Chỉ còn gần 4 tháng nữa là chính thức khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Đây là lễ hội đầu tiên về chủ đề này được tỉnh Quảng Trị tổ chức có quy mô quốc gia. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Quảng Trị đang triển khai nhiều nội dung công việc chuẩn bị khẩn trương cho lễ hội.
Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức từ ngày 29/6 - 26/7/2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Hiện tại, khung chương trình đã được hoàn tất.
Theo đó, lễ hội có 5 chương trình chính gồm: ngày đạp xe vì hòa bình, từ 29-30/6/2024; khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình vào lúc 20 giờ ngày 6/7/2024 tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” (đêm nhạc Trịnh Công Sơn) ngày 8/7/2024 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; lễ hội Văn hóa - Ẩm thực từ 12-14/7/2024 tại Khu Dịch vụ - Du lịch Cửa Việt; chương trình “Ước nguyện hòa bình” vào lúc 20 giờ ngày 26/7/2024 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Giám đốc Sở VH, TT&DL Lê Minh Tuấn cho biết: Chương trình khai mạc có chủ đề “Gắn kết những nhịp thời gian”, là chương trình “đinh” của lễ hội. Những nhịp cầu của chương trình lấy cảm hứng từ di tích cầu Hiền Lương, chứng nhân lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đây không chỉ là biểu trưng cho khát vọng thống nhất, còn thể hiện tinh thần gắn kết những giá trị của quá khứ, hôm nay và mai sau tại mảnh đất lịch sử đã chọn để chuyên chở dấu chân trên hành trình của những người yêu chuộng hòa bình.
“Gắn kết những nhịp thời gian” còn là thông điệp truyền tải khát khao tương đồng mà bất cứ ở thời điểm nào con người trên thế giới cũng hướng tới. Đó là ước mong về hạnh phúc, phồn thịnh và công bằng, bác ái.
Lần đầu tiên đêm khai mạc sẽ có sân khấu âm nhạc kết hợp đa không gian trên bờ và dưới sông tạo ra chương trình nghệ thuật đa điểm chạm trong một không gian diễn xướng. Ý tưởng nghệ thuật của chương trình là điểm chạm cảm xúc chuyên chở tinh thần chủ động hội nhập của Quảng Trị cũng như Việt Nam.
Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng đây sẽ là chương trình 2 năm tổ chức một lần có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Bởi vì, mảnh đất Quảng Trị là nơi đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng, oanh liệt; nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình hữu nghị quốc tế với trầm tích lịch sử, văn hóa riêng có, con người thân thiện.
Nội dung lễ khai mạc có 3 chương. Chương 1 là “Khúc hoan ca”. Những ca khúc do các nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện, các diễn giải văn học khắc họa rõ nét ý tưởng về giá trị và tình yêu hòa bình xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại.
Chương 2 là “Âm thanh kết nối” . Hình ảnh cây cầu vừa là hình tượng nghệ thuật vừa là mạch nối biểu trưng để truyền tải câu chuyện của chiều dài thời gian và bề rộng không gian. Các sự kiện lịch sử được tái hiện xuyên suốt 2 thế kỷ để người xem hiểu rõ hơn khát vọng hòa bình là chân giá trị, nền tảng vững chắc để kiến tạo nên biết bao điều kỳ diệu.
Chương 3 là “Lời ước nguyện”. Có cảm quan như là vĩ thanh mở ra câu chuyện của tương lai được xây dựng từ những hoạt động hôm nay. Thông điệp xuyên suốt của lễ khai mạc là hãy giữ gìn hòa bình bằng suy nghĩ và hành động mỗi ngày để cộng hưởng ước mong hiện thực hóa nền hòa bình trên toàn thế giới. Ban tổ chức sẽ sử dụng từ 700 đến 800 máy bay không người lái (drone) để trình diễn ánh sáng nghệ thuật của 3 nội dung làm đêm khai mạc thực sự là bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật thịnh soạn.
Theo ông Lê Minh Tuấn, đến nay sở đã tham mưu dự thảo quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội và 4 tiểu ban gồm: nội dung, tuyên truyền, an ninh trật tự và hậu cần với các thành viên và nhiệm vụ cụ thể, chi tiết; kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.
Tham mưu UBND tỉnh nội dung làm việc với các bộ, ngành trung ương như: Bộ VH, TT&DL; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hội đồng Giám mục Việt Nam; UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tổ chức lễ hội.
Tham mưu văn bản gửi Báo Thanh niên đề nghị hỗ trợ truyền thông và tổ chức Ngày hội đạp xe vì hòa bình. Tham mưu thư mời và tổ chức làm việc với Viện nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty Cổ phần giải pháp Kinh doanh Corex, Hiệp hội Công nghiệp, Văn hóa và Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và Công ty Kết nối & Truyền thông quốc tế Abraham đề nghị hỗ trợ triển khai các hoạt động tổ chức lễ hội.
Phối hợp với Công ty Cổ phần Sáng tạo nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright để xây dựng kế hoạch truyền thông và bộ nhận diện lễ hội. Phối hợp với tạp chí Vietnam Travel xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực và trình diễn diều quốc tế...
Ông Lê Minh Tuấn chia sẻ: Lần đầu tiên tỉnh tổ chức một lễ hội rất lớn và mới nên có nhiều mong đợi. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Thời gian còn lại là gấp rút nên công tác chuẩn bị phải tăng tốc hơn nữa để kịp tiến độ. Theo đó, sở đặt quyết tâm, trước một tuần các chương trình diễn ra, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất.
Thời gian đến, công tác chuẩn bị tập trung các nội dung: tiến hành thủ tục ký kết các hợp đồng bảo trợ, tài trợ; tổ chức họp báo; hỗ trợ các đơn vị truyền thông nước ngoài thực hiện truyền thông cho lễ hội; thực hiện kế hoạch cao điểm về tuyên truyền, quảng bá; tiến hành quảng bá trực quan trên diện rộng, phát hành tập giới thiệu chính thức toàn bộ các chương trình, tuyên truyền tập trung về nội dung Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Lễ hội Vì Hòa bình là thương hiệu lớn. Tỉnh quyết tâm tổ chức lễ hội gắn với du lịch - dịch vụ, góp phần thu hút du khách, phát triển KT-XH. Sở sẽ có những điều chỉnh phù hợp nhất trong quá trình chuẩn bị để có một lễ hội tiến đến chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trên các phương diện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)