Có thể thấy, mục đích kinh tế của du lịch là thu hút được nhiều du khách, làm cho thời gian lưu trú của khách tăng lên và du khách chi tiêu, mua sắm được nhiều hơn trong thời gian tham quan. Muốn vậy, phải chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, trong đó cốt lõi nhất vẫn là xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có để thu hút du khách. Vấn đề này hiện đang đặt ra cấp thiết đối với hoạt động du lịch và quyết định đến số lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Cồn Cỏ là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Trị, cách đất liền khoảng hơn 18 hải lý về phía Đông. Là huyện đảo nhỏ nhất cả nước với diện tích 2,3 km2 , dân số khoảng hơn 400 người. Mặc dù với diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ - một trong những vịnh lớn hàng đầu thế giới.
Cồn Cỏ có vị trí khá thuận lợi về địa - kinh tế khi vừa gần đất liền, có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, đảo vừa thuận lợi cho phát triển giao thông đường biển, hoạt động du lịch. Đồng thời Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông và phát triển kinh tế-xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam.
Cồn Cỏ được xác định có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, với nhiều nét đẹp tự nhiên của hòn đảo hoang sơ chưa chịu sự tác động nhiều của bàn tay con người. Là đảo hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Cồn Cỏ có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp.
Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ, thảm thực vật phong phú. Động vật trên đảo tuy không nhiều song chủng loại khá độc đáo. Đặc biệt Cồn Cỏ có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước, là biểu tượng đặc trưng của đảo Cồn Cỏ.
Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú của ngư trường Con Hổ rộng khoảng 9.000 km2 , gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu, nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc Nam-vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Với đặc trưng đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú với 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, với trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm.
Đặc biệt ngành thủy sản đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam. Cồn Cỏ còn có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường. Các yếu tố đặc thù đó đã tạo cho Cồn Cỏ có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo...
Bên cạnh đó, Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng của quân và dân Quảng Trị như Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị… gắn với những chiến công vang dội, ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến nay, nhiều chứng tích chiến tranh vẫn hiện hữu trên đảo như: hệ thống giao thông hào, lô cốt, công sự chiến đấu và các địa đạo dọc ngang dài hàng ngàn mét, các khu nhà pháo, các địa danh như Điểm cao 63, 37, Hà Đông, Hà Nội, Hải Phòng...
Vì vậy, Cồn Cỏ còn là điểm du lịch lịch sử hấp dẫn, là “địa chỉ đỏ”, nơi nhiều du khách mong muốn có dịp đến thăm để tìm hiểu, cảm nhận về một hòn đảo anh hùng từng được mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm”.
Với những tiềm năng, lợi thế đó, ngay từ khi thành lập huyện (theo Nghị định 174/2004/ NĐ-CP ngày 1/10/2004) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2005, Chính phủ đã có chủ trương đặc thù cho huyện đảo Cồn Cỏ là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trong đó ưu tiên xây dựng Cồn Cỏ trở thành hòn đảo du lịch biển.
Thực hiện chủ trương này, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị đã xác định xây dựng Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, là một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung.
Để từng bước phát triển du lịch, trong giai đoạn trước mắt, huyện đảo Cồn Cỏ cần tập trung đầu tư vào các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi đạt chất lượng; phương tiện vận chuyển hành khách ra vào đảo an toàn, nhanh chóng; chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề đảm bảo phục vụ tốt khách du lịch.
Đặc biệt là cần dần hình thành các loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, chuyên biệt không bị trùng lặp với những nơi khác như du lịch lặn biển, du lịch câu cá, du lịch trải nghiệm, du lịch hoài niệm, du lịch cộng đồng, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm giảo cổ lam, nước mắm đặc sản Cồn Cỏ… Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là giữa các điểm du lịch nhằm tạo ra các chuỗi tham quan, du lịch hấp dẫn kết hợp giữa du lịch trên đất liền với ra đảo Cồn Cỏ để nâng cao hiệu quả khai thác các tiềm năng du lịch.
Để phát huy truyền thống một hòn đảo anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các ngành chức năng liên quan của tỉnh cần nghiên cứu để tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại đảo Cồn Cỏ; xây dựng cụm thông tin đối ngoại trên đảo Cồn Cỏ, cho phát trên màn hình LED tại đây bộ phim 4 tập “Hoàng Sa-Trường Sa, nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” gồm nhiều thứ tiếng như Việt Nam, Anh, Pháp, Trung Quốc, giúp cho du khách cũng như cán bộ, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế khi đến với đảo Cồn Cỏ vững tin vào chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta ngay giữa Biển Đông.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)