…Về đến tỉnh Quảng Trị, tôi được bố trí nghỉ lại “nơi đón tiếp” của Ban tổ chức Tỉnh ủy để đợi phân công công tác. Và phải đến 4 ngày sau tôi mới nhận được quyết định về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy nhận công tác. Anh Hồ Như Ý, Phó trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm Tổng Biên tập báo Cứu Nước đón tôi rất niềm nở và phân công tôi làm công tác “Huấn học” và kiêm biên tập tin cho tờ báo. Vậy là hằng ngày tôi và anh Lê Văn Cần (Lê Bình Phương) thay nhau ôm cái đài Ôrionton để ghi tin đọc chậm được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, sau đó tổng hợp rồi biên tập lại để đăng trên báo Cứu Nước.
Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy lúc này do anh Nguyễn Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, hai phó Trưởng ban là anh Hồ Như Ý và anh Nguyễn Loan. Anh Ý phụ trách tờ báo, còn anh Loan phụ trách Trường Đảng tỉnh. Cũng như các cơ quan khác của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn lúc này đóng ở Tà Rụt. Một địa điểm khá an toàn, bởi kể từ ngày 15/7/1968, sau khi quân Mỹ phải tháo chạy khỏi Khe Sanh vì không thể chịu nổi sự tấn công như vũ bão của ta, thì khu vực Nam- Bắc Hướng Hóa được giải phóng, ta đã làm chủ hoàn toàn. Thất bại ở Khe Sanh đã buộc Slexingiơ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ phải thốt lên: “Chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh, vậy mà cuối cùng vẫn phải tháo chạy”.
Tà Rụt không chỉ là một hậu cứ an toàn, mà là nơi có phong cảnh khá đẹp, đặc biệt là con sông Tà Rụt vừa đẹp, lại vừa có nhiều tôm cá. Ở cơ quan lúc này, ngoài văn phòng ban, do anh Cường làm Chánh văn phòng, còn có Báo Cứu nước do anh Nguyễn Kim Uýnh làm Thư ký tòa soạn, một xưởng in có 7 công nhân sắp chữ do anh Trần Văn Hữu phụ trách, đội chiếu bóng 4 người do anh Nguyễn Văn Đức làm Đội trưởng, một tổ điện đài 15 W do anh Luận, vừa là cơ yếu vừa phụ trách tổ.
Từ sau thất bại tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ mặc dù buộc phải xuống thang và thay đổi chiến lược quân sự từ chiến lược “tìm diệt” sang chiến lược “quét-giữ” nhưng chúng vẫn không cam chịu thất bại mà ra sức xây dựng quân ngụy, đồng thời hỗ trợ và phối hợp cùng quân ngụy mở hàng loạt cuộc phản kích nhằm chiếm lại vùng nông thôn đồng bằng.
Thời gian cứ như thế trôi đi, tôi lại đón thêm một mùa xuân mới ở núi rừng miền Tây-xuân Nhâm Tý 1972. Dù là đón Tết ở rừng nhưng vẫn có hai niềm vui lớn, đó là vật chất được cải thiện, cũng có thịt lợn, thịt gà, có cá sông, măng rừng hầm chân giò và có cả bánh tét gói bằng nếp nương của bà con dân tộc Pa Kô… Còn tinh thần thì đây là mùa xuân “tiến công và nổi dậy” nên mọi người ai cũng hừng hực khí thế.
Anh Nguyễn Văn Lương, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về đồng bằng được gần một tháng, thì Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng liên tục đưa những tin tức thắng lợi giòn giã của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam, trong đó có mặt trận Quảng Trị làm cho chúng tôi ai cũng vui mừng và háo hức được về đồng bằng ngay.
Căn cứ vào tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên toàn chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương đã quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược từ chiến trường miền Đông Nam Bộ sang chiến trường Trị-Thiên.
Và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 năm 1972, lệnh tấn công đã bắt đầu. Mở màn chiến dịch là hàng chục trận địa pháo binh với hàng trăm khẩu đại bác các loại đã đồng loạt gầm lên như trời long, đất lở dội xuống các căn cứ của kẻ thù.
Đến ngày thứ hai của chiến dịch thì phần lớn tuyến phòng ngự bên ngoài của địch đã bị quân ta đập nát và đến ngày thứ tư của chiến dịch (02/4/1972) thì toàn bộ hai huyện Gio Linh và Cam Lộ đã được hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày, trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 đã xiết chặt vòng vây quân địch ở điểm cao 241, căn cứ chỉ huy sở của Sư đoàn 56 ngụy. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân ta, buộc toàn bộ quân ngụy trong căn cứ gồm chỉ huy; tham mưu trung đoàn với một tiểu đoàn bộ binh và đơn vị trực thuộc do Trung tá Trung đoàn trưởng Phạm Văn Đính, thiếu tá Trung đoàn phó Nguyễn Vĩnh Phong chỉ huy đã ra đầu hàng quân giải phóng. Quân ta chiếm căn cứ, tiếp nhận hàng binh và toàn bộ vũ khí phương tiện quân sự.
Đến 12 giờ 45 phút ngày hôm đó thì toàn bộ Trung đoàn 56 ngụy đã bị đánh tơi tả-đây là trung đoàn ngụy đầu tiên bị ta tiêu diệt gọn trong chiến dịch. Đến ngày 4/4/1972, toàn bộ các vị trí của địch trên bốn cánh cung Đông- TâyNam- Bắc được mệnh danh là “lá chắn thép”, là pháo đài “bất khả xâm phạm” đã bị quân ta xóa sổ.
Đến ngày 26/4/1972, sau gần một tháng bị đánh tơi tả, nhưng bọn địch vẫn ngoan cố, vẫn giữ nguyên trung đoàn 57 của Sư đoàn 3, Trung đoàn này vừa thất trận ở Cồn Tiên và Miếu Bái Sơn về, được củng cố lại cùng với 2 liên đoàn biệt động quân và hai thiết đoàn 17, 20 “thiện chiến nhất Đông Dương” quyết phòng thủ Đông Hà, đồng thời tìm cách ngăn chặn và đẩy lùi quân ta ra khỏi Đông Hà. Ở khu hậu cứ Ái Tử, do Trung đoàn 2 của sư đoàn 3 và Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ được mệnh danh là “gươm thần đại dương” và thiết đoàn 11 chốt giữ nhằm bảo vệ các tiền đồn phía đông căn cứ Phượng Hoàng, nam Tân Vĩnh…
Toàn bộ khu vực Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước được tướng ngụy Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân khu 1 giao cho đại tá ngụy Nguyễn Trọng Luật làm chỉ huy trưởng, ở cụm La Vang, Long Hưng địch bố trí Liên đoàn 1 biệt động quân, Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến và 2 chi đoàn thiết giáp, nhằm ngăn chặn các đợt tấn công “tạt sườn” của quân ta, để bảo vệ Quốc lộ 1 và thị xã Quảng Trị.
Như vậy, mọi hướng tiến công của ta đã sẵn sàng, đã hình thành thế bao vây tiêu diệt địch. Sau khi đã kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị của các cánh quân, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch đã ra lệnh tấn công. Và đúng 5 giờ 30 phút ngày 27/4/1972, hàng loạt trận địa pháo hạng năng 130, D74, 155, 122, 105, 100, súng cối 160, 120 mm, đạn hỏa tiễn BM.14, A.12, H.12, DKB… của ta đã đồng loạt dội bão lửa vào các vị trí của địch trên một chiến tuyến kéo dài hàng chục kilômét.
Pháo của ta còn bắn sâu vào hang ổ của bọn cố vấn Mỹ trong Thành Cổ Quảng Trị và các sở chỉ huy Sư đoàn, lữ đoàn của địch. Sau khi cùng xe tăng, thiết giáp vượt qua cao điểm 37, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 88 đã chia làm hai mũi, một mũi xuống thung lũng-tiếp giáp với điểm cao 24, 26. Tại đây một trận quyết chiến đã xảy ra trên đồi Mâm Xôi. Đến 9 giờ cùng ngày thì trung đoàn 88 đã làm chủ các cao điểm 24, 27, 35 và đưa lực lượng thọc sâu bao vây sở chỉ huy trung đoàn 57 ngụy ở Đại Áng, Trung Chỉ. Còn Trung đoàn 102, sau hơn nửa ngày chiến đấu quyết liệt với bọn địch ở Đồi Vuông và đập nát hai ổ hỏa lực lợi hại của địch, đã làm chủ hoàn toàn các mục tiêu ở cao điểm 26, 23, 32…
Đêm 27 rạng ngày 28/4/1972, pháo binh ta liên tục trút đạn xuống các căn cứ của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang và thị xã Quảng Trị… làm cho nhiều kho xăng dầu, đạn dược, xe máy của địch bóc cháy ngút trời, cùng với những tiếng nổ kéo dài suốt đêm. Đặc biệt là tên lửa phòng không của ta đã xé toang bầu trời lao thẳng vào những tốp máy bay B.52 để cho quân và dân Quảng Trị tận mắt thấy “pháo đài bay B.52” hiện đại nhất của không lực Hoa kỳ đã bốc cháy trên bầu trời Quảng Trị. 5 giờ 30 phút sáng ngày 28/4/1972, cuộc tấn công quy mô toàn diện của 4 cánh quân ta vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Quảng Trị bắt đầu.
Mở màn chiến dịch, pháo binh của ta đồng loạt nả đạn. Bốn mục tiêu là Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị chìm ngập trong biển lửa. Đến 6 giờ cùng ngày thì các sư đoàn bộ binh, các trung đoàn độc lập trên toàn mặt trận có xe tăng thiết giáp yểm trợ đã đồng loạt mở cuộc tiến công. Đến 15 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, toàn bộ khu vực Đông Hà, Lai Phước được giải phóngmột mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ của địch đã bị vỡ. Đông Hà, Lai Phước được giải phóng, chúng tôi được lệnh hành quân về vùng Cùa của huyện Cam Lộ. Mặc dù là phục vụ ở tuyến sau, nhưng chúng tôi luôn có được những tin tức chiến sự nóng hổi, chính xác của từng đợt và từng mũi tấn công của quân ta vào các sào huyệt của kẻ thù.
Chúng tôi về Cùa được một ngày, thì sáng ngày 30/4/1972, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 48 của ta cho xe tăng thiết giáp đánh tràn qua sân bay Ái Tử để xông thẳng vào căn cứ Ái Tử, chiếm kho xăng và sở chỉ huy Sư đoàn 3 ngụy. Bọn binh lính ở đây không còn hồn vía để nghĩ đến chuyện chống trả, đành bỏ lại toàn bộ khí tài chạy tán loạn về bến phà Tả Kiên, tranh nhau vượt sông về thị xã Quảng Trị. Đến ngày 1/5, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Quảng Trị, cờ giải phóng tung bay trên dinh tỉnh trưởng chính quyền Sài Gòn ở thị xã Quảng Trị.
Như vậy tính từ ngày 30/3 đến ngày 1/5/1972, sau hơn một tháng vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, ác liệt hy sinh, quân và dân Quảng Trị đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt sống 3.160 tên, thu và phá hủy 636 xe tăng, xe bọc thép, 1.870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo, bắn rơi và phá hỏng 340 máy bay và rất nhiều quân trang quân dụng khác…
Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi được lệnh tiếp tục hành quân về thôn Hà Thượng, xã Gio Lễ, huyện Gio Linh. Và cũng từ ngày 1/5/1972, tờ báo “Cứu Nước” được đổi thành tờ “Quảng Trị Giải Phóng” và ra đều đặn mỗi tuần một số...
Trích hồi ký của nhà báo Phan Sáu
......................
(*) Đoạn trích trên là chương 8 trong hồi ký “Trong vành đai lửa” - NXB Thanh Niên.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)