Văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay

Trần Văn Dũng |

Từ xưa, xã hội phong kiến Việt Nam đã lấy việc đọc sách thánh hiền làm thước đo cho trình độ học vấn của mỗi cá nhân và là thước đo cho sự phát triển của xã hội.


Ngày nay, cũng đã có không ít học giả và nhà hoạt động xã hội có ý kiến bàn thảo về những nội dung liên quan đến vấn đề này từ những góc độ khác nhau. Nhà tỷ phú “huyền thoại đầu tư” Hoa Kỳ Warren Buffett cũng từng quả quyết rằng: “Đỉnh cao của sự thành công đến từ sự tỏa sáng của trí tuệ. Bạn càng hiểu biết nhiều bạn càng kiếm được nhiều tiền, bạn càng làm chủ tư duy của mình, bạn càng được ngưỡng mộ và trọng vọng”. Và chính ông cũng cho rằng: “Sách là kho tàng tri thức vô cùng quý giá của nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận và không bao giờ cạn kiệt. Đọc sách không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn để hoàn thiện nhân cách, phát triển con người”.

Văn hóa đọc

Khái niệm đọc ngày nay không còn bó hẹp trong quan niệm trước đây, là sự tiếp nhận, tri nhận thông tin qua ấn phẩm được thể hiện trên vật liệu giấy (và các vật liệu có chức năng tương tự) thông qua kênh thị giác, mà được hiểu là sự tiếp nhận thông tin trên cơ sở nhiều tác động khác nhau bằng những phượng tiện và cách thức khác nhau, có tính đa dạng và phức tạp về cách thức và đối tượng tác động trên cơ sở mục đích của chủ thể tác động. Và vì vậy, văn hoá đọc cũng là một khái niệm có thể hiểu theo các mức độ rộng, hẹp khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và chức năng của các tổ chức hay cá nhân trong cộng động xã hội. Hiểu một cách đại thể thì “văn hóa đọc” là “tổ chức và hoạt động đọc có văn hóa”(tức nhận thức, tổ chức, cung ứng và tiếp nhận thông tin một cách có văn hóa), được hình thành trên cơ sở hai trụ cột chính là “ứng xử đọc” và “kĩ năng đọc”. Trong đó “ứng xử đọc” được xác định có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là thể hiện nhận thức, vai trò của tất cả các chủ thể xã hội như các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lí nhà nước, các nhà tổ chức cung ứng sản phẩm thông tin và các chủ thể sử dụng thông tin. Nói cách khác, ứng xử đọc là kết quả của quá trình tư duy, cách hành xử; còn kĩ năng đọc là kết quả của quá trình rèn luyện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Ứng xử đọc” được xác định có tầm quan trọng đặc biệt trong hai trụ cột của nền văn hóa đọc, bởi đó là thước đo tầm văn hóa của một chủ thể, cho dù là chủ thể đại diện, chủ thể cung ứng hay chủ thể tiếp nhận. Nó thể hiện sự song hành của phát triển văn hóa và văn minh của một cộng đồng xã hội. Bởi vậy, muốn xây dựng và phát triển nền văn hoá đọc, trước hết phải có được một ứng xử văn hóa cho vấn đề. Thiết nghĩ, ứng xử đọc trước hết phải được hình thành trên cơ sở tư duy, nhận thức của nhà quản lí xã hội. Họ phải thấy được nhu cầu, giá trị của những sản phẩm thông tin có vai trò tác động đến nhận thức và hành vi của xã hội như thế nào; có khả năng định hướng cho các chủ thẻ cung ứng và tiếp nhận thông tin trong bối cảnh một khối lượng thông tin khổng lồ, đa dạng và đa chiều đang từng ngày, từng giờ tác động đến xã hội. Có thể nói, văn hóa đọc vừa là một triết lí, một lí luận và đồng thời là một trải nghiệm để qua đó làm cho mỗi con người và xã hội trở thành những chủ thể có tri thức và văn hóa, thích ứng với quá trình phát triển của dân tộc và thời đại.

Chúng ta đều biết, trên thế giới hiện nay, để đánh giá năng lực, đặc biệt là năng lực kinh tế, năng lực khoa học, giáo dục và đào tạo,… của một quốc gia hay một cơ sở đào tạo, nghiên cứu, một tiêu chí khá quan trọng là khả năng cung ứng thông tin của chủ thể đó. Các trường đại học, các viện nghiên cứu nổi tiếng bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để mua quyền khai thác những tư liệu khoa học giá trị cao và có khả năng cập nhật kiến thức khoa học của nhân loại.

Nhìn vào hệ thống thư viện, hệ thống cung ứng thông tin của một địa phương, có thể đánh giá được năng lực kinh tế, năng lực quản trị xã hội và đặc biệt là mặt bằng văn hóa của địa phương đó. Nếu các nhà lãnh đạo, các nhà quản lí nhận thức được đầy đủ vấn đề thì sẽ dễ tạo ra được hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi chủ thể sản xuất chương trình, cung ứng tư liệu và sự thuận tiện với người đọc. Nghĩa là làm thế nào để mọi đối tượng của chủ thể tiếp nhận đều có khả năng định hướng được nguồn tài liệu hữu ích cho lĩnh vực công việc và cuộc sống của mình, đồng thời có tác động tích cực, có sức lan tỏa đến người khác trong gia đình và xã hội.

Vai trò của các nhà tổ chức, cung ứng tài liệu đọc, trước hết và bên cạnh thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chức năng nhà nước, các ngành chuyên môn thì phải có sự thống nhất quan điểm và cách ứng xử thông qua các hội nghề nghiệp như: Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hiệp hội các nhà xuất bản... Có thể nói, đây là những “bảng chỉ dẫn”cho các hoạt động sản xuất tư liệu đi đúng hướng. Chủ thể sản xuất, cung ứng tư liệu, ấn phẩm có một vai trò quan trọng trong ứng xử đọc. Họ là những nhà sản xuất sản phẩm đọc có văn hóa. Không những vậy, họ còn là người đưa độc giả đến với ấn phẩm một cách có văn hóa, phù hợp với từng chủ thể độc giả, thông qua các tổ chức xã hội, các kênh thông tin, hệ thống thư viện,… Các tổ chức này giúp sự định hướng nhận thức và tiếp cận về tài liệu của độc giả một cách có văn hóa, nghĩa là tiếp cận phù hợp với nhu cầu công việc, đáp ứng cho việc làm giàu trí tuệ, nhân cách trong một cộng đồng giàu bản sắc văn hóa và văn minh. Như vậy, có thể nói, để có được những giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội, trước hết phải xây dựng được nét văn hóa trong quản lí và cung ứng thông tin tư liệu.

Chủ thể quan trọng nhất của ứng xử đọc chính là độc giả. Đây là mục tiêu mà các chủ thể khác (chủ thể lãnh đạo, chủ thể quản lí, chủ thể cung ứng sản phẩm đọc) hướng đến, và chính đây là đáp số cho thành quả của các chủ thể đó. Mọi cố gắng của các chủ thể nói trên sẽ không có ý nghĩa đích thực nếu độc giả không có được một ứng xử văn hóa và trở thành những người có kĩ năng văn hóa đọc phù hợp. Thực tế, chủ thể tiếp nhận cũng ở ngay trong chủ thể lãnh đạo, chủ thể quản lí và chủ thể cung ứng sản phẩm. Họ có vai trò định hướng, tổ chức và cung ứng sản phẩm đọc cho xã hội nhưng cũng đồng thời là người thụ hưởng sản phẩm đó. Sự tác động của các chủ thể nói trên với chủ thể tiếp nhận (độc giả) là tác động hai chiều. Có thể thể hiện mối quan hệ đó bằng sơ đồ sau:

Nhà lãnh đạo   → Nhà quản lí  → Nhà cung ứng

        |          /

 Độc giả

Cũng như với các chủ thể khác, ứng xử đọc của chủ thể tiếp nhận là tri thức, là nền tảng văn hóa, năng lực tiếp cận văn minh, làm nên bản lĩnh của họ trước sản phẩm đọc. Có thể nói, đây là kết quả của quá trình nhận thức của độc giả. Nói cách khác, ứng xử trong văn hóa đọc của độc giả là nhận thức, cách hành xử về giá trị và chuẩn mực đọc; là việc xác định đúng đắn tính mục đích và đối tượng tiếp nhận trong thông tin. Người đọc phải trả lời cho được câu hỏi là đọc để làm gì và đọc cái gì. Thiết nghĩ, một khi xác định được mục đích đọc là để nâng tầm trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách và giải trí có văn hóa, ắt sẽ giúp xác định được cần đọc cái gì. Và tất cả những điều đó làm nên một ứng xử tốt trong văn hóa đọc của mỗi cá nhân.

Bên cạnh ứng xử đọc, chủ thể tiếp nhận còn phải có một kĩ năng đọc. Kĩ năng đọc là kết quả của một quá trình rèn luyện và trải nghiệm có được từ ứng xử đọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hướng định cho những người cầm bút: “Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Thiết nghĩ, với độc giả, đứng trước một núi, một biển sản phẩm đồ sộ và mênh mông đó phải trả lời cho được câu hỏi “Ta là ai? Ta cần đọc gì? Và, ta phải đọc như thế nào?”. Trả lời thỏa mãn được những câu hỏi đó và trở thành một thói quen tích cực chính là độc giả đã tạo được cho mình một kĩ năng trong văn hóa đọc. 

Thực tế văn hóa đọc hiện nay

Văn hoá đọc ở nước ta thời gian qua (đặc biệt từ năm 1975 đến nay) đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Điều đó thể hiện rõ ở tính định hướng, hệ thống tổ chức và quy mô sản phẩm đọc của xã hội cũng như sự quan tâm của độc giả. Các nhà quản lí xã hội các cấp về cơ bản, đều nhìn nhận được tính hai mặt về sự tác động của các sản phẩm văn hóa đến đời sống cộng đồng, đến sự hưng vong của chế độ xã hội. Điều đó còn được thể hiện ở cách thức và quy mô phát triển, cung ứng sản phẩm đọc một cách hợp lí. Bên cạnh hệ thống thông tin tư liệu, thư viện các trường học, viện nghiên cứu thuộc các lĩnh vực, các cấp độ khác nhau thì hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện, thị và không ít thư viện, tủ sách, điểm đọc sách ở xã, thôn trên toàn quốc. Qui mô của các thư viện ngày càng được mở rộng, nâng cấp, đa dạng hóa các hình thức để phục vụ đa dạng các đối tượng độc giả. Ngoài ra cần kể đến sự phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những tư liệu và các bộ sưu tập rất phong phú.

Sự xuất hiện và ngày càng được nâng cấp của hệ thống Internet trong đời sống xã hội, các loại điện tử,.. đã tạo ra phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng kiến thức và thông tin đáng kể. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet ở nước ta đạt khá cao so với các quốc gia trong khu vực châu Á. Số lượng các ấn phẩm ngày càng tăng và được đặc biệt quan tâm về hàm lượng khoa học, tính nhân văn. Gần đây, các nhà chức năng quản lí nhà nước cũng như các hội nghề nghiệp đã cho ra mặt một số tạp chí, tài liệu với mục đích giới thiệu, hướng dẫn đọc như: Tạp chí Xuất bản Việt Nam, Người đọc sách, Sách và đời sống... Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các thư viện cũng có chương trình giới thiệu sách khá thường xuyên. Các nhà cung ứng sản phẩm đọc cũng đã có những phương thức mới trong tiếp cận độc giả như tổ chức các Hội chợ sách (trong nước, quốc tế), đường phố sách ở một số đô thị,…

Với những yếu tố tích cực như trên, cùng với trình độ học vấn của người dân ngày càng được nâng lên; nhu cầu tiếp cận, khám phá tri thức mới của các tầng lớp xã hội… là những điều kiện tốt cho việc phát triển văn hóa đọc. Với những chủ thể tiếp nhận có được sự ứng xử tích cực và kĩ năng tốt, họ sẽ có nhiều cơ hội để ngày càng hoàn thiện bản thân về mọi phương diện và cống hiến ngày càng tốt hơn cho cộng đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một vài điều cần lưu ý. Không ít nhà lãnh đạo, nhà quản lí chưa nhận thức được một cách đầy đủ về những tác động của các sản phẩm văn hóa đọc; dẫn đến việc không biết phải xây dựng hệ thống thông tin, thư viện, hệ thống học liệu của cơ quan, địa phương mình như thế nào cho phù hợp mà có khi chỉ chạy theo số lượng và các loại hình ấn phẩm. Không ít nơi, ấn phẩm còn nghèo nàn, kĩ năng phục vụ đọc chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của một xã hội học tập văn minh.

Một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ lại có xu hướng thích khám phá những thông tin khác lạ, giật gân, được thêu dệt li kì để thỏa mãn sự hiếu kì của mình; đã cuốn họ vào những trang thông tin ít hữu ích cho cuộc sống, cho công việc, thậm chí có những tác động tiêu cực làm cho họ bị lệch chuẩn trong phát triển nhân cách và sai lầm trong nhận thức. Có những cái nhiều người cho là bất lợi, phi văn hóa nhưng không ít người cảm thấy hấp dẫn, khiến họ say mê và trở nên “nghiện” nó. Các vị phụ huynh thường phàn nàn, thậm chí có những biện pháp mạnh tay mang tính “cưỡng chế” con em mình trong việc sa đà với các trò chơi trong máy tính, điện thoại thông minh, nhưng một lúc nào đó chính các phụ huynh cung không cưỡng lại được sự lôi cuốn của những thứ đó nếu không có được một tâm thế và bản lĩnh, mà bản lĩnh thì phải được tạo nên bởi niềm tin của trí tuệ.

*

Từ những vấn đề trên, thiết nghĩ việc xây dựng một nền văn hóa đọc trên cơ sở hai trụ cột “ứng xử đọc” và “kĩ năng đọc” là cực kì quan trọng và cần thiết. Vì vậy, trước hết, cần có một nhận thức phù hợp cho vấn đề. Ứng xử đọc của các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, đường lối và là cách thức hành xử trong việc tạo dựng, duy trì, phát triển nền văn hoá đọc. Ứng xử đọc của cộng đồng xã hội là truyền thống văn hoá của xã hội hay nói đúng hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh những giá trị văn hóa, trí tuệ của dân tộc, của nhân loại. Ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là nhận thức về giá trị của sản phẩm và giá trị của chuẩn mực đọc lành mạnh. Có được nhận thức đúng sẽ có ứng xử phù hợp, hiệu quả trong văn hóa đọc (và ngược lại).

Văn hóa đọc đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Trong thời kì mà mỗi chúng ta đứng trước một lượng thông tin khổng lồ đang từng giờ từng phút chịu sự tác động đến từ nhiều phía với những yếu tố tích cực, những khó khăn, trở ngại từ những yếu tố mang tính “áp lực” của văn hóa ngoại lai, bằng những phương tiện biểu hiện khác nhau thì vấn đề không còn là “chuyện của riêng ai”. Nó đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Thiết nghĩ, lựa chọn và bảo vệ bản sắc trong tiếp nhận, nhằm làm giàu trí tuệ và vẻ đẹp của văn hóa dân tộc là những công việc không thể tách rời.   

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt) 

TAGS

Chuyện đọc sách

Nhật Lượng |

Trời dần chuyển hạ, nắng sớm chiếu loang. Mở toang cửa sổ, pha ấm trà nhài, mặc tình thư thái. Ngoài vườn, tiếng chim lách chách vạch sâu, gà mái tục tác kéo rề, thỉnh thoảng xen tiếng lục cục gọi bọn gà con chíu chít. Hương nhài thoang thoảng trong gió mai, nhẹ nhàng ngan ngát. Lần giở từng trang sách Tây Du tiền truyện, mới hay rằng, cái sở học gần 40 năm, chẳng qua chỉ là một giọt nước trong mênh mông đại dương.

Thắp sáng đam mê đọc sách

Hồ Thanh Thọ |

Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ góp phần phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và cộng đồng, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc” từ năm 2019 cho đối tượng là các em học sinh. Sau 3 năm tổ chức, cuộc thi thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh. Năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng Ban Tổ chức thu về hơn 17.000 bài dự thi, được đánh giá có chất lượng và hiệu quả hơn so với những năm trước. Bài dự thi phong phú về nội dung và hình thức, thể hiện sự hiểu biết, đam mê đọc sách và đưa ra các thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng tham gia đọc sách.

Đọc sách, từ nhà trường đến cộng đồng

Tú Linh |

Thời gian qua, việc phát triển văn hóa đọc đã được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quan tâm. Thông qua việc tạo điều kiện để hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa và lan tỏa phong trào đọc sách đến với mọi lứa tuổi.

Trao gạo của bạn đọc cho người dân nhiễm COVID-19 ở huyện Đakrông

Thiên Sơn |

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.