Qua miền bãi ngang Gio Linh

Nguyễn Việt Hà |

Biển cả bao la luôn được xem là khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người. Nơi đại dương sâu thẳm kia, hàng ngàn năm qua đã đem lại cho người ngư dân niềm vui cũng như nguồn thực phẩm vô tận. Biển là nguồn sống, sự đam mê và là máu thịt của những con người chân chất mộc mạc quen “ăn sóng nói gió”. Đã qua bao đời nay, những người dân miền biển luôn trân quý mẹ biển và mẹ biển cũng đã ban tặng cho họ những món quà quý giá từ con cá, từ giọt nước mắm chắt chiu từ những điều dung dị nhất.

Thao thiết sóng gió Trung Giang

Nếu tính từ Bắc vào Nam thì Trung Giang là xã đầu tiên trong các xã bãi ngang của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đến đây vào những ngày đầu xuân năm 2022, thật may mắn lại là một ngày thời tiết khá đẹp, nắng vàng trải trên xóm thôn và những bãi cát vàng tinh khôi. Có lẽ đứng trước biển thì tâm hồn con người ta ai cũng trẻ lại, sóng gió của trùng khơi như đang thủ thỉ kể cho chúng tôi những câu chuyện về đất và người nơi đây.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là cầu Cửa Tùng. Trong ánh nắng lên cầu Cửa Tùng như một cánh cổng vàng mở ra trước biển. Ví cầu Cửa Tùng như cánh cổng vàng cũng không sai, bởi những lợi ích của việc xây dựng chiếc cầu này đem lại cho người dân thì nhiều vô kể. Mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân cư ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, nối thông tuyến du lịch Hiền Lương - Cửa Tùng - Cửa Việt, tạo ra tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên - Huế.

 
Ngư dân bãi ngang Gio Linh thu hoạch vụ cá trích- Ảnh: Việt Hà

Tình cờ chúng tôi được gặp bác Trần Đình Phê, hiện ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, câu chuyện chân tình của bác cũng là nỗi niềm của bà con nơi miền quê cát này. Bác nói: “Cây cầu Cửa Tùng này hoàn thành mà bà con nghĩ như là một giấc mơ không có thật. Hàng trăm năm nay, bao đời cha ông và chúng tôi sống ở đây không bao giờ tưởng tượng rằng có một ngày được đi trên cây cầu qua bên kia sông. Từ ngày có cây cầu, giao thông đi lại thuận tiện và đời sống phát triển hơn trước”.

Từ vùng dưới chân cầu Cửa Tùng kéo dài cho đến gần một cây số có một bãi cát vàng thoai thoải rất đẹp, hiện nay có tên là bãi tắm Cát Sơn hay còn gọi là bãi tắm Nam Cửa Tùng thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Với lợi thế bãi cát trắng mịn màng, bờ biển thoải, nông và còn lưu dấu nét hoang sơ thơ mộng nên những năm trở lại đây, bãi tắm Cát Sơn trở thành điểm đến yêu thích của du khách thập phương... Năm 2010, UBND xã Trung Giang lập quy hoạch bãi tắm cộng đồng phía nam cầu Cửa Tùng với diện tích 20 ha. Từ khi các nhà hàng, quán xá bán các mặt hàng thủy sản tươi sống mọc lên thì bãi tắm Cát Sơn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Khi cùng chúng tôi lên cầu Cửa Tùng để ngắm một phần của Trung Giang đang chuyển động trong một lực đẩy mạnh mẽ, Chủ tịch UBND xã Trung Giang Nguyễn Đức Phới nói về lợi thế phát triển biển của Trung Giang, trong đó có du lịch. Với địa thế thuận lợi của trục giao thông bắc nam dọc theo biển cùng với sự hoang sơ tự nhiên của bờ biển, nên hàng năm thu hút khách du lịch của địa phương và ngoài tỉnh đến tắm biển và thưởng thức hải sản. Ông Nguyễn Đức Phới cho biết: “Chính quyền địa phương luôn tăng cường kiểm tra, hạn chế việc giá cả cao “chặt chém” khách hàng, giữ uy tín chung trong kinh doanh dịch vụ - du lịch. Hiện nay do dịch bệnh Covid-19 nên các dịch vụ ăn uống du lịch hạn chế, số lượng khách ít. Tuy nhiên sau này tình hình ổn định chắc chắn các điểm kinh doanh này sẽ phát triển”.

Việc phát triển kinh tế là sự tổng hòa của các mặt tiêu chí khác nhau. Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế đối với các xã vùng đông của huyện, thời gian qua, huyện Gio Linh đã chú trọng phát triển diện tích nuôi tôm trên cát. Đặc biệt sau sự cố môi trường biển năm 2016 thì đây là một hướng đi mới trong việc tạo sinh kế cho người dân.

Ở xã Trung Giang, với diện tích đất vùng cát khá lớn, nguồn lao động dồi dào, việc phát triển nuôi tôm và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiện nay mở ra nhiều cơ hội để Gio Linh đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng cát, tạo động lực để các địa phương ven biển thực hiện tiêu chí về thu nhập cho người dân thuận lợi hơn. Anh Hoàng Thế Vinh, một hộ gia đình nuôi theo hình thức này nhiều năm qua, có kinh nghiệm và hiệu quả chia sẻ cho chúng tôi về cách thức nuôi loại tôm này. Qua câu chuyện chúng tôi được biết ngoài việc vốn đầu tư được hỗ trợ từ dự án, từ các ngân hàng thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản rất quan trọng, từ khâu con giống đến chăm sóc. Đặc biệt là đối với cách nuôi tôm 2 giai đoạn.

Đi dọc theo hành trình qua vùng chân sóng Trung Giang, vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi gặp những người ngư dân ra khơi đánh bắt cá từ khuya ddang đưa thuyền về bến bãi. Phải thấy cảnh thuyền cặp bờ và đưa thuyền lên bãi cát mới thấy sự vất vả của ngư dân. Ngư dân Trần Quốc Doãn, ở tại thôn Hà Lợi Trung, Trung Giang, Gio Linh rất phấn khởi vì cá trích năm nay được mùa, được giá. Cá trích được mùa được giá nên nhiều chủ thuyền ở vùng biển bãi ngang Gio Linh đang rất phấn khởi, hào hứng tăng chuyến ra khơi đánh bắt cá trích với mong muốn một vụ mùa bội thu. Anh tâm sự: “Mỗi thuyền đi biển ngày 2 chuyến. Chuyến buổi sáng đi từ 4 giờ vào lúc 9 giờ, chuyến buổi chiều đi 15 giờ và vào bờ lúc 19 giờ. Chi phí cho dầu máy nổ mỗi chuyến khoảng 200 nghìn đồng. Mỗi cân cá trích được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi thuyền một chuyến đánh được chừng 2 tạ cá, vị chi là 2 triệu đồng. Trong ngày, trừ chi phí đi thì chủ thuyền có trong tay xấp xỉ 4 triệu đồng”.

Những câu chuyện về miền quê cát Trung Giang như lời thủ thỉ của sóng gió trùng khơi. Chúng tôi rời nơi đây với tâm trạng mừng vui khôn tả. Tuy thời gian lưu lại nơi miền chân sóng không lâu nhưng sự hạnh ngộ này có lẽ sẽ khó phai trong tâm khảm của mỗi người.

Cát trắng biển xanh Gio Hải

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện hành trình ký sự bãi ngang Gio Linh của mình bằng câu chuyện kể về một thời chiến tranh.

Hiện nay tại phòng Truyền thống của huyện Gio Linh còn lưu giữ một tấm hình của chiến sỹ giải phóng quân trẻ tuổi và khẩu súng B41 dùng để đánh địch. Ông Nguyễn Xuân Hoàn - Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục và thể thao của huyện cho chúng tôi biết, người trong tấm hình là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Quang Thọ. Ông sinh năm 1948, quê ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Khẩu súng B41 hiện đang trưng bày tại đây chính là khẩu súng trước đây ông dùng để chiến đấu những năm tháng ấy.

Trong lịch sử tham gia chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương, ông đã diệt 65 tên, bắt 1 trung úy tình báo, bắn cháy 14 xe tăng, xe bọc thép, đánh chìm, đánh hỏng 7 tàu, thu 2 súng. Vào năm 1973, ông được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Bà Phạm Thị Sữ, vợ của Anh hùng liệt sỹ, hiện nay đang ở xã Gio Hải cho biết: “Những năm tháng ấy thật là gian truân, quân Mỹ ngụy luôn o ép, đàn áp các gia đình có chồng con tham gia cách mạng. Tuy nhiên bọn bày tui không sợ. Vừa một tay nuôi con vừa tham gia các hoạt động cách mạng tại địa phương. Ngày nay cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Không ước mong gì hơn”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Quang Thọ là một trong nhiều người con của quê hương Gio Linh anh hùng. Có những người trẻ tuổi đã hiến dâng thanh xuân của mình cho Tổ quốc, có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Gio Linh đã hiến dâng chồng, con của mình cho Tổ quốc quyết sinh.

Về biển vào những ngày đầu năm, cũng như các vùng bãi ngang khác của huyện Gio Linh, chúng tôi bắt gặp các ngư dân ra khơi đánh cá trở về. Ngư trường gần bờ luôn là vậy, cũng là hình ảnh những con cá duội, cá trích thân quen.

Một trong những nghề nổi tiếng xưa nay ở Gio Hải là nghề làm nước mắm. Nước mắm của Gio Hải hình thành cách đây hơn 500 năm, theo các vị cao niên trong làng kể lại thì xưa kia song song cùng nghề làm muối, nghề làm mắm cũng đã ra đời. Phải khẳng định rằng, nước mắm Gio Hải từ lâu đã nức tiếng bởi chất lượng cũng như hương vị đặc trưng có màu vàng cam, mùi thơm, vị ngọt dịu nhẹ, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Chế biến nước mắm truyền thống của bà con bãi ngang Gio Linh - Ảnh: Việt Hà

Ngày xưa chưa có đường đất rộng rãi thông thoáng như bây giờ, nước mắm Gio Hải nằm trong quang gánh trên vai người phụ nữ vùng biển đảm đang khắp mọi miền quê, làm đậm đà thêm hương vị món ăn quê hương. Bà Đoạn Thị Liễu ở Gio Hải cho chúng tôi biết: “Nước mắm Gio Hải được làm theo phương pháp truyền thống nên thường có màu cánh gián, thơm ngon, khi nếm thấy vị mặn nơi đầu lưỡi và để lại vị ngọt thanh. Do vậy nên người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi không chỉ tiêu thụ trong huyện, tỉnh mà còn ra các tỉnh bạn”. Những giọt nước mắm mặn mòi tuy là món ăn dung dị nhưng nó chứa đựng bao tâm huyết của người làm ra nó, là niềm vui nỗi buồn thăng trầm của nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Trải qua biến cố lao linh, hiện nay vẫn có những người dân vẫn gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống của cha ông truyền lại.

Trong câu chuyện liên quan đến việc đánh bắt cá đi khơi vào lộng, muốn tìm hiểu sâu hơn về các loại lưới ngư cụ bà con dùng đi đánh bắt cá, Phó chủ tịch UBND xã Gio Hải Hồ Xuân Thùy đưa chúng tôi đến nhà của bác Nguyễn Tiến Sinh. Bác là một trong những ngư dân thường xuyên đi biển khai thác cá. Gia đình của bác đan lưới, sửa lại lưới bị rách sau những chuyến đi biển. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác chia sẻ: “Nghề biển bãi ngang không phải đầu tư tàu to, thuyền lớn với kinh phí nhiều. Tuy đánh bắt nhỏ nhưng ngư dân vùng này vẫn có lợi thế riêng. Hiện nay nhiều loại hải sản bãi ngang như cá trích, cá đuối, cá khoai, ghẹ bán được giá vì người tiêu thụ ưa chuộng do tươi ngon. Đem lại nguồn thu nhập cho bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình”.

Gio Hải là vùng biển bãi ngang của huyện Gio Linh, bên cạnh việc sống bằng nghề đánh bắt ven biển gần bờ, người dân ở đây còn trồng khoai, lúa, trồng dưa trên đất cát bạc màu. Ông Hồ Xuân Tương thôn 6, xã Gio Hải đã làm giàu ngay trên vùng đất khó của quê hương. Thực hiện chủ trương của UBND xã Gio Hải, huyện Gio Linh về chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên vùng đất cát, gia đình ông đã lựa chọn nghề nuôi gà để phát triển kinh tế. Hiện nay với trại gà thịt thương phẩm đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá cao, trừ chi phí lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải Hồ Xuân Thùy cho chúng tôi biết: “Trong những năm qua, các cấp, các ngành xã Gio Hải đã vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi nhiều mô hình tạo sinh kế cho người dân vùng biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, vùng cát của xã Gio Hải có trên 60 ha, để thực hiện có hiệu quả sản xuất theo Chương trình phát triển kinh tế vùng cát theo Chương trình phát triển kinh tế vùng cát mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh lần thứ 16 và Nghị quyết HĐND huyện khóa V nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra”.

Vĩ thanh

Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình dọc theo bãi ngang Gio Linh. Câu chuyện này không phải là khép lại, mà chính là mở ra cho những hành trình khám phá thú vị tiếp theo của những người chưa từng đến. Mỗi vùng đất, mỗi miền quê thân thương của Quảng Trị luôn ẩn chứa bao giá trị lịch sử văn hóa. Hồn cốt của dân tộc đôi khi chỉ là điều dung dị nhất, là con cá trích nhỏ nhoi được bà con đưa lên từ biển, là những giọt nước mắm có hương vị nồng nàn ngủ yên hàng tháng trời để một ngày thức dậy thơm ngát cả đất trời. Là tình người chân chất mộc mạc trong cái dáng vẻ vụng về quen “ ăn sóng nói gió” của người dân vùng biển. Hẹn một ngày không xa được trở về nơi cát trắng biển xanh bãi ngang Quảng Trị thân thương.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Khai thác tiềm năng du lịch biển với mô hình homestay

Nguyễn Trang |

Cùng với Homi Camp (Tà Đủ, Tân Hợp, Hướng Hóa); 5 mùa Bungalow (Xa Ry, Hướng Phùng, Hướng Hóa), Camping trên đảo Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ)… thì Khói homestay (Mũi Si, Bắc Bàn, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) là địa chỉ du lịch lưu trú trải nghiệm đang được cộng đồng yêu thích du lịch dành nhiều quan tâm khi đến Quảng Trị. Khói homestay được đầu tư lên đến gần 20 tỉ đồng bao gồm khu đất có diện tích gần 3.800 m2 cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, thân thiện với môi trường, thuộc một trong những mô hình kinh doanh homestay theo hướng quy mô đầu tiên tại các địa phương vùng biển Quảng Trị.

Tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

TL |

Ngày 13/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 36/2021/QĐ-TTg về tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Vĩnh Linh: Ngư dân bãi ngang được mùa ruốc biển

Nguyễn Trang |

Sau thời gian tạm dừng các hoạt động khai thác do ảnh hưởng cơn bão số 5 và mưa lớn kéo dài, những ngày này, ngư dân vùng bãi ngang huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy hải sản và phấn khởi vì được mùa ruốc biển.

Xã bãi ngang xây chợ tiền tỷ rồi bỏ hoang

Công Điền |

Chợ Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được xây dựng khang trang với số vốn hơn 3 tỷ đồng nhưng tiểu thương ngại vào buôn bán vì nhiều lý do.