Nam Lào, đôi điều cảm nhận.

Bài 2: Vùng đất trữ tình, hào phóng

Đào Tâm Thanh |

Một đặc điểm của Nam Lào là hầu như đến vùng đất nào cũng thấy bóng dáng dòng sông Mê Kông chảy qua.

Có lẽ do địa hình cao, ít sông ngòi nên khí hậu của các tỉnh Nam Lào gần giống Tây Nguyên hoặc miền Trung của Việt Nam. Mùa này, khi chúng tôi qua, thời tiết khá oi bức, nhưng do diện tích rừng tự nhiên và thảm thực vật còn hết sức lớn nên không khí vẫn khá dễ chịu.

Cao nguyên lộng gió 

Từ Cửa khẩu quốc tế La Lay sang tỉnh lị Salavan (Lào) chỉ tầm 150 km. Đường đẹp, khá bằng phẳng, ít đèo dốc, xe chúng tôi đi với tốc độ cao giữa miên man rừng già, qua những bản làng nép mình bên sườn núi, qua những thửa ruộng vừa gặt xong nằm lẫn giữa bạt ngàn màu xanh cây trái. Salavan hiện ra trong tầm mắt với tất cả sự yên hòa của vùng đất này. Ngay cả trên đường đi, thoảng hoặc mới thấy có một chiếc ô tô chạy ngược chiều. Nhịp sống chậm rãi, an nhiên của người Lào càng làm cho khung cảnh nhuốm một sự bình lặng, thư thái. Salavan từ lâu có tiếng là nơi sản xuất rau sạch, vùng lúa chất lượng cao của Nam Lào. Salavan cũng là nơi được quy hoạch để trồng cây ăn quả, cây cà phê, cao su, sa nhân, chuối tiêu hồng… Thị xã Salavan, thủ phủ của tỉnh nằm trên một nhánh sông Se Don chảy qua và điểm cuối đổ vào sông Mê Kông tại thành phố Pakse. Khu vực trung tâm của tỉnh nằm trên cao nguyên Bolaven, đây là khu nông nghiệp trọng điểm với cà phê Arabica là cây trồng chủ lực.

 
 Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam tại tỉnh Attapư, vùng Nam Lào​
Khi bên ngoài cửa xe, không khí đột nhiên mát dịu dần, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành THP Việt Nam Trần Hữu Phước cho biết, chúng tôi đang đi qua cao nguyên Bolaven. Thật vậy, trải ra trước mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của cây cà phê, cây ăn trái, cây sắn… cao quá đầu người lẫn giữa những ngôi làng nhỏ nằm rải rác trên cao nguyên với tổng số dân cư khoảng hơn 30.000 người. Nằm ở dưới đáy miệng ngọn núi lửa khổng lồ đã bị tàn lụi từ lâu đời, với độ cao từ 1.000- 1.300 m, được ưu đãi với khí hậu ôn hòa, lượng mưa thường xuyên và độ phì nhiêu của đất đai, cao nguyên Bolaven thực sự là một miền đất lí tưởng của những người trồng cà phê. Từ đầu thế kỉ XX, người Pháp đã đến đây để xây dựng những đồn điền trồng cây cà phê và đã góp phần đem danh tiếng cà phê cao nguyên Bolaven ra với thế giới bên ngoài. Từ lâu, Bolaven nổi tiếng không chỉ nhờ là khu vực sản xuất và phát triển hạt cà phê chất lượng, mà còn nhờ cảnh quan tuyệt đẹp và văn hóa dân tộc đa dạng, được đánh giá là một trong những điểm đến của du lịch đường bộ tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á. Điều đặc biệt, cao nguyên Bolaven cũng là thượng nguồn của một vài con sông lớn và là nơi khởi phát của hơn 10 con thác, đáng kể nhất là thác Tok Nam Tok Katamtok, thác lớn nhất tại đây với độ cao hơn 100 m và cũng là một trong những thác cao nhất nước Lào đổ thẳng xuống rừng thẳm, tung bọt trắng xóa suốt bốn mùa. Ngoài ra còn có thác Cham Pee, thác Fane, thác Nang, thác Yuang… góp phần dệt nên bức tranh kì vĩ của non nước vùng Nam Lào.

Vùng đất mang tên loài hoa quý

Chúng tôi đến Pakse, thủ phủ tỉnh Champasack khi phố đã lên đèn. Sự trù phú, sung túc của vùng đất này hiện lên trong ánh hoàng hôn thật ngoạn mục.

Champasak tiếng Lào là hoa Champa đẹp, còn Pakse là vùng đất cửa sông. Tỉnh Champasak có khoảng 58 vạn dân, là một trong 18 tỉnh và là tỉnh có diện tích lớn nhất của nước Lào. Pakse là thành phố lớn thứ ba của Lào, có sân bay quốc tế tuần ba chuyến, trong đó có chuyến bay đến Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với vị trí địa lí thuận lợi, thành phố trẻ này đang là một điểm đến về du lịch, vùng đất năng động trong phát triển kinh tế của Lào. Nơi đây trước là kinh đô của quốc vương Champasak Bounum, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Lào bị xóa bỏ năm 1946. Ấn tượng đầu tiên là khi chúng tôi nghỉ lại tại Khách sạn Champasak Palace, trước đây là nơi ở của quốc vương Bounum nằm kế bên dòng Mê Kông thơ mộng. Người dân Pakse thường gọi là đó là khách sạn “Nghìn Cửa” vì có cả thảy 1.000 cửa sổ ngoảnh mặt ra bốn hướng.

Chọn một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi quyết định vượt hơn 40 km để đến thăm Di sản văn hóa thế giới Wat Phou được UNESCO công nhận vào năm 2001. Vượt qua cầu hữu nghị Lào - Nhật, chúng tôi đi qua những làng quê yên lành trên tuyến đường khá rộng và đẹp, chẳng mấy chốc đã đến Wat Phou. Với tấm vé vào cửa 50.000 kip (khoảng 130.000 VNĐ), chúng tôi được lên xe điện chở đến phía chân núi. Từ đây, du khách tự mình đi bộ, khám phá di sản độc đáo này. Đến đây lại thêm một lần kinh ngạc và khâm phục trước sự sáng tạo, tài hoa của nghệ nhân Chămpa xưa. Quần thể này có một ngôi đền được xây từ thế kỉ V nhưng các cấu trúc còn sót lại thì có niên đại từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIII. Ngôi đền tiếng Lào là “đền hang” này được xây dựng trên một ngọn đồi cao vào khoảng thế kỉ IX-X để thờ các vị thần trong tín ngưỡng của người Chăm, muốn vào đền phải đi trên một con đường lát đá tảng dài khoảng 100 m, xung quanh có hồ nước dành cho người hành hương xưa tắm rửa sạch sẽ trước khi tiến hành tế lễ. Hai bên đường là các cột đá tạc hình hoa sen cách điệu linga. Rồi đến hai khu nhà lớn để chuẩn bị y phục, đồ tế, một bên dành cho nam giới, một bên cho nữ. Đi chừng 50 m giữa hai hàng cột đá tạc đầu rắn hổ mang, leo 77 bậc đá dựng đứng nữa mới đến đền thượng. Phía sau đền dưới một tảng đá lớn (tượng trưng cho jơny, còn ngọn núi tượng trưng cho linga) dòng nước từ thạch nhũ chảy ra luôn được người hành hương thành kính hứng rửa mặt, vuốt tóc, hi vọng mang lại cho mình nhiều điều tốt lành. Trước sức tàn phá của thời gian, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, vững chãi như đền Wat Phou nay cũng đã trở thành phế tích. May mà bên dưới ngôi đền, người ta đã xây dựng một bảo tàng lưu giữ những tượng thần, linga, jơny, cùng nhiều tượng Phật tạc bằng đá đưa từ đền xuống. Hằng ngày những đoàn khách Lào và du khách từ nhiều nước trên thế giới vẫn vượt đường xa đến thăm di sản văn hóa có một không hai trên đất nước Triệu Voi.

Cách Pakse gần 30 cây số là hai con thác lớn Tan Fane và Tad Yuang Gneuang. Địa hình khu vực này khá nhiều núi non hiểm trở nên những con thác rất hùng vĩ bởi độ cao và dòng nước đổ xuống ngoạn mục.

Những ngày lưu lại ở Pakse, chúng tôi đi mua sắm, ăn uống tại khu vực trung tâm Pakse, nhất là khu vực Chợ Mới. Theo ông Lê Bình, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Champasak, hiện toàn tỉnh Champasak có 3.750 người Việt sinh sống, chưa kể lượng người Việt qua làm ăn, buôn bán ngắn hạn và phần lớn ở trung tâm tỉnh lị. Do vậy, việc giao dịch, mua bán ở chợ hay các hàng quán đối với khách du lịch đến từ Việt Nam cũng khá thuận lợi. Những món ăn ba miền của Việt Nam cũng dễ dàng bắt gặp tại các dãy phố, nhất là khu vực bờ kè sông Mê Kông, cách Chợ Mới non một cây số. Đây cũng là nơi người dân thường đến ăn uống, vui chơi khá nhộn nhịp ở Pakse.

Nối gần lại Nam Lào - Quảng Trị

Trên đường xuôi về Attapư dài khoảng 250 km hướng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), chúng tôi ghé thăm Tượng đài Đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam và nghe người dân địa phương kể về những kỉ niệm keo sơn của “Tà hán Việt” (bộ đội Việt) và bộ đội Pa thét Lào trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của hai dân tộc Lào - Việt. Hầu như những người Việt sang Nam Lào đều biết và ghé đến dâng hoa đài tưởng niệm nghĩa tình này.

 
 Nét trầm mặc của đền Wat Phou, Di sản văn hóa thế giới nổi tiếng ở Champasak, Lào​
Trên đường thiên lí, chúng tôi thấy rằng, với việc hình thành Quốc lộ 18B từ Kon Tum đi Attapư đến 4 tỉnh Nam Lào (Attapư, Salavan, Champasak, Sê Kông) đã tạo thuận lợi rất nhiều cho du khách nếu từ Tây Nguyên vào Nam Lào. Du khách có thể đi ô tô đến Kon Tum, dùng hộ chiếu phổ thông để qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là đã đến địa phận tỉnh Attapư. Từ biên giới đến trung tâm Attapư chỉ 150 km; từ Champasak đi Sê Kông 145 km, đi Salavan 111 km và chỉ non 150 km nữa là đã về đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, Quảng Trị.

Theo số liệu thống kê, Attapư có diện tích 10.320 km2 nhưng chỉ có hơn 100.000 dân nên hầu hết diện tích ở đây vẫn là rừng nguyên sinh. Dưới tán rừng, sa nhân, nhân sâm, quế… mọc ken dày, là nguồn xuất khẩu chủ lực của tỉnh này. Trong chiến lược phát triển vùng tam giác các tỉnh Việt Nam, Lào, Campuchia, một số doanh nghiệp Việt Nam đã “đi tắt, đón đầu” từ vài năm trước đây thông qua các dự án liên kết trồng cao su, khai thác, chế biến gỗ, làm thủy điện, làm đường giao thông... trên đất Lào như Công ty Cao su Chư Pah, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Buco Kon Tum, Công ty dược Bình Định...

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành THP Việt Nam Trần Hữu Phước nhận định, trong nỗ lực đưa ngành du lịch Quảng Trị sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng, hội nhập vào tiến trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tỉnh đã dùng nguồn lực thích đáng từ ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về Cửa Việt và từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Đông Hà. Nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch quan trọng trong nước và các nước trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Đặc biệt với hệ thống giao thông thông suốt từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar nhiều danh lam, thắng cảnh cùng với nền văn hóa, lịch sử, đa dạng, lâu đời của các dân tộc trong vùng, nếu biết đầu tư khai thác thì ngành “công nghiệp không khói” nhất định chiếm ưu thế vượt trội trong tương lai.

Hiện du khách có thể đi một vòng khép kín từ Cửa khẩu quốc tế La Lay, qua Nam Lào, về Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) hoặc từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua Lào, Thái Lan, Myanmar. Với lợi thế về giao thông, du lịch đường bộ “một ngày ăn cơm ba nước” trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã trở thành thương hiệu hấp dẫn du khách; hy vọng từ Cửa khẩu quốc tế La Lay, “sáng cà phê Pakse, chiều tắm biển Cửa Việt” sẽ thu hút đối với những du khách thích trải nghiệm. Và nếu du khách muốn có sự giao hòa với thiên nhiên, “sống chậm” với không gian khoan hòa, yên tĩnh trong những ngày nghỉ cuối tuần bên người thân, bè bạn thì vùng đất Nam Lào là sự lựa chọn phù hợp. Nam Lào, vùng đất trữ tình, hào phóng luôn sẵn sàng đón bạn!

Bài 1: Lối mở từ La Lay

Đào Tâm Thanh |

Nam Lào thật gần gũi bởi chỉ cần bước qua Cửa khẩu quốc tế La Lay là đã đặt chân đến…

Người hát dân ca cuối dòng Bến Hải

Võ Thế Hùng |

Miền quê nằm dọc sông Bến Hải một thời là lưỡi dao chia cắt hai miền Nam - Bắc. 

Trần Hải - người yêu say đắm của... càphê Khe Sanh

Trần Quang Đại |

Nhấp một ngụm càphê, anh có thể nói được đó là càphê giống gì, trồng ở đâu, có pha chế hay không, rang, xay đã đúng độ chưa, thu hái đã chín chưa... Anh có thể nói say sưa cả ngày về càphê mà không sợ cạn “vốn” kiến thức. Người hiểu, và “say” càphê đến độ ấy là Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Lao Bảo trên hành trình phấn đấu trở thành điểm nhấn động lực của EWEC

Nguyễn Khiêm |

Ngày 1.8, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (1.8.1994- 1.8.2019)