Tô mì Quảng đầu đời

Hoàng Văn Minh |

Quá nửa đời người, tôi tự thấy mình ăn cơm giang hồ cũng mòn răng, nếm trãi món ngon trong thiên hạ cũng kha khá, nhưng không hiểu sao, tô mì Quảng đầu đời cùng ánh mắt của một chị Cả xứ Đà thành từ hơn 20 năm trước vẫn cứ ám ảnh khôn nguôi… 

Hơn 20 năm trước khi còn là sinh viên, thời mà hơn 100km từ Huế và Đà Nẵng vẫn còn là “đường xa vạn dặm”, tôi đã theo bạn “đi hoang” vào Đà thành mùa nghỉ Tết. Tôi như buồn ngủ gặp chiếu manh khi đang đói hoa mắt chóng mặt sau một chặng đường dài đi bộ từ bến xe vào gần 5km thì người phụ nữ được gọi tên khá lạ là Ả dọn ra món mì Quảng gà nóng hổi bảo là “chính tay chị chuẩn bị từ chiều để chờ chúng tôi về”.

 
 Mỳ Quảng – món ăn giao thoa văn hóa giữa Việt và Tàu từ thế kỷ 16.

Đến giờ tôi vẫn không biết tên thật của Ả là gì. Chỉ biết mọi người trong gia đình bạn gọi chị là “Ả” – là chị cả trong một gia đình cũng có 7 anh chị em. Cũng như ngày ấy tôi ăn lấy ăn để tô mì Quảng, đến lúc gần hết tô thứ hai mới kịp nhận ra là nó quá ngon. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến món mì Quảng và hương vị, mùi thơm của nó cho đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Mãi nhiều chục năm sau này tôi mới biết mì Quảng là hồn vía của xứ Quảng. Là món ăn ra đời từ sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Tàu vào tận thế kỷ 16, dưới thời các chúa Nguyễn, khi đất Hội An trở thành nơi buôn bán ngoại thương đông đúc với thương nhân nước ngoài. Rồi sau này, là món ăn phổ biến và tiện lợi của những lưu dân thời mở cõi.  

 
 Mì Quảng là hồn vía của xứ Quảng.

Mì Quảng cũng giống như văn hóa và tính cách phóng khoáng của những con người ở bên kia đèo Hải Vân – luôn sẵn sàng thay đổi, tiếp nhận và dung hòa với mọi thứ mà không cần phải tuân thủ quy tắc khắt khe như bún hến ngoài Huế.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh- một người con xứ Quảng nhận xét: Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên… thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Đà Nẵng, Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng điều này mới đáng ghi vào Sách Guinness: có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.

 
Mì Quảng là món ăn phổ biến.

Mì Quảng là món ăn bình dân nhất, dễ nấu bậc nhất bởi chỉ cần ra ngoài chợ mua vài lá mì, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm lên mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mì Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mì Quảng dễ nấu ở chỗ nó còn là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên, có một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ: lá mì phải chao dầu phộng, rau sống phải có búp chuối, tô mì có rắc đậu phụng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp bụp, không có những thứ này sẽ “bất thành mì Quảng”.

Thật ra thì mì Quảng cũng có những quy tắc riêng của nó, nghe rất… Quảng như ghi nhận của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn bún bò, hoặc ăn bất cứ thứ nào khác, người Quảng ăn trong thinh lặng. Còn khi bắt gặp một thực khách Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét, đánh giá, bình phẩm, thậm chí cằn nhằn, càu nhàu cái món mà họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mì Quảng…

 
 Một quán mì Quảng xưa.

Năm ấy, tôi say sưa, háo hức ăn tô mì Quảng đầu đời cho đến khi no không thở nổi, tôi mới có thời gian ngắm Ả. Và bất ngờ biết Ả kiên quyết không lấy chồng với lý do nghèo và thương em. Đến khi kịp nghĩ đến chuyện chồng con thì lại quá lứa nên ở vậy…

Giờ sống ở Đà thành nên gần như sáng nào tôi cũng điểm tâm bằng món mì Quảng thay cho bún Huế. Nhưng lạ là cho đến bây giờ, ăn khắp Đà Nẵng tôi vẫn chưa bao giờ gặp lại được hương vị của chị Cả từ hơn 20 năm trước.

Cuộc thi tìm hiểu về “Văn hoá ẩm thực trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC)” do Xanh EWEC tổ chức, nhận bài đến hết ngày 30/9/2020.

Cuộc thi nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hoá, con người của các địa phương trên tuyến hành lang Kinh tế Đông – Tây thông qua những món ẩm thực nổi tiếng. Qua đó phát hiện, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối giao lưu giữa các địa phương.

Bài dự thi gửi qua email: xanhewec@gmail.com; Số điện thoại liên hệ: 0906.519.234 – 0976.347.976.

Chi tiết cuộc thi: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/tim-hieu-ve-van-hoa-am-thuc-tren-hanh-lang-kinh-te-dong--tay-2344.html

TAGS

Độc đáo lễ hội 'phá Trằm' hơn 300 năm, thu hút ngàn người tham dự

Công Điền |

Năm nay dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lễ hội dân gian “phá Trằm” ở tỉnh Quảng Trị vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự. 

Hai show diễn mới phục vụ du lịch trong tương lai

Đức Quang |

Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh để hiểu hơn về chương trình và những thông điệp mà hai chương trình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Huế Show” muốn gửi đến công chúng. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết:

Bánh ướt thịt nướng Kim Long

Cao Ngọc Toán |

Mỗi miền quê Việt có những món ngon đặc biệt khác nhau. Đến Huế, mảnh đất cố đô xưa, bên cạnh nhiều món ngon vật lạ cung đình, vẫn còn nhiều món dân dã mà thưởng thức một lần, nhớ mãi khó quên. Bánh ướt thịt nướng Kim Long là món ăn như vậy!

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp Chăm cổ Hòa Lai

PV |

Cụm tháp Hòa Lai (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX.