông L.P.T. có xuất cảnh qua Lào nhưng không thấy hình ảnh trở về.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh xử lý hình sự đối tượng liên quan nếu vi phạm quy định phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Và ngày 2/10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cam Lộ đã khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đây là cái giá phải trả cho việc gian dối trong khai báo y tế về phòng chống dịch.
COVID-19 là thảm họa của nhân loại chưa có hồi kết. Việt Nam đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra. Mong rằng mọi người cùng chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước vượt qua đại dịch. Mỗi phường xã phải thực sự là một “pháo đài”, mỗi người dân là mỗi “chiến sĩ” chống dịch, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như khai báo y tế trung thực.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)