Sức sống mới ở chiến khu xưa

Đức Việt |

Bên dòng sông Ba Lòng uốn lượn theo bãi biền xanh ngát của nương ngô, ruộng lạc, đỗ xanh từ lâu nổi tiếng là nông sản đặc trưng ở vùng chiến khu xưa Ba Lòng ngày nay đã trở thành một miền quê bình yên và trù phú. Tròn 50 năm quê hương Quảng Trị được giải phóng, có dịp trở lại miền đất này, chứng kiến bao sự đổi thay nơi đây khiến nhiều người không khỏi bồi hồi và xúc động.

Ba Lòng-một địa danh lịch sử, nơi đây là chiến khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là một thung lũng nằm phía thượng nguồn sông Thạch Hãn, cách thị xã Quảng Trị khoảng 10 km về phía Tây, trên địa bàn xã Ba Lòng và Triệu Nguyên hiện nay. Chiến khu Ba Lòng là trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi nuôi dưỡng các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trưởng thành trong chiến tranh khốc liệt. Từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, kể từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân vùng chiến khu cách mạng Ba Lòng vẫn một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Đường vào xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: ĐV
Đường vào xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: ĐV

Trong không khí sôi nổi của những ngày quê hương Quảng Trị chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cai, 76 tuổi và hơn 50 năm tuổi đảng ở thôn Tân Xá, xã Ba Lòng phấn khởi bồi hồi. Ông Cai quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là bộ đội từng chiến đấu trên khắp các chiến trường ác liệt như Vạn Tường, Chu Lai… ở tỉnh Quảng Ngãi và chiến trường Đà Nẵng. Trong quá trình tham gia chiến đấu từ năm 1964 năm 1968 ông 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Đến cuối năm 1968, ông bị thương được đưa ra Hà Nội điều trị và an dưỡng. Sau một thời gian an dưỡng ở Hà Nội, ông Cai vinh dự là một trong số những đại diện đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ của Việt Nam được cử đi báo cáo thành tích chiến đấu ở các hội nghị Đoàn Thanh niên của khối 14 nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Kỷ niệm lớn nhất của đời ông là trong thời gian an dưỡng ở Hà Nội cũng là lúc ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Thúy Hồng về làm rể Ba Lòng cho đến bây giờ. Bà Hồng là người gốc Ba Lòng, bắt đầu được tuyển chọn theo đoàn văn công tỉnh Quảng Trị từ năm 1964, thực hiện nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội ở các mặt trận trên chiến trường Bình-Trị-Thiên...

Đến năm 1970, bà bị thương và ra Bắc an dưỡng. Cũng trong thời gian an dưỡng bà gặp, nên duyên với ông Cai và ông bà lần lượt sinh được 8 người con. Hai ông bà trở về gắn với vùng chiến khu Ba Lòng từ khi quê hương Quảng Trị được giải phóng cho đến bây giờ. Ba Lòng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là chiếc nôi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Quảng Trị.

Ông Cai kể, từ sau ngày đất nước giải phóng cho đến năm 1999, người dân Ba Lòng gặp phải muôn vàn khó khăn. Những năm ấy, gần 10.000 người dân sống chủ yếu giữa bốn bề rừng núi, gần như biệt lập với bên ngoài. Những ngày đó, bà con làm ra sản phẩm nông nghiệp nhưng chẳng biết bán cho ai. Cuộc sống gần như tự cung, tự cấp. Học sinh học xong THCS không thể học tiếp được vì đường xa hoặc nhà nghèo, không đủ tiền ăn học. Điện thoại không, điện thắp sáng cũng không.

Cuộc sống của người dân của vùng đất Ba Lòng thật sự đổi thay từ khi có điện thắp sáng từ năm 2000. Và niềm phấn khởi nhất của người dân là việc Nhà nước đầu tư xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, được khánh thành và đưa vào sử dụng trong dịp 2/9 năm 2005. Cùng với đó, một con đường nhựa dài 12 km nối từ Km 41 của Quốc lộ 9 chạy vào bờ Bắc cầu Ba Lòng hoàn thành. Và từ bờ Nam của cầu Ba Lòng về đến trung tâm xã cũng được nối liền bằng con đường bê tông rộng 10m. Có cầu, có đường giao thông huyết mạch, bộ mặt quê hương Ba Lòng đã thay da đổi thịt từng ngày, ai cũng vui sướng.

Vượt qua bao khó khăn, thử thách, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo Ba Lòng trong hơn 10 năm trở lại đây đã dần có những thay đổi đáng mừng. Từ tuyến đường trung tâm huyện được thảm nhựa nối liền đến trung tâm xã, cho đến các con đường liên thôn của xã đến nay đều được bê tông hóa. Những ngôi trường từ mầm non đến Trung học cơ sở, trạm y tế xã, các nhà văn hóa thôn, bản đến nay cũng được xây dựng khang trang. Hệ thống bể lọc, đường ống cung cấp nước sạch cũng được đầu tư xây dựng phục vụ từng hộ dân. Nhờ đó, thay vì cuộc sống bị chia cắt, cách biệt giữa núi rừng như trước đây, hiện nay người dân Ba Lòng đã có điều kiện thuận lợi để đi lại, phát triển sản xuất, giao thương với bên ngoài và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Là một thanh niên trẻ tuổi sinh ra từ cái nôi cách mạng Ba Lòng, anh Phan Đình Thi, (28 tuổi) ở thôn Hà Lương sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế cũng trở về ấp ủ khát vọng làm giàu trên quê hương mình. Được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, tháng 7/2020, Thi bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại. Bước đầu anh Thi thả nuôi 30 con lợn thịt, 10 con dê, 100 con gà, vịt và trồng 5 ha rừng, 1 ha lạc, ngô. Ngoài ra, Thi còn nuôi thêm bò vỗ béo để bán. Nhờ cần cù chịu khó, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tìm được đầu ra nên bước đầu mô hình trang trại của anh Thi đã mang lại hiệu quả kinh tế. Anh cho biết, qua lứa lợn, dê nuôi đầu tiên xuất chuồng cũng đã cho nguồn thu nhập tương đối khá và tiếp thêm động lực để anh phát triển, mở rộng trang trại. “Khi quyết định về quê đầu tư làm trang trại, mình cũng suy nghĩ nhiều vì sẽ gặp khó khăn, nhất là về khí hậu, thời tiết, địa hình. Tuy vậy, mình sẽ nỗ lực khắc phục và quyết tâm xây dựng mô hình ngày càng đạt hiệu quả cao nhằm mang lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương Ba Lòng ngày càng khởi sắc, ấm no”. Thi chia sẻ.

Thu hoạch ngô ở xã Ba Lòng - Ảnh: ĐV
Thu hoạch ngô ở xã Ba Lòng - Ảnh: ĐV

Với 85% đồng bào là người dân tộc Bru-Vân Kiều, những năm qua tỉ lệ hộ nghèo ở Ba Lòng giảm nhanh, đến nay chỉ còn 10,19%, 10/10 thôn của xã được công nhận làng văn hóa. Xã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Hiện tại, 6 thôn của xã (912 hộ, 3.661 khẩu) đều có từ 20-30 hộ/thôn làm ăn từ khá đến giàu, chiếm trên 15% số hộ/thôn. Điển hình như thôn Mai Sơn có các hộ Lê Doãn, Lê Hoàng, thôn Hà Lương có chị Lê Thị Huệ, Lê Thị Thu Cúc, thôn Tân Xá có ông Nguyễn Thái Phùng, Hồ Xuân Toàn… Những hộ này vừa trồng rừng sản xuất, vừa chăn nuôi bò sinh sản và lợn thịt luôn từ 30-45 con/đàn, mỗi năm xuất bán cho thu nhập sau khi trừ chi phí từ 300-400 triệu đồng/hộ. Để việc chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả cao, năm 2020, UBND xã Ba Lòng đã đưa vào xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi bò đàn theo từng nhóm hộ. Đến nay, nhóm hộ ông Lê Quang Thức, Lê Quang Lượng và Lê Quang Thao ở thôn 5 bước đầu thành công. Mô hình từ 30 con bò giống sinh sản, sau một năm đã tăng nhanh thành 49 con… Cùng với phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Ba Lòng còn làm rất tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương-bệnh binh, người có công với cách mạng.

Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Hoàng Y Lê Va cho biết, trong năm 2022, địa phương sẽ cố gắng hoàn thành 2/3 số tiêu chí nông thôn mới, đồng thời tập trung nâng cao đời sống người dân qua nhiều hình thức đầu tư và sản xuất, trong đó chú trọng phát triển nông-lâm nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ. Trong đó, chú trọng canh tác, nâng cao chất lượng, sản lượng các loại cây hoa màu ngắn ngày đã trở thành “thương hiệu” của địa phương như đậu xanh, đậu đỏ và đậu phụng…song song với việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho bà con.

Về chiến khu Ba Lòng bây giờ, nhiều người vẫn vẹn nguyên cảm xúc về một vùng đất giàu tình nghĩa trong kháng chiến và chịu thương chịu khó trong thời bình. Và cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự tự lực vươn lên, tin rằng vùng đất chiến khu xưa Ba Lòng sẽ tiếp tục khởi sắc và ấm no trong hành trình phát triển đi lên của quê hương Quảng Trị anh hùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ký ức một thời “tiếp lửa” cho chiến trường Thành Cổ

Hiếu Giang |

Không phải là lực lượng chiến đấu chủ lực, nhưng trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, đã có những dân quân, du kích địa phương sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên cường tiếp lương tải đạn, đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn… để “tiếp lửa” cho chiến trường.

Những nữ trưởng thôn nhiệt huyết ở Ba Lòng

Hiếu Giang |

Ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) có những nữ trưởng thôn luôn nhiệt huyết với bản làng bằng những công việc thiết thực, cụ thể. Họ cũng chính là những cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền về cơ sở; tuyên truyền những chủ trương, chính sách đến với Nhân dân để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và bản làng giàu đẹp, văn minh.

Nhiều tấm lòng cho một Ba Lòng

Lê Việt Thường |

Với một nơi như Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) hay ở những vùng miền xa xôi hẻo lánh nói chung, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin yêu trìu mến, rằng mình đã không bị lãng quên!

Quảng Trị: Khởi tố, bắt giam nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Lòng

Lê Minh |

Ngày 10/8, Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Công an huyện Đakrông (Quảng Trị), cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đakrông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam 4 tháng đối với nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Hồ Xuân Hoàng và công chức địa chính UBND xã Ba Lòng Hoàng Đình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.