Phát triển loại hình du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Trị

Hà Trang |

Quảng Trị sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, không chỉ ở cảnh sắc hùng vĩ của các danh lam thắng cảnh mà còn có cả yếu tố lịch sử, văn hoá. Lịch sử của mảnh đất này đã để lại những di sản, địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này đã tạo nên những lợi thế du lịch độc đáo của riêng Quảng Trị mà không phải địa phương nào cũng có được.

Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ gắn liền với các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, trong đó có những địa danh nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cồn Tiên, Dốc Miếu.., Quảng Trị là bảo tàng sinh động nhất lưu giữ các di tích, chứng tích chiến tranh, đó là cơ sở để tạo nên sản phẩm du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” độc đáo. Đặc biệt, Quảng Trị có 75 km bờ biển với những cảnh quan đẹp, còn nguyên sơ cùng những bãi tắm nổi tiếng như Vĩnh Thái, Cửa Tùng, Cửa Việt, Triệu Lăng, Mỹ Thủy…là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển.

Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: H.T
Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: H.T

Mặt khác, nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch đã đi vào hoạt động trong thời gian qua như gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ở Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Khu Resort Sepon (Cửa Việt). Tổ chức Tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị; Khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông); Trằm Trà Lộc (Hải Lăng); các bãi tắm Trung Giang, Gio Hải, Cang Gián, Thủy Bạn (Gio Linh) đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ được đưa vào khai thác, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển, đảo với rất nhiều tiềm năng; thu hút được nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, triển khai đầu tư… Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình 7%/năm, trong đó, khách quốc tế là 3,25%/năm, khách du lịch nội địa là 9%/ năm. Ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thức được tiềm năng to lớn từ ngành du lịch, tỉnh đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, trong những năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. Tỉnh đã phối hợp với các địa phương khác trong vùng, các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch. Định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch sử cách mạng; du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái, biển, đảo… từng bước hình thành một số tuyến, địa bàn, khu du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai đầu tư dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỉ đồng làm cho hoạt động đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhất là các khu du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt. Từ đó, góp phần phát triển cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên diện mạo khởi sắc cho ngành du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, phải nghiêm túc thừa nhận rằng, du lịch Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Tại Hội nghị Hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021 với chủ đề: “Du lịch Quảng Trị - Liên kết khai thác giá trị tiềm năng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đặt ra nhiều câu hỏi để các đại biểu cùng thảo luận, và vấn đề cần quan tâm nhất là làm gì để du lịch Quảng Trị có thể tận dụng được các dư địa phát triển vốn có để bứt phá, trở thành một điểm đến du lịch văn hoá, lịch sử hấp dẫn, nổi bật của miền Trung? Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đã gợi mở một số giải pháp, trong đó có việc chú trọng xây dựng và quản lý triển khai chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch với tầm nhìn cả trung hạn và dài hạn để đảm bảo việc khai thác hiệu quả, bền vững những giá trị tài nguyên tự nhiên, lịch sử tỉnh Quảng Trị hiện có.

Khám phá vẻ đẹp suối Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông -Ảnh: QUANG HIỆP
Khám phá vẻ đẹp suối Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông -Ảnh: QUANG HIỆP

Cần có kế hoạch thu hút đầu tư phát triển một số dự án lớn, hình thành các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ bổ sung, vui chơi giải trí tạo điểm nhấn, tạo động lực phát triển du lịch của tỉnh. Triển khai các chương trình kích cầu du lịch và liên kết hợp tác; xác định hướng đột phá vào sản phẩm có thế mạnh như du lịch lịch sử chiến tranh cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch biển, đảo. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình kích cầu; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để đưa nguồn khách đến. Phối hợp với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế nghiên cứu kết nối xây dựng chuỗi du lịch: Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình).

Thời gian tới, trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án của trung ương và của tỉnh nhằm phấn đấu hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo; Quảng Trị cần thực hiện đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng phát triển du lịch nội địa, xây dựng sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch Hành lang kinh tế Đông -Tây; du lịch sinh thái biển, đảo, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực động lực phát triển du lịch, nhất là các khu du lịch - dịch vụ ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; chú trọng khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng quốc gia đặc biệt, xây dựng các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các đô thị, khu du lịch trọng điểm để tạo điểm vui chơi giải trí thu hút khách du lịch.

Bãi tắm Cửa Việt là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách - Ảnh: H.T
Bãi tắm Cửa Việt là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách - Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, cần tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng bằng cách tập trung phát triển du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, trở thành thương hiệu du lịch hòa bình của tỉnh, có sức lan tỏa trong cả nước. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung kêu gọi một số nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và bề dày kinh nghiệm đến đầu tư tạo bước phát triển đột phá. Xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch, đặc biệt trước mắt tập trung kích cầu du lịch nội địa; đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các tỉnh miền Trung và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển du lịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Du lịch nội địa rục rịch trở lại trạng thái 'bình thường mới'

Mai Mai |

Nhiều địa phương bắt đầu "cởi trói" cho một số hoạt động liên quan tới du lịch khi COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, để trở về trạng thái "bình thường mới," cần có một lộ trình.

Liên kết và hợp tác để khai thác giá trị tiềm năng du lịch

Linh Xuân - Thế An |

Liên kết và hợp tác nói chung, trong đó có liên kết hợp tác về lĩnh vực du lịch là xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa, quốc tế hóa, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Hiện du lịch Quảng Trị đứng trước nhiều cơ hội để phát triển bằng việc liên kết, hợp tác trong đầu tư phát triển du lịch.

Quảng Trị - Điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam

Linh Xuân - Thế An |

Quảng Trị - vùng đất được mệnh danh là “Bảo tàng” sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng và có tiềm năng dư địa, danh thắng để phát triển ngành du lịch. Nổi tiếng với thương hiệu du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh và gần đây là du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái và trong tương lai mở ra hướng du lịch biên mậu - thương mại, Quảng Trị có thể nói là điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương.

Làm du lịch từ vườn dưa hấu treo ở Triệu Độ

Trường Sơn |

Chỉ cách TP. Đông Hà khoảng 15km, vườn dưa Triệu Độ tại thôn Gia Độ (Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) đã thu hút số lượng lớn du khách ghé thăm, trải nghiệm nhờ việc trồng cây dưa hấu Mỹ leo giàn làm điểm du lịch nông nghiệp.