Truy nguyên giống mai độc lạ từ Quảng Trị

Hoàng Công Danh |

Cây mai vàng, một biểu tượng đặc trưng nhất của tết Việt, đó không chỉ là thú chơi đơn thuần mà còn gắn với văn hóa, truyền thống bản địa, những quan niệm dân gian. Song, không dừng lại ở việc trồng, chăm sóc mai, người chơi cây ngày nay còn muốn đi tìm những thứ độc lạ ngay chính trong giống hoa mang tín hiệu mùa xuân này.

Trong trăm loại mai có thứ độc, lạ

Mai là loài hoa báo xuân của Á Đông, xứ sở dùng lịch mặt trăng như một niên biểu chuẩn. Thì cứ tính xem, một năm âm lịch bình thường chỉ 354 ngày. Đến năm nhuận thì có thêm 29 hoặc 30 ngày nữa. Thế mà hoa mai vẫn nở đúng tết Nguyên đán. Rõ ràng hoa cũng “nắm lịch”, cũng theo âm lịch như con người xứ này.

Cái giống mai lại sống rất khỏe. Miền Trung năm nào chẳng hạn hán dài kỳ, thế mà cây mai chống chịu rất tốt. Rồi còn lũ lụt, có năm lụt đi lụt lại kéo dài cả tháng trời, bao nhiêu loài cây chết rụi riêng mai vẫn sống khỏe. Thế nên trong mười bài quyền được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào chương trình chính thức, chỉ có duy nhất một bài về loài cây là bài “Lão mai quyền”, tức bài quyền về cây mai già khỏe khoắn.

Triển lãm mai vàng Quảng Trị vào mỗi dịp Tết luôn có những cây mai “cành vàng lá ngọc” - Ảnh: H.C.D
Triển lãm mai vàng Quảng Trị vào mỗi dịp Tết luôn có những cây mai “cành vàng lá ngọc” - Ảnh: H.C.D

Trong nghệ thuật bonsai, mai hội đủ các tiêu chuẩn: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống. Đế, thân, cành có thể do người chơi tạo tác. Sau khi đã hội đủ ba tiêu chuẩn ấy thì hoa có đẹp không là do giống cây, một thứ trời cho chứ người chơi không can thiệp được. Chính điều này nên người chơi mai bắt đầu săn những giống có hoa đẹp, độc, lạ. Những năm gần đây, một giống mai gây sốt trên thị trường hoa Tết có tên “cành vàng lá ngọc”.

Truy nguyên mai "cành vàng lá ngọc"

Nhà văn Nguyễn Công Hoan có một tác phẩm nổi tiếng là “Lá ngọc cành vàng”, nhưng đấy không phải nói về loài hoa, mà chỉ là chuyện một cô tiểu thư dòng trâm anh thế phiệt. Khi cái tên hoa mai “cành vàng lá ngọc” xuất hiện, đã có một vài hiểu nhầm nhất định.

Có người tưởng nó xuất xứ từ Huế. Ở Đại nội Huế có tủ kính, bên trong trưng bày một cây mai tác phẩm thủ công cắm trong chậu pháp lam. Thân cây bằng gỗ mạ vàng, hoa năm cánh đúng kiểu hoa mai nhưng màu trắng và làm bằng đá, lá cây cũng từ đá màu xanh. Cây đấy là đồ lưu niệm, bảo vật cung đình, có tên gọi cành vàng lá ngọc. Còn cây mai “cành vàng lá ngọc” đúng nghĩa thực vật thì khác. Nó là cây mai đột biến, lá non vàng, đài hoa cũng vàng, cánh hoa thì tất nhiên vàng đầy năm cánh khít. Vào mùa xuân, cả cây rực vàng rất đẹp.

Bất ngờ hơn nữa, giống mai ấy có xuất xứ từ chính mảnh đất Quảng Trị. Hoa mai miền Trung năm cánh, đọt xanh đã khiến giới chơi cây khắp nơi đánh giá chuẩn mai vàng xứ Việt, thì cái giống mai vàng cả hoa lẫn lá này như một phát hiện làm tôn thêm vẻ đẹp của mai, làm phong phú thêm nét đa dạng của loài hoa mùa xuân. Nó cũng là một đặc ân của thiên nhiên cho xứ sở khắc nghiệt. Bây giờ trong Nam ngoài Bắc đều mê mẩn giống mai này, và công nhận nó xuất phát từ Quảng Trị.

Để xác tín nguồn gốc này, tôi đã đi tìm. Cây mai “cành vàng lá ngọc” được phát hiện đầu tiên như thế nào, hẳn nhiều người tò mò muốn biết, kể cả giới chơi mai. Tôi đã kết nối với anh em trong Hội mai vàng Quảng Trị, song phải mất một năm trời làm quen, xác minh thông tin, cuối cùng tôi đã tìm về được nơi xuất phát cây mai độc đáo.

Chỉ cách Quốc lộ 1 hai cây số, nhưng đường lên làng Tân Phổ, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong ngoằn ngoèo, tôi tìm ra một ngôi nhà cấp bốn nhỏ gọn. Ông Nguyễn Văn Định, 70 tuổi, ngồi nơi bàn gỗ căn giữa ngó ra sân, thấy có người đi vào cũng bình thản. Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về cây mai lạ thì ông trĩu mắt xuống không nói gì. Mãi lâu sau, ông mới chỉ tay ra trước sân, chỗ cái giếng cũ đã lên rêu.

Khi xưa cụ thân sinh của ông không biết lấy giống đâu về, đem trồng bên cạnh giếng. Đến lúc ông lớn lên thì đã thấy cây mai tán xòe to đều bốn phía. Gốc cây chu vi 70 cm. Hằng năm cứ đến mùa trẩy lộc, đọt non phun ra màu vàng chứ không phải xanh, rồi đến kết hoa thì đài cũng vàng nốt.

Một cây mai “cành vàng lá ngọc” nguyên bản ở Quảng Trị - Ảnh: FB HỘI MAI VÀNG QUẢNG TRỊ
Một cây mai “cành vàng lá ngọc” nguyên bản ở Quảng Trị - Ảnh: FB HỘI MAI VÀNG QUẢNG TRỊ

Cùng với cái vẻ bên ngoài độc đáo ấy, cây mai còn có hai đặc tính sinh trưởng khác. Một là nó không hề sâu bệnh. Các dòng mai khác cứ ra đọt non thì sâu ăn lá, đến mùa kết nụ lại sâu đục nụ đục thân. Riêng cây mai của ông chẳng bao giờ phun thuốc. Đặc tính thứ hai là nó sinh trưởng rất chậm, năm trước năm sau chẳng thấy tiến triển bao nhiêu. Mỗi năm nó cũng chỉ ra một đợt lá lộc đầu năm rồi thôi. Cả cây mai suốt mùa xuân vàng rực, ai qua về cũng trầm trồ tò mò.

Nhân bản giống quý

Năm 2007, một người ở Đông Hà là anh Ngoãn, chủ quán cà phê Phố Đêm, vào hỏi mua cây mai lá vàng với giá 7 triệu đồng. Ở thời điểm ấy là giá cao ngất. Anh Ngoãn đưa cây gốc này về chơi một thời gian rồi chuyển giao cho người khác trong tỉnh.

Ghé quán cà phê Phố Đêm một ngày đẹp trời, dạo quanh vườn cây và ngắm những gốc mai vào loại nhất Quảng Trị. Anh Ngoãn kể để mua được cây đó cũng phải chạy đi chạy lại nhiều lần, phải làm quen kết thân. Anh Ngoãn thuê ba người thợ từ Huế ra để cùng đào cây.

Lúc bấy giờ chưa mấy ai dám nghĩ đến chuyện bứng những cây mai to, nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm cây rất dễ chết. Bốn người đào từ tờ mờ sáng đến chạng vạng mới đưa được cây lên vì dưới gốc toàn đá, bên cạnh lại có một cái giếng. Tuồng như rễ cây bám vào đá mà sống. Và chính ông Định, chủ của cây mai vẫn nghĩ cái màu sắc độc đáo của cây là do nó sống giữa đá và mạch nước chứ không phải do đột biến gen.

Khi cây được ông Định chuyển cho anh Ngoãn, với mức giá tại thời điểm đó là khá cao, nhưng mọi người vẫn nghĩ nó chỉ lạ thôi chứ không quý. Khoảng năm 2015, giới chơi cây bắt đầu xưng ngôi hoàng hậu cho mai “cành vàng lá ngọc”, vì tính ra tới thời điểm đó nó là cây duy nhất. “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (thơ Xuân Diệu). Nhiều người thấy lạ xin hạt về ươm nhưng lên toàn cây lá xanh, may mắn có được dăm ba cây đọt vàng thì sống èo uột.

Cây con ươm hạt không mang được đầy đủ đặc tính cây mẹ. Đấy là điều đương nhiên của quy luật sinh học, nhân bản hữu tính. Muốn duy trì trăm phần trăm thì chỉ có cách nhân bản vô tính, tức là ghép cây. Anh em chơi cây ở Quảng Trị năm lần bảy lượt ghép đều hỏng cả. Phải đến năm 2017, khi cây mai “cành vàng lá ngọc” bị suy nặng, dấu hiệu sắp chết, thì chuyện ghép mai càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Anh Hiền ở vườn mai Bảo tàng Quảng Trị kể rằng anh là một trong những người đầu tiên ở Quảng Trị ghép thành công cây mai, mà lại đúng cái giống cây gốc “cành vàng lá ngọc”. Năm đó cây “cành vàng lá ngọc” nguyên bản đã có dấu hiệu khai tử, lo lắng cho sự tuyệt chủng nên anh đã cắt chồi (là bo giống) từ cây gốc để ghép.

Anh Hiền dẫn tôi đến một gốc mai to bằng bắp chân, nhưng cành nhánh nhỏ bằng ngón tay út. Anh kể cây này đã ghép được hai năm mà vẫn chậm lớn. Chẳng như các giống mai khác cứ ươm ghép sống ào ào. Rồi anh nói như mừng, tuy nó chậm nhưng ít ra anh cũng đã bảo toàn được giống cây “cành vàng lá ngọc” gốc.

Cành mai ghép bảo toàn các đặc tính từ cây gốc: lá non, đài hoa mai đều màu vàng - Ảnh: H.C.D
Cành mai ghép bảo toàn các đặc tính từ cây gốc: lá non, đài hoa mai đều màu vàng - Ảnh: H.C.D

Khi chia tay, ông Nguyễn Văn Định cứ trầm trồ giá ngày đó để lại cây mai ấy thì nay chắc có tiền tỉ. Tôi an ủi động viên rằng có khi nó rời nhà ông mới được chú ý như thế. Giống như gái quê một bước vào cung mà xưng ngôi hoàng hậu.

Vậy thì cũng nên mừng, vì ít ra nhờ có nó mà thiên hạ biết thêm một giống mai quý biểu tượng mùa xuân, được tạo hoá ân sủng cho đột biến gen ở xứ Quảng Trị thiên nhiên khắc nghiệt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Công ty Thương mại Quảng Trị ủng hộ trồng đường hoa Osaka vào di tích Thành Tân Sở

Xanh EWEC |

Xin trân trọng cảm ơn các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; bà Lê Thị Lan Hương, UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Trị; ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị; bà Hoàng Thị Châu Loan, Giám đốc BIDV Quảng Trị và một số cá nhân, đơn vị đã đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho dự án phúc lợi này!


Từ “Tết trồng cây” đến phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả

Đan Tâm |

Với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 245.996 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.622 ha; rừng trồng 119.374 ha, tỉnh Quảng Trị là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển một nền lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có những lợi thế đáng kể về vị trí địa lý - kinh tế nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, góp phần giảm chi phí vận chuyển. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng với mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Từ những mầm cây hòa bình…

Trương Quang Hiệp |

Được vun trồng từ đôi bàn tay của các tập thể, cá nhân yêu chuộng hòa bình, những mầm xanh ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà (Quảng Trị) đã và đang vươn lên, tạo thành một không gian yên bình, tươi đẹp giữa thành phố. Mỗi gốc cây ở lâm viên là một câu chuyện đẹp về tình hữu nghị.

Xuất hiện cây mai mạ 12 lượng vàng, trị giá gần 4 tỷ đồng

Thanh Mai |

Cây mai này cao 3 m, dáng rồng được thực hiện cùng với sự giúp sức của 20 người thợ trong suốt 6 tháng, có giá bán gần 4 tỷ đồng.