Bước vào năm học mới 2022 - 2023, ngay khi có thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình trạng thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhiều giáo viên đã tình nguyện “tăng cường” đến các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa để chia sẻ khó khăn với ngành. Trong số này, có tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp của hai thầy giáo đến từ Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Tình nguyện “tăng cường” sau khi đã từng dạy học ở vùng cao
Đó là câu chuyện của thầy giáo Lê Kiên Cường, phụ trách môn Hóa học, Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong. Thầy Cường có nhà riêng ở thị xã Quảng Trị, nhưng trước đó, từ năm 2001, thầy công tác ở Trường THPT Đakrông, huyện miền núi Đakrông. Đến năm 2009, thầy được chuyển về công tác gần nhà tại Trường THPT Vĩnh Định. Năm học 2022 - 2023, ở Trường THPT Vĩnh Định thừa một giáo viên môn Hóa học, đồng nghĩa với việc sẽ có một giáo viên phải luân chuyển đến nơi khác.
Trong khi đó, biết thông tin về việc ở các huyện miền núi của tỉnh đang thiếu giáo viên trầm trọng, thầy Cường không chút do dự, viết đơn tình nguyện đến công tác tại Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa). “Tôi có nhiều năm dạy học ở miền núi, nên không nằm trong diện phải luân chuyển công tác. Tuy nhiên, biết ở miền núi đang thiếu giáo viên, tôi bàn với vợ rồi viết đơn tình nguyện lên nơi cần”, thầy Lê Kiên Cường tâm sự.Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Trị, thầy giáo Lê Kiên Cường cho hay, vợ của thầy cũng là giáo viên, công tác tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, hiện đang theo học lớp thạc sĩ ở Đại học Sư phạm Huế. “Trước khi viết đơn tình nguyện đi “tăng cường”, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu đi lúc này, thì việc chăm sóc con cái và gia đình sẽ rất vất vả, bởi vợ tôi hiện cũng đang đi học xa nhà. Nhưng với trách nhiệm của người thầy giáo, sự ủng hộ, động viên và chia sẻ của gia đình, tôi quyết định tình nguyện lên dạy học ở vùng cao”, thầy Cường bộc bạch.
Năm học 2022 - 2023, trước thực trạng thừa giáo viên vùng thuận lợi, thiếu giáo viên vùng khó khăn, ngày 4/9, ngành GD&ĐT tỉnh thống nhất điều động 27 giáo viên ở các trường thuộc khu vực thuận lợi đến công tác tại các trường học thiếu giáo viên thuộc khu vực khó khăn theo Kế hoạch 3735 của UBND tỉnh. Trong số đó, có 25/27 giáo viên viết đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ điều động của ngành nhằm chia sẻ khó khăn trong sự nghiệp trồng người, giảm bớt áp lực phải điều chuyển giáo viên của ngành.
Quyết định đến hỗ trợ giảng dạy tại Trường THPT A Túc, đồng nghĩa với việc thầy Lê Kiên Cường phải di chuyển quãng đường xa gần 150 km từ đồng bằng lên miền núi và chấp nhận cuộc sống xa gia đình với việc gửi hai đứa con nhỏ học lớp 2 và lớp 8 cho bà ngoại chăm sóc.
Năm học 2022 - 2023, trước thực trạng thừa giáo viên vùng thuận lợi, thiếu giáo viên vùng khó khăn, ngày 4/9, ngành GD&ĐT tỉnh thống nhất điều động 27 giáo viên ở các trường thuộc khu vực thuận lợi đến công tác tại các trường học thiếu giáo viên thuộc khu vực khó khăn theo Kế hoạch 3735 của UBND tỉnh. Trong số đó, có 25/27 giáo viên viết đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ điều động của ngành nhằm chia sẻ khó khăn trong sự nghiệp trồng người, giảm bớt áp lực phải điều chuyển giáo viên của ngành.
Nhưng thầy Cường vẫn vui vẻ, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ vì học sinh. Hơn 1 tuần, kể từ lúc đặt chân đến công tác tại Trường THPT A Túc, thầy Cường đã có thời gian gặp mặt, làm quen với học sinh, giáo viên và cuộc sống ở đây. Thầy được bố trí ở nội trú ngay trong khuôn viên của trường.
Đến môi trường mới nhưng thầy cảm thấy rất vui, bởi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo, công đoàn nhà trường và hơn hết là thầy đã giúp đỡ, hỗ trợ phần nào cho đồng nghiệp và chuyển tải những kiến thức mình có đến với học sinh một cách kịp thời.
“Công tác một môi trường mới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin với kinh nghiệm, thấu hiểu của bản thân về những khó khăn và khao khát con chữ của học sinh vùng khó sẽ phần nào giúp tôi sớm hòa nhập để làm tốt nhiệm vụ tại đây”, thầy Cường chia sẻ.
Kêu gọi hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh vùng cao
Nhận công tác cùng đợt với thầy giáo Lê Kiên Cường tại Trường THPT A Túc, còn có thầy Võ Văn Tuấn, giáo viên bộ môn Vật Lý từ Trường THPT Vĩnh Định điều động lên. Khác với thầy Cường, đây là lần đầu tiên thầy Tuấn tham gia “tăng cường” giảng dạy tại huyện miền núi Hướng Hóa. Bên cạnh việc làm quen môi trường công tác mới, thầy Tuấn còn đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường.
Thầy Tuấn chia sẻ, sau hơn một tuần đến nhận công tác, thấy học sinh ở đây còn quá thiếu thốn và thiệt thòi. Trong đó, nhiều em không đủ điều kiện để mua sắm dụng cụ học tập thiết yếu, sách giáo khoa, máy tính bỏ túi. “Trung bình mỗi lớp học có từ 36 - 37 học sinh nhưng chỉ có 3 - 4 em có đầy đủ dụng cụ học tập, còn lại thiếu rất nhiều”, thầy Tuấn cho biết.
Cảm thông, chia sẻ những khó khăn của học sinh nơi vùng cao Hướng Hóa, thầy giáo Võ Văn Tuấn đã đứng ra kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm, cựu học sinh, anh chị em đồng nghiệp chung tay đóng góp hỗ trợ dụng cụ học tập và sách giáo khoa cho học sinh nhà trường. Sau một thời gian ngắn kêu gọi, thầy Tuấn đã huy động hơn 2.000 cuốn vở, gần 500 bút viết, 26 máy tính cầm tay và nhiều phần quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. “Nhận thấy phần lớn học sinh của trường còn thiếu thốn nhiều, nên thời gian tới, tôi tiếp tục đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ phần nào cho các em có thêm điều kiện học tập tốt”, thầy Tuấn bộc bạch.
Hiệu trưởng Trường THPT A Túc Nguyễn Tửu cho biết, trường là một trong những đơn vị thuộc diện khó khăn của tỉnh. Hiện nay, trường có 3 khối lớp với hơn 450 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng khó trên tuyến Lìa của huyện Hướng Hóa. Điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc học của các em cũng bị ảnh hưởng.
“Nằm ở khu vực miền núi, điều kiện khó khăn, bên cạnh việc thiếu đội ngũ giáo viên thì điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đồ dùng dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Việc kịp thời tiếp nhận các giáo viên ở trường khác đến “tăng cường” cho chúng tôi là điều đáng trân quý. Bởi nhờ đó, phần nào hỗ trợ nhà trường đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời, hoạt động kêu gọi, hỗ trợ của giáo viên “tăng cường” còn giúp học sinh có thêm điều kiện để học tập”, thầy Tửu chia sẻ thêm.2
(Nguồn: Báo Quảng Trị)