Trong trí tưởng tượng của tôi, Tà Rụt là một thung lũng heo hút giữa miền biên ải xa xôi. Mỗi lần có dịp đi qua chiếc cầu treo huyền thoại, tôi đều ngước nhìn lên những dãy núi xa xanh kia rồi ao ước có một ngày được đặt chân đến đó. Bao lần rưng rưng tiễn sinh viên ra trường, tôi đều nắm chặt lấy tay các em: “Đừng buồn! Cô sẽ lên thăm vào một ngày gần nhất! Cô hứa!” Nhưng công việc cứ cuốn lấy tôi và đã hai lăm mùa trăng đi qua, tôi trở thành người lỗi hẹn “bền vững” tự bao giờ.
Vào một ngày tháng Sáu nắng như đổ lửa, tôi theo xe một người bạn đến với Tà Rụt. Qua cầu treo Đakrông, ngược đường Hồ Chí Minh đi lên phía Cửa khẩu quốc tế La Lay, chiếc xe bốn chỗ như đi trong miền cổ tích. Con đường độc đạo đi giữa một bên là suối, một bên là núi cao với nhiều khúc cua gấp. Nắng tháng Sáu xào xạc trên những cánh rừng. Tôi nhìn dòng suối cạn khô, trơ những tảng đá lớn rồi rùng mình tưởng tượng ra dòng nước hung dữ, gầm rú vào mùa lũ. Tôi thương những nếp nhà sàn đơn sơ oằn lưng dưới nắng núi, mưa rừng.
Tà Rụt cách cầu treo Đakrông khoảng 60km. Chúng tôi đến nơi khi trời khá trưa. Có lẽ nhờ những ngọn gió trong lành thổi lại từ phía đại ngàn nên dù vẫn rất nắng nhưng thời tiết ở đây mát hơn dưới xuôi. Nhìn những con đường nhỏ vắt mình qua triền dốc bình yên, thấp thoáng bóng dáng của những cậu bé Pa Kô đen nhẻm phơi mình dưới nắng, tôi thấy vừa lạ vừa quen.
Bức tranh này tôi đã nghe qua chuyện kể của các cô cậu sinh viên khi về xuôi “tìm chữ”. Hai lăm năm đứng trên bục giảng, tôi từng đón rồi tiễn nhiều thế hệ sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị. Tôi thương các em vô cùng. Một tình thương không lý giải được. Thương cái thật thà, mộc mạc! Thương cái chân chất, nghèo khó! Thương nụ cười hiền! Thương ánh mắt với bao điều chất chứa! Tôi nhớ như in từng hoàn cảnh của các em. Hồ Văn Nhã mồ côi cả bố và mẹ, ngại ngần khi gặp cô: “Cô ơi, em không có bố mẹ. Ba năm học ở đây, có gì cô giúp em với”.
Hồ Văn Ái nhỏ người, hồn nhiên, khi về xuôi học đã là ...ông bố của 3 đứa con. Thỉnh thoảng lại: “Cô ơi, cho em nghỉ học, con em nằm viện” . Hồ Văn Chơng- cậu sinh viên lúc nào cũng cười và làm cho cô bất ngờ khi biết đã có vợ và 2 đứa con trai. Đôi khi Chơng dắt đứa lớn về trường “Vì đứa nhỏ đau, vợ em phải chăm nó”.
Hồ Cu Đê có gương mặt thư sinh, ngập ngừng khi nói về đứa con gái nhỏ: “Con em bị suy dinh dưỡng, nằm viện suốt cô à”. Hồ Văn Tương đá bóng giỏi với những câu chuyện về bố mẹ già hiện đang sinh sống tại thôn xa nhất của xã A Vao. Mùa mưa bão, Tương hay nhìn về phương ấy, buồn buồn nhưng rất ít khi xin nghỉ học.
Hồ Cu Tre lành như con nai rừng, ánh mắt lúc nào cũng man mác, xa xăm. Hồ Thị Nhỡ mồ côi từ nhỏ, lớn lên bữa đói bữa no cùng người anh trai lam lũ. Nhỡ về xuôi mang theo nỗi nhớ con gái đến héo hắt. “Cô ơi, nhờ chồng thương nên em mới được đi học. Chồng sợ em không đủ sức làm rẫy”...
Còn rất nhiều mảnh đời khác nữa đã từng đêm làm cho tôi không tài nào ngủ được. Một tình thương rất khó nói thành lời. Và tôi cũng chẳng nói với ai. Chỉ lặng lẽ giữ tất cả vào trong trái tim mình. Tôi ôm ấp, nâng niu và mơ hồ lo sợ sẽ đến một ngày nào đó, tuổi tác, thời gian làm cho mình không còn minh mẫn để nhớ hết các em.
Ăn trưa xong, tôi cầm máy gọi cho Tương. Phía bên kia vẫn giọng nói rụt rè, hiền lành của chàng trai Pa Kô chân chất: “Em sẽ đến đón cô. Một lần lên đây là một lần khó. Nhất định cô phải đến nhà bọn em chơi!”. Thương cái mộc mạc, chân tình, tôi không ngần ngại trời trưa cháy nắng, không còn cảm thấy sợ bụi đỏ cuồn cuộn trên những triền dốc kia, vội vàng khoác thêm cái áo chống nắng và đứng chờ.
Phải đến 30 phút sau, Tương và Cu Tre mới đến. Gặp lại trò cũ sau ngần ấy ngày chia tay ngay giữa mảnh đất nắng gió mịt mù này, tôi bỗng thấy lòng mình se lại. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy và cả màu tóc cháy nắng ấy, tôi đã quá quen thuộc. Tự nhiên tôi thấy mình như người có lỗi với các em. Tôi đã hẹn nhưng lại bao lần lỗi hẹn. Gió nam nồng nồng mùi nắng. Tôi nghe mắt cay cay.
Cu Tre đưa cho tôi cái mũ bảo hiểm và mộc mạc nói: “Em chở cô. Bọn em ở phía sau ba ngọn núi trước mặt cô đó.” Theo tay Cu Tre chỉ, tôi nhìn lên ba ngọn núi xanh thẫm phía trước. Chưa tưởng tượng ra con đường sắp đi nhưng mặc nhiên tôi không cảm thấy e ngại vì bên tôi lúc này đang có hai chàng trai Pa Kô rắn rỏi và ấm áp. Tôi sẽ đi cùng các em cho dù đường có khó khăn, hiểm trở đến mức nào.
Đường vào A Vao đèo dốc quanh co. Nhiều đoạn đã hư hỏng nặng do thiên tai. Cu Tre cẩn thận chở tôi đi trước, Tương bám theo sau, thỉnh thoảng lại chạy vọt lên chỉ để nói: “Cu Tre chạy chậm thôi kẻo cô sợ”. Nước mắt tôi chực rơi. Những lời từ trái tim bao giờ cũng chân thật, ấm áp và đáng yêu đến lạ. Chưa bao giờ biết nói lời hoa mỹ, những gì em nói là chân thành, mộc mạc. Mộc mạc như chính con người em, bản làng em! Mộc mạc như con đường nhuộm màu bụi đỏ! Mộc mạc như dòng suối nhỏ khô khát giữa chiều hè!
Mặt trời dần xuống trên miền biên ải hoang vu. Tôi nhìn về dãy núi xa xa trước mặt. Khoảnh khắc khi chiều buông thường làm cho những ai đang lỡ bước trên đường có cảm giác man mác, bâng khuâng. Cu Tre chỉ tay về dãy núi phía bên trái: “Hồi bọn em đi học, con đường này chưa có. Để đến trường, bọn em cứ băng núi mà đi.”. Tôi cố tìm xem lối em đến trường nằm ở đâu trên dãy núi đó nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy cây cối, lau lách. Con đường đi học chữ của các em đấy ư?
Vào mùa nắng thì cháy khô, mùa mưa bão thì nước ầm ào bốn phía. Liệu ngọn núi kia có bất thình đổ ập xuống hay không? Để có được cái chữ, các em đã đổi lại bao lần trượt ngã, bao lần đối mặt với hiểm nguy! Tự nhiên tôi thấy cái chữ của các em kiếm được quý giá vô cùng. Tôi quặn lòng chợt nghĩ: không biết trước đây, có khi nào tôi lỡ gắt gỏng với các em không? Giờ thì cô đã hiểu. Vì sao buổi đầu bước vào lớp, các em thường thu mình lại, rụt rè trước cô và các bạn miền xuôi. Mặc cảm, tự ti vì con đường học chữ của các em quá đỗi gian nan!
Vào đến đầu thôn Ra Ró, Nhỡ đã đứng chờ ở đó. Vẫn nụ cười hiền như buổi đầu tôi gặp, em ríu rít bên tôi như một cô bé đón mẹ từ chợ về. Chúng tôi ghé nhà Cu Tre. Một ngôi nhà sàn nằm cheo leo bên sườn đồi. Phía trước chập chùng núi. Bố Cu Tre đón tôi với nụ cười hồn hậu. Tôi bước lên mấy bậc cầu thang gỗ cũ và ngồi xuống ở chiếc chiếu đã trải ngay ngắn giữa nhà. Một đĩa dâu rừng đã dọn sẵn. Những quả dâu rừng căng mọng, ngọt thanh. Gió từ con suối nhỏ bên hiên nhà thổi vào mát rượi. Sau khi chụp bức ảnh kỷ niệm, tôi vội vàng từ biệt cả nhà để đi tiếp. Thời gian quá gấp, tôi thấy băn khoăn vô cùng.
“Chừ vô nhà em cô nghe. Mình chỉ đi xe được một đoạn nữa thôi. Sau đó đi bộ cô nà!”. Dường như sợ tôi ngại nên Tương ngập ngừng nói. Chúng tôi để lại xe máy tại nhà cộng đồng của thôn rồi bắt đầu đi bộ. Tôi xách giày lên. Không ai chịu cho tôi đi chân đất. Cả ba đôi dép nhựa được cởi ra để nhường cho tôi...Sau khoảng mười lăm phút men theo một lối nhỏ gập ghềnh, khúc khuỷu hướng đi lên đỉnh núi, tôi nhìn thấy một ngôi nhà sàn nhỏ nằm nép mình dưới một vòm cây. Tôi ngước nhìn lên khung cửa sổ bé tí, trong khung cửa là một cụ già đang ngồi nhìn ra-hiền lành, phúc hậu. Tương nói khẽ: “Ba em đó cô”. Mặt trời đã khuất sau dãy núi.
Chiều chầm chậm buông. Xung quanh là một không gian mờ ảo. Trên ngọn đồi này chỉ có mỗi ngôi nhà nhỏ của gia đình em. Ngôi nhà này được dựng lên để ở tạm sau khi nhà bị lũ cuốn trôi nửa năm về trước. Tôi bước lên cầu thang, cúi mình xuống để vào nhà. Bố mẹ Tương nhìn tôi bằng ánh mắt vui mừng, ấm áp. Mẹ Tương chào tôi bằng tiếng Pa Kô. Ba Tương chậm rãi kể chuyện cả nhà thoát nạn sau cơn lũ dữ. “Nếu không có mấy chú bộ đội Biên phòng tới kịp và cõng chạy thì chắc giờ này bố mẹ đã không còn. Lũ đã cuốn đi tất cả!”. Tôi bất giác rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh hung dữ của cơn cuồng phong nơi đại ngàn này. Tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ. Thương những người dân vùng cao một đời lam lũ, nghèo khó vẫn gắng cho con về học chữ dưới xuôi.
Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến hoàng hôn trên núi cao-u tịch và hoang vu, rợn ngợp. Tôi chào ba mẹ Tương để xuống núi. Ông bà vội vàng xúc nếp đưa cho tôi. Tôi đỡ lấy bao gai nhỏ từ đôi bàn tay chai sần của mẹ và bỗng nhiên nước mắt trào ra. Biết bao giờ tôi trở lại nơi này. Biết bao giờ tôi mới gặp lại những tấm lòng bình dị và rất đỗi mến thương nơi đây.
Chúng tôi xuống dốc theo lối nhỏ lúc nãy. Chập choạng tối. Sợ tôi đi không quen, các em luôn miệng nhắc “Cô ơi, cẩn thận kẻo trượt chân!”.Tôi vịn vào bàn tay chai sần, rám nắng. Gió chiều thì thầm hát khúc yêu thương!
Ghé nhà Nhỡ khi trời đã nhá nhem. Tôi chỉ kịp nhìn qua bốn bên vách nứa của căn nhà trống hoác và gian bếp nhỏ xíu, mờ mờ tối rồi tất tả chào vợ chồng em cùng cô con gái nhỏ để ra về. Em tất bật gói ghém đủ thứ còn luôn miệng giục chồng ra bờ suối chặt một gốc măng. Tôi không kìm lòng được. Nước mắt cứ thế chảy dài. Thương ngôi nhà nhỏ chênh vênh bên bờ suối. Thương chồng em đã một mình nuôi con cho vợ đi học. Thương cô con gái bé xíu, đen nhẻm những đêm dài không có mẹ ở bên...
Nhạt nhòa đoạn đường trở lại. Tôi nghe lòng trĩu nặng. Cu Tre vẫn chở tôi chạy trước. Tương đi sau với lỉnh kỉnh đồ đạc-những món quà mang nặng nghĩa tình của người vùng cao. Tôi nghẹn ngào chia tay các em khi màn đêm bắt đầu buông xuống. “Vất vả đến đâu cũng đừng nghĩ chuyện bỏ nghề nghe em! Bởi mỗi con chữ mà các em có được phải đánh đổi biết bao nhọc nhằn khổ ải bây giờ mới thấy hết giá trị, mới thấy hữu ích đối với bản làng chúng em đang sinh sống và công tác”. Các em quay xe để trở về. Tôi không dám quay lại. Chờ cho đến khi hai cái bóng khuất dần sau triền dốc, tôi mới quay người nhìn theo. Nước mắt lặng lẽ rơi... Yêu thương biết mấy cho vừa!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)