Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Lê An |

Từng sát cánh bên nhau, không ngại khó khăn, nguy hiểm để đánh đuổi kẻ thù, xây dựng quê hương; rời quân ngũ, các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) lại tiếp tục gắn bó, hết lòng vì đồng chí, đồng đội, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.


“Chìa khóa thoát nghèo” cho cựu TNXP

Từ sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup, năm 2015, Hội Cựu TNXP tỉnh đã triển khai chương trình bê giống sinh sản nhằm giúp hội viên nghèo, cận nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế. Thông qua chương trình đã giúp các cựu TNXP có việc làm, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo từ những con bò giống được tặng.

Ông Lê Thanh Thăng ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh từng là TNXP thuộc Sư đoàn thủy lợi Bến Hải tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Khi trở về mặc dù đã tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên do đất đai ít, thời tiết khắc nghiệt nên sản xuất không thuận lợi, cuộc sống gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Do vậy, năm 2019, ông rất vui mừng khi được chương trình bê giống sinh sản của Hội Cựu TNXP tỉnh tặng một con bê cái sinh sản.

Khánh thành và bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên cựu chiến binh - Ảnh: TL
Khánh thành và bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên cựu chiến binh - Ảnh: TL

Theo ông Thăng, ngoài việc được hỗ trợ bê giống, các hội viên còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng. Nhờ vậy đến nay bò mẹ phát triển tốt, chuẩn bị sinh bê con. “Gia đình tôi sẽ thực hiện đúng cam kết, bàn giao lại bê con cho Hội TNXP để chuyển cho hội viên khác. Còn bò mẹ thuộc sở hữu của gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để đàn bò ngày càng phát triển, kinh tế gia đình bớt khó khăn”, ông Thăng khẳng định.

Hội Cựu TNXP xã Gio Quang là hội cơ sở được Hội Cựu TNXP huyện Gio Linh đánh giá có nhiều sáng tạo trong chăm sóc và phát triển đàn bò. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Gio Quang cho biết, theo cam kết, các hội viên được nhận bò cái sinh sản có trách nhiệm chăm sóc và có nghĩa vụ trả lại cho hội một con bê giống đầu tiên để hội bàn giao cho hội viên khác. Lúc này con bò giống ban đầu và những con bê được sinh ra tiếp theo sẽ trở thành tài sản của gia đình.

Mục đích của việc làm này nhằm chia sẻ giữa các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau phát triển sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống. “Để đàn bò phát triển tốt, hằng tháng hội cùng cán bộ thú y xã phối hợp kiểm tra, nắm bắt tình hình chăn nuôi, kịp thời hướng dẫn các hộ biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho bò cái đã được nhận. Nhờ vậy, đàn bò giống của các cựu TNXP đã phát triển tốt, bà con rất yên tâm”, ông Bình nói.

Theo Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Gio Linh Nguyễn Đăng Trình, trong quá trình chăn nuôi, Ban điều hành chương trình của huyện thường xuyên phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức kiểm tra định kỳ và mở các lớp tập huấn cho hội viên. Nhiều hội viên cựu TNXP đã trao đổi kinh nghiệm với nhau và có ý thức chăm sóc, vỗ béo con bò giống sinh sản, xem đây là cơ hội thoát nghèo của gia đình. Ông Trình cho biết, đến thời điểm này đã có 58 hộ gia đình cựu TNXP hoàn thành nghĩa vụ bàn giao bê giống cho hộ tiếp theo.

Đặc biệt, thông qua chương trình đã có 25 hộ cựu TNXP thoát nghèo. “Đây được xem là một trong những chương trình nhân ái, ý nghĩa và thiết thực, không chỉ thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với người có hoàn cảnh khó khăn mà qua đó còn để họ tự giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững. Bởi chương trình không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu mà còn phát huy tính tích cực trong lao động, sản xuất để các hội viên hưởng lợi có cơ hội phát triển kinh tế”, ông Trình khẳng định.

Tương tự, tại huyện Hướng Hóa, có 107 hộ nghèo được nhận bê giống sinh sản từ chương trình. Để tránh tình trạng người dân có tư tưởng ỷ lại, xem đây là của cho nên bỏ mặc, hiệu quả không cao, Hội Cựu TNXP huyện đã yêu cầu các hộ cam kết chăn nuôi, phát triển để thoát nghèo. Đặc biệt, các hộ không được viện lý do để giết thịt, bán bò giống cho người khác. Bò giống sau khi sinh sản thì bê con sẽ được chuyển cho hộ khác. Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hướng Hóa Lê Xuân Thủy thông tin, từ 107 bê cái sinh sản được hỗ trợ năm 2016, đến nay đã phát triển lên thành 167 con. Số lượng bò tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình cựu TNXP có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Lê Công Bình cho biết, thời gian qua, một trong những hoạt động sôi nổi của hội là hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”. Trong đó nổi bật là chương trình bê giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ. Từ 500 con bê giống sinh sản hỗ trợ cho hội viên cựu TNXP hộ nghèo, cận nghèo khó khăn vay để chăn nuôi phát triển kinh tế, qua gần 6 năm thực hiện, đàn bê giống đã tăng lên 826 con, đã bàn giao cho hộ kế tiếp hơn 280 con bê giống.

Thông qua chương trình, nhiều hội viên đã quyết tâm, cố gắng, chăm chỉ phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đến nay đã có 197 gia đình hội viên cựu TNXP nhờ nuôi bò đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. “Đây là chương trình thiết thực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua chương trình không những cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên mà còn thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với các hộ cựu TNXP đang còn khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, ông Bình nhấn mạnh.

Những ngôi nhà thắm tình đồng đội

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, hội viên CCB trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa để giúp đỡ những người đồng đội của mình vượt qua khó khăn. Trong đó nổi bật là những ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” mang theo hơi ấm, sự sẻ chia của những người đồng đội, đồng chí.

Tham gia lực lượng du kích tập trung của xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong từ năm 1972, giải phóng quê hương, CCB Lê Thị Ly trở về với cuộc sống đời thường, dù tích cực làm ăn nhưng do sức khỏe yếu, bản thân thường xuyên đau ốm, nên kinh tế của gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để xây dựng nhà cửa. Thấu hiểu khó khăn của đồng đội, đồng chí, Hội CCB huyện Triệu Phong đã kêu gọi, kết nối với Hội CCB Thành phố Hà Nội hỗ trợ nguồn kinh phí 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” nhằm giúp gia đình bà Ly có nơi ăn chốn ở ổn định. Trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, bà Ly xúc động cho hay: “Trong thời chiến cũng như khi hòa bình, tình cảm của những người đồng chí, đồng đội dành cho nhau vẫn luôn đong đầy. Ngôi nhà đối với tôi không chỉ là nơi che nắng, tránh mưa mà còn thực sự thiêng liêng và quý giá bởi những nghĩa tình đó”.

Còn tại thôn Xuân Quy, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, rời quân ngũ năm 1997, sau khi trở về địa phương, do không có đất canh tác, CCB Nguyễn Ngọc Ngà quanh năm suốt tháng chỉ biết đi làm thuê để nuôi sống gia đình. Kinh tế khó khăn nên cả gia đình phải ở trong ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Thấu hiểu hoàn cảnh của đồng đội, năm 2018, Hội CCB huyện đã vận động sự hỗ trợ của Hội CCB Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với số tiền 50 triệu đồng. Cộng thêm số tiền tiết kiệm, ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của ông Ngà đã được thay bằng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố hơn. Ông Ngà chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông chưa bao giờ dám mơ tới việc xây nhà mới. May mắn được sự quan tâm, chia sẻ của đồng đội, đồng chí, ngôi nhà mới được các CCB hỗ trợ xây lên đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống an vui.

Để có nguồn kinh phí triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2017 đến nay Hội CCB huyện đã vận động hội viên CCB ủng hộ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, với số tiền 720 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, hội đã phối hợp với địa phương tiến hành làm lễ khởi công xây dựng và khánh thành nhà ở cho 12 hội viên trên địa bàn huyện. Ngoài hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, các hội viên còn được hỗ trợ vốn giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, xóa nghèo bền vững cho hội viên khó khăn.

Chủ tịch Hội CCB huyện Triệu Phong Dương Trung Chí cho biết, điều đọng lại trong ký ức của những cán bộ, hội viên CCB khi bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” là nụ cười, ánh mắt cảm động của các CCB được ở trong ngôi nhà mới. Lúc đó, niềm vui như lan tỏa, tiếp thêm động lực để cán bộ, hội viên CCB tiếp tục thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa. Thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục phối hợp với các hội cơ sở rà soát những hội viên còn khó khăn về nhà ở để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động hội viên CCB và các tổ chức, cá nhân hảo tâm hưởng ứng tham gia ủng hộ để có nguồn kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hội viên CCB. Điều này thể hiện phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” dù trong thời chiến hay thời bình đều luôn hết lòng với đồng chí, đồng đội.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, những người lính trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người mang trong mình những thương tật, hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là cùng phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, sống gương mẫu và tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Để động viên và sẻ chia giúp đỡ những CCB có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua, Hội CCB tỉnh đã thực hiện hiệu quả phong trào xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên.

Các cấp hội CCB tiếp tục tham gia xây dựng, sửa chữa nhà cho hội viên CCB, thực hiện công tác an sinh xã hội chăm lo giúp đỡ CCB nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Những ngôi nhà đồng đội được xây lên mang theo hơi ấm, sự sẻ chia của những người lính như tô điểm thêm truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Khó có thể diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc của những gia đình CCB khi được sống trong những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình đồng đội.

Từ chương trình bê giống sinh sản đã có hàng trăm hội viên cựu TNXP vươn lên thoát nghèo - Ảnh: L.A
Từ chương trình bê giống sinh sản đã có hàng trăm hội viên cựu TNXP vươn lên thoát nghèo - Ảnh: L.A

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hoàng Văn Thanh cho biết, với sự cố gắng của các cấp hội CCB và tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm trong việc chung tay chia sẻ khó khăn với hội viên CCB, từ năm 2018 đến nay đã có 42 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” được xây dựng cho các CCB là thương bình, gia đình liệt sĩ, người có công, hộ khó khăn, hội viên CCB Trường Sa.

Theo ông Thanh, những ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” không chỉ giúp nhiều CCB có điều kiện an cư, ổn định cuộc sống, mà còn tạo động lực giúp họ vươn lên phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Ngoài giá trị vật chất, mỗi ngôi nhà được xây mới, sửa chữa còn có ý nghĩa và giá trị tinh thần to lớn, góp phần tô thắm thêm tình đồng chí, đồng đội của những người CCB. Dù trong thời chiến hay thời bình, đồng chí, đồng đội vẫn luôn đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người cựu chiến binh và hành trình đi tìm đồng đội

Nguyễn Ngọc Chiến |

Những ai từng chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong Chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, nhất là các cựu chiến binh, nhiều người biết anh. Người ta biết anh, vì anh là người trong nhiều năm qua đã bỏ bao công sức cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Anh là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thanh Bình ở đường Ngô Thì Nhậm, Phường 3, thị xã Quảng Trị.

Người sống hết mình vì nghĩa tình đồng đội

Trần Tú Linh |

Nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng trời phú cho ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị luôn có sức khỏe dồi dào để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Nhiều năm nay ông luôn miệt mài, tâm huyết với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nổi bật là vận động quyên góp xây dựng lăng bia cho liệt sĩ; góp phần chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ; chia sẻ khó khăn đối với các gia đình có công cách mạng ở Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 2: Những việc làm thầm lặng nghĩa tình

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh |

Nói đến thành tích chung của Đội 584 không thể không nhắc đến sự đóng góp của rất nhiều người dân, mà những người chúng tôi gặp dưới đây chỉ là đại diện.

Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 1: Mệnh lệnh từ trái tim

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương |

Hành trình đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị là những tháng ngày dãi dầu mưa nắng, là những bước chân băng rừng, vượt suối, là những giọt nước mắt của niềm vui đoàn tụ.