Một tháng sau khi những trận bão lũ kinh hoàng đi qua, học sinh nhiều trường học của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn còn bì bõm lội bùn non để đến trường tìm con chữ. Tại nhiều nơi, con đường đến trường quen thuộc của thầy cô và học sinh đã mất dấu và phải thay thế bằng con đường khác. Và những ngày này, thay vì hân hoan đón mùa hiến chương thì các thầy cô giáo ở đây phải ngày đêm dốc sức dọn lớp, đến từng nhà để vận động học sinh tiếp tục đến trường. Mùa hiến chương năm nay, chúng tôi đã đi đến tận nơi, tìm hiểu và thêm chạnh lòng thương những thầy giáo, cô giáo ngày đêm “gieo chữ” nơi vùng cao Hướng Hóa.
Điểm trường Tiểu học Tà Rùng, nơi có 123 học sinh của bản nghèo Tà Rùng, xã Húc đang theo học. Đợt mưa bão vừa qua đã làm 2 học sinh ở đây vĩnh viễn không còn được đến trường. Những bài học nơi điểm trường nghèo này đã được nối lại nhưng nỗi kinh hoàng, ám ảnh vẫn còn hiển hiện trên mỗi khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên. Và chỉ có tình yêu của thầy cô ở đây mới có thể sưởi ấm, tạo động lực cho các em.

Năm nay 35 tuổi, đã hơn 10 năm bám trụ với vùng bản trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa nói chung và điểm trường Tiểu học Tà Rùng nói riêng, những khó khăn, gian khổ, cô giáo Lê Thị Loan đều đã trải qua, nhưng chưa lúc nào, con đường đến trường của cô lại gian nan như lúc này. Trận bão lũ kinh hoàng vừa qua đã cuốn đi con đường quen thuộc hàng ngày cô vẫn đến trường. Con đường đến trường mỗi ngày nhiều khó khăn, hiểm nguy, song tình yêu thương dành cho những cô cậu học sinh nghèo vẫn lớn hơn tất cả. Cô Lê Thị Loan chia sẻ: “Sau mỗi ngày đi dạy về, đêm đến nghe tiếng mưa ngoài trời chúng tôi lại lo lắng. Cứ nghĩ con đường đến trường của mình một bên là núi, bên là vực, không biết ngày mai mình có an toàn hay không. Nhưng 10 năm công tác ở bản, chúng tôi thấu hiểu nổi mong chờ của các em, mong cô đến từng ngày, nên chúng tôi lấy đó làm động lực vượt qua khó khăn đến với các em”.
Anh Hồ Văn Chung, một người dân ở thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa từng có ý định cho con mình nghỉ học sau đợt mưa bão kéo dài, song trước tấm chân tình của các thầy cô giáo ở đây, anh đã từ bỏ suy nghĩ đó, anh Chung nói rằng: “Sau bão lũ đường đến trường khó khăn, gia đình cũng khó khăn nên chúng tôi không cho con đến trường học nữa. Nhờ các thầy cô đến nhà vận động, những lúc chúng tôi bận lên rẫy thì thầy cô đến nhà chở con đi học. Chúng tôi khó khăn thì cũng đã khó khăn rồi, nhưng bây giờ nghe theo lời các thầy cô, cho được đến trường học để sau này con trở thành người có ích. Chúng tôi cũng biết ơn các thầy cô nhiều lắm”.

Điểm trường Mầm non Ra Ty với phòng học duy nhất là ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn nằm chênh vênh trên đỉnh dốc của xã Hướng Lộc, nơi dạy dỗ cho 20 cháu thuộc thôn nghèo Ra Ty, xã Hướng Lộc. Với 03 năm gắn bó ở điểm trường này, nhất là vào mùa mưa bão, cô giáo Lê Thị Thúy An ở lại cả tuần tại trường. Hàng ngày, những bữa ăn trưa phải nấu tại nhà bà con dân bản vì thức ăn đem theo đã hết. Tối đến, các thầy cô giáo cũng xin ngủ nhờ nhà phụ huynh học sinh vì trời quá rét mà phòng tại trường lại không đủ ấm. Được trực tiếp chứng kiến cảnh ăn ở của các cô giáo ở đây mới cảm nhận được những gian nan, vất vả mà họ và đang trải qua. Cô giáo Thúy An chia sẻ: “Những ngày mưa bão liên tục này, tôi đã thu xếp gia đình, lên đây để bám trường, bám lớp. Những ngày này, khi không khí ngày 20 tháng 11 tràn ngập khắp nơi, tôi thấy cảm thấy chạnh lòng, nhưng rồi bỏ qua tất cả, là niềm vui vì được bà con dân bản đùm dọc, tin yêu. Các con hồ hởi, vui vẻ khi được đến trường, đó cũng là động lực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở đây”.
Công tác vận động học sinh đến lớp đã được xem là việc làm thường xuyên của các thầy, cô giáo cắm bản, song, với những giáo viên tại huyện miền núi Hướng Hóa, chưa có năm học nào, công việc đó lại gian nan như năm học này. Đường đến nhà các em dần xa vì đường sá cách trở, có những ngôi nhà nằm cheo leo, bên là núi cao, bên là vực sâu, nguy cơ sạt lở có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Càng đi đến từng nhà, thầy cô càng cảm thương những khó khăn mà các em cùng gia đình đang đối mặt. Và những ngày này, khi các thầy cô giáo trong ngành giáo dục cả nước đang hân hoan chào đón ngày 20 tháng 11 thật tưng bừng, ý nghĩa, thì với các thầy cô giáo ở huyện vùng cao Hướng Hóa, điều ý nhất là làm sao để các em đến trường đầy đủ, làm sao để các em theo kịp những bài học bị ngắt quãng do bão lũ.

Nói thêm về nguồn động viên cho những giáo viên cắm bản sau bão lũ, thầy giáo Đoàn Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết: Trước những mất mát, thiệt sại do bão lũ gây ra, mùa hiến chương năm nay, chúng tôi cũng không tổ chức gì to tát mà tập trung cho công tác dạy bù học bù. Trước mắt để khắc phục khó khăn cho giáo viên cắm bản, chúng tôi động viên giáo viên cắm bản, cùng ăn cùng ở với dân, để dạy bù cho kịp chương trình, về vật chất chúng tôi chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, gạo chăn màn để thầy cô ở lại yên tâm công tác và động viên tinh thần, cử cán bộ lãnh đạo nhà trường đến tận nơi thăm hỏi.”
Một bên là là núi cao, đất đá có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, một bên là vực sâu, sạt lở… Nơi vùng bão lũ đi qua này, mỗi ngày, các thầy, cô giáo lại dậy thật sớm để đến trường và trở về nhà lúc trời đã tối muộn, trên con đường đầy khó khăn và hiểm nguy như thế. Mùa hiến chương năm nay, món quà của các thầy cô thật đặc biệt, đó là bước chân các em đến trường đều đặn khi nắng đã lên, là tiếng ê a đọc bài của nơi ngôi trường nhỏ thân quen sau nhiều ngày đóng cửa vì bão lũ.