Sự đồng hành của phụ nữ và nam giới trong việc khắc phục bom mìn là hết sức cần thiết

Quang Hiệp |

Vừa qua, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc, Việt Nam tổ chức phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội. Tại phiên họp này, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Chương trình cấp tỉnh của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Quảng Trị, Quản lý Chương trình Rà phá bom mìn tại Dự án RENEW đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề liên quan. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện ngay sau khi chị Nguyễn Thị Diệu Linh trở về Quảng Trị.

- Đầu tiên, xin chúc mừng chị vừa trở về từ phiên họp của HĐBA Liên Hợp Quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Cảm xúc của chị như thế nào khi tham dự một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn như vậy?

- Tôi rất vui, tự hào khi có cơ hội trình bày báo cáo đến HĐBA Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế để chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân cùng công việc tốt đẹp của Tổ chức NPA, Dự án RENEW và cộng đồng Hành động Bom mìn Quảng Trị. Cũng cần nói thêm là trong phiên họp này có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, diễn viên Daniel Craig - Đại sứ toàn cầu về xóa bỏ các khu vực ô nhiễm mìn và vật liệu nổ và diễn viên Dương Tử Quỳnh - Đại sứ thiện chí Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc…

 

- Chị có thể chia sẻ về những thông điệp mình mang đến phiên họp này?

- Trong phiên họp vừa qua, tôi đã chia sẻ khá nhiều điều. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi đã thông tin sâu về nỗi đau do bom mìn gây ra cho người dân Quảng Trị sau chiến tranh; nỗ lực của chính quyền, quân đội và các tổ chức phi chính phủ nói chung, NPA/RENEW nói riêng trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn; nỗi lo về việc bom mìn vẫn còn đe dọa cuộc sống người dân… Tôi gửi gắm niềm hy vọng rằng chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn sẽ tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cũng như mong muốn mọi người nhìn nhận đúng về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hành động bom mìn. Tôi hết sức vui mừng khi HĐBA Liên Hợp Quốc tái khẳng định cam kết của họ đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Tất cả các nước đều tán thành với Việt Nam rằng đây là chủ đề quan trọng cần thảo luận sâu hơn và ủng hộ nhiều hơn.

- Tại phiên thảo luận, chị đã có những kiến nghị gì với HĐBA Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế về những vấn đề liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn?

- Dựa trên 12 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị, tôi đã đưa ra những kiến nghị sau:

Thứ nhất, năng lực quốc gia và tính sở hữu chủ động của quốc gia cần được tăng cường để đảm bảo sự thành công và tính bền vững dài hạn của các kết quả đạt được trong lĩnh vực hành động bom mìn. Để thành công trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vai trò lãnh đạo từ chính quyền địa phương và tính sở hữu chủ động của quốc gia là hết sức quan trọng.

Thứ hai, các tổ chức, đơn vị quốc gia, quốc tế và các bên liên quan trong lĩnh vực hành động bom mìn nên phối hợp chặt chẽ tại mọi cấp độ - bao gồm từ cấp hoạt động, quản lý đến cấp chính sách - để đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động trong lĩnh vực này.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế nên học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn từ các quốc gia bị ảnh hưởng lâu dài bởi bom mìn, vật nổ; thường xuyên tài liệu hóa những bài học kinh nghiệm và chia sẻ những bài học này trên các diễn đàn quốc tế. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo rằng kiến thức được chia sẻ, truyền tải ra ngoài phạm vi một quốc gia.

Thứ tư, sự tham gia rộng khắp của nữ giới trong lĩnh vực hành động bom mìn nên được tăng cường và phổ biến. Phụ nữ làm việc tại các tổ chức hành động bom mìn ở Việt Nam đã cho thấy rằng họ có thể làm được công việc tốt như nam giới và phụ nữ giữ vai trò quan trọng, cần thiết trong lĩnh vực hành động bom mìn cũng như trong chương trình nghị sự ở tầm sâu rộng hơn về hòa bình, an ninh.

- Điều gì thôi thúc chị đưa ra kiến nghị thứ tư?

- Trong những năm gần đây, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hành động bom mìn đã được tăng cường về cả số lượng cũng như cả sự đa dạng về trách nhiệm, chức vụ đảm trách. Phụ nữ tại tỉnh Quảng Trị có những đóng góp hết sức giá trị vào lĩnh vực này và được xem là quan trọng, cần thiết như đóng góp của nam giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới cho rằng công việc này không phù hợp với phụ nữ và rõ ràng đây vẫn là lĩnh vực mà nam giới đóng vai trò “thống trị.”

Tôi cảm thấy rất tự hào khi may mắn được làm việc cùng các chị em đồng nghiệp nữ khác. Chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt trách nhiệm của mình, trở thành tấm gương tốt cho con cái mình và là minh chứng sinh động, động lực để các chị em phụ nữ khác tự tin chứng minh khả năng, vai trò của mình.

- Thời gian qua, các cán bộ, nhân viên nữ làm việc tại NPA/RENEW đã đóng góp như thế nào trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, thưa chị?

- Tại NPA, chúng tôi có 50% phụ nữ giữ các vị trí quản lý chủ chốt và gần 30% nhân viên là nữ giới. Dù là phụ nữ hay nam giới, chúng tôi đều nỗ lực đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ bằng cách làm việc hết mình với mỗi vai trò mà mình đảm trách. Chúng tôi hướng đến mục tiêu chung của chính quyền tỉnh và cộng đồng hành động bom mìn tại Quảng Trị đó là làm cho tỉnh sớm an toàn khỏi tác động của bom mìn, vật nổ.

Vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị được thể hiện hết sức rõ nét bởi chị em làm việc trên hiện trường, đặc biệt là đội rà phá “toàn nữ” của Tổ chức NPA tại Dự án RENEW. Đây là đội hình mà tất cả thành phần từ đội trưởng đến nhân viên đều là nữ. Trong năm 2020, đội đã rà được hơn 740.000 m2 đất, phát hiện và hủy nổ hơn 680 vật liệu nổ các loại, kết quả ngang bằng với các đội còn lại. Ở đây, tôi chưa kể đến đóng góp của các chị em khác làm việc trong các đội hiện trường mà thành phần đội có cả nam và nữ. Điều này chứng tỏ phụ nữ chắc chắn có thể làm được công việc rà phá bom mìn, vật nổ và làm việc đó tốt như nam giới.

- Để gánh vác một công việc có thể nói là nguy hiểm, vất vả mà lâu nay mọi người cho rằng chỉ đàn ông mới làm tốt, chị và các nữ cán bộ, nhân viên khác đã phải nỗ lực như thế nào?

- Chúng tôi cũng nỗ lực tương tự như các anh em đồng nghiệp nam khác, đó là tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật, không ngừng học hỏi về chuyên môn, làm việc có trách nhiệm trong tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng các đồng nghiệp. Chị em chúng tôi đều đang làm tốt việc này, không thấy có gì là quá sức và không có sự khác biệt nào kể cả trong công việc đang làm và thành quả đạt được.

- Có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện cùng những ý kiến đóng góp của chị tại phiên họp của HĐBA Liên Hợp Quốc đã nói lên được nhiều điều về vị thế của người phụ nữ. Chị suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Tôi nghĩ rằng đó là minh chứng cho thấy chính quyền, cộng đồng quốc tế ghi nhận sự cần thiết phải có sự tham gia của phụ nữ cũng như thấy rõ tầm quan trọng của những đóng góp và vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực hành động bom mìn. Tôi hy vọng bài báo cáo ngắn gọn của tôi tại phiên họp vừa qua sẽ đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết toàn cầu về vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Tôi mong mọi người hiểu rằng phụ nữ có thể làm việc tốt như nam giới. Sự đồng hành của phụ nữ và nam giới trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn là cần thiết.

Các nhân viên nữ của Dự án RENEW/NPA chuẩn bị làm nhiệm vụ - Ảnh: NVCC​
Các nhân viên nữ của Dự án RENEW/NPA chuẩn bị làm nhiệm vụ - Ảnh: NVCC​

- Là Quản lý Chương trình NPA/RENEW tại Quảng Trị, việc tham gia phiên họp vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với công việc hiện tại và những dự định, kế hoạch trong tương lai của chị?

- Tôi vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình và tiếp tục sứ mệnh của Tổ chức NPA, Dự án RENEW là đồng hành với chính quyền tỉnh Quảng Trị trong nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần giúp tỉnh sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh đầu tiên an toàn khỏi tác động của bom mìn, vật nổ. Tôi mong việc tham gia phát biểu tại cuộc họp của HĐBA Liên Hợp Quốc sẽ giúp mọi người biết nhiều hơn đến công việc của Tổ chức NPA, Dự án RENEW và những nỗ lực của cộng đồng hành động bom mìn tại Quảng Trị. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các nhà tài trợ gồm: Chính phủ Mỹ, Anh, Ai Len và Na Uy cũng như từ các nhà tài trợ mới để có thể tiếp tục sứ mệnh giúp người dân Quảng Trị an toàn khỏi nguy cơ từ bom mìn, vật nổ.

- Xin cảm ơn chị!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao giải cuộc thi “Giáo dục nhận thức bom mìn"

Bình An |

Thực hiện Dự án “Ngày Hội Giáo dục nhận thức bom mìn năm 2021” do Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam tài trợ, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam tại Quảng Trị đã phát động cuộc thi “Giáo dục nhận thức bom mìn”  trong thời gian từ ngày 9- 22/3/2021 tại 4 trường là: Trường PTDT bán trú THCS Hướng Phùng, TH & THCS Xy (huyện Hướng Hóa), Trường PTDT bán trú THCS Tà Long, THCS & THPT Đakrông tại Tà Rụt (huyện Đakrông).

Ngày hội vui trải nghiệm truyền thông phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ

Anh Vũ |

Ngày 25/3/2021, tại Trường Tiểu học số 2 Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), Dự án RENEW, Huyện đoàn Cam Lộ và Cơ quan Viện trợ Ireland tổ chức Ngày hội vui trải nghiệm truyền thông phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ. 

Nhật Bản cung cấp thiết bị rà phá bom mìn cho Lào

Tổng hợp |

Chính phủ Nhật Bản vừa cung cấp 10 xe chuyên dụng, 90 máy dò và các thiết bị thực địa trị giá 900 triệu Yên (hơn 79.7 tỷ Kip) để hỗ trợ Lào tiến hành việc rà phá bom mìn chưa nổ tại 3 tỉnh miền Nam, bao gồm Champasak, Salavan và Sekong.

Quảng Trị phấn đấu mỗi năm rà phá 3.000 ha đất nhiễm bom mìn

Nguyên Lý |

Ngày 26/1, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh giai đoạn 2021-2025.