Thời gian qua, việc phát triển văn hóa đọc đã được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quan tâm. Thông qua việc tạo điều kiện để hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa và lan tỏa phong trào đọc sách đến với mọi lứa tuổi.
100% trường học có thư viện
Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong là cơ sở giáo dục làm rất tốt công tác phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Hiệu trưởng Bùi Thị Hương Lam cho biết, nhà trường đang xây dựng thư viện trường học xuất sắc. Để đạt được mục tiêu này, thư viện luôn tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như sinh hoạt dưới cờ giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách, thi kể chuyện theo sách, chia sẻ cuốn sách mình yêu thích, sân khấu hóa các hình thức đọc sách trong các tiết đọc thư viện.
Đặc biệt, nhà trường duy trì tổ chức ngày Sách Việt Nam vào tháng 4 hằng năm… nhằm trau dồi các kỹ năng, nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi, thuyết phục và định hướng đọc, kể chuyện giúp hình thành và phát triển kỹ năng, nhu cầu đọc của học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn luôn chủ động phân bố tiết đọc thư viện theo thời khóa biểu chuyên môn với thời lượng 2 tiết/tháng. Trong những tiết dạy học, nhiều giáo viên đã lồng ghép văn hóa đọc trong các phần bài giảng. Theo thống kê, hằng năm, tỉ lệ học sinh của trường đến thư viện mượn sách, đọc sách của khối 1 và 2 đạt 85% ; khối 3, 4 và 5 đạt 90%. Hiện thư viện trường có hơn 8.300 bản sách.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh có thư viện, được xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của học sinh. Các thư viện duy trì lịch mở cửa 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần; tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách nhân ngày Sách Việt Nam 21/4 hằng năm và nhiều hoạt động tiêu biểu khác. Các thư viện cơ bản đều có máy tính kết nối internet để bạn đọc có thể tìm và sử dụng tài liệu trên mạng.
Cơ sở vật chất của phòng thư viện được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, phù hợp với cấp học và đối tượng phục vụ. Phòng đọc đủ diện tích, tận dụng môi trường xung quanh để xây dựng thư viện xanh, thư viện lưu động, tủ sách lớp học nhằm mở rộng không gian đọc và hoạt động cho giáo viên và học sinh; thường xuyên bổ sung các loại trang thiết bị; bổ sung tài liệu cho hệ thống thư viện trường học bao gồm sách, đĩa, băng hình, tranh ảnh, bản đồ giáo dục. Bên cạnh hệ thống thư viện từ cấp tỉnh đến cơ sở và thư viện trường học, thư viện tư nhân cũng đóng vai trò không nhỏ việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bạn đọc
Những năm gần đây, ngoài hệ thống thư viện trường học, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã làm tốt công tác khuyến đọc. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu người đọc. Tổ chức bộ máy cán bộ thư viện từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đủ trình độ và năng lực để phục vụ tốt bạn đọc.
Văn hóa đọc trong cộng đồng được chú trọng triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 245 thư viện các cấp và 250 tủ sách phục vụ bạn đọc. Hằng năm, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở tiến hành cấp mới hàng nghìn thẻ thư viện, bổ sung, luân chuyển hàng vạn lượt sách, báo phục vụ hàng trăm nghìn lượt người đọc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân.
Số bạn đọc đến với thư viện ngày càng tăng, trung bình đạt 250.000 lượt/năm. Để phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh đã luân chuyển, bổ sung hơn 11.100 bản sách cùng nhiều loại báo, tạp chí khác; xây dựng hơn 20 tủ sách cho Trại giam Nghĩa An, các đồn biên phòng, các thôn, bản thuộc 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông.
Ngày 1/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 191/KHUBND về tiếp tục triển khai thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 90% học sinh, sinh viên và học viên tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện công cộng; 25% - 30% người dân ở khu vực nông thôn, 20% - 25% người dân ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận sách, báo, tài liệu; 55% - 60% người dân có kỹ năng tiếp cận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời.
Giám đốc Thư viện tỉnh Hồ Ngọc Thiên cho biết, Thư viện tỉnh đã chủ động thay đổi cách tiếp cận bạn đọc so với truyền thống. Vào dịp hè năm 2021, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với mong muốn mang niềm vui đọc sách cho trẻ em, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh tổ chức chương trình “Vui hè cùng sách” dưới hình thức thư viện sách lưu động, mang sách đến 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng cộng 36 điểm phục vụ, được đông đảo bạn đọc hưởng ứng.
Đặc biệt, từ tháng 6/2021 đến nay, dự án Thư viện số của Thư viện tỉnh đã số hóa hơn 1,5 triệu trang tài liệu thuộc các thể loại sách khác nhau sẵn sàng phục vụ nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Người đọc có thể tiếp cận thư viện mọi lúc, mọi nơi, tra cứu tài liệu tại chỗ hoặc có thể sử dụng ứng dụng đọc của thư viện qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, thư viện số được liên kết với các thư viện quốc gia và các tỉnh, thành phố… phục vụ bạn đọc tra cứu, tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn.
Tổng kết đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, đã có 75% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học trên địa bàn tỉnh; 25% người dân ở khu vực nông thôn và 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn-hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)