Quê tôi ở tận miền biển Triệu Lăng. Ngày nhỏ, mỗi khi được cha mẹ cho về quê ở lại, niềm mong mỏi háo hức nhất của đứa trẻ lên 10 là tôi lúc bấy giờ là rạng sớm dậy đi theo mấy o, mấy dì gánh khoai lang lên chợ Phương Lang bán, được o mua cho đồng quà tấm bánh. Chợ làng Phương Lang (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) trong ký ức xưa bây giờ đã qua bao đận đổi thay. Thế nhưng, mỗi khi nhắc về chợ làng Phương Lang vẫn thấy xốn xang…
Theo tài liệu nghiên cứu về quá trình thành lập làng xã ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dưới Triều Nguyễn (1802-1885) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Thiện - Thái Quang Trung, quá trình hình thành các làng xã huyện Hải Lăng diễn ra lâu đời. Kể từ khi châu Ô, châu Lý sáp nhập vào Đại Việt (1306) cũng là quá trình người Việt di cư vào đây khai khẩn, dựng làng. Trước đó, cư dân Chăm đã sinh sống, tạo lập một nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Nhưng đối với người Việt đây vẫn là một vùng đất xa xôi, khó khăn, nguy hiểm. Trải qua quá trình chung lưng đấu cật, chế ngự thiên nhiên, cải tạo ruộng đồng, khai thác đất đai, các làng xóm dần dần ra đời. Tuy nhiên, phải đến thời Lê, đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) công cuộc khai khẩn vùng đất phía Nam được đẩy mạnh, trong đó có Hải Lăng. Phần lớn các xã thôn ở Hải Lăng hiện nay, trong đó có thôn Phương Lang, xã Hải Ba được định hình về cơ bản trong thời gian này. Tìm trong sử sách hầu như không có nhiều thông tin về lịch sử ra đời của chợ Phương Lang, ngôi chợ hiện nằm ở khu vực trung tâm của thôn Phương Lang, xã Hải Ba. Bậc cao niên của làng cũng chỉ biết chợ đã có từ lâu đời, có những thời điểm phải xê dịch về địa điểm họp chợ do chiến tranh, rồi lại quay về địa điểm cũ.
Mệ Mai Thị Tam là người bán hàng cao tuổi nhất ở ngôi chợ ngày, ngày ngày vẫn bày từng mớ đậu, mè, dăm ba lon ớt khô và bó chè xanh bán ở góc chợ. Bán buôn giờ không hẳn vì mưu sinh mà bởi thói quen và niềm vui. Ngày trước, mệ bày gian hàng nhỏ ở chợ để kiếm đồng ra đồng vào nuôi con, còn bây giờ, một ngày còn khỏe mà không dọn hàng ra chợ thì lòng thấy thiếu vắng lạ lùng. Với mệ, trừ những khi ốm đau hay thời buổi chiến tranh loạn lạc chợ không họp được, mỗi ngày đến chợ để nhìn, để nghe những âm thanh cuộc sống chảy quanh mình, để trao đi đổi lại sản vật quê nhà và chia sẻ những câu chuyện hằng ngày, là thấy mình đang sống khỏe khoắn.
Hỏi mệ Tam về lai lịch chợ Phương Lang có từ bao giờ, mệ nói chỉ biết khi về đây làm dâu lúc mới 19 tuổi đã nghe kể chợ có từ lâu đời. “Tui nhớ hồi trẻ đã bưng thúng bán buôn ở chợ, cũng là đem mấy thứ trồng được như đậu, mè, khoai, ớt ra bán. Ngày xưa, đã ra đường, ra chợ, dù là người mua hay người bán thì phụ nữ đều mặc áo dài, rất kín đáo. Chợ ngày xưa hàng hóa cũng đơn giản, nhà có thứ gì thì mang thứ đó ra chợ bán, cũng ít nói thách, người ta trả được mấy hào thấy hợp lý thì bán, lấy tiền đong gạo cho con”.
Không chỉ người làng họp chợ, chợ Phương Lang làm tròn vai trò là nơi giao thương của người dân không chỉ xã Hải Ba mà các vùng lân cận như Triệu Trung, Hải Vĩnh, Triệu Sơn, Hải An, Triệu Lăng… So với các chợ lớn trong huyện, chợ Phương Lang có quy mô không kém cạnh với 218 gian hàng các loại. Trong đình là gian hàng áo quần, giày dép, vải vóc, bánh kẹo tạp hóa, quanh chợ từ hàng thịt, hàng rau củ quả, gian hàng ăn, các vật dụng như cuốc, thuổng rổ, thúng, chổi… đều có đủ. Cần thứ gì, người dân chỉ cần ra chợ. Không còn gói gọn ở danh xưng “chợ làng”, chợ Phương Lang được coi là đầu mối quan trọng để cung ứng hàng hóa đi khắp nơi. Chợ họp từ mờ sáng, lúc này các thương lái và người bán thực hiện giao dịch sỉ đối với các mặt hàng như thịt, rau, củ, quả, các loại nông sản địa phương… để thu gom hàng tỏa đi bán ở các chợ lẻ ở các địa phương lân cận. Hửng sáng tỏ mặt người, dân quanh vùng đi chợ sớm mua nhu yếu phẩm cần thiết chuẩn bị cho những bữa ăn trong ngày, không khí mua bán thong dong hơn. Cũng trả giá, kỳ kèo, nhưng vốn người đến chợ và người bán khá tỏ tường nhau rồi nên sự mặc cả cũng gần như chiếu lệ, dễ dàng thuận mua vừa bán.
Ngoài chuyện bán - mua, chợ làng đông bởi người dân đi đến chợ để được giao lưu, mở mang hiểu biết, để gặp gỡ những người dân trong khắp vùng, bàn đủ mọi thứ chuyện trên đời, từ chuyện làng xã, họ mạc, gia đình đến chuyện thời tiết và phổ biến cho nhau những kinh nghiệm cấy trồng, gieo gặt… O Nguyễn Thị Huê, người làng Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung đã duy trì gian hàng nhỏ bán chè, món ăn vặt dân dã không thể thiếu ở chợ này đã hơn 35 năm. Gánh hàng chè giúp o một mình nuôi lớn mấy đứa con, kể từ ngày từ Đông Hà về làm dâu làng Ngô Xá Đông. O Huê tỉ tê: “Bây giờ trẻ con không còn háo hức hàng chè như ngày xưa mỗi khi mẹ đi chợ về nữa. Cuộc sống hiện đại, điều kiện kinh tế khấm khá hơn, trẻ con được chăm sóc đầy đủ nên thờ ơ với những thứ quà quê dân dã như thế này. Giờ mỗi ngày bán được 1-2 trăm ngàn, lãi đâu khoảng dăm ba chục. Biết chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nghề từ mấy chục năm rồi, không bỏ được, ra chợ mỗi ngày để gặp người này, người kia mà chuyện trò. Mà biết đâu thiếu gian hàng chè, chợ thiếu một nét quê”.
Chợ Phương Lang ồn ào, tấp nập từ rất sớm rồi vãn dần khi trời ngã bóng. Những người sống quanh khu vực chợ cũng bắt đầu ngày mới từ những thanh âm rộn ràng từ chợ. Giống như một phần của cuộc sống, mỗi buổi chợ là từng nhịp sống mới mỗi ngày một tràn trề, phong phú. Chợ Phương Lang, niềm thương nhớ của những người con từ làng ra đi, là nếp quen của người ở làng, ở những làng lân cận. Dù trải bao thăng trầm, chợ Phương Lang vẫn lưu giữ được nét truyền thống đặc trưng của chợ làng, đó là tình làng, nghĩa xóm, là bản sắc văn hoá nông thôn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)