Tín vật kết duyên của người Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Bao đời nay, trong huyết quản của người Vân Kiều đã chảy tràn dòng máu khí khái được hưởng thừa từ sự hào hùng và vững chãi của dãy núi Trường Sơn nơi họ sinh sống.

Noi theo ông cha, trong thâm tâm con cháu dân tộc Vân Kiều luôn xác tín phải giữ gìn đời sống tinh thần phóng khoáng và tấm lòng rộng mở, chấp nhận phần thua thiệt để sẵn sàng nhường cơm sẻ áo với anh em đồng tộc. Duy nhất một tín vật mà họ chỉ trao truyền cho con cháu ruột rà và chỉ khoác lên mình khi hỏi cưới, lễ lạt, đó là chiếc xi-lúc-thắc (áo thắc), tín vật trao duyên riêng biệt và độc đáo của người Vân Kiều.

 
Ảnh: Ngô Hải Phong 

Áo thắc là một dạng áo nữ được đồng bào Vân Kiều giữ gìn như bảo vật mà bây giờ số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay ở mỗi làng bản. Dường như đã trở thành quy tắc bất di bất dịch, chỉ người nào đồng bào thực sự tin tưởng mới đem áo thắc ra cho xem ngoài ra không mặc cả, không đổi chác, không bán mua. Áo thắc quý giá vì nhiều lý do. Trước hết, đây là chiếc áo được chính bàn tay phụ nữ Vân Kiều ngày xưa, cũng là tổ tiên của họ tự tay dệt vải (chất lượng như vải xô hiện nay), tự tay thêu thùa rồi tự may lấy bằng bàn tay khéo léo. Đặc tính “cha truyền con nối” này của chiếc áo thắc đã làm cho trang phục truyền thống của người Vân Kiều vốn không kiểu cách, lụa là trở thành dấu ấn văn hóa cần được tồn giữ.

 Áo thắc có cả giá trị kim tiền vì từ một vòng quanh cổ áo tới hai vạt cúc áo cho đến những điểm nhấn trên áo đều được đính hoàn toàn bằng đồng tiền Đông Dương làm từ kim loại bạc (ra đời vào khoảng thời gian 1885-1954). Những đồng tiền sáng loáng mà người Vân Kiều hay gọi là đồng bạc hoa xòe của người xưa, thích hợp nhất để làm kỉ niệm. Thiết nghĩ áo thắc giá trị chỉ để cất giữ, để khoe mẽ thì chẳng có gì đặc sắc. Áo thắc trị giá ở chỗ, nó vẫn hiện diện thường trực trong sắc màu đa thần ở các lễ hội của người Vân Kiều xưa nay. Trong đó không thể nhắc đến lễ tục cưới hỏi.

 
 Ảnh: Ngô Hải Phong 

Các cụ bà người Vân Kiều hồi tưởng, trước đây gần như không có hoạt động bán buôn, trao đổi ở nơi thâm sơn cùng cốc này nhưng riêng áo thắc thì hộ gia đình Vân Kiều nào cũng sở hữu một tấm. Là vì ngày ấy, con gái về nhà chồng đều được mẹ tự tay may hoàn chỉnh cho một chiếc áo thắc, vừa làm của hồi môn vừa để con mình được xúng xính bằng bạn bằng bè, nở mày nở mặt với bà con hai họ trong đám cưới. Từ lâu, phụ nữ Vân Kiều luôn ý thức được áo thắc sẽ là tín vật kết ước duyên phận nhưng do chiến tranh, do đói khó nên ban đầu là bán đồng bạc Đông Dương đính trên áo để mua vải vóc, sau đó họ bán luôn cả tấm áo để đổi lấy lương thực.

Áo thắc còn lại số lượng ít ỏi là vì thế. Giờ đời sống đồng bào khấm khá lên rồi, diễn trình văn hóa thuở nao vẫn sống động trong tâm trí nhưng để tự tay dệt nên một tấm áo thắc, thêu hoa văn chỉnh chu cũng như đính đầy đủ số lượng tiền đồng trên áo là điều không dễ. Và thế là những dòng họ nào, những gia đình nào may mắn giữ lại những chiếc áo thắc thì còn sung sướng hơn cả bắt được vàng. Ai không có thì đến ngày cưới con lại phải đi mượn để không mang tiếng “lạc loài” với đồng tộc và nhất là để làm đẹp lòng tiên tổ.

 
 Ảnh: Ngô Hải Phong 

 Chiếc áo thắc linh thiêng và đặc biệt trong ngày cưới nên dẫu đang còn trẻ trung, phơi phới xuân thì nhưng mỗi thiếu nữ Vân Kiều sau thời khắc lãnh nhận chiếc áo truyền thống từ người thân sẽ phải khắc ghi lời dạy thủy chung trong hôn nhân gia đình của mẹ cha, rằng trái tim mình giờ đã có chủ, hãy vứt bỏ ngoài tai những lời ong mật từ những gã si tình ngoài kia để sống đời vợ chồng cho tốt. Ở bên nhà chồng, phụ nữ Vân Kiều ngoài chu toàn công việc nữ công gia chánh, vun vén tổ ấm họ còn phải gìn giữ chiếc áo thật cẩn thận, tránh rách gấu hay đứt mất khuy, theo quan niệm đó là những điều tối kị kéo theo nhiều hệ lụy xấu, có thể xảy đến sứt mẻ tình cảm lứa đôi. Nếu gia đình nào có điều kiện muốn dệt vải, thêu thùa thêm một tấm áo mới cũng phải làm lễ cúng Giàng, bởi thay chiếc áo mới là công việc hệ trọng y như thay đổi vận mệnh mới cho bản thân người đó vậy.

Hôm nay, nếu đến thăm thú các bản làng người Vân Kiều, trong một ngày may mắn bạn sẽ được tận mắt chứng kiến đám cưới của con cháu họ và không khỏi trầm trồ về chiếc xi-lúc-thắc mà cô dâu xúng xính mặc trên mình. Cùng với thách thức hội nhập giữa miền ngược với miền xuôi, chiếc áo thắc là nét văn hóa độc đáo nổi trội và khác biệt của những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền sơn cước. Chừng nào đồng bào còn cảm tình sắt son với tấm áo thì chừng đó sự linh thiêng của tình yêu đôi lứa và nề nếp tộc người vẫn mãi là những biểu tượng mới mẻ và đẹp đẽ giữa đời.

Đặc sản gà Cùa

Thu Hạ |

Vùng Cùa gồm 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Cách đây hơn 100 năm, vùng Cùa được vua Hàm Nghi chọn để xây dựng thành Tân Sở làm nơi kháng chiến chống giặc Pháp đô hộ. Ngày nay, vùng Cùa thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, khám phá và thưởng thức những sản vật thơm ngon, đặc trưng vốn có, trong đó không thể không nhắc đến đặc sản gà Cùa.

Cao điểm 689, một địa chỉ du lịch tâm linh mới ở Hướng Hoá

Yên Mã Sơn |

Mặc dù xây dựng chưa xong nhưng Cao điểm 689 (Hướng Tân, Hướng Hoá, Quảng Trị) đã thu hút khách đến dâng hương, tham quan chụp ảnh.

Sính lễ đặc biệt của người Bru-Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Có những phong tục của người Bru-Vân Kiều mang đến phiền toái và cả đớn đau cho con cháu họ.

Nồng say diềm nướng Vân Kiều

Nguyễn Tiến Dũng |

Đất trời dường như ưu ái khí sắc cho mùa xuân nhất, nắng nhẹ, mưa phùn phơi phới cộng với tiết khí lúc nào cũng se se luôn tạo cảm giác muốn xách ba lô lên và đi. Bởi thế, mùa xuân bao giờ cũng là mùa của thưởng lãm, du ngoạn; mùa của cảm nếm, khám phá.