Ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) có những nữ trưởng thôn luôn nhiệt huyết với bản làng bằng những công việc thiết thực, cụ thể. Họ cũng chính là những cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền về cơ sở; tuyên truyền những chủ trương, chính sách đến với Nhân dân để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và bản làng giàu đẹp, văn minh.
Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác theo lãnh đạo tỉnh về xã vùng lũ Ba Lòng để kiểm tra phòng, chống bão lũ, tôi khá ấn tượng với người nữ trưởng thôn xông xáo của thôn Đá Nổi. Sau này tìm hiểu tôi được biết đó là bà Nguyễn Thị Liên, 62 tuổi, hiện là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng. Tiếp xúc với chúng tôi, vị nữ trưởng thôn mẫn cán đã bước sang tuổi lục tuần vẫn tỏ rõ sự sôi nổi và bầu nhiệt huyết dường như chưa bao giờ vơi cạn của mình. Bà cho biết, ngay từ năm 1997, bản thân bà đã gắn bó với công tác đoàn thể thôn, xã như công tác phụ nữ, dân số, chính sách xã hội… Từ năm 2011, bà Liên được người dân tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn, đồng thời đảng viên cũng tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đá Nổi cho đến bây giờ.
Thôn Đá Nổi có 122 hộ, địa bàn dân cư phân bố dọc theo sông Ba Lòng, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Những năm gần đây, con em của địa phương đi làm ở các tỉnh miền Nam và xuất khẩu lao động nên đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. “Đến nay thu nhập bình quân đầu người của thôn Đá Nổi đã đạt hơn 23 triệu đồng. Toàn thôn còn 18 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, những hộ này hầu hết là thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đau bệnh hiểm nghèo. Thôn Đá Nổi thường xuyên bị lũ lụt nhưng đời sống của bà con khấm khá như hiện nay thật sự cũng rất đáng khích lệ”, bà Liên bộc bạch.
Hơn 10 năm làm trưởng thôn, bà Liên gắn bó với đủ việc “không tên tuổi”, từ là người hòa giải, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, vận động và huy động lực lượng sơ tán dân, di dời tài sản giúp dân đến nơi an toàn vào mùa mưa lũ, đến việc vận động xuất khẩu lao động, tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ đắc lực công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19… Với những cống hiến của mình, bà Liên nhiều lần được huyện, xã biểu dương, khen thưởng.
“Thành công nhất khi làm công tác thôn, chi bộ là tôi đã góp phần tuyên truyền giúp dân nâng cao ý thức phòng, chống COVID-19, phòng tránh thiên tai, nhờ vậy đến nay mỗi trước mùa lũ bà con biết chủ động bảo vệ an toàn tài sản, vật nuôi, tự sơ tán đến nơi an toàn. Là phụ nữ nên thật sự tôi cũng gặp một số khó khăn riêng khi làm việc thôn, tuy vậy tôi luôn cố gắng sắp xếp một cách hợp lý “việc nước, việc nhà” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Tôi cũng nguyện sẽ cống hiến hết sức mình để tiếp tục có những đóng góp xây dựng xóm làng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”, bà Liên chia sẻ thêm.
Khi nhắc đến nữ trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang Hồ Thị Lít hầu như ai cũng biết và tấm tắc ngợi khen. Nữ trưởng thôn người Vân Kiều năm nay mới bước sang tuổi 36 nhưng rất được bà con bản làng tin tưởng. Chị Lít cho biết, trước khi được Nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn thì chị cũng đã trải qua nhiều công việc tại địa phương.
Chị từng tốt nghiệp ngành dược tại một trường trung cấp ở tỉnh Phú Thọ, tuy vậy do xin việc quá khó nên một thời gian sau chị tiếp tục thi đỗ và học ngành Mầm non của Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau khi tốt nghiệp, từ năm 2012 - 2015 chị được nhận dạy hợp đồng ở Trường Mầm non xã Hải Phúc cũ. Tuy vậy, do không vào được biên chế chính thức, chị Lít nghỉ và tham gia công tác ở Chi bộ thôn. Nhờ sự nhiệt huyết, luôn tận tụy vì việc thôn, việc dân bản nên chị được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang.
Đến năm 2018, chị Lít được Nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn cho đến nay. Thôn Tà Lang có 82 hộ, trong đó có đến 70 hộ dân là người dân tộc Vân Kiều. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Thôn Ta Long có người Kinh và người Vân Kiều cùng chung sống, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn phát triển kinh tế từ lâu đời nên nhìn chung đa phần người dân có ý thức tự vươn lên, chí thú làm ăn.
Nhờ vậy, đời sống, thu nhập của Nhân dân ổn định. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của thôn đạt khoảng 20 triệu/ đồng, thôn còn 8 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Với kiến thức và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lít tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Chị cũng năng nổ cùng Chi bộ, Ban cán sự thôn ra sức tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng, vận động đẩy lùi hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nâng cao ý thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em, y tế, dân số - KHHGĐ; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai…
Với những đóng góp của mình, cá nhân chị Lít cũng như tập thể Chi bộ, Ban Cán sự thôn nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Bộ mặt bản làng cũng như đời sống của Nhân dân thôn Tà Lang dù đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn đó những khó khăn như thường xuyên bị lũ lụt, thiếu nước sạch sinh hoạt, thủy lợi hư hỏng gây khó khăn cho trồng lúa nước, cần được các cấp quan tâm hỗ trợ. Với cá nhân mình, tôi sẽ quyết tâm tiếp tục có nhiều cống hiến, đóng góp để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp cũng như góp phần cải thiện đời sống cho Nhân dân để không phụ lòng tin yêu của bà con và sự tin tưởng, giao phó của cấp trên”, chị Lít tâm sự.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)