Chàng trai Ấn Độ và tình yêu dành cho Quảng Trị

Trương Quang Hiệp |

Từ đất nước Ấn Độ xa xôi, Rahul Kumar (sinh năm 1992) mang theo tình yêu Yoga đến với mảnh đất Quảng Trị. Qua những bài tập, ngày ngày, vị huấn luyện viên tâm huyết này đã và đang góp phần giúp cho người dân nơi đây có thêm sức khỏe và sự bình an trong tâm hồn.

Nắm lấy “chiếc chìa khóa vàng”

Tuy đã là huấn luyện viên nhưng hằng ngày Rahul Kumar vẫn dành thời gian để thực hành những bài tập Yoga. Việc làm này đã được anh duy trì suốt nhiều năm qua. Thành nếp, hôm nào không tập luyện, Rahul cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. “Đối với tôi, Yoga giống như cơm ăn, nước uống. Không chỉ vì sức khỏe, tôi tập để tìm thấy niềm vui, sự bình an trong tâm hôn”, Rahul Kumar khởi đầu cuộc trò chuyện.

Rahul Kumar sinh ra, lớn lên trong một gia đình luôn đầy ắp tình yêu thương ở thành phố Jamshepur, Ấn Độ. Mẹ anh làm nội trợ, còn ba là một doanh nhân. Theo từng ngày các con khôn lớn, ba mẹ mong Rahul Kumar và hai người em trai sẽ học hành thành tài, rồi có một công việc an nhàn. Ông bà không biết, từ nhỏ, cậu con trai cả Rahul đã ước mơ trở thành một huấn luyện viên Yoga. “Yoga là phương pháp tập luyện có từ lâu đời, xuất hiện từ nền văn minh Indus - Sarasvati ở miền Bắc Ấn Độ từ khoảng 5.000 năm trước.

Một buổi tập của Rahul và học viên - Ảnh: Q.H
Một buổi tập của Rahul và học viên - Ảnh: Q.H
Ở đất nước chúng tôi, từ người già đến đứa trẻ, ai cũng biết bộ môn này. Nó được ví là chiếc “chìa khóa vàng” mở tung cánh cửa dẫn tới sự bình an, tĩnh lặng và niềm vui sướng. Từ nhỏ, tôi đã cảm thấy hạnh phúc khi được tập Yoga. Tôi muốn nắm giữ chiếc chìa khóa vàng này và có cơ hội trao nó cho những người khác”, Rahul chia sẻ.

Từ sự thôi thúc của con tim, năm 18 tuổi, Rahul Kumar đã bắt đầu học Yoga một cách bài bản. Càng học, Rahul càng nhận ra nhiều điều. Lâu nay, phần lớn mọi người chú ý đến việc tập thuần thục những động tác Yoga. Một số người lấy việc chinh phục những động tác khó làm mục tiêu. Họ không biết rằng, Yoga là sự hòa quyện của tinh thần và cơ thể. Vì tập Yoga không đúng cách, nhiều người không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí bị chấn thương. Đó là điều khiến Rahul rất trăn trở.

Chọn Yoga làm con đường để bước tới tương lại, Rahul Kumar học tập, khổ luyện một cách nghiêm túc. Anh tìm những người thầy giỏi nhất xin theo học. Những cuốn giáo trình dày cộm dần in sâu trong tâm trí Rahul theo thời gian. Vừa học, Rahul Kumar vừa xin thầy làm trợ giảng. Trong thời gian ấy, anh cảm thấy vui vì sức khỏe và tinh thần của mình được cải thiện rõ rệt. Đó cũng là lý do thôi thúc anh học tập suốt 7 năm ròng. Anh không lấy tiền trợ giảng. Bởi, với Rahul, sức khỏe và tri thức chính là khoản tiền công lớn nhất mà mình được nhận.

Rời quê hương theo tiếng gọi trái tim

Ở đất nước Ấn Độ, huấn luyện viên Yoga là một công việc thịnh hành. Số lượng người làm nghề này tại thành phố Jamshepur, nơi Rahul Kumar sinh ra và lớn lên tương đối nhiều. Thế nhưng, với sự học tập, trau dồi nghiêm túc và năng lực của mình, Rahul vẫn tìm được chỗ đứng. Ở tuổi thanh niên, anh được xem là thành công bởi có một công việc yêu thích với mức thu nhập ổn định. Ngoài trang trải cho bản thân, anh còn đủ sức hỗ trợ cho ba mẹ và các em.

Sống và làm việc ở đất nước được ví là “cái nôi của Yoga” nhưng điều đặc biệt là Rahul Kumar vẫn luôn mong muốn tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn. Vì thế, anh đã đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Rahul nhớ rất rõ, đó là vào năm 2018, anh đặt vé máy bay sang Việt Nam du lịch. Khi biết anh là một huấn luyện viên Yoga, nhiều người đam mê bộ môn này chủ động giao lưu, kết bạn với anh. Điều đó khiến Rahul rất ngạc nhiên, hạnh phúc. Cùng với những người yêu Yoga ở Việt Nam, anh đã có khoảng thời gian không bao giờ quên. Từ đây, Việt Nam đã trở thành tiếng gọi, thôi thúc trái tim anh.

Rahul chỉnh cho học viên từng động tác - Ảnh: Q.H
Rahul chỉnh cho học viên từng động tác - Ảnh: Q.H
Trở về Ấn Độ, Rahul Kumar đã có một quyết định khiến mọi người phải sửng sốt là sẽ sang Việt Nam để dạy Yoga. Ở đất nước mà Rahul sinh ra, lớn lên, không nhiều người biết nhiều về Việt Nam. Khoảng cách giữa Ấn Độ với quốc gia có dáng hình chữ S này lên đến gần 5.270 km. Ai cũng khuyên Rahul hài lòng với cuộc sống, công việc vốn đã ổn định.

Những lời khuyên nhủ, động viên khiến Rahul Kumar băn khoăn với lựa chọn của mình. Thế nhưng, sự băn khoăn ấy biến mất khi anh một lần nữa trở lại Việt Nam trong vai trò người truyền cảm hứng. “Khi đến Việt Nam, tôi thấy mọi khoảng cách, rào cản bị xóa bỏ. Tôi cảm nhận, người dân ở đây đang cần mình. Vì thế, tôi đã quyết định ở lại”, Rahul nói.

Rong ruổi ở Việt Nam để truyền cảm hứng, tình yêu bộ môn Yoga, cơ duyên đã đưa Rahul Kumar đến Quảng Trị. Ngay lần đầu đặt chân tới mảnh đất này, Rahul đã cảm nhận có một điều gì đó gần gũi, gắn bó với mình. Mọi người dành cho anh nụ cười và những cái bắt tay ấm áp. Họ không xem anh là huấn luyện viên Yoga mà là một người thầy. Vì thế, Rahul đã nhanh chóng quyết định làm việc cho Trung tâm Fitness & Yoga nằm ở đường Đào Duy Anh, TP. Đông Hà. Một hành trình mới lại mở ra với chàng trai người Ấn Độ.

Xem Quảng Trị là quê hương thứ hai

Tham dự sự kiện chào mừng Ngày Quốc tế Yoga do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức, nhiều người ấn tượng với một huấn luyện viên ngoại quốc có đôi mắt thẳm sâu và nụ cười hiền. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, anh nhiệt tình hướng dẫn những người yêu Yoga cách giúp tâm trí, hơi thở và động tác quyện hòa. Người huấn luyện viên ấy không ai khác chính là Rahul Kumar.

Theo dòng hoài niệm, Rahul Kumar chia sẻ, trước khi quyết định đến đây, nhiều người khuyên anh nên chọn một tỉnh, thành phố khác thay vì Quảng Trị. Theo họ, ở nơi này, cộng đồng người yêu Yoga không nhiều. Vì những vất vả, lo toan của cuộc sống, một bộ phận không nhỏ người dân Quảng Trị chưa mặn mà lắm với việc rèn luyện sức khỏe.

Rahul duy trì thói quen tự tập luyện - Ảnh: Q.H
Rahul duy trì thói quen tự tập luyện - Ảnh: Q.H
Đó cũng là lý do thúc giục Rahul đến Quảng Trị. Anh muốn gieo những hạt mầm tốt đẹp lên một mảnh đất còn nhiều khó khăn. Rahul kể: “Tôi chính thức đến Quảng Trị làm huấn luyện viên Yoga vào ngày 19/11/2022. Một ngày sau đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi rất bất ngờ khi được mọi người gọi là thầy. Người dân ở đây dành cho những huấn luyện viên Yoga sự tôn trọng rất lớn. Vì thế, tôi tự nhủ mình phải có trách nhiệm với sự tôn trọng ấy”.

Suy nghĩ đó đã trở thành hành động của Rahul Kumar. Anh nhanh chóng làm quen với môi trường sống, làm việc mới và các học viên. Hầu như lúc nào cũng vậy, Rahul là người đến lớp sớm và về muộn nhất. Anh chăm chút cho học viên trong từng hơi thở, động tác, giúp tâm trí họ an nhiên, bình lặng khi bước vào bài tập. Dù ở lớp cộng đồng hay dạy kèm, Rahul cũng dồn hết tâm sức của mình. Có những ngày, mọi người mải mê kéo ca tập dài đến quá giờ cơm tối nhưng Rahul không lấy đó làm mệt mỏi, khó chịu. Ngược lại, anh rất vui khi thấy tình cảm dành cho Yoga của mọi người ngày càng lớn dần lên.

Làm công việc đưa sức khỏe và sự an yên đến với mọi người nên Rahul Kumar rất mừng khi nhận được phản hồi tích cực từ học viên. Nhiều người chia sẻ, nhờ đến với Yoga mà họ cảm thấy khỏe mạnh hẳn. Những áp lực trong công việc, cuộc sống cũng được giải quyết một cách đáng kể nhờ việc áp dụng các bài tập thở, tập trung tâm trí… Giống như Rahul, có nhiều học viên đã xem tập Yoga là việc hằng ngày, không muốn bỏ buổi học nào. Tiếng lành đồn xa, học viên tìm đến với Rahul ngày càng nhiều. Đó cũng chính là liều thuốc tinh thần cho vị huấn luyện viên đến từ Ấn Độ.

Đối với nhiều người, việc sống ở một quốc gia xa lạ là thử thách lớn nhưng với Rahul Kumar, đó là điều ngược lại. Anh thấy mọi thứ diễn ra đều rất thuận lợi, dễ dàng. Rahul thường đùa với mọi người có thể do kiếp trước mình là người Quảng Trị. Người huấn luyện viên đến từ Ấn Độ cho biết, xa ba mẹ và hai em trai nhưng mình lại có rất nhiều người thân khác, đó là bạn bè làm cùng trung tâm, học viên, hàng xóm… Vì thế, anh luôn dành nhiều tình cảm và xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Câu chuyện về cách Ấn Độ trở thành một quốc gia uống trà

Ngọc Linh |

Trong khi masala chai đã trở thành một thức uống thay thế thời thượng, thì ở Ấn Độ, phong cách uống trà vẫn bình dị, cung cấp năng lượng cho cuộc sống.

WHO tiếp tục cảnh báo về siro ho có chất độc hại do Ấn Độ sản xuất

Gia Hân |

Một lô siro ho “bị nhiễm bẩn” được sản xuất tại Ấn Độ và được tìm thấy ở Quần đảo Marshall và Micronesia đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

Nữ sinh đầu độc cha bằng xyanua chấn động Bà Rịa- Vũng Tàu bị đề nghị án 'Tử hình'

An Ly |

Tống Thị Tùng Linh khai đầu độc cha do chịu áp lực học hành, cha muốn Linh học ngành luật hay y, trong khi nữ sinh này thích học thiết kế đồ họa, thường xuyên bị cha la rầy, không thể giãi bày cùng ai.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Ấn Độ

PV |

Việt Nam có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký trưng bày sản phẩm tại gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam và hàng chục doanh nghiệp đăng ký tham quan, khảo sát.